Những vấn đề cơ bản trong phát huy bản sắc văn hóa kiến trúc dân tộc

Những vấn đề cơ bản trong phát huy bản sắc văn hóa kiến trúc dân tộc

(Vietnamarchi) - Bàn về câu chuyện Bản sắc kiến trúc Việt thật không dễ. Bởi thực tế thì mỗi một quốc gia, một dân tộc, một vùng miền đều có một nền văn hóa, đặc trưng riêng. Có hay không có và đâu là Bản sắc kiến trúc Việt Nam? Một câu hỏi mà suốt thời gian qua vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá nào trở thành tài liệu dẫn dắt, định hướng chính thức cho giới hành nghề kiến trúc và các nhà quản lý? Cùng tác giả đi tìm đặc trưng tiêu biểu nhất của kiến trúc qua bản sắc văn hóa của quốc gia đó, dân tộc đó.
10:05, 18/06/2024

Có hay không có và đâu là Bản sắc kiến trúc Việt Nam?

Trong các loại hình văn hóa vật thể thì công trình kiến trúc có lẽ là sản phẩm văn hóa lâu đời nhất cho đến nay. Từ thời nguyên thủy khi con người bắt đầu biết sử dụng lửa để nấu chín thức ăn họ cũng đã tự xây dựng những ngôi nhà, hay túp lều bằng các vật liệu như gỗ, đá, xương động vật và kiến trúc đã ra đời từ đó. Cùng với hàng triệu năm tiến hóa của con nguời các công trình kiến trúc hiện nay đã là biểu tượng rõ nét nhất của các nền văn hóa.

Việt Nam được nhiều nhà sử học ghi nhận là có bề dày lịch sử khoảng 3.000 đến 4.000 năm hoặc nhiều hơn thế. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di tích chứng minh loài người đã từng sống tại Việt Nam từ thời kỳ Đồ đá cũ.

Vào thời kỳ Đồ đá mới, các nền văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn đã phát triển về chăn nuôi và nông nghiệp, đặc biệt là nghệ thuật trồng lúa nước. Nền kiến trúc Việt Nam cũng đã manh nha, từng bước hình thành từ đó.

Ngày nay kiến trúc tuyền thống Việt Nam được chia thành các loại hình sau:

Kiến trúc quân sự – quốc phòng

Đây là loại hình kiến trúc bao gồm thành lũy, pháo đài, đồn, cửa ô… Những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ Việt Nam có mặt bằng bố cục gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác (Thành Cổ Loa).

Nhà ở dân gian

Các ngôi nhà ở dân gian đều qua một quá trình chuyển biến từ nhà sàn đến nhà nền đất. Nhà nền đất vùng xuôi có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay lá dừa nước; nếu là kết cấu khung gỗ loại tốt lại thường được lợp bằng ngói, tường bao quanh bằng gạch hoặc tường gạch chịu lực với vì kèo gỗ. Khuôn viên nhà bao gồm: nhà chính, nhà phụ (nhà ngang), nhà bếp và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Nhà chính có số gian lẻ (1, 3 hay 5) cùng với 1 hoặc 2 chái.

Kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng

Các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam có thể kể đến 3 dạng công trình chính đó là chùa tháp, đền miếu và đặc biệt nhất, thuần Việt nhất đó là đình làng. Đình làng nguyên là nơi thờ thành hoàng theo phong tục tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam cổ đại. Vì vậy nó thường được xếp vào thể loại công trình phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, đình làng còn là một công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó. Ngoài chức năng là nơi thờ Thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm hành chính, quản trị phục vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của hội đồng kì mục trước đây (trong thời phong kiến); là nơi hội họp của dân làng;…

Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng. Nói chung, với ba chức năng cơ bản trên (tín ngưỡng, hành chính, văn hóa – văn nghệ), đình làng là nơi diễn ra mọi hoạt động của làng xã Việt Nam gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến trúc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Đây là thế giới cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong (dong)… là nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động.

Đình làng Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh)
Đình làng Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh)

Chính vì vậy, các điêu khắc đình làng còn có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam trước đây. Nó có giá trị lịch sử sâu sắc đại diện cho bản sắc văn hóa của một loại công trình kiến trúc Việt Nam. Đình làng Đình Bảng là một trong những công trình tiêu biểu như vậy.

Ngày nay, với mỗi loại hình công trình kiến trúc như trên, trong công cuộc bảo tồn, tôn tạo, tái hiện hay thậm chí xây mới thì một nguyên tắc bất định là công trình đó sẽ hướng đến kế thừa, phát huy như sự tiếp nối của dòng chảy văn hóa, lịch sử, con người và khoa học kỹ thuật qua các thời kỳ. Vì vậy xác định rõ các yếu tố văn hóa và kiến trúc gốc chúng ta cũng sẽ dễ dàng tạo nên những nhận diện bản sắc dân tộc một cách rõ nét.

Cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội (2008) và vấn đề Bản sắc kiến trúc Việt Nam?

Thiết kế mã số L787 đạt giải A (2008)
Thiết kế mã số L787 đạt giải A (2008)

Năm 2008, cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội (vị trí được xác định tại Quảng trường Ba Đình hiện nay) đã được tổ chức nhằm chọn ra phương án tốt nhất, phù hợp với các yêu cầu của cuộc thi mà một trong các yêu cầu đó có liên quan đến việc cần phù hợp với Bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Trong kỳ thi phương án kiến trúc Nhà Quốc hội ngày đó, có 17 phương án dự thi được chấm điểm và đem ra triển lãm. Kết quả có 1 giải A và 4 giải khuyến khích.

Qua cuộc thi này điều đáng mừng là các ý tưởng táo bạo của nền kiến trúc hiện đại đã lên ngôi (tuy chưa phải hoàn toàn của người Việt Nam nghiên cứu vì cuộc thi này có 7 phương án là của người nước ngoài). Song điều đáng buồn là như một số nhà phê bình kiến trúc ngày ấy nhận định rằng không còn phương án “hoài cổ” nữa. Không hoài cổ nữa có nghĩa là đã quên đi bản sắc văn hoá của dân tộc, quên đi lịch sử của dân tộc và quên đi chính mình.

Khi được ban tổ chức cuộc thi yêu cầu chỉnh sửa phương án được giải A, trong đó có yêu cầu phù hợp với Bản sắc kiến trúc Việt Nam, các tác giả của phương án này đã nêu câu hỏi Bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì? Và câu hỏi đó không có lời giải đáp một cách thỏa đáng!

Tại sao nơi hội họp lớn nhất của quốc gia lại không thể là “Ngôi đình Quốc gia” – Cái tiêu biểu nhất trong tất cả các “đình làng” trước đây và các “đình đô thị” ngày nay. Và nếu đã là “đình Quốc gia” tại sao nó không thể có hình thức như những ngôi đình đã được quốc gia xếp hạng. Xếp hạng để mà xem, để mà nhớ, hay xếp hạng để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước mà phát huy, phát triển bản sắc riêng của dân tộc mình, của quốc gia mình.

Điểm thành công nhất của phương án đạt giải A là đã bảo tồn gần 4 ha khu di tích khảo cổ A, B, C, D của 5 thời kỳ văn hoá lịch sử của dân tộc: Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Điểm chưa thành công nhất của phương án giải A là chưa khai thác cái tinh tuý nhất, cái bản sắc của các công trình kiến trúc còn nằm trong lòng đất của 5 thời kỳ văn hóa ấy, song hình thức kiến trúc của nó còn tồn tại trong hàng ngàn di sản kiến trúc – văn hóa – lịch sử đã được quốc gia xếp hạng trên mặt đất để mà đúc kết, phát huy, phát triển và đưa vào kiến trúc ngoại thất của công trình…

Dù rằng đã có nhiều ý kiến bình luận, đóng góp song phương án được phê duyệt và đã được xây dựng đưa vào sử dụng hiện nay chưa giải quyết được câu hỏi này.

Vậy đâu là bản sắc kiến trúc Việt?

Nhìn sang các quốc gia láng giềng nhiều người trong chúng ta đã từng nhận xét kiến trúc công trình của họ thể hiện rõ bản sắc của các quốc gia đó.

Nhà quốc hội Campuchia đã được đưa vào sử dụng trong năm 2008, rõ ràng đã thể hiện được bản sắc kiến trúc riêng của họ. Hoặc khi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), tại cột mốc 171 nhìn sang phía Campuchia nhiều người đã trầm trồ khen ngợi công trình kiến trúc cửa khẩu của họ rằng: “Thấy ngay bản sắc văn hóa kiến trúc Campuchia“.

Song khi nhìn ngược lại phía cửa khẩu Việt Nam đều lắc đầu “chẳng thấy bản sắc Việt Nam?”.

toa-nha-quoc-hoi-campuchia-giaoducvietnam
Nhà Quốc hội Campuchia được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2008

 

cua khau bavet moc bai
Cửa khẩu phía nước bạn – Bản sắc văn hóa kiến trúc Campuchia

Hay cửa khẩu của Lào, của Thái Lan đều thể hiện bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống của đất nước mình. Khi đến cửa khẩu Cầu hữu nghị số 2 Lào – Thái, đứng từ giữa cầu treo dây văng một mặt phẳng nhìn về phía cửa khẩu thị xã (Lào) nhiều người nhận xét: “Thấy ngay bản sắc văn hoá kiến trúc Lào”. Còn khi nhìn sang phía cửa khẩu thị xã Mukdahan của Thái Lan nhiều người cùng chung nhận xét “Thấy ngay bản sắc văn hoá kiến trúc Thái Lan”!
Vậy điều gì đã tạo ra cảm giác có bản sắc văn hoá kiến trúc của các quốc gia đó? Chính là hình thức kiến trúc bên ngoài của các công trình đó, mà bắt đầu từ hình thức, kết cấu, độ dốc, độ cong, màu sắc, vật liệu, các chi tiết của mái; các chi tết cột, cửa và chạm khắc trên thân của công trình… Cả 3 công trình điển hình đó của 3 quốc gia nêu trên đều có những điểm rất giống nhau và đại diện cho Đông Nam Á là mái ngói, song lại rất khác nhau và rất đặc trưng cho từng quốc gia bởi sự khác nhau của những chi tiết kiến trúc nêu trên.

Vậy đối với các kiến trúc của Việt Nam, chúng ta đã có bao nhiêu công trình đem lại sự nhận diện rõ nét về bản sắc kiến trúc như Lào, Thái Lan hay Campuchia…?

Thiết nghĩ, những nghiên cứu khoa học có giá trị đã được nghiệm thu ở các cấp, những cuốn sách, bài giảng đang được giảng dạy, lưu hành tại các trường đại học có khoa kiến trúc ở Việt Nam đều đã đúc kết và nêu rõ về 3 loại công trình kiến trúc truyền thống nêu trên ở nước ta. Chắt lọc những tinh tuý trong các tài liệu ấy, hệ thống hoá lại như cách phân tích nêu trên, chắc chắn ta tìm ra câu trả lời về bản sắc kiến trúc Việt Nam!

cua khau thai lan
Cửa khẩu quốc tế phía Thái Lan

 

cua khau lao
Cửa khẩu quốc tế phía Lào

Tiếp tục hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt?

Ngày 13/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc – Luật đầu tiên trong lĩnh vực kiến trúc với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của giới kiến trúc là việc kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc đó phải bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật; Thuần phong mỹ tục; Kỹ thuật và vật liệu xây dựng, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Bên cạnh đó, kiến trúc phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Đồng thời, luôn bảo tồn, kế thừa các giá trị truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phù hợp với thực tiễn đất nước, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Sau luật, chúng ta đang tiến tới xây dựng “Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam” theo tôi cần lưu ý thêm rằng: Bản sắc văn hoá của 54 dân tộc ở nước ta có sự khác biệt về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết…, do đó khi hệ thống hoá, điển hình hoá về bản sắc văn hoá trong các công trình kiến trúc cần bắt đầu từ bản sắc kiến trúc của một số dân tộc điển hình, không phải cả 54 dân tộc đều có bản sắc kiến trúc riêng về 3 loại công trình kiến trúc nêu trên.

Ngoài ra, mỗi tỉnh thành lại có một số dân tộc cùng sinh sống trong số 63 tỉnh thành, trong đó ngoài người Kinh, mỗi tỉnh lại có một số dân tộc có số lượng dân cư chiếm đa số, có bản sắc kiến trúc truyền thống tiêu biểu, nhận biết được. Bên cạnh đó mỗi dân tộc lại phân bố dân cư trên nhiều tỉnh thành khác nhau, vì thế nội dung này cũng cần được lưu ý trong hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, việc phát huy bản sắc kiến trúc cần lưu ý các vấn đề sau đây: (1) Phù hợp và mang tính đại diện cho vùng, miền, tỉnh thành, dân tộc…; (2) Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng hoặc xây dựng mới; (3) Các nhà ở dân gian của các dân tộc ít người có đặc trưng kiến trúc tiêu biểu; (4) Các công trình quân sự, quốc phòng được bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng; (5) Các cổng làng, cổng ô (cổng đô thị), cửa khẩu (cổng quốc gia); (6) Tránh phát huy bản sắc kiến trúc một cách tràn lan, dễ gây nên sự nhàm chán, hạn chế tính sáng tạo của các KTS; (7) Khuyến khích các KTS khai thác một số thành tố tạo nên bản sắc kiến trúc vùng, miền, dân tộc… trong các công trình kiến trúc hiện đại./.

Pháp lý xây dựng

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác. 

Phố Cổ Hà Nội - Bảo tồn và phát huy giá trị

(KTVN 252) Với vị trí quan trọng về mặt địa lý - lịch sử, Khu Phố Cổ Hà Nội (KPC) trở thành nơi hội tụ của những tinh hoa dân gian truyền thống Việt, là sự kết nối giữa Kinh thành và làng xóm ngoại thành, tạo nên bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. KPC cũng là khu vực có bề dày lịch sử, đã trải qua sự thăng trầm của các triều đại phong kiến, thực dân, các giai đoạn phát triển của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Với quỹ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, KPC xứng đáng được nhận sự quan tâm không chỉ của quận Hoàn Kiếm, không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn là sự quan tâm của cả nước và thế giới.

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi