Quy hoạch Thủ đô: Kết quả sau 4 tháng thực hiện và 18 cuộc trao đổi
Bài 3: Nông nghiệp Thủ đô, làm thế nào để quy hoạch không chỉ trên giấy
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp Thủ đô: mỗi đơn vị nhận diện một cách khác nhau
Tại Hội thảo, đại diện liên danh tư vấn đưa ra một tầm nhìn mới cho nông nghiệp Thủ đô, khác địa phương khác vì có lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao nên định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái… dự kiến xây dựng 8 khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư. Làm sống lại các dòng sông, tạo ra giá trị về cảnh quan và dịch vụ, khai thác hai bên sông Hồng; Lâm nghiệp của Hà Nội sẽ là “lá phổi xanh” cho Thủ đô, không chỉ là rừng mà còn mở rộng vùng trồng cây xanh…
Viện Quy hoạch Thủy lợi là đơn vị trong liên danh tư vấn trình bày các giải pháp liên quan đến tiêu nước, thoát lũ, giao thông thủy và môi trường… Trong đó có công trình điều tiết nước sông Hồng chảy vào sông Đáy: Đập Đáy, hoàn thành năm 1937. Tư vấn đề xuất khôi phục lại, nhưng chưa rõ bằng cách nào khi mực nước sông Hồng hiện nay đã thấp (-3m) so với cửa đập. Không chỉ trình bày các giải pháp thủy lợi mà Tư vấn còn đề xuất mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, trồng cây dưới tán rừng, nông lâm kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh, phát huy tối đa tác dụng của rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cần đánh giá hiện trạng, từ đó xác định “trồng cây gì, nuôi con gì” cho phù hợp với từng vùng để nông nghiệp Thủ đô sẽ đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao. Sở đã có 11 báo cáo về quy hoạch các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hà Nội, coi đây là cơ sở dữ liệu để đơn vị tư vấn đưa vào mục tiêu, phương án hiệu quả, đề nghị đơn vị tư vấn chỉnh sửa bổ sung nội dung chưa rõ về nông thôn, làng nghề .
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải chỉ đạo tất cả các ngành nên có một cách thức tiếp cận chung… Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc đánh giá thực trạng và hiện trạng là cực kỳ quan trọng. Cơ sở dữ liệu của ngành đang rất phân tán, không đầy đủ. Nếu không đánh giá kỹ thì không đi vào thực chất, lập quy hoạch chỉ là trên giấy. Vì vậy, vừa bàn quy hoạch, vừa phải có cơ chế riêng gỡ vướng những tồn tại trong lịch sử. Cần xác định định hướng phát triển là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển tuần hoàn, quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn. [1].
Thủ đô có bao nhiêu đất, nước và lao động nông nghiệp?
Năm 2010, nội dung Nông nghiệp của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là QHC 1259) cho biết: năm 2007, đất lúa Hà Nội 105.930ha, đến 2020 còn 50.530ha (chiếm 29% đất nông nghiệp). Năm 2018, Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020: Hà Nội có 174.429ha đất nông nghiệp, chiếm 51,93% diện tích toàn thành phố.
Năm 2023, bằng phương pháp số hóa hình học (Digitize geometry), đo đạc bản đồ vệ tinh đêm (Googe Earth at Nigth) cho thấy đất đô thị (có đèn sáng) diện tích 112.800ha; 5 đô thị vệ tinh theo QHC 1259 diện tích 42.300ha; chuỗi đô thị tỉnh Hà Tây cũ giao đất đổi lấy đường trục Bắc Nam 45.990ha. Tổng diện tích đất tự nhiên, bao gồm cả mặt nước sông Hồng, hồ ao, sông suối, núi rừng, đất hoang còn lại là 124.910ha. Đây chỉ là con số đo đạc, vì đất rừng cũng là đất nông nghiệp; Đất rừng Hà Nội còn lẫn đất ở trong đất rừng, có cả các khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf trong đất rừng; Đất dùng để sản xuất nông nghiệp là phải có hệ thống tưới tiêu, không có nước thì là đất bỏ hoang. Diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội hiện nay vẫn là ẩn số.
Nước sông Hồng rất nhiều nhưng mỗi khi nông nghiệp cần thì lại thiếu và phải xả nước hồ thủy điện sông Đà. Hồ Sông Đà chứa 9,45 tỷ m3, những năm 1990 xả 3 tỷ m3 là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đủ nước nhập đồng, nhưng 20 năm gần đây, nước hồ ít dần (có năm chỉ có 50% lượng nước về hồ), trong khi lượng xả tăng dần, có năm xả hơn 4 tỷ m3 không đủ, vì lòng sông thay đổi, các trạm bơm, thủy lợi nội đồng xuống cấp. Các công trình đại thủy nông (Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê) giảm dần tác dụng, nông nghiệp Hà Nội không những thiếu nước mà còn nước bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Thiếu nước mặt, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khai thác nước ngầm để sản xuất. Tuy vậy nước ngầm khai thác toàn vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình chỉ 6,5tỷ m3, được tích tụ trong nhiều năm, khai thác nhiều sẽ khó có khả năng phục hồi; khoan sâu lấy nước phi chuẩn sẽ dẫn hóa chất xuống tầng nước ngầm… Không có thông tin tài nguyên nước, không gian bảo toàn nước thì sẽ không thể có giải pháp khả thi “làm sống lại các sông”.
Năm 2016, lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản - chiếm 23,7% lao động nông thôn (502.296/2.114.000). Trong đó chưa qua đào tạo chiếm 90,55%; Đã đào tạo không có chứng chỉ 4,56%; Sơ cấp nghề và có chứng chỉ 1,94% (Trong đó, trung cấp 1,44%, cao đẳng 0,95%, Đại học trở lên chiếm 0,51%) [2]. Số lượng lao động sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội giảm dần qua các năm, đặc biệt lao động trẻ do chuyển sang các công việc phi nông nghiệp, di chuyển tới các vùng sản xuất nông nghiệp mới tại Tây Bắc,Tây Nguyên... và xuất khẩu lao động. Số lượng và chất lượng lao động nông nghiệp Hà Nội năm 2023 vẫn là ẩn số.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô mà không có số liệu về đất, nước, lao động nông nghiệp thì không có cơ sở để lập quy hoạch mà còn sa đà vào các đề xuất tùy hứng, dẫn đường cho các dự án chuyển đổi đất ruộng công sản thành đất BĐS tư hữu, hủy hoại không gian sản xuất nông nghiệp Thủ đô.
Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần phát triển nông nghiệp đã chỉ ra: “Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.”
Quy hoạch nông nghiệp Thủ đô nếu không rõ mục tiêu “trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái... gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc” thì các địa phương sẽ không nhận diện đầy đủ các lợi ích lâu dài mà bị các dự án mang lại lợi ích ngắn hạn chi phối.
Phát triển nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, hệ sinh thái bền vững Thủ đô
Nông nghiệp công nghệ cao tới đâu cũng cần tới nước, càng hiện đại thì càng sử dụng tiết kiệm nước và sử dụng tuần hoàn nước trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt. Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: “Thế giới đã coi nước thải cũng là tài nguyên, bởi nguồn nước ngày càng cạn kiệt… Tại Việt Nam, việc tái tạo và sử dụng lại nước thải không nhiều, nên rất lãng phí.” Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần xem quản lý nguồn nước là một cấp độ quản trị quốc gia, bởi nó tác động sâu rộng đến tất cả ngành nghề, ở nhiều góc cạnh từ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh bày tỏ: “Nếu tái chế được nước thải sẽ giảm ô nhiễm, góp phần phục hồi nhiều dòng sông. Hiện có nhiều dự án áp dụng công nghệ đã sử dụng nước tuần hoàn, hầu như không xả nước thải. Chúng ta cần có hệ thống như vậy.” [2].
Suy thoái, ô nhiễm, thất thoát nước đang nghiêm trọng quy mô cả nước, Hà Nội còn thấy rõ hơn trong 20 năm qua, do vậy Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô là cơ hội lớn để biến nhận thức “coi nước thải là tài nguyên” thành hành động thiết thực.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ biến nước thải, rác thải gây ô nhiễm đô thị, nông thôn thành của cải làm giàu dinh dưỡng đất đai, nuôi trồng nông sản tốt tươi mà còn gia tăng giá trị các bất động sản đô thị lẫn nông thôn. Khi thị trường BĐS chia lô bán nền hay chung cư cao tầng tại Hà Nội rất trầm lắng thì phân khúc biệt thự có mặt nước rất đắt đỏ và khan hiếm, nhiều dự án BĐS đã vẽ nhiều mặt nước quanh nhà để gia tăng sức mua, thoát nạn phá sản. Mặt nước tại các vùng nông thôn đã ttrải qua hàng ngàn năm biến các làng quê trở thành đơn vị tự chủ sinh thái hoàn hảo: không đổ rác thải, nước thải sang làng khác.Vượt qua các thách thức chiến tranh, dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Sự mất cân bằng ấy chỉ mới xảy ra trong giai đoạn đô thị hóa làng vội vã, thiếu kiểm soát 20 năm trở lại đây, nay cũng là lúc khôi phục, tái lập sự cân bằng bền vững.
Môi trường sống cân bằng đất và nước đang là xu thế phát triển toàn cầu trước thách thức của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Nhiều thành phố đã thực hiện thành công việc tạo ra môi trường sống chất lượng cao cho cư dân kết hợp sản suất nông nghiệp, thủy sản, sản xuất các sản phẩm sinh học chất lượng cao. Tháng 6/2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thành phố mới Hùng An ở Hà Bắc nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ông đánh giá mô hình này giải quyết được các vấn đề về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường và thiếu điều kiện sống đủ tiêu chuẩn cho người dân mà các đô thị lớn thường gặp phải. Thủ tướng cho rằng: “Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước“.
Hà Nội cũng đang ấp ủ giấc mơ Thành phố Mới Bắc sông Hồng. Đã có nhiều đề xuất của tư vấn trong ngoài nước… Nhưng sau những cách gọi mới thì vẫn là cách làm cũ: khoanh vùng làng xóm hiện hữu để lấy ruộng làng, san lấp chia lô bán nền hay xây nhà cao tầng, nhét thêm cái sân golf lạc lõng… những dự án hiện có quy mô hàng chục ngàn ha hiện đang ế ẩm, bỏ đất hoang hoặc xây xong không có người ở tràn lan. Có thể lồng ghép mô hình đô thị nước – nông nghiệp sinh thái vào không gian này - đó chính là phát huy thế mạnh của phương pháp lập Quy hoạch Thủ đô tích hợp đa ngành, đa lợi ích: Quy hoạch phát triển nông thôn không tách rời quy hoạch nâng cấp đô thị.
Tài liệu tham khảo
1. https://vienktxh.hanoi.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien-noi-bat/-/view_content/4768951-dinh-huong-quy-hoach-nong-nghiep-thu-do-theo-huong-do-thi-sinh-thai.html
2. https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-nong-nghiep-tren-dia-ban-tp-ha-noi.html
3. https://vnexpress.net/can-coi-nuoc-thai-la-tai-nguyen-4613896.html
Ý kiến của bạn