Phát huy các giá trị đền Tả Phủ Linh Từ (Lạng Sơn)

Phát huy các giá trị đền Tả Phủ Linh Từ (Lạng Sơn)

(Vietnamarchi) - “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh,” Ai từng đặt chân tới xứ Lạng đều được nghe tới câu ca dao lưu truyền bao đời nay ca ngợi vẻ đẹp của mảnh đất vùng biên giới phía Bắc này. Thiên nhiên nơi đây kì thú hiếm nơi nào có, phố chợ Kỳ Lừa sầm uất bên bờ sông Kỳ Cùng của ngon vật lạ chả thiếu chi.
09:00, 16/03/2024

LỊCH SỬ VÀ HIỆN TRẠNG ĐỀN TẢ PHỦ LINH TỪ

Người dân nơi đây vẫn truyền tụng nhau về vị Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài, người xã Như Thiết, huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang, được bổ nhiệm lên Lạng Sơn làm Đô đốc Đồng tri giúp việc trấn giữ biên thùy. Chính ông là người có công san đồi, bạt đất, mở mang 7 con đường và lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, đặt nền móng cho xứ Lạng hình thành nên khu buôn bán phồn vinh tấp nập, một cửa ngõ buôn bán sầm uất thu hút thương nhân cả trong và ngoài nước vào kinh doanh, để nhiều đời sau ai cũng biết tới phố Kỳ Lừa - địa danh nổi tiếng vùng ải Bắc. Năm Chính Hòa thứ 4 (1683 đời vua Lê Hy Tông) sau khi ông mất, để ghi nhớ công ơn vị Tả đô đốc, nhân dân đã xây dựng tại nơi trung tâm phố chợ Kỳ Lừa ấy ngôi đền Tả Phủ Linh Từ, và đều đặn vào dịp tháng Giêng hàng năm, nơi đây tổ chức lễ hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ - một trong những sự kiện văn hóa ý nghĩa bậc nhất tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1993 đền Tả Phủ đã được nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia bởi những giá trị văn hóa lịch sử, giá trị văn hóa phi vật thể lưu giữ tại nơi này. Trên thực tế, do chiến tranh tàn phá, những kiến trúc cũ của đền bị mất mát hư hại, hầu như không còn lưu lại được gì. Sau chiến tranh, nhân dân khôi phục lại đền nhưng do điều kiện kinh tế hạn hẹp, góp nhặt chắp vá nên hiện trạng đền xuống cấp nghiêm trọng. Mặt bằng bố trí theo kiểu chữ Nhị, tường thu hồi, bít đốc, xà dọc mộng xỏ… kiến trúc mang đậm phong cách người Hoa, hình thức kiến trúc hiện tại không có giá trị về nghệ thuật và không đảm bảo an toàn cho người dân và du khách hành hương.

Để thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, và nhằm đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và góp phần cải tạo lưu giữ những giá trị truyền thống của địa phương, ngày 27/09/2018, theo đề xuất và nguyện vọng của nhân dân và chính quyền Lạng Sơn, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đã có văn bản chấp thuận chủ trương Tu bổ di tích đền Tả Phủ để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trung tâm bảo tồn Di tích và Di sản kiến trúc (Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây Dựng) là đơn vị vinh dự được nhận nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Bia và đền Tả Phủ.

Thực trạng ngôi đền đang tọa lạc tại vị trí xen kẹt trong khu dân cư, nằm ở góc ngã tư đường Thân Công Tài và đường Bắc Sơn, trên khuôn viên khoảng 356m2 với mật độ xây dựng cao bao gồm các hạng mục: Tiền tế, Hậu cung, miếu Thổ công, nhà Bia với hai Bia đá cổ và các công trình phụ trợ. Không gian hiện trạng rất eo hẹp cộng thêm kết cấu công trình đang xuống cấp, vật liệu không đồng nhất, chắp vá nhiều cấu kiện bị ẩm mốc, nứt vỡ, xô lệch mối mọt, phần mái nhiều chỗ hư hỏng, thấm dột… Đền Tả Phủ hiện có hình thức mang dáng dấp kiến trúc truyền thống, nhưng do điều kiện xây dựng có hạn nên hình thức còn khá đơn giản, chưa tương xứng với những giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật còn ẩn tàng trong di tích.

NGUYÊN TẮC TU BỒ ĐỀN TẢ PHỦ LINH TỪ

Nhiệm vụ thiết yếu đề ra cho công tác tu bổ, tôn tạo đền Tả Phủ phải đư­ợc phỏng theo kiến trúc đền, chùa truyền thống Việt Nam và tuân thủ theo những nguyên tắc sau

Trân trọng các yếu tố gốc và các bộ phận của di tích có giá trị. Tiến hành tu bổ tôn tạo lại trên nền đất cũ, theo đúng phương hướng hiện tồn với quy mô, chất liệu phù hợp đền chùa truyền thống, xứng đáng là công trình kiến trúc văn hoá của nhân dân đầu tư tu bổ xây dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng. Công trình đền Tả Phủ được khởi nguyên từ những ngôi đền cổ có lịch sử lâu đời, do đó tuy mẫu thức kiến trúc tu bổ của Dự án không nhất thiết phải lệ thuộc chính xác theo nguyên gốc, nhưng nhất thiết phải mang phong cách kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam. Công tác tu bổ phải phù hợp với tính chất, chức năng, quy mô của mỗi công trình và đảm bảo sự gắn kết hài hoà trong tổng thể khuôn viên di tích, tạo cho di tích một không gian thờ cúng linh thiêng, thanh bình và sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam.

Các công trình phụ trợ của di tích đền Tả Phủ được xây dựng mới ở những vị trí hợp lý để góp phần vào việc bảo quản và phát huy hệ giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích. Do đó, các công trình này cần được nghiên cứu, lựa chọn kỹ về kiểu dáng, màu sắc, vật liệu sao cho phù hợp với không gian cảnh quan và kiến trúc của các công trình cổ. Đồng thời vị trí xây dựng, quy mô các công trình phải phát huy được hết công năng hiệu quả sử dụng của từng loại, tránh làm ảnh hưởng xấu hoặc phá vỡ cảnh quan chung của di tích.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh, sân vườn, đường dạo được bố trí hài hoà, phù hợp với quy mô, khuôn viên cảnh quan và tính đặc trưng của di tích đền Tả Phủ

Vật liệu sử dụng để thực hiện công tác tu bổ, phục hồi tôn tạo cho di tích lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật nói chung và đền Tả Phủ ở thành phố Lạng Sơn nói riêng là những vật liệu dùng để xây dựng các công trình đền chùa truyền thống như: gỗ lim, đá thanh, đá hộc, đất nung, sơn ta, mật mía, giấy bản, gạch bát, gạch gốm hoa chanh, ngói mũi hài, vữa đắp truyền thống…

Để đảm bảo khuôn viên di tích được vuông vắn, đạt ý đồ thiết kế, khuôn viên di tích được mở rộng như sau: mở rộng, giải phóng mặt bằng các nhà dân A2, A3, A4 nằm liền kề bên hữu đền thờ, giáp đường Thân Công Tài (phía Bắc) tạo ra không gian đẹp, thoáng đãng; mở rộng, giải phóng mặt bằng nhà dân A1 nằm liền kề bên tả đền thờ (phía Nam); mở rộng, giải phóng mặt bằng nhà dân A5 nằm liền kề phía sau đền thờ (phía Đông), giáp miếu Thổ công và khu phụ trợ của đền. Tổng diện tích di tích đền Tả Phủ sau quy hoạch mở rộng là 739m2;

Thực hiện hạ giải đối với các kiến trúc hiện trạng, phá dỡ các hạng mục phụ trợ xuống cấp, nhà dân giải phóng mặt bằng. Tôn nền, nâng cốt cao độ khuôn viên đền theo thiết kế nhằm tạo các cấp độ nền, không gian cảnh quan hợp lý, mỹ quan. Tổ chức xây mới hệ thống tường rào, bó vỉa bồn cây tạo cảnh quan trong di tích. Bố trí lại hệ thống sân đường giao thông và các công trình một cách hợp lý và đạt tính thẩm mỹ cao. Cây xanh có giá trị trong khuôn viên di tích được giữ lại hoặc đánh chuyển, trồng thêm các loại cây phù hợp với di tích.

Trên thực tế, lễ hội đền Tả Phủ - lễ hội Đầu pháo - là lễ hội lịch sử, văn hoá và tâm linh lớn nhất Lạng Sơn. Hiện nay, trong mỗi kỳ lễ hội hoặc lễ lớn, không gian đền rất chật hẹp; không có nhà vệ sinh công cộng; không có nơi cất giữ, bảo quản các đồ tế khí như Đầu pháo, kiệu bát cống... Nghiên cứu hiện trạng và các hướng gió, không thể có vị trí nào phù hợp mà không gây uế tạp cho đền.

ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN TU BỔ ĐỀN TẢ PHỦ LINH TỪ          

Để công trình được đẹp về kiến trúc, thông thoáng trong giao thông và cảnh quan, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân và du khách, đơn vị tư vấn đề xuất làm tầng bán hầm bên dưới sân trước để làm nhà vệ sinh, nhà bếp và nhà kho.

Các hạng mục công trình chính, nằm trên một trục (Thần đạo), giữ nguyên theo hướng của đền cũ, lần lượt có thứ tự: Nghi môn, sân đền, Tiền bái - Thượng điện (bố cục hình chữ Nhị), hai bên Tả Hữu Vu, miếu Thổ địa đặt ở nhà Hữu vu. Bên hữu sân đền là am hóa vàng. Bên tả sân đền là nhà che bia. Khu vực các hạng mục phụ trợ, bếp, kho, nhà vệ sinh được bố trí dưới tầng hầm, có lối xuống ở gian đầu hồi nhà Tả Hữu Vu. Kiến trúc tổng thể của đền, các hạng mục công trình được thiết kế theo phong cách tương đồng với kiểu kiến trúc phổ biến thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII (thời ngôi đền được khởi dựng).

Nghi môn

Nghi môn nằm ở vị trí đầu tiên trên trục Thần đạo, tiếp giáp với vỉa hè đường Bắc Sơn, là lối vào chính của đền. Nghi môn gồm 03 cửa kết hợp trụ biểu, mỗi cửa đều có mái kiểu tàu đao. Vì kèo có hình thức kiểu chồng rường, cột trốn gác tường, các cấu kiện vì xà, kèo, con chồng, rui mè… bằng gỗ, đục chạm theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Các mái đao đắp kìm nóc, chính giữa bờ nóc cửa chính đắp hổ phù đội mặt nhật. Trụ biểu xây bê tông kiểu truyền thống, đỉnh trụ đắp nghê chầu. Mái lợp ngói mũi hài phục chế cỡ trung, dưới lợp ngói chiếu chữ Thọ. Nền lát gạch bát kiểu cổ hoặc đá đục đồng tiền, mạch chữ Công. Bậc thềm bằng đá nguyên khối đục nhám kiểu cổ, xếp so le kiểu chữ Công. Hệ thống bờ mái, bờ nóc, bờ chảy, bờ guột, trụ biểu, câu đối... đắp trát các con giống lộ thiên theo triết lý cổ của người Việt.

Tiền bái

Tòa Tiền bái nằm sau sân đền, phía trước Thượng điện, trên cùng một trục Thần đạo, là nơi tổ chức tế lễ, thắp hương của người hành hương. Tiền đường gồm 3 gian 2 chái, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao. Hệ kết cấu khung cột toàn nhà bằng gỗ lim loại tốt. Hệ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bẩy mái. Hệ cột kiểu thượng thu hạ thách, “đầu cán cân, chân quân cờ”. Trên các cấu kiện con chồng, câu đầu, đầu dư, đấu kê, bẩy mái, xà,... được đục chạm tinh xảo theo các mô típ trang trí truyền thống của đền chùa cổ của người Việt, theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê như: đao mác vân mây, rồng lân, hoa lá...

Hệ thống ban thờ được bố trí theo các Ban thờ cũ.

Thượng điện

Toà Thượng điện nằm liền kề phía sau Tiền bái, trên cùng trục Thần đạo, là nơi thờ chính của Ngài Thân Công Tài.

Nhà gồm 01 gian và 02 chái, kiểu chồng diêm 02 tầng 08 mái đao. Hệ kết cấu khung cột toàn nhà bằng gỗ lim loại tốt. Hệ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bẩy mái. Hệ cột cái, cột quân hậu bằng gỗ kiểu thượng thu hạ thách. Hệ cột quân tiền (hiên trước) là kiểu cột gỗ đặt trên cột đá hình vuông nhằm tránh mưa nắng, trên cột đá chạm hoa văn tứ quý và câu đối. Nền nhà Thượng điện có cao độ cao hơn sân đền là 1,05m (cao hơn Tiền bái 30cm), lát gạch bát mạch chữ Công. Bậc thềm gồm 07 bậc, đá bậc thềm xếp so le kiểu chữ Công, bo thềm kiểu rồng chầu - vân mây, có phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Bờ nóc đắp trang trí rồng chầu mặt nhật, hai đầu đắp kìm nóc, khúc khuỷu đắp lân nghê. Hệ thống chân tảng cột cái và cột quân bằng đá xanh nguyên khối, hình thức kiểu “trên tròn dưới vuông”, chạm 16 cánh sen quanh mặt gương. Đá bo nền, bó thềm nhà, bậc cấp,... sử dụng bằng đá xanh nguyên khối đục nhám mặt kiểu cổ. Hệ thống tường bao quanh xây gạch để trần vét mạch kiểu cổ. Hệ thống cửa đi kiểu bức bàn bằng gỗ lim, mỗi gian cửa gồm 06 cánh. Tường bao đầu hồi nhà có cửa sổ ô thoáng hình chữ Thọ, bên ngoài cửa ô thoáng có mi che kiểu truyền thống.

Hệ thống ban thờ được bố trí theo các ban thờ cũ.

Nhà che bia

Nhà che bia được làm bằng gỗ, dạng phương đình, kiến trúc 02 hàng chân, kiểu 01 tầng 04 mái đao, có hình thức hài hòa với tổng thể kiến trúc. Nền nhà che bia cao hơn nền sân đền 25cm, lát gạch bát mạch chữ Công. Chân tảng, bó vỉa bằng đá xanh nguyên khối. Chính giữa nhà che bia xây bệ, đắp hoa văn có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII để tôn cao bia đá cổ.

Nhà Hữu vu - Miếu Thổ địa

Nhà Hữu vu - Miếu Thổ địa nằm bên hữu Thượng điện. Hạng mục công trình gồm 03 gian, 02 hàng chân, kiến trúc kiểu tường thu hồi bít đốc. Gian ngoài cùng của nhà là cầu thang xuống tầng hầm, gian giữa là Miếu Thổ địa. Miếu Thổ địa mở cửa ra phía đường như hiện nay, để thuận tiện cho nhân dân lễ bái, thực hành tín ngưỡng.

Hệ vì kiểu chồng rường bẩy mái, cột trước bằng gỗ, phía sau gác tường. Các cấu kiện gỗ được đục chạm tinh xảo theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.

Nhà Tả vu

Nhà Tả vu và Hữu vu nằm đối xứng hai bên Thượng điện; nhà Tả vu nằm bên tả (bên trái) Thượng điện, gồm 03 gian, 02 hàng chân, kiến trúc kiểu tường thu hồi bít đốc. Gian ngoài cùng của nhà Tả vu là cầu thang xuống tầng hầm.

Tầng hầm

Hầm ngầm được xây ngầm bên dưới sân đền, phía trước toà Tiền bái và bên dưới nhà Tả Hữu vu, vách và đáy hầm đổ beton chống thấm.

Phân khu chức năng gồm có: Kho (10,56m2), Bếp (10,00m2), Vệ sinh công cộng (15,22m2).

Tất cả những hạng mục công trình tu bổ tôn tạo sẽ được kết hợp một cách hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc đền chùa truyền thống, tạo nên một tổng thể không gian đền Tả Phủ cổ kính, trang trọng và linh thiêng, phù hợp với kiến trúc cổ truyền thống ở Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nghiên cứu, tham quan, du lịch, của nhân dân địa phương và các vùng lân cận; góp phần bảo tồn, gìn giữ lâu dài một di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt và quý giá, còn giữ được cho đến ngày hôm nay trên quê hương Lạng Sơn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Pháp lý xây dựng

Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian

Nhằm đánh giá toàn diện về nội dung, giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian phục vụ công tác quản lý, bảo vệ giá trị của di tích, ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian”.

Cần bảo vệ chợ Đầm Tròn theo Luật Di sản văn hóa

Chợ Đầm Tròn là công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của TP Nha Trang (Khánh Hòa). Vì vậy cần đưa công trình này vào danh mục kiểm kê công trình kiến trúc có giá trị để bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Đó là đề nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa được gửi đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Đừng hoang phí công thự di sản

Đã đến lúc những công thự quý hiếm cần mở cửa và mở thêm công năng mới, góp phần làm “trường học” và “vườn ươm” ý tưởng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và ngay cả quản trị cho đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Nhiều sản phẩm văn hóa với công nghệ hiện đại đã được giới thiệu đến đông đảo du khách trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá…

Tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung

Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hạng mục Khu tưởng niệm (Khu A) được triển khai ngày 2/11/2023 trên diện tích 6,4 ha với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi