Phát triển hạ tầng giao thông, động lực để Tỉnh Bắc Giang “bứt phá”
Những năm gần đây, Bắc Giang luôn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nằm trong Top đầu cả nước. Để đạt được những thành tựu đó, ngoài công tác mở cửa, thu hút đầu tư, Tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng tới phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng tính liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến các công trình giao thông trọng điểm nhằm khơi thông huyết mạch, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách Cảng Hải Phòng 140km…
Bắc Giang có nhiều điều kiện tự nhiên đặc thù để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Bắc Giang sở hữu vị trí kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc; có mạng lưới giao thông đa dạng bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa phân bố tương đối hợp lý, kết nối nội và liên tỉnh gần càng biển.
Với quan điểm xuyên suốt trong việc phát triển hệ thống giao thông là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế, trong kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Bắc Giang đã xác định, phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội…
Để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để huy động vốn và đầu tư các công trình đường quốc lộ, cầu đường bộ, đường vành đai, ga đường sắt, cảng thủy nội địa…
Đặc biệt, trong những năm qua, cùng với việc ưu tiên mở mới nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, Tỉnh Bắc Giang đã huy động và dành nguồn lực đáng kể để xây dựng một số cây cầu.
Tìm hiểu được biết, toàn tỉnh hiện có 5 cây cầu quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tổng kinh phí xây dựng hơn 3,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và TP. Bắc Giang. Trong số này có 2 cầu cơ bản đã hoàn thành, dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 6 năm nay là cầu Á Lữ và cầu Như Nguyệt.
Khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, tăng tính liên kết giữa các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Qua đó mở ra cơ hội mới để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là các khu cụm công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của toàn tỉnh.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, theo Bà Đỗ Thị Lan – Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông – Vận tải Bắc Giang, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án giao thông mang tính kết nối giao thương trong toàn tỉnh và khu vực. Trong đó, xem xét ưu tiên đầu tư xây dựng công trình giao thông ở khu vực động lực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn.
Tiếp tục xây dựng cầu vượt gần 260 tỷ đồng
Nhằm mở rộng không gian đô thị, đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần hoàn thiện quy hoạch chung TP. Bắc Giang đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, ngày 8/6/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bắc Giang phối hợp với nhà thầu khởi công xây dựng cầu vượt đường vành đai Đông Bắc qua đường Xương Giang (TP. Bắc Giang).
Dự án có địa điểm xây dựng tại phường Xương Giang, TP. Bắc Giang, với diện tích sử dụng đất khoảng 2,5 ha. Với tổng mức đầu tư hơn 259,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Bắc Giang (bao gồm cả xây lắp, chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bắc Giang.
Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh trúng thầu thi công. Các hạng mục của công trình gồm: Cầu vượt bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu khoảng 290,22m, chiều rộng mặt cắt ngang 18m; chiều rộng mặt đường gom mỗi bên 11,5m (phần xe chạy mỗi bên khoảng 7,5m, dải an toàn mỗi bên 0,5m, hè đường mỗi bên 3,5m). Dự kiến cầu hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Với định hướng phát triển cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang, tin tưởng rằng, bộ mặt đô thị Bắc Giang với hệ thông giao thông kết nối đa chiều sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nguồn lực đầu tư. Đồng thời, tạo thế và lực cho Tỉnh Bắc Giang phát triển xứng tầm là cực tăng trưởng mới khu vực trung du vùng đồng bằng Bắc bộ.
Một số hình ảnh tại công trường xây dựng cầu vượt đường vành đai Đông Bắc qua đường Xương Giang (TP. Bắc Giang):
Ý kiến của bạn