Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo – 3 nội dung đầu tiên cần xác định

Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo – 3 nội dung đầu tiên cần xác định

(Vietnamarchi) - TCKTVN 236 – Khi nghiên cứu thiết kế xây dựng cầu Trần Hưng Đạo Hà Nội, 3 nội dung quan trọng, đầu tiên cần được xác định rõ là: Quy mô – Tính chất – Ngôn ngữ và hình thức kiến trúc. Điều đó cũng có nghĩa là những nội dung này cần được thể hiện rõ trong đầu bài cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tới đây! Đầu bài không xác định được rõ coi như những ý tưởng thiết kế cũng chỉ như “Thày bói xem voi” mà thôi!
14:29, 01/03/2023

Thời gian qua, sau khi có kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (nằm trong địa phận của Thành phố Hà Nội) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông – Bộ Giao thông & Vận tải tổ chức, dư luận đã có nhiều ý kiến về việc đa số Hội đồng tuyển chọn cho điểm cao nhất với Phương án 3 của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải TEDI – là phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách kiến trúc “cổ điển xứ Đông Dương”?

Phương án cầu Trần Hưng Đạo mang kiến trúc xứ Đông Dương

Cây cầu Trần Hưng Đạo có vai trò kết nối về giao thông giữa hai bờ sông Hồng chảy qua khu nội đô lịch sử của Hà Nội (bờ Nam) sang bên kia là khu vực phát triển đô thị mới của Hà Nội thuộc quận Long Biên (bờ Bắc). Quy hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo đã nằm trong nội dung Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, nó góp phần giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông, con người trong khu nội đô lịch sử Hà Nội và tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của khu vực đô thị bờ Bắc sông Hồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, việc nghiên cứu thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần quan tâm và làm rõ một số nội dung sau:

Quy mô

Cầu Trần Hưng Đạo với bờ Bắc kết nối trực tiếp với khu nội đô lịch sử của Hà Nội, tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm – Có thể nói cây cầu đi thẳng vào vùng trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, đầu tiên, quy mô và tính chất của cây cầu cần được xác định rõ. Nó sẽ không giống với các cây cầu nằm trên tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.

Hiện nay trên thế giới, họ rất hạn chế phát triển những cây cầu lớn đi trực tiếp vào khu vực trung tâm thành phố. Lý do là vì quy mô cầu càng lớn thì càng tăng lưu lượng phương tiện và con người tham gia giao thông, tăng khí thải độc hại cho môi trường, chất tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị…; Trong khi khu vực trung tâm thành phố thường đã là chỗ đông người với quy hoạch chặt chẽ, hệ thống đường giao thông đã được định hình cố định. Với cầu Trần Hưng Đạo đi thẳng vào vùng lõi trung tâm của Thủ đô Hà Nội, thì rất cần xem xét về quy mô cho phù hợp. Như chúng ta đều biết, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội là khu vực hạn chế phát triển và tránh tối đa sự can thiệp của con người vào cấu trúc đô thị đã định hình và hạn chế tăng dân cư, không chất tải thêm cho hệ thống hạ tầng và xã hội đô thị… Do vậy, cầu Trần Hưng Đạo chỉ cần thiết kế giao thông ô tô với tối đa 04 làn xe, trong đó: 02 làn xe từ bờ Nam sang bờ Bắc (để giải tỏa nhanh con người và phương tiện từ nội đô đi ra); 01 làn xe từ bờ Bắc sang bờ Nam đi vào hướng trung tâm nội đô là khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội (để hạn chế con người và phương tiện từ bên ngoài vào khu vực này); và 01 làn xe từ bờ Bắc sang bờ Nam kết nối thẳng với tuyến giao thông đi theo hướng ra bên ngoài nội đô lịch sử Hà Nội.

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo trên mặt bằng khu vực 04 cây cầu đi vào và tiếp giáp với nội đô lịch sử Hà Nội

Tính chất

Với vị trí của mình, cầu Trần Hưng Đạo phải xác định ngoài yếu tố phục vụ giao thông cơ giới thì cầu còn là cây cầu cảnh quan, tô điểm cho văn minh, văn hóa của người Hà Nội. Vì vậy, cầu sẽ là nơi để dân cư trong khu nội đô lịch sử của Hà Nội cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế được vãng cảnh, thưởng thức không khí trong lành và phóng tầm mắt để cảm nhận cái đẹp kiến trúc cảnh quan Thủ đô của 02 bên bờ sông lung linh trên mặt nước sông Hồng. Do vậy quy mô cầu, ngoài bố trí giao thông cho phương tiện cơ giới thì nên dành riêng tuyến giao thông cho người đi bộ, tiểu cảnh và những ban công lớn làm điểm dừng chân, ngắm cảnh… cho dân cư.

Ngôn ngữ và hình thức kiến trúc

Như trên đã phân tích, cầu Trần Hưng Đạo sẽ kết nối về giao thông giữa hai bờ sông Hồng, chảy qua khu trung tâm nội đô lịch sử của Hà Nội sang bên kia là khu vực phát triển đô thị mới của Hà Nội thuộc quận Long Biên. Với vị trí này, có thể nói cầu Trần Hưng Đạo sẽ là điểm kết nối giữa kiến trúc đô thị được hình thành theo lịch sử phát triển của Hà Nội (quá khứ) với kiến trúc đô thị Hà Nội đã và đang được hình thành của thế kỷ 21 và tương lai. Vì vậy, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo cần phải là kiến trúc của ngày hôm nay gắn với văn hóa của người Hà Nội, với kiến trúc hiện đại và công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất; sau này theo lịch sử phát triển, nó sẽ đúng nghĩa của sự gạch nối giữa 03 giai đoạn: Quá khứ (khu nội đô lịch sử Hà Nội) – Hiện tại (cầu Trần Hưng Đạo) – Tương lai (khu vực đô thị bờ Bắc Sông Hồng thế kỷ 21 và tiếp theo).

Mặt khác, các cây cầu bắc qua sông Hồng đều có chiều dài lớn (2-5km). Vì vậy, việc nghiên cứu bước nhịp của cầu và kiến trúc các mố, trụ cầu cần được hết sức lưu ý, bởi nó sẽ tác động trực tiếp tới hình ảnh cây cầu cần hướng tới là thanh mảnh, nhẹ nhàng, duyên dáng.

Cận cảnh nơi dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo – Hà Nội, phía bờ Nam

Về việc giải quyết kiến trúc cầu sao cho ăn nhập với kiến trúc cảnh quan có đặc thù riêng của hai bên đầu cầu: Giải pháp này khá đơn giản với các KTS bởi chỉ cần tạo ra không gian mở đủ lớn ở hai bên đầu cầu để xử lý cảnh quan, kiến trúc nhỏ tạo sự kết nối, liên tục với kiến trúc chính của khu vực bên trong đô thị.

Với những suy nghĩ trên, thiết nghĩ phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo phải rất độc đáo, chất lượng, mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc, phản ánh được trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất của thời đại, được đa số giới chuyên môn và cộng đồng dân cư đồng thuận. Vì vậy, quá trình nghiên cứu thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần huy động được nhiều chuyên gia, KTS trong nước và quốc tế tham gia./.

Ths.KTS Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Pháp lý xây dựng

Không có giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều cách để quản lý việc xây dựng

Theo chuyên gia việc giữ hay bỏ giấy phép xây dựng cần thực hiện một cách nghiêm túc dự báo tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật (RIA) để loại bỏ tình huống “giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”, giảm nguy cơ cơ chế xin cho ở các cơ quan quản lý địa phương, kể cả quản lý xây dựng hay quản lý hành chính...

TOC là gì? Từ TOD sang TOC như thế nào?

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) được đề cập tới nhiều trong các kế hoạch phát triển ĐSĐT và tái thiết đô thị Hà Nội. Sau 2 năm bàn thảo (2024-2025) các chuyên gia đã nhận ra mô hình này có nhiều rào cản để hiện thực hóa, vậy cần những giải pháp nào để phù hợp hơn trong tiến trình phát triển? Bài học quốc tế và những cơ hội nào cho Hà Nội?

Đề xuất hầm ngầm qua Hồ Tây: Thay vì 'soi' quy hoạch nên xem đây là xu thế

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, ý tưởng dù thế nào thì cũng nên lắng nghe, nghiên cứu, còn làm hầm qua sông hồ thế giới đã làm nhiều và đang rất hiệu quả.

Năm thách thức trong quy hoạch, tổ chức giao thông và thiết kế đô thị chung quanh Hồ Gươm

Đó là tên bài trình bày khởi động Workshop “Tái thiết đô thị khu vực quảng trường Đông Kinh nghĩa thục và phía Đông hồ Hoàn Kiếm”do bộ môn Quy hoạch Khoa Kiến trúc & Quy hoạch - Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức từ ngày 2 đến 8/6/2025.

Cải tạo, xây dựng các chung cư cũ ở Hà Nội dưới góc nhìn xã hội

(KTVN 256) Hà Nội là thành phố có nhiều chung cư cũ (CCC), được xây dựng vào giai đoạn 1960 đến 1992 (theo cơ chế bao cấp) của thế kỷ trước, trong đó chủ yếu xây dựng bằng công nghệ bê tông lắp ghép tấm nhỏ, tấm lớn của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu thời bấy giờ, với các căn hộ khép kín có diện tích phổ biến là 24m2. Theo thống kê của Thành phố, hiện Hà Nội có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong gần 1.580 tòa nhà CCC và nhà tập thể. Trong đó, có 20 khu chung cư, 69 nhóm chung cư và 209 tòa nhà CCC riêng lẻ cần được cải tạo, xây dựng lại, hầu hết nằm ở các quận trung tâm như Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình và Hai Bà Trưng.

Ý kiến của bạn

SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Vinmikh