Thị trường xi măng ảm đạm, đâu là lời giải?
Tiêu thụ xi măng gặp khó khăn
Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, tổng sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm ước đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ. Hiện các nhà máy chỉ chạy 70 - 75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế tới 5 triệu tấn.
Thị trường tiêu dùng xi măng ảm đạm, trong khi tổng công suất thiết kế của ngành Xi măng quá lớn (123 triệu tấn, nhưng có thể sản xuất hơn con số này hàng chục triệu tấn), thành thử, hiện đang có 4 dây chuyền công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm, đã đầu tư xong, nhưng chưa đưa vào vận hành vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chỉ đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt trên 9,7 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm hơn 7% so với cùng kỳ.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp ngành Xi măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo; triển khai thủ tục được cấp chứng chỉ sản phẩm xanh để xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng
Trước đó, ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn... Phát triển bền vững ngành Xi măng, Sắt thép và Vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Với các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành Xi măng, Sắt thép và Vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây.
Trong đó, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m²/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm. Trong đó, xi măng và clinker tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).
Trước tình hình những khó khăn nói trên kéo dài, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị để đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới, nhất là đẩy mạnh cung cấp cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác.
Ý kiến của bạn