Tìm cách thoát khó cho thị trường VLXD
Lượng tiêu thụ vẫn ở mức thấp
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, lĩnh vực vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi mỗi năm đóng góp khoảng 6,5-7% GDP cả nước. Nhưng do kinh tế và thị trường bất động sản chưa hồi phục khiến nhiều dự án, công trình chậm triển khai, nhóm doanh nghiệp xây dựng, VLXD năm qua tiếp tục làm ăn thua lỗ. Sản xuất và tiêu thụ nhiều loại VLXD giảm sâu, hàng tồn kho ngày càng tăng cao khiến doanh nghiệp phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.
Chẳng hạn như mặt hàng gạch ốp lát, theo số thống kê, sản lượng năm 2023 đạt khoảng 386 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ ở mức 291 triệu m2, giảm 25% so với năm trước; Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi năm 2023 đạt 2,5 triệu tấn, giảm 2,5%. Sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022; sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022; tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2.
Đầu năm 2024, do chưa vào mùa xây dựng nên lượng tiêu thụ vẫn còn ở mức thấp, nhiều ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp VLXD tăng mạnh khối lượng sản xuất đầu năm đang gây áp lực cho các nhà phân phối, đại lý. Do đó, nếu nhập nhiều mà không có đầu ra sẽ gây tồn kho lớn. Nhưng nếu đợi thanh lý hết tồn kho rồi mới nhập hàng thì các nhà phân phối, đại lý lại lo ngại “bão giá” nguyên vật liệu như mấy năm trước.
Lo ngại bão giá
Hiện nay dù đầu ra chưa rộng mở nhưng theo các chuyên gia, giá một số loại VLXD vẫn liên tục biến động, thậm chí tăng cao làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giảm cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào giá cát cũng tăng do thiếu hụt nguồn cung. Ngay thời điểm cuối năm, cát được coi như "vàng" bởi rất khan hiếm trong khi hiện có nhiều người tham gia kinh doanh lĩnh vực này nên khả năng cạnh tranh, kết nối và giữ được nguồn khách hàng của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Đại diện cơ sở kinh doanh VLXD trên đường Đại Mỗ cho biết, đầu năm 2024, giá thép tăng 02 lần khiến nhiều người dự báo giá có thể sẽ tiếp tục tăng. Nếu cứ tăng như vậy nhiều khách hàng sẽ tính toán lại kế hoạch xây sửa nhà cửa. Còn đối với những người kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ không trụ nổi mà phải phá sản, chuyển hướng kinh doanh khác.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù 2-3 năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật. Đây được coi là giải pháp tích cực kích cầu thị trường VLXD, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đầu tư công cũng có hạn chế là không thể phủ hết các loại VLXD khác nhau và nguồn cũng có hạn.
Tìm cách thoát khó
Ngành VLXD có đặc tính nổi bật là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi ngành xây dựng, bất động sản làm ăn phát đạt thì ngành VLXD có cơ hội để tăng trưởng và ngược lại. Từ năm 2020 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ngành VLXD gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là tắc nghẽn đầu ra tiêu thụ sản phẩm sử dụng cho các công trình dân dụng và công nghiệp.
Thời điểm hiện tại, để giải phóng hàng tồn kho cũng như gây dựng niềm tin cho thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các thị trường hàng hóa chuyên biệt ở Việt Nam, không chỉ đối với sắt thép mà còn các kim loại, VLXD khác trên sàn giao dịch hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, với giá thép, các công ty xây dựng có thể mua thép với giá xác định trong tương lai, biến động giá thị trường sẽ không ảnh hưởng đến giá thành xây dựng, qua đó tránh được tình trạng giá nhà bán ra điều chỉnh theo giá thép, gây ảnh hưởng cho cả người bán và người mua nhà.
Đánh giá về vấn đề này, theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân – Nguyên Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương TP. Hà Nội, sàn giao dịch VLXD là hết sức cần thiết nhưng quan trọng là cung cầu không gặp nhau, chất lượng từng loại sản phẩm phụ thuộc vào nhu cầu nhà đầu tư. Do vậy, giá cả chủ yếu thoả thuận theo yêu cầu khách hàng, từ đó lựa chọn chất lượng và giá cả.
Để xây dựng được một sản phẩm niêm yết trên Sở giao dịch, cần rất nhiều điều kiện về khối lượng giao dịch thương mại, khả năng tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tính thanh khoản của thị trường và năng lực vận hành của Sở giao dịch. Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh trên thị trường quốc tế, về mặt lý thuyết là có khả năng xây dựng Sở giao dịch của riêng mình cho các sản phẩm đó.
Ngoài ra, để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng cần tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tăng cường khâu marketing để bán hàng, mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới cũng vô cùng quan trọng nhằm tăng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn…
Trong bối cảnh này, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy cộng đồng doanh nghiệp ngành VLXD. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp hết sức quan trọng, tạo đà để toàn ngành vực lên trong thời gian tới.
Do vậy, cần có sự điều chỉnh kịp thời về Chiến lược phát triển nhà ở, cụ thể là sớm điều chỉnh tỉ lệ giữa phân khúc nhà ở thương mại với nhà ở xã hội. Qua đó giải quyết triệt để tình trạng nhiều biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao cấp rải rác khắp nơi không có người ở, trong khi người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp lại không có nhà để ở.
Ý kiến của bạn