Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Vietnamarchi) - Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1051/ QĐ-BXD ngày 09/07/2025 về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
14:35, 11/07/2025
Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, cảng biển Nghệ An gồm các khu bến: Nam Cửa Lò; Bắc Cửa Lò; Đông Hồi; Bến Thủy, Cửa Hội; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, về hàng hóa và hành khách thông qua, hàng hóa từ 22,25 triệu tấn đến 26,75 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,18 triệu Teu đến 0,24 triệu Teu); hành khách từ 17,6 nghìn lượt khách đến 21,7 nghìn lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng có tổng số 09 bến cảng gồm từ 28 đến 31 cầu cảng với tổng chiều dài từ 5.151m đến 5.926m (chưa bao gồm các bến cảng, cầu cảng khác).

Xác định phạm vi vùng đất, vùng nước phù hợp với quy mô bến cảng và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Tầm nhìn đến năm 2050, về hàng hóa thông qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm; Về kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát triển các bến cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, hành khách.

Nội dung quy hoạch bao gồm phạm vi, chức năng, cỡ tàu tại các khu bến tuân thủ theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 và Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch các khu bến cảng đến năm 2030, cụ thể tại khu bến Nam Cửa Lò, về hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa từ 5,0 triệu tấn đến 5,5 triệu tấn; hành khách từ 17,6 nghìn lượt khách đến 21,7 nghìn lượt khách.

Quy mô các bến cảng có 01 bến cảng gồm từ 05 cầu cảng đến 06 cầu cảng với tổng chiều dài 881m đến 1.106m (chưa bao gồm các bến cảng khác), cụ thể như sau:

Tại bến cảng Cửa Lò có từ 05 đến 06 cầu cảng tổng hợp, container với tổng chiều dài từ 881m đến 1.106m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn hoặc lớn hơn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 5,0 triệu tấn đến 5,5 triệu tấn và hành khách từ 17,6 nghìn lượt khách đến 21,7 nghìn lượt khách.

Đối với khu bến Bắc Cửa Lò, về hàng hóa thông qua từ 12,0 triệu tấn đến 15,5 triệu tấn; Quy mô các bến cảng có tổng số 03 bến cảng gồm từ 14 cầu cảng đến 15 cầu cảng với tổng chiều dài 3.014m đến 3.314m, cụ thể như sau: Bến cảng xăng dầu DKC có 02 cầu cảng hàng lỏng với tổng chiều dài 470m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,75 triệu tấn đến 1,0 triệu tấn.

Bến cảng chuyên dùng Vissai có 09 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/khí với tổng chiều dài 1.744m, tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000 tấn đến 100.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 7,25 triệu tấn đến 8,0 triệu tấn.

Bến cảng Bắc Cửa Lò có từ 03 cầu cảng đến 04 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời với tổng chiều dài từ 800m đến 1.100m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 4,0 triệu tấn đến 6,5 triệu tấn.

Tại khu bến Đông Hồi, về hàng hóa thông qua từ 3,5 triệu tấn đến 4,0 triệu tấn; Quy mô các bến cảng: có tổng số 03 bến cảng gồm từ 05 cầu cảng đến 06 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.102m đến 1.352m, cụ thể như sau:

Bến cảng chuyên dùng nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có 01 cầu cảng hàng lỏng/khí (hoặc phía trong đê chắn sóng tùy thuộc vào phương án công nghệ xuất nhập LNG) với chiều dài khoảng 352m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa 1,5 triệu tấn.

Bến cảng Đông Hồi 1 có 02 cầu cảng tổng hợp với tổng chiều dài 500m tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,5 triệu tấn đến 1,0 triệu tấn.

Bến cảng Đông Hồi 2 có từ 02 cầu cảng đến 03 cầu cảng tổng hợp với tổng chiều dài từ 500 m đến 750 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa 1,5 triệu tấn.

Với khu bến Bến Thủy, Cửa Hội, về hàng hóa thông qua có 0,75 triệu tấn; Quy mô các bến cảng có tổng số 02 bến cảng gồm 04 cầu cảng với tổng chiều dài 154m (chưa bao gồm các bến cảng, cầu cảng khác), cụ thể như sau: Bến cảng Bến Thủy: di dời, chuyển đổi công năng sau khi đã đầu tư bến cảng Hưng Hòa;

Bến cảng xăng dầu Hưng Hòa có 01 cầu cảng hàng lỏng với chiều dài 34m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa 0,25 triệu tấn.

Bến cảng Hưng Hòa (di dời bến cảng Bến Thủy) có 03 cầu cảng tổng hợp với tổng chiều dài 120m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.500 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa 0,2 triệu tấn.

Các bến phao, khu chuyển tải, khu neo, chờ, tránh, trú bão tại Cửa Lò, Đông Hồi, khu vực Cửa Hội (trên sông Lam) và khu vực khác có đủ điều kiện.

Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm.

Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng hàng hải Cửa Hội - Bến Thủy. Tuyến luồng Cửa Lò cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải; luồng Đông Hồi cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải. Lộ trình đầu tư tùy thuộc vào khả năng bố trí, huy động nguồn lực. Trường hợp huy động nguồn xã hội hoá, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch.

Định hướng quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối, triển khai kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo quy hoạch được duyệt.

Bến cảng khác gồm bến cảng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu (nhà máy đóng tàu Nghệ An, nhà máy đóng tàu Trường An) và bến du thuyền phục vụ du lịch; bến cảng phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải; các bến cảng, cầu cảng gắn liền với các khu bến chính đảm nhận vai trò hỗ trợ thu gom và giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy.

Định hướng quy hoạch các khu chức năng khác, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải: theo lộ trình đầu tư phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn.

Vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch tại khu vực Cửa Lò, Cửa Hội. Đối với khu vực Đông Hồi: sử dụng chung vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch của khu bến cảng Nghi Sơn (thuộc vùng nước cảng biển Thanh Hóa).

Các khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, theo quy hoạch tỉnh Nghệ An, các quy hoạch có liên quan và các khu vực, địa điểm được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chấp thuận, công bố.

Một số giải pháp thực hiện Quy hoạch

Các giải pháp quy hoạch theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 và số 140/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2025, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Trước hết là giải pháp về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đồng thời khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạ tầng cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác;

Tạo điều kiện bố trí cơ sở làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải tại các bến cảng mới; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự phối hợp, gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có cảng biển.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu.

Bên cạnh đó là giải pháp về huy động vốn đầu tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách;

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.

Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, khuyến khích Nhà đầu tư khai thác cảng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, cảng biển thông minh;

Xây dựng các cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp cảng xanh, cảng biển thông minh, đồng thời nghiên cứu đưa tiêu chí cảng xanh là một trong các tiêu chí để cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư cảng biển; Ưu tiên đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời là các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…

Về tổ chức thực hiện, cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An  công bố, kiểm tra, giám sát quy hoạch và thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành hàng hải tại cảng biển Nghệ An theo thẩm quyền; tham mưu cho Bộ Xây dựng hoặc xử lý theo thẩm quyền nội dung có liên quan về dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu cảng, bến cảng, giao thông kết nối;

Nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, khai thác và các giải pháp quản lý, khai thác các bến cảng thuộc cảng biển Nghệ An; Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch;

Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch được duyệt; đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, chỉ đạo việc cập nhật các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chi tiết Quy hoạch tại: BXD_1051-QD-BXD_09072025.pdf

Pháp lý xây dựng

Nghiên cứu lập đề án xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Ninh Bình

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Chính phủ. Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập Tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Hà Nội đề xuất khôi phục tên phố Hàng Lọng

UBND Thành phố Hà Nội vừa có tờ trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài đường phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025.

Hà Nội: Phê duyệt cập nhật danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3621/QĐ-UBND ngày 1/7/2025 về việc phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021-2025 (Đợt 6).

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đã ký và ban hành Quyết định 1019/ QĐ-BXD ngày 04/07/2025 về Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hồ Ba Bể thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030

Mới đây, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã ký Quyết định số 1407/QĐ-TTg quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể. Đây là cơ sở giúp phát huy hiệu quả giá trị di sản Hồ Ba Bể, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030.

Ý kiến của bạn

SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Vinmikh