Bảo tồn Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang

(Vietnamarchi) - Ngày 24/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.
08:41, 26/06/2024
Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (Ảnh: Internet).

Tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích gốc

Theo đó, mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích Đình Thổ Tang thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hoá, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hoá dân tộc; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc.

Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm tham quan, du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan môi trường; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...

Theo Quy hoạch, đối với Khu vực bảo vệ I của di tích giữ nguyên ranh giới khu vực bảo vệ theo Hồ sơ xếp hạng di tích. Tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích gốc gồm: Đình Thổ Tang diện tích khoảng 598 m2; cổng đình, diện tích khoảng 168 m2 và Ao đình (ao sen), diện tích khoảng 453 m2. Xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích...

Kiến trúc, trạm chổ tinh tế tại đình Thổ Tang (Ảnh: Vũ Hoài Nam; Vương Duy Khoái).

Đối với Khu vực phụ cận di tích dọc theo tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ bến xe Thổ Tang đến chợ Giang): Hình thành vùng đệm cây xanh cảnh quan kết nối di tích với các khu vực xung quanh; là vành đai bảo vệ và cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho di tích, được quản lý chặt chẽ về bố cục kiến trúc cảnh quan theo quy định của quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thổ Tang đã được phê duyệt.

Bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch

Đặc biệt, Quy hoạch là bảo tồn Di tích đình Thổ Tang gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch làng nghề; du lịch kết hợp mua sắm các sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Trong đó, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội đình Thổ Tang; nghiên cứu bổ sung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, một số loại hình thể thao, trò chơi dân gian của địa phương góp phần tăng sức hấp dẫn cho lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích đình Thổ Tang và các hiện vật có giá trị trong di tích.

Các tuyến du lịch: Xây dựng các tuyến du lịch trên cơ sở lấy yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch nội huyện, nội tỉnh, tour du lịch theo chuyên đề kết nối đình Thổ Tang với các điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh như: Đình Phương Viên, chùa Tùng Vân, đền Trúc Lâm, đình Thủ Độ, Khu du lịch sinh thái Đầm Rừng... góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Đình Thổ Tang tọa lạc ở trung tâm thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình thờ vị thần Lân Hổ Hầu Đô thống đại vương, là người có công đánh hổ cứu dân, đánh giặc giúp nước, làm đến chức đô thống trong triều vua Trần Nhân Tông, được phong tước Hầu.

Đình Thổ Tang nằm trên một bãi đất rộng, bên cạnh là một hồ nước nhỏ, nhìn về phía Tây - một hướng ít thấy trong loại hình di tích này. Đình có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm hai tòa: đại bái và hậu cung.

Đại bái gồm năm gian, hai chái, diện tích mặt sàn 380m2. Xung quanh nền đại bái được kè bằng đá tảng khá cao so với mặt đất. Hai bên tam cấp có hai con nghê chầu.Hệ thống khung chịu lực củađại bái làm bằng gỗ lim, gồm 48 cột gỗ lớn, trong đó có 8 cột cái (đường kính trung bình 0,70m), 16 cột quân (đường kính trung bình 0,50m) và 24 cột hiên (đường kính trung bìnhlà 0,45m). Cột được làm theo kiểu đầu cán cân, chân quân cờ, bọng cột hơi phình to, phía chân thót vào. Bộ vì nóc đại bái được làm theo kiểu chồng rường - giá chiêng. Liên kết giữa cột cái và cột quân của đại bái theo kiểu cốn chồng rường.

Bức hoành phi trong đình được trạm trổ công phu (Ảnh: Internet).

Hậu cung nối với đại đình theo kiểu liên kết mái. Công trình này làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp gạch hoa chanh, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm ngậm nước. Kết cấu bộ khung gỗ của hậu cung theo kiểu chồng rường - giá chiêng tương tự như đại đình, tuy nhiên các cấu kiện kiến trúc gỗ đều có tiết diện nhỏ, mảnh, để trơn không có chi tiết trang trí.

Đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc ở đình Thổ Tang là mái cong hình thuyền, cấu trúc nhà sàn, kỹ thuật trong xây cất công trình gỗ, chọn hướng và thế đất, kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc và con người, quá trình thích ứng với tự nhiên, khí hậu, thể hiện tư duy, thẩm mỹ, tâm lý của người Việt... Về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, trên kiến trúc tòa đại bái, đồ án trang trí rồng chiếm số lượng lớn, ngoài ra còn những đề tài phản ánh sinh hoạt của con người và hình tiên cưỡi rồng, phượng….rất phong phú, đa dạng và sống động.

Từ những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật nêu trên, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng đình Thổ Tang là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.

Pháp lý xây dựng

Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị Di sản Thế giới Tràng An hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ

Ninh Bình là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Hồng có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, có tương tác giữa khu vực phát triển với khu di sản, có thể tiếp nhận các lợi lợi thế của địa chính trị và lan tỏa giá trị lịch sử nhân văn của một thành phố có tài nguyên di sản.

Huế: Hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà

Sau 3 năm thi công, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà đã hoàn thành trước 9 tháng so với kế hoạch ban đầu, và mở cửa phục vụ du khách tham quan đúng dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024).

Thừa Thiên Huế đầu tư hơn 64,6 tỷ đồng để phục hồi di tích Đại Cung Môn

Việc thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông

Ngày 10/11, UBND phường Vân Phú, TP. Việt Trì (Phú Thọ) phối hợp với đơn vị thi công đã khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông.

Thừa Thiên Huế: Trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ Bao Vinh

Ngày 08/11, UBND Thành phố, Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã tổ chức Lễ khởi công Công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà rường tại số 77B Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi