Bài 1: Thông tin dân số hiện trạng và dự báo sai, kết quả: Quy hoạch mạng lưới trường học bỏ quên trường học

(Vietnamarchi) - Mỗi năm đến kỳ đăng ký nhập trường, cả Hà Nội lại nháo nhắc căng thẳng vì không có đủ trường lớp cho học sinh từ mầm non đến tiểu học, trung học phổ thông. Ai cũng biết các chủ đầu tư khu đô thị chỉ tập trung xây nhà bán còn trường học bỏ lại… Nhưng còn có nguyên nhân trọng yếu khác ít người biết.
12:04, 24/07/2023

Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Quy hoạch Hà Nội

Năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ Xây Dựng, UBND Thành phố Hà Nội… quyết định thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng tại thành phố Hà Nội từ ngày 01/10/1992.

Bản đồ vệ tinh quận Cầu Giấy năm 2003, sau 6 năm thành lập quận (1997) đất ruộng vẫn còn rộng. Quy hoạch sử dụng đất quận Cầu Giấy do Sở Quy hoạch Kiến trúc lập, trình duyệt, công bố năm 2004

Năm 1996, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng chủ trì cùng các đơn vị, Bộ ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia quy hoạch quốc tế hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 để trình Bộ Chính trị thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (gọi tắt là QH 108)

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Sở Quy hoạch – Kiến trúc trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định xác định chức năng, nhiệm vụ của Sở Quy hoach – Kiến trúc Hà Nội, theo đó nhiệm vụ chính của Sở là “tham mưu” cho UBND thành phố để tổ chức tốt việc quản lý Nhà nước về quy hoạch – kiến trúc theo định hướng quy hoạch chung đã được Nhà nước phê duyệt, ông Đào Ngọc Nghiêm được bổ nhiệm Giám đốc sở.

Cùng thời gian đó, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI)– đơn vị trực thuộc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp quản) lập, trình “Quy hoạch mạng lưới trường học thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” và được UBND Thành phố quyết định phê duyệt số 05/2003/QĐ-UB (*).

Tác giả trình bày “Báo cáo Rà soát đánh giá sai sót Quy hoạch mạng lưới trường học và đề xuất chỉnh sửa bổ sung” tại Văn phòng quận ủy Cầu Giấy năm 2009. Bảng thống kê các sai số dự báo dân cư dẫn đến thiếu hụt 50% đất xây trường học tại 5 quận nội thành mở rộng (Từ Liêm bao gồm Nam và Bắc; Thanh Trì bao gồm Hoàng Mai).

Căn cứ tính ra diện tích đất xây trường học là dựa vào số dân, tương ứng 1.000 dân có 310 học sinh 4 cấp phổ thông và các cấp dạy nghề, cao đẳng, trẻ khuyết tật. Mỗi học sinh tùy theo cấp loại có diện tích đất xây trường theo quy chuẩn. Dữ liệu đầu vào là số dân sai thì tính ra diện tích đất xây trường sai.

Thông tin dân số sai dẫn đến bố trí thiếu 50% đất xây trường cách đây 20 năm

Quận Cầu Giấy có diện tích hơn 1.200 ha, số dân năm 1997 là 9 vạn, lên đến 14 vạn người năm 2001. Quy hoạch căn cứ vào dân số hiện trạng (2003) vẫn là 9 vạn, số học sinh gần 2 vạn. Dự báo đến 2020, dân số tăng gần 15 vạn, có hơn 4 vạn học sinh. Quy hoạch gần 60ha đất xây trường (đã là thừa), còn đâu tha hồ làm nhà ở chia lô, cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, trụ sở công ty.

Thực tế, năm 2008 dân số Cầu Giấy đã trên 20 vạn, số học sinh 4 cấp gần 5 vạn cháu. Chưa qua nửa thời gian, đã thiếu hàng chục ha, tính đến năm 2020 thì đất xây trường thiếu gấp đôi. Đất xây trường không có nhưng thừa đất để thỏa thuận, giới thiệu cho các doanh nghiệp… khai thác BĐS, mua đi bán lại đã đành, còn thừa hàng trăm ha đất bỏ hoang, đắp chiếu 20 năm qua. Năm 2023, Thành phố đang có kế hoạch thu hồi 18 dự án xây dựng trụ sở các tổng công ty, ngoài ra còn 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ thực hiện (Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

Quận Cầu Giấy vốn là các làng ven sông Tô, các lớp học chỗ nào cũng được ưu tiên xây dựng rộng rãi thoáng mát tĩnh mịch, cửa sổ các lớp trông ra đồng lúa xanh rờn. Giờ đây có trường chen chúc giữa khu dân cư, có trường chung tường với nhà tang lễ bệnh viện, cảnh tắc đường, tiếng còi xe với âm thanh kèn trống đám ma.

Đất đai tại quận Cầu Giấy đắt đỏ nhưng hàng trăm ha cấp cho các dự án vẫn đắp chiếu, 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Đất xây trường tại 5 quận trung tâm mở rộng thiếu 50% do Quy hoạch trường học “quên” đất xây trường vì dự báo dân cư sai.

Trong giai đoạn 2003-2008, Sở Quy hoạch Kiến trúc “quản lý quy hoạch – kiến trúc” toàn diện các tòa nhà lớn nhỏ trong khu đô thị mới nhưng không tính số dân tới mua nhà, khi họ đến ở thật thì con cháu họ không có trường, chen vào trường làng, có lớp hơn 70 cháu. Thành phố mở rộng nhưng chất lượng sống phố mới lẫn làng cũ không được cải thiện mà còn kém đi. Quy hoạch dự báo năm 2020 dân Cầu Giấy tăng từ 9 vạn lên 15 vạn. Kiểm kê dân số năm 2019 đã gấp đôi: gần 30 vạn. Sau 20 năm (2003-2023) Quy hoạch thiếu 50% đất xây trường, cựu lãnh đạo cơ quan quy hoạch kiến trúc trả lời công luận “có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là dân số Hà Nội tăng mạnh không kiểm soát được, đề nghị UBND TP Hà Nội phải tăng cường ngân sách xây trường học thay vì chỉ giao cho chủ đầu tư.” (**).Thực ra hoàn toàn kiểm soát được, như quận Cầu Giấy đã sớm phát hiện Quy hoạch sai khi dựa vào số dân hiện trạng sai và dự báo sai để chủ động khắc phục. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… nay mới phát hiện ra thì đã quá muộn: không còn đất trống để giữ lại xây trường nữa. Nguồn lực lớn nhất là đất đai đã thả nổi rồi thì lấy đâu ngân sách tăng cường xây trường học?

Quy hoạch Hà Nội không thể bằng cách tiếp cận lạc hậu, tùy tiện, chủ quan

Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung 1259 (2011-2021),Thành phố giao Viện Quy hoạch Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội rà soát đánh giá, tuy vậy đề cập tới thực trạng thiếu hụt quỹ đất xây trường rất hời hợt. Trích Báo cáo tóm tắt (tháng 10/2021) mục Hệ thống giáo dục: “Theo các quy định của QHC 1259: Xây dựng, bố trí đủ hệ thống các trường phổ thông theo quy chuẩn và tiêu chuẩn đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện: Trí-Đức-Thể Mỹ. Đến năm 2020, tỷ lệ trường đạt tiêu chuẩn quốc gia >60%. – Quá trình cụ thể hoá 1259 (các QHC, PK, chuyên ngành…): Theo các QHPK được duyệt, chỉ tiêu áp dụng tối thiểu 15m2/hs; đối với khu vực nội đô lịch sử áp dụng là 6-8m2/hs. Thành phố đã triển khai lập Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng chưa phê duyệt.

 Nhận xét, đánh giá: Về cơ bản đã triển khai theo đúng định hướng của QHC1259, đảm bảo mỗi phường, xã có tối thiểu 1 trường công mỗi cấp, đầu tư xây dựng mới hệ thống trường học, nhà trẻ theo quy hoạch được duyệt, bổ sung quỹ đất trường học, nhà trẻ từ các quỹ đất công nghiệp di dời, chuyển đổi…”

Mục Quy mô dân số và tỷ lệ đô thị hoá, Báo cáo cho biết “QHC 1259 dự báo 2020 dân số thành thị 4,67 triệu người, nông thôn 3,28 triệu người. Niên giám thống kê 2020 dân thành thị 4,026 triệu, nông thôn 4,184 triệu.”

Mục “Định hướng phát triển không gian tại các khu vực” cho biết: “Theo tính toán của Viện Quy hoạch xây dựng, dân số tại khu vực trung tâm đã đạt khoảng 4,757 triệu người (tăng khoảng 1,009 triệu người so với định hướng đến 2020 và khoảng 151 nghìn người so với định hướng đến năm 2030).”

Cách biện giải này rất chủ quan, mâu thuẫn: Niên giám thống kê thì dân đô thị còn thấp hơn dự báo QH1259 (4,026 triệu/4,670 triệu); Viện Quy hoạch tự tính ra 4,757 triệu người và tự kết luận: “Như vậy, dân số tại khu vực đô thị trung tâm hiện đã cao hơn ngưỡng khống chế quy định tại QHC 1259”. Lý do này mở đường cho việc vẽ quy hoạch mở rộng đất đô thị mới tràn lan trên đất tự nhiên, nông nghiêp. Số liệu dân số làm cơ sở để bố trí đất xây trường học thiếu 50% nhưng để lấy lý do mở rộng đất đô thị – thực chất là mở đường cho các dự án thu hồi đất công để khai thác bất động sản tư nhân thì dựa vào dự báo dân số tăng phi lý. Huyện Mê Linh có 187.255 người năm 2009; Đến năm 2019 có 241.883 người, tăng thêm 54.628 người, tương ứng việc làm mới công nghiệp và xây dựng. QHC 1259 dự kiến tăng dân số tới 225.000 người nên đã đã chuyển đổi 50% đất trong đồng thành đất đô thị (5.900 ha/11.700 ha). Thực tế dân số đã tăng hơn dự kiến, nhưng tập trung tại các điểm đô thị cũ, còn hầu hết đất đô thị mới chưa có người ở. Mê Linh là địa phương nhiều bất động sản không người nhất Hà Nội,có thể nhận biết thực tế và bản đồ vệ tinh đêm (Earth at Night). Năm 2023, Viện Quy hoạch Hà Nội đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh cần tiếp tục tăng đất đô thị thêm 2.000 ha nữa để đón nhận dân số Mê Linh tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Dự báo dân số thấp để bố trí đất xây trường thấp, nhưng dự báo dân số tùy tiện để bố trí đất đô thị, mở đường cho thu hồi đất công để khai thác bất động tư nhân cao

Ai cũng muốn Mê Linh trở thành đô thị Thông minh – Sáng tạo, nhưng sau 10 năm, hàng ngàn ha đất ruộng bị thu hồi, Mê Linh cố gắng đào tạo lao động nhưng kết quả không đáng kể: đào tạo sơ cấp/ngắn hạn cho lao động 18-43 tuổi của Mê Linh đạt 14,7% so với trung bình toàn thành phố là 31,7%. Khu công nghiệp Quang Minh có các ngành sản xuất phụ tùng và chi tiết xe máy (trừ khung xe và động cơ), tôn lợp, cấu kiện thép xây dựng, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, lương thực, lắp ráp máy nông lâm nghiệp, điều hoà – những ngành nghề đơn giản, không có chuyên môn cao. Các bản quy hoạch đổi màu xanh ruộng lúa thành màu vàng bất động sản mà không có đề xuất mô hình kinh tế mới thực sự nào tạo ra động lực để thu hút dân cư, cơ hội sinh kế để dân cư tồn tại ở đó; Có đủ nhà trẻ, trường học để cư dân trẻ tuổi không bị thất học, lớn lên không bị đẩy ra bên lề của cái thành phố thông minh sáng tạo tương lai.

Dân số đô thị Hà Nội tăng gấp đôi trong 20 năm: JICA công bố 2003 có 2,4 triệu; HUPI tự tính 4,8 triệu người. Đất đô thị hóa tăng hơn 10 lần: tổng diện tích đất dự án đô thị vệ tinh, sinh thái, chức năng… cộng với diện tích phát sáng trên bản đồ đêm đã chiếm gần 50% đất tự nhiên toàn Hà Nội (1.551 km²/3.360 km²) cho thấy Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất tự nhiên, nông nghiệp thành đất đô thị bừa bãi, tùy tiện.

Toàn bộ hồ sơ rà soát đánh giá quy hoạch do HUPI – Sở Quy hoạch Kiến trúc lập không áp dụng các công nghệ mới: vệ tinh phân giải cao, viễn thám, ảnh bay chụp flycam, phân tích quang phổ, điểm sáng với sự hỗ trợ của AI, số hóa hình học (geometry digitization). Hoàn toàn vẽ 2D thủ công… Sau 20 năm tin học hóa công tác quản lý, kỹ thuật công nghệ lập quy hoạch không có bước tiến hóa nào. Với công cụ phương pháp lập quy hoạch lạc hậu, tùy tiện, chủ quan sẽ tạo ra nguy cơ quy hoạch Hà Nội trở thành một bất động sản khổng lồ mất cân đối toàn diện, thiếu bền vững rất cao.

Cần khai thác công nghệ ảnh vệ tinh phân giải cao, phân tích với sự hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để rà soát đánh giá quy hoạch và thực hiện quy hoạch Hà Nội

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, đơn vị liên quan sản xuất ra quy hoạch sai, lỗi như thế nào?. Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định “Các hành vi bị cấm” (Điều 16): “…chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị không đủ điều kiện năng lực. Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị không đúng quy định”. Luật Quy hoạch 2017 có Điều 13: “Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.” Những điều Luật này có đủ mạnh để ngăn chặn các tổ chức cá nhân làm ra các bản quy hoạch lỗi-sai như quy hoạch trường học 20 năm trước và các bản quy hoạch đang đề xuất hiện nay?

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Nguồn ảnh minh họa: Hanoidata & City Solution

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-05-2003-QD-UB-duyet-Qui-hoach-Mang-luoi-truong-hoc-Thu-do-Ha-Noi-den-nam-2010-dinh-huong-den-nam-2020-35247.aspx

(**) https://tienphong.vn/chu-dau-tu-khu-do-thi-o-ha-noi-bo-quen-xay-truong-hoc-trach-nhiem-cua-ai-post1551450.tpo

Pháp lý xây dựng

Đô thị biển Cần Giờ - cực tăng trưởng mới của Thành Phố Hồ Chí Minh

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là dự án siêu đô thị trọng điểm, mang tầm vóc quốc tế, trong chiến lược phát triển hướng biển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Dự án đã chính thức khởi công vào ngày 19/4, bước vào giai đoạn triển khai, hứa hẹn mở ra chương mới cho khát vọng vươn ra biển lớn của thành phố.

Định hướng hệ thống TOD phức hợp cho khu vực TPHCM trong bối cảnh mở rộng ranh giới hành chính và nguồn lực phát triển

(KTVN 255) Nhìn chung, việc phát triển mạng lưới TOD trong vùng kinh tế động lực TPHCM đòi hỏi một cách tiếp cận đa tầng và linh hoạt. TPHCM sẽ là trung tâm điều phối với mô hình AI-TOD, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa giao thông. Nhơn Trạch sẽ phát triển theo hướng MAOD, tập trung vào tính linh hoạt trong di chuyển với hệ thống phà, xe điện và BRT. Bình Dương sẽ đi theo mô hình UTD, tập trung phát triển đô thị quanh các ga tàu và nâng cao hệ thống giao thông công cộng. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai VOTOD, kết hợp giữa đường sắt, giao thông thủy và các phương tiện thân thiện với môi trường. Khi tất cả các khu vực này được kết nối chặt chẽ trong một hệ thống tổng thể, vùng kinh tế động lực TPHCM sẽ có một nền tảng giao thông hiện đại, bền vững và hiệu quả hơn.

Mô hình thành phố song sinh Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành

(KTVN 255) Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi tốc độ di chuyển và khả năng mở rộng kết nối trở thành yếu tố then chốt, sân bay Quốc tế Long Thành đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm năng lực hàng không quốc gia, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn diện, bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Mô hình đô thị đặc thù - đô thị động lực trong bối cảnh của Thành phố Hồ Chí Minh

(KTVN 255) Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017. Chỉ sau 5 năm thực hiện, việc thí điểm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 cho thấy hiệu quả của cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM chưa có tác động đáng kể đến hiệu quả phát triển. Vì vậy, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5 ngày 24/5/2023, nhằm đáp ứng nhu cầu tạo dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để dễ dàng phát triển trên cơ sở mật độ kinh tế rất lớn của TPHCM.

Đô thị toàn cầu Thành phố Hồ Chí Minh - Đặc thù và động lực

(KTVN 255) Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt đã đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TPHCM thành đô thị toàn cầu, là hạt nhân vùng, cực tăng trưởng cả nước. Vậy TPHCM có những đặc thù gì và sẽ dựa vào những động lực nào để vươn mình thành đô thị toàn cầu trong tương lai...?

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi