Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn nhìn từ góc độ hành nghề kiến trúc sư

Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn nhìn từ góc độ hành nghề kiến trúc sư

Quản lý kiến trúc nông thôn là yêu cầu cấp bách và cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có thể quản lý kiến trúc nông thôn hay không trong bối cảnh khó khăn hiện nay và công cụ nào có thể dùng để làm điều đó.
16:11, 22/12/2022

Sự cần thiết của việc quản lý kiến trúc nông thôn 

Hiện nay, dưới tác động tổng hợp của các yếu tố toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, kinh tế… xã hội nông thôn ở Việt Nam đang biến đổi rất nhanh chóng.

Trong tiến trình đó, bộ mặt kiến trúc nông thôn cũng chuyển biến mạnh mẽ theo cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Một mặt, các công trình xây dựng ở nông thôn ngày càng có quy mô và chất lượng tiện nghi, chất lượng kỹ thuật cao hơn, xuất hiện nhiều công trình đẹp.

Mặt khác, nhiều quần cư nông thôn cũng trở nên lộn xộn, mất bản sắc, đông thời không đảm bảo các yêu cầu an toàn và chất lượng môi trường cũng như cảnh quan xuống cấp tồi tệ do xây dựng tùy tiện, thiếu kiểm soát. 

Những khu vực, lĩnh vực kiến trúc nông thôn đang phát sinh nhiều vấn đề nóng, cần có ngay biện pháp quản lý kiến trúc gồm: vùng ven đô đang đô thị hóa mạnh, các làng cổ, làng nghề có giá trị di sản, khu tái định cư, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hâu (vùng bão, vùng ngập lũ, lụt...). 

Tuy nhiên, có thể nói, kiến trúc nông thôn là một mảng chưa được tác động nhiều bởi giới kiến trúc sư hành nghề cung như giới quản lý. Đặc biệt, thể loại nhà ở nông thôn, vốn chiếm đa số trong các công trình xây dựng và tạo nên phần chính trong hình ảnh của các quần cư nông thôn, hầu như không qua bàn tay thiết kế của các kiến trúc sư cũng như khó quản lý được từ các cơ quan chức năng do nhiều nguyên nhân.  

Vì vậy, quản lý kiến trúc nông thôn là yêu cầu cấp bách và cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có thể quản lý kiến trúc nông thôn hay không trong bối cảnh khó khăn hiện nay và công cụ nào có thể dùng để làm điều đó.

Những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn quản lý kiến trúc nông thôn

Khó khăn thứ nhất là, khiếm khuyết về mặt pháp lý, trong đó nổi bật hai khía cạnh là thiếu chế tài và thiếu thực tiễn.

Việc quản lý kiến trúc nông thôn đã được đề cập nhiều trong cả chủ trương chính sách cũng như các văn bản pháp lý của nhà nước. Hai văn bản pháp lý cao nhất tác động đến việc quản lý kiến trúc nông thôn là Luật Xây dựng và Luật Kiến trúc. Cả hai bộ luật này đều chưa tạo ra đủ những cơ sở để điều chỉnh kiến trúc nông thôn. 

Theo Luật Xây dựng 2014, sửa đổi năm 2020 (tại khoản 1 Điều 30) và các quy định khác hiện hành, nhà ở, nhà tạm tại khu vực nông thôn không phải xin phép xây dựng nếu là nhà cấp 4, nhà có quy mô dưới 7 tầng và không nằm trong khu vực được quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết được duyệt hay khu vực được bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.

Thực tế, hiện nay đa số điểm dân cư nông thôn chưa được lập quy hoạch chung, chưa nói đến quy hoạch chi tiết. Nhà ở vùng nông thôn lại hiếm khi cao đến 7 tầng và thuộc cấp 3 trở lên.

Vì vậy, có rất ít nhà ở nông thôn cần đến giấy phép xây dựng và qua đó những cơ quan quản lý không có công cụ luật pháp kiểm soát kiến trúc của chúng. Xét về mặt hành nghề, điều này vừa mang lại hiệu ứng tích cực vừa có mặt tiêu cực đối với giới kiến trúc sư khi làm việc ở nông thôn. Một mặt kiến trúc sư được tự do sáng tác, một mặt họ chẳng chịu một chế tài nào nếu tạo ra những kiến trúc lố lăng, ngoại lai tàn phá bộ mặt làng xã.

Đối với những khu vực có quy hoạch, theo Luật Kiến trúc, kiến trúc các công trình xây dựng ở nông thôn sẽ được kiểm soát bằng Quy chế quản lý kiến trúc. Nội dung quy chế được quy định ở khoản 1,2,3 Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019.

Tuy nhiên những quy định này vừa thiếu nền tảng thực tiễn để áp dụng và lại vừa có tính áp đặt. Quy chế quản lý kiến trúc phải không mâu thuẫn với quy hoạch, nhưng quy hoạch còn chưa phổ biến trong thực tế ở nông thôn nên hoàn toàn có thể xảy ra những xung đột. Đặc biệt là quy hoạch chi tiết và tiết kế đô thị chỉ được luật coi là một cơ sở không bắt buộc (nếu có) để lập quy chế quản lý kiến trúc.

Luật Kiến trúc nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ bản sắc dân tộc trong kiến trúc địa phương như là một phần không thể thiếu của quy chế quản lý kiến trúc. Văn hóa Việt Nam truyền thống có một trong những cột trụ là văn hóa làng xã nên việc giữ gìn bản sắc kiến trúc nông thôn là cần thiết.

Tuy vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là một khái niệm học thuật trong lý luận kiến trúc, chỉ có định tính, không thể định lượng còn tranh cãi và có biến đổi theo thời gian. Luật hóa một khái niệm học thuật vừa không thực tế vừa gây cản trở sáng tạo của người kiến trúc sư.

Nét tích cực của các bộ luật, đặc biệt là Luật Kiến trúc nằm ở việc lưu ý bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị. Đây có thể chính là lối ra có tính thực tiễn cho vấn đề giữ gìn bản sắc và quản lý kiến trúc nông thôn

Khó khăn thứ hai là Quy hoạch nông thôn chưa đầy đủ và đồng bộ. Tình hình phủ quy hoạch nông thôn còn nhiều hạn chế dẫn đến không có cơ sở xây dựng quy chế quản lý kiến trúc. Trên toàn quốc hiện nay, dù có sự thúc đẩy của các cấp chính quyền, các bộ ngành, việc triển khai quy hoạch chung đến cấp huyện vẫn còn chưa được đầy đủ, cấp xã lại càng thiếu.

Ngay cả những địa phương có nuồn lực tốt trong công tác lập quy hoạch như Hà Nội thì tính đến hết năm 2021 mới có 13/17 huyện phê duyệt được đồ án quy hoạch cấp huyện, ở cấp xã chưa có được quy hoạch 1/500. Hầu hết các tỉnh trên toàn quốc đều nằm trong tình trạng như vậy hoặc kém hơn. 

Khó khăn thứ ba là nhận thức về kiến trúc nông thôn của giới hành nghề cũng như người dân. Đối với người dân, sự ảnh hưởng từ những xu hướng văn hóa nhất thời từ bên ngoài là rất lớn do ảnh hưởng của đô thị hóa, toàn cầu hóa. Đã và đang có những kiểu "thời trang" ngoại lai trong kiến trúc tồn tại ở vùng nông thôn, ví dụ như kiểu nhà "mái Thái", kiểu "lâu đài châu Âu"... và cả mô hình "nhà ống" áp dụng tràn lan bắt chước theo kiến trúc đô thị trong xu hướng chia nhỏ lô đất ở làng, xã hiện nay.

Mặt khác, trong nhận thức của phần lớn người dân, việc thuê kiến trúc sư thiết kế nhà ở là điều xa xỉ và không cần thiết. Thiếu tác động của tư vấn chuyên nghiệp đã khiến cho chất lượng thẩm mỹ và kỹ thuật của kiến trúc nông thôn khó đảm bảo.

Đối với giới kiến trúc sư, về cơ bản nông thôn vẫn chưa thực sự là một thị trường để hành nghề. Thực tế nhân lực hành nghề kiến trúc, nhất là nhân lực trình độ cao vẫn tập trung hành nghề chủ yếu ở các đô thị. Sự tác động của giới nghề chuyên nghiệp đối với kiến trúc nông thôn rất hạn hẹp.

Ngoại trừ các công trình công cộng bắt buộc phải thông qua các thủ tục cấp phép, xét duyệt thì dấu ấn của kiến trúc có thiết kế chuyên nghiệp trong thể loại nhà ở, số lượng vô cùng lớn, đại diện chính của bộ mặt kiến trúc nông thôn, là không đáng kể do quan niệm của người dân, như đã nêu ở trên.

Ngay trong thể loại nhà công cộng, hầu hết các công trình như trường học, trạm y tế, trụ sở quy mô nhỏ và trung bình ở làng xã chỉ được thiết kế một cách trung tính, theo hướng ưu tiên đảm bảo yêu cầu công năng mà ít đầu tư vào thể hiện bản sắc dân tộc hay nét đặc trưng địa phương. Có nhiều lý do chi phối thực trạng này như kinh phí đầu tư ít ỏi, phí tư vấn thiết kế thấp, trình độ thẩm mỹ của chủ đầu tư không cao... và một nguyên nhân quan trọng nữa là ít kiến trúc sư trình độ cao tập trung hành nghề ở thị trường nông thôn. 

Khó khăn thứ tư là áp lực kinh tế xã hội. Vùng nông thôn Việt nam hiện nay đang chịu những tác động lớn từ sự phá triển kinh tế - xã hội, trong đó tiến trình đô thị hóa, chuyển đổi kinh tế và sự thay đổi lối sống ở nông thôn đang tạo ra những áp lực không nhỏ đến kiến trúc nông thôn. Khuôn viên nhà ở nông thôn của các vùng kinh tế phát triển, vùng ven đô ngày càng bị chia nhỏ, mật độ xây dựng cao, công năng không gian kiểu cũ không còn nữa.

Về cảnh quan, cùng với chuyển đổi về sinh kế và giá đất tăng cao, hệ thống cây xanh mặt nước mất đi nhanh chóng do người dân lấp ao, san vườn để xây thêm hoặc mở rộng nhà ở, cơ sở kinh doanh. Cảnh quan nông thôn đặc trung do vậy bị đe dọa nghiêm trọng, thậm chí mất đi hoàn toàn. Áp lực về kinh tế xã hội, cùng với sự thiếu vắng quy hoạch đã khiến cho khả năng quản lý kiến trúc nông thôn càng trở nên khó khăn, gần như không thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Quản lý kiến trúc nông thôn là vấn đề cấp thiết hiện nay

Giải pháp nào cho việc quản lý kiến trúc nông thôn?

Trước những thực trạng và khó khăn như trên trong quản lý kiến trúc nông thôn, có thể thấy, việc dựa hoàn toàn vào những quy định luật pháp và quy chế quản lý kiến trúc là rất khó khăn. Đề phù hợp với thực tiễn thiếu công cụ quản lý, thiếu vai trò của tư vấn chuyên nghiệp và nhận thức còn nhiều bất cập của người dân, cần có cách tiếp cận khác trong quản lý kiến trúc nông thôn dựa trên những tài nguyên sẵn có và hợp lý.

Đầu tiên, có thể xem xét lấy các công trình có giá trị, đặc biệt là các di sản kiến trúc công cộng và cảnh quan truyền thống ở địa phương làm nền tảng xây dựng các thông số chuẩn cho quản lý kiến trúc. Những công di sản như đình, đền, chùa, cổng làng, cây đa, hồ bán nguyệt, giếng... đóng vai trò lớn trong đời sống người dân, được họ trân trọng và phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng, bởi vậy có thể đặt ra những quy định xây dựng đơn giản trên cơ sở các đặc điểm thông số của chúng.

Ví dụ hình thức mái dốc, màu sắc tương đồng với công trình di sản. Hay chiều cao không vượt quá cổng làng, mái đình... Nó giống như cách xây dựng một "hương ước" trong kiến trúc nông thôn dựa trên những điều gần gũi, ăn sâu vào tình cảm của người dân thay vì những con số, sơ đồ khô khan khó hiểu.

Điểm thứ 2 là mở ra một hướng làm mới để đưa tác động của tư vấn kiến trúc chuyên nghiệp về nông thôn, khắc phục sự thiếu vắng nhân lực chuyên môn tại đây. Một hành động khả thi là có thể ban hành các thiết kế điển hình nhà ở, công trình công cộng quy mô nhỏ ở nông thôn mà người dân có thể mua với kinh phí thấp và áp dụng mà không cần bản vẽ, quy trình cấp phép phức tạp.

Nguồn thiết kế điển hình có thể lấy từ kết quả của các cuộc thi kiến trúc nông thôn, dần dần các đơn vị tư vấn của nhà nước và tư nhân cũng có thể đăng ký phát hành loại tài liệu này. Các mẫu thiết kế được hội đồng chuyên môn thẩm định, phê duyệt trước khi ban hành để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đem lại bộ mặt kiến trúc hài hòa thống nhất cho nông thôn.

Đây thực chất không hoàn toàn là cách làm mới. Ở Việt Nam trước đây đã thực hiện việc bán các mẫu thiết kế điển hình công trình giao thông, hạ tầng nông thôn dùng thay thế cho thiết kế cơ sở và giảm quy trình thụ lý hồ sơ. Nay chúng ta có thể mở rộng cách thức này cho kiến trúc quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn.

Kết luận 

Quản lý kiến trúc nông thôn là vấn đề cấp thiết hiện nay, đặc biệt là đối với các khu vực ven đô, lang di sản, làng nghề. Tuy nhiên các công cụ pháp luật để thực hiện quản lý còn nhiều hạn chế và thiếu thực tế trong khi áp lực từ các vấn đè kinh tế xã hội ngày càng lớn.

Nông thôn cũng là địa bàn ít có sự tham gia của giới hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp để định hướng phát triển kiến trúc. Việc thực hiện quản lý cần thay đổi cách tiếp cận dựa trên những yếu tố có sẵn giúp thích ứng với những thực trạng nếu trên. Trong đó việc phát huy vai trò di sản kiến trúc công cộng và cảnh quan truyền thống đóng vài trò quan trong, giúp đạt mục tiêu kép, vừa bảo vệ được các di sản vừa góp phần định hướng kiến trúc nông thôn theo quan điểm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc…

Pháp lý xây dựng

Những dấu ấn tiêu biểu ngành Xây dựng năm 2023

Năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của ngành Xây dựng ước đạt 7,3-7,5%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 96%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26m2 sàn/người. Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

Ngày 20/10/2023, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã long trọng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ban lãnh đạo Viện; lãnh đạo Chủ chốt các đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia. PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Chủ trì hội nghị.

Viện Kiến trúc Quốc gia kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhân ngày 20/10

Vừa qua, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2023); 13 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010-20/10/2023) và chào mừng thành công Đại hội công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XIV nhiệm kỳ 2023-2028.

Tăng cường pháp luật xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng, nhiều căn hộ

Ngày 15/9/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn số 4157/BXD-QLN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.

‘Con voi’ chung cư mini chui lọt lỗ kim

Chung cư mini trái phép mọc lên như nấm tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, gây ra nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy... Đáng tiếc, nguyên nhân tình trạng trên lại xuất phát từ những bất cập của các quy định pháp luật và/hoặc những hạn chế, yếu kém trong thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi