Tổ chức “Hội trại sáng tạo kiến trúc và nghệ thuật”
Theo đó, Hội trại được thiết kế nhằm tạo ra môi trường học thuật lý tưởng, giúp sinh viên các trường đại học chuyên ngành thiết kế có cơ hội học hỏi, nâng cao khả năng sáng tạo và áp dụng kiến thức vào thực tế. Đồng thời, hội trại còn thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ, giao lưu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường đại học trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và nghệ thuật. Bên cạnh đó, hội trại cũng cung cấp kiến thức chuyên ngành về thiết kế, xã hội và môi trường thông qua các buổi tọa đàm và hội thảo. Đây còn là dịp để cho các trường đại học, giảng viên và sinh viên tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa, con người tại tỉnh Bình Định thông qua các hoạt động sáng tạo về kiến trúc và nghệ thuật.
Hội trại diễn ra từ ngày 16 - 21/12 tại Trung tâm ICISE, thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu là kiến trúc sư, nghệ sĩ cùng giảng viên, sinh viên đến từ 8 trường đại học: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học mở Hà Nội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Quy Nhơn.
Hội trại chia thành 3 trại sáng tạo, gồm: Trại vẽ mỹ thuật – trực họa; Trại thiết kế mẫu poster trên đường đi dạo của Vườn Giáo dục môi trường (EviEdu garden); Trại thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.
TS. Nguyễn Thái Huyền - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hội trại "Sáng tạo Kiến trúc và Nghệ thuật” có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là sự kiện kết nối liên ngành Kiến trúc và Nghệ thuật, hội tụ các cơ sở đào tạo hàng đầu tại cả 3 miền của đất nước. Sự kiện góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh đô thị khoa học của thành phố Quy Nhơn với điểm nhấn là Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Đây cũng là những tiền đề để thành phố hướng tới phát triển mô hình du lịch khoa học như một nét riêng độc đáo của Quy Nhơn...
Trong khuôn khổ hội trại còn có tọa đàm với chủ đề "Nghệ thuật, kiến trúc và ứng dụng trong đời sống" nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về sáng tạo dưới nhiều góc độ khác nhau.
Tọa đàm được xây dựng và quy tụ nhiều bài tham luận giá trị, như: Nét đặc sắc Quy Nhơn (nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn); Ứng dụng mỹ thuật truyền thống trong thiết kế đồ họa và quảng cáo hiện đại ở Việt Nam (ThS Nguyễn Vũ Lâm, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM); Ứng dụng mô hình 3D trong phục dựng di sản (TS-KTS Đinh Nam Đức, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng); Vai trò và ứng dụng của ký họa trong nhận diện bản sắc địa phương (ThS-KTS Trần Thị Thanh Thủy, ĐH Kiến trúc Hà Nội).
Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: ICISE).
Ý kiến của bạn