Nhà ở thụ động (PASSIVE HOUSE) - Một trong những giải pháp để hướng tới công trình xanh và phát triển bền vững đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam

Nhà ở thụ động (PASSIVE HOUSE) - Một trong những giải pháp để hướng tới công trình xanh và phát triển bền vững đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam

(Vietnamarchi) - Theo Cơ quan Năng Lượng Quốc Tế - International Energy Agency (IEA), ngành xây dựng Thế giới đang tiêu tốn 30% tài nguyên toàn cầu và phát thải hơn 26% khí thải độc hại ra toàn cầu, với việc sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường và áp dụng những tiêu chuẩn về phát triển bền vững, ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ có những thay đổi vượt bật để góp phần vào cam kết của thế giới International Energy Agency’s Net Zero Emissions, để đạt được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra là tất cả các dự án xây dựng mới và tối thiểu 20% các công trình hiện hữu phải hoàn thành mục mục tiêu Zero phát thải C02 đến năm 2030. Do đó, để góp phần cắt giảm lượng phát thải khí C02 trong lĩnh vực xây dựng thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau nhằm đạt được mục tiêu đề ra và đồng thời lựa chọn giải pháp hiệu quả để hướng tới Green Building đối với mảng nhà ở riêng lẻ. Nhà ở thụ động (Passive House) là một trong số đó.
16:00, 15/12/2023

Vấn đề đáng báo động về nguồn phát thải khí C02 từ nhà ở riêng lẻ

Hiện nay, Thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra như tình trạng ô nhiễm môi trường, sự ấm lên của toàn cầu và tình trạng phát thải khí C02 từ các quốc gia. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ngày 01/11/2021 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), các quốc gia đã nhấn mạnh đến nguồn năng lượng xanh là giải pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, ba nước có lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã có những cam kết mạnh mẽ về phát thải khí Carbon. Tổng thống Mỹ khẳng định Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố nước này đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060, Thủ tướng Ấn Độ đã nêu lập trường chính thức của New Delhi rằng nền kinh tế nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2070. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam cũng đã cam kết kết với Thế Giới về việc sẽ đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, một cam kết ấn tượng với các bên tham gia Hội nghị.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tốc độ nhanh nên mức độ tiêu thụ năng lượng và phát thải cũng tăng theo, số liệu thống kê từ Bộ Công thương cho thấy ngành công nghiệp đang đứng đầu về tỷ trọng tiêu thụ năng lượng chiếm 40,0% và xếp thứ hai về tỷ lệ phát thải khí CO2 với 30,0%, tuy nhiên ngành xây dựng dân dựng tiêu thụ năng lượng xếp thứ hai với tỷ lệ 33,0 % nhưng lại phát thải khí C02 cao nhất chiếm 31,0%. Do đó, ngành xây dựng đang là một trong số các nguyên nhân chính của những vấn đề phát thải C02 và ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam.

Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng theo ngành tại Việt Nam. (Nguồn: Viện Năng lượng - Bộ Công thương).
Tỷ phát thải khí CO2 theo ngành tại Việt Nam. (Nguồn: Viện Năng lượng - Bộ Công thương).

Theo Cơ quan Năng Lượng Quốc Tế - International Energy Agency (IEA), ngành xây dựng Thế giới đang tiêu tốn 30% tài nguyên toàn cầu và phát thải hơn 26% khí thải độc hại ra toàn cầu, với việc sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường và áp dụng những tiêu chuẩn về phát triển bền vững, ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ có những thay đổi vượt bật để góp phần vào cam kết của thế giới International Energy Agency’s Net Zero Emissions, để đạt được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra là tất cả các dự án xây dựng mới và tối thiểu 20% các công trình hiện hữu phải hoàn thành mục mục tiêu Zero phát thải C02 đến năm 2030.

 Mức độ tăng trưởng loại hình dự án xây dựng từ năm 2010 – 2020. (Nguồn: Bộ Công thương).
Mức độ tăng trưởng loại hình dự án xây dựng nhà ở từ năm 2007 - 2020. (Nguồn: Tổng Cục thống kê Việt Nam).

Theo công bố từ Tổng Cục thống kê Việt Nam, thì số lượng nhà ở riêng lẻ (Single detached house) tăng trưởng nhanh qua các năm giai đoạn 2007-2020, tính đến cuối năm 2020 thì tổng diện tích sàn đã được xây dựng đối với loại hình nhà ở này đạt khoảng 110.000.000 m2 sàn, một con số khổng lồ so với các loại hình dự án xây dựng khác. Do đó, để góp phần cắt giảm lượng phát thải khí C02 trong lĩnh vực xây dựng thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau nhằm đạt được mục tiêu đề ra và đồng thời lựa chọn giải pháp hiệu quả để hướng tới Green Building đối với mảng nhà ở riêng lẻ sẽ luôn là một thách thức không hề nhỏ.

Nhà ở thụ động (Passive House/Passive Building) - một trong số các giải pháp hướng đến Green Building

Khái niệm về công trình xây dựng áp dụng Passive House

Nguyên lý của Passive House không được “phát minh” bởi bất kỳ ai, từ lâu những quy tắc cơ bản của Passive House đã được “nhận ra” và sử dụng trên toàn cầu dưới những hình thức khác nhau; theo thời gian nó được điều chỉnh, tổng quát hóa lại có tên gọi “Passive House” (or “Passivhaus”). Vào những năm 1990, Giáo sư Bo Adamson (Thụy Điển) & Giáo sư Wolfgang Feist (Đức) đã có những nghiên cứu liên quan, phát triển và tiêu chuẩn hóa Passive House để áp dụng rộng rãi trên toàn Thế Giới đến ngày nay.

Theo Passive House Institute, Passive House là dự án xây dựng mà ở đó con người đạt được sự hài lòng và cảm thấy thoải mái với môi trường nhiệt (ISO 7730_Tiêu chuẩn Quốc tế về Môi trường nhiệt), mà nó có thể đạt được nhờ vào việc tự điều hòa khối không khí trong lành hiện có của môi trường tự nhiên và tạo ra chất lượng không khí trong nhà đảm bảo đủ điều kiện (DIN 1946_Tiêu chuẩn Quốc tế về Thông gió và điều hòa không khí). Passive House chuẩn là dự án xây dựng đạt được các mục tiêu về hiệu quả sử dụng năng lượng, sự thoải mái và sự hài hòa về chi phí.

Lợi ích của công trình xây dựng áp dụng Passive House

Theo Passive House Institute, Passive House không chỉ là dự án tiêu tốn năng lượng thấp mà còn mang đến nhiều lợi ích hơn thế:

Khi so sánh với công trình xây dựng truyền thống thì Passive House có thể sẽ tiết kiệm đến 75% - 90% năng lượng tiêu thụ phát sinh từ hệ thống sởi ấm và làm mát.

Passive House sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, những nguồn nhiệt từ bên trong nhà và tái tạo lại nguồn nhiệt một cách hiệu quả vào mùa đông mà không cần phải sử dụng hệ thống tạo nhiệt nóng. Và vào mùa hè, thì Passive House sẽ phát huy tác dụng từ những biện pháp làm mát thụ động trước đó để duy trì sự thoáng mát một cách thoải mái.

Hệ thống thông gió tự nhiên luôn duy trì cung cấp gió tươi liên tục một cách với chất lượng không khí tốt nhất.

Nhiệt độ bên trong nhà có sự khác nhau với nhiệt độ bề mặt của tường bao trong nhà và ngoài nhà. Những dạng cửa sổ đặt biệt, lớp vỏ bao che nhà, mái và sàn có hệ số cách nhiệt cao, và lớp tường bao che ngoài nhà sẽ giữ sự ấm áp hoặc mát mẻ bên trong nhà.

Những nguyên tắc cơ bản của Passive House đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam

Theo Passive House Institute, có 5 nguyên tắc cơ bản đối công trình xây dựng Passive House.

Năm nguyên tắc của một ngôi nhà Passive House. (Nguồn: Passive House Institute).

Nguyên tắc 1: Lớp vỏ bao che cách nhiệt tốt

Lớp vỏ bao che của một ngôi nhà Passive House cần phải đạt được sự cách nhiệt và kín khí tốt để cấu trúc căn nhà được ổn định dưới điều kiện thời tiết. Để đạt được tiêu chuẩn về năng lượng cần thiết cho một ngôi nhà Passive House, các nguyên tắc cần thiết là:

Lớp cách nhiệt phải liên tục, tránh sự đứt đoạn tại các mối nối trong các thành phần của ngôi nhà là biện pháp tốt nhất để đạt được hiệu quả nhất các tiêu chuẩn của Passive House.

Giảm hiện tượng cầu nhiệt để đảm bảo sự chắc chắn của cấu trúc ngôi nhà bởi các tính chất nhiệt của các vật liệu là khác nhau.

Có thể sử dụng nhiều phương pháp để xây dựng nhà Passive House như nhà tường gạch truyền thống, nhà gỗ, thép, dùng các cấu kiện đúc sẵn và có cách nhiệt. Cách nhiệt ở lớp vỏ bao che của công trình gồm có 4 thành phần: ở tường ngoài, sàn, mái và cửa sổ.

Nguyên tắc 2: Sử dụng cửa sổ kính đạt yêu cầu

Tùy vào khí hậu ở từng vùng mà sử dụng lớp cách nhiệt và kính ở cửa sổ khác nhau để đạt yêu cầu về sự thoải mái về nhiệt. Sự tổn thất nhiệt qua khung cửa sổ thường là cao hơn so với các vị trí cách nhiệt khác, vì vậy cách nhiệt tốt cho khung cửa sổ là điều cần thiết. Sử dụng kính E-low khung 3 lớp với lớp cách nhiệt cho vùng khí hậu ôn đới, và kính E-low khung 2 lớp với lớp cách nhiệt thường cho vùng khí hậu ấm áp hơn.

Đối với nhà ở Passive House, cửa sổ phải được đặt trong lớp cách nhiệt của bức tường để giảm hiện tượng cầu nhiệt. Do đó, cách tốt nhất là lớp cách nhiệt phải trùng lên khung cửa sổ. Ở vùng khí hậu ôn đới, việc đặt trùng lớp cách nhiệt sẽ ngăn ngừa sự thất thoát nhiệt và làm tăng nhiệt độ ở bên trong ngôi nhà. Còn trong vùng khí hậu nóng ẩm, điều đó sẽ giúp giảm nhiệt độ và làm mát bên trong nhà.

Nguyên tắc 3: Hệ thống thông gió tự nhiên

Hệ thống thông gió đóng một vai trò quan trọng trong nhà ở Passive House vì nó cung cấp nguồn không khí sạch và loại bỏ mùi, độ ẩm không cần thiết. Trong một số trường hợp, việc thông gió bằng cách mở các cửa sổ sẽ gây ra sự thất thoát nhiệt và không lọc được không khí sạch. Vì vậy, đây là một hệ thống không thể thiếu cho các ngôi nhà Passive House. Thiết bị trao đổi nhiệt trong hệ thống sẽ làm ấm không khí lạnh từ bên ngoài để cung cấp vào trong công trình đối với mùa đông lạnh, ngược lại, với mùa hè nóng, hệ thống này sẽ thực hiện ngược lại là làm mát không khí trước khi cấp vào bên trong nhà. Tùy vào chất lượng của thiết bị trao đổi nhiệt, mà hơn 90% nhiệt độ có thể chuyển thành khí cấp có nhiệt độ gần với nhiệt độ phòng.

Các nguyên tắc cơ bản của hệ thống thông gió cho nhà Passive House là độ ẩm và không khí bẩn được thải ra từ nhà bếp và phòng tắm, không khí tươi trong lành được cung cấp cho các khu vực sinh hoạt như phòng ngủ, phòng khách,…

Quy trình của hệ thống thông gió có thu hồi nhiệt. (Nguồn: Passive House Association)

Nguyên tắc 4: Độ kín khí của ngôi nhà

Trong các ngôi nhà Passive House, độ kín khí của ngôi nhà là khó đạt yêu cầu nhất đối với vùng khí hậu lạnh và vùng khí hậu nóng ẩm. Nếu độ kín khí trong công trình xây dựng không đảm bảo, không khí ẩm từ bên ngoài sẽ thâm nhập vào và gây ra thiệt hại và phá hủy cấu trúc xây dựng. Vấn đề này không chỉ xét riêng cho các công trình năng lượng mà đó là điều cần thiết đảm bảo cho các công trình xây dựng. Độ kín khí và vật liệu cách nhiệt là hai đặc điểm cần thiết cho lớp vỏ bao che tốt. Nhưng kín khí đảm bảo không có nghĩa là cách nhiệt tốt và ngược lại, trong một số trường hợp, cả hai có thể hoàn toàn độc lập. Vấn đề kín khí cho ngôi nhà nên thực hiện từ lúc mới bắt đầu xây dựng, vì các vấn đề sửa chữa sau đó sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Trong công trình, ở bất cứ chỗ nào mà có lỗ rỗng, có sự kết nối phức tạp thì sẽ không đảm bảo độ kín khí ví dụ như: các mối nối chung quanh giữa sàn với tường, bên dưới bệ cửa sổ, xung quanh các hộp kỹ thuật......

Các vị trí không đảm bảo độ kín khí trong nhà. (Nguồn: Passivhaus Trust).

Nguyên tắc 5: Giảm ảnh hưởng của cầu nhiệt (Thermal bridges)

Cầu nhiệt (Thermal bridges) là một khu vực hoặc thành phần của vật thể có hệ số dẫn nhiệt cao hơn so với các vật liệu xung quanh, tạo ra một đường truyền nhiệt có lực cản ít nhất.

Khái niệm lớp vỏ bao che công trình không chỉ gồm các thành phần xây dựng như tường, mái và trần nhà mà còn gồm các góc cạnh và các phần được liên kết.

Năng lượng sẽ bị thất thoát nhiều ra bên ngoài thông qua những điểm kết nối này và xuất hiện hiện tượng cầu nhiệt. Hiện tượng cầu nhiệt sẽ làm tăng độ ẩm trong các bộ phận của công trình và gây thất thoát nhiệt. Để tiết kiệm năng lượng sử dụng chính là phải giảm hiện tượng cầu nhiệt. Một ví dụ cho thấy, một ngôi nhà với thiết kế có ban công sẽ gây ra hiện tượng cầu nhiệt; do vậy, giải pháp để hạn chế cầu nhiệt đó là kết cấu của ban công phải độc lập với kết cấu của ngôi nhà. Một số giải pháp để giảm hiện tượng cầu nhiệt: Lớp cách nhiệt ở vỏ bao che phải liên tục; Phải chú ý đến các góc giao giữa sàn/tường, mái hiên, đầu hồi.

Lớp vỏ bao che cho nhà Passive House. (Nguồn: Passive House Institute).

Một số nhóm nguyên nhân gây hạn chế việc ứng dụng Passive House đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam

Nhóm nguyên nhân từ phía Nhà nước

Nhóm nguyên nhân về phía chính sách nhà nước gồm các yếu tố chính như chưa cung cấp các khoản vay ưu đãi cho việc xây dựng nhà ở tiết kiệm năng lượng, có thể mặc dù văn bản pháp lý đã có nhưng năng lực để triển khai cơ chế hỗ trợ, giám sát và thực hiện các biện pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng còn thiếu. Mặc khác, chưa có chương trình đào tạo phổ biến kiến thức Passive House hoặc nếu có thì vẫn còn hạn chế; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định/tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở tiết kiệm năng lượng chưa được rộng rãi đến cộng đồng.

Nhóm nguyên nhân về vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên năng lực sản xuất vật liệu mới còn hạn chế, vật liệu mới chưa đưa vào sản xuất rộng rãi, khó khăn trong việc tìm kiếm, sử dụng vật liệu phù hợp cho công trình Passive House. Thị trường xây dựng gồm các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật tư còn hạn chế về nguồn lực, nhận thức và kỹ năng chuyên môn. Muốn phát triển kiến trúc xanh về cơ bản vẫn là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, tạo ra môi trường sống tốt cho người người sử dụng lẫn cộng đồng xung quanh. Các công trình tiết kiệm năng lượng thường được phát triển mạnh ở các nước có nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát triển. Vì vậy, ở Việt Nam để có thể ứng dụng công trình Passive House một cách rộng rãi, việc phát triển khoa học công trình, công nghệ sản xuất là không thể thiếu. Năng lực sản xuất vật liệu mới còn hạn chế một phần là các thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp còn lạc hậu và có khi còn gây ô nhiễm môi trường.

Nhóm nguyên nhân về nhận thức từ phía xã hội

Nhận thức của cộng đồng về Passive House đóng một vai trò vô cùng có nghĩa, do đó các yếu tố như chưa biết về công trình Passive House, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng kiết kiệm, ý thức về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng còn hạn chế và thông tin về công trình Passive House chưa phổ biến ở Việt Nam. Đối với các khái niệm về Passive House hay tiết kiệm năng lượng tuy khá phổ biến trên thế giới nhưng đối với Việt Nam là vẫn còn khá mới; do đó, có được nhận thức, cái nhìn đúng đắn từ phía xã hội là rất quan trọng.

Nhóm nguyên nhân tư phía chủ đầu tư (người sử dụng trực tiếp)

Bao gồm những rào cản như Chủ đầu tư thiếu lòng tin vào công trình Passive House, chủ đầu tư muốn

tận dụng hết diện tích để sử dụng và chủ đầu tư ngại thay đổi từ công trình nhà ở bình thường sang công trình nhà ở Passive House. Tuy nhiên, có thể chia khách hàng ra làm hai nhóm chính là nhóm các chủ đầu tư xây dựng nhà và là chủ sở hữu của ngôi nhà thì sẽ có tác động tích cực tương đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng. Nhóm còn lại, xây dựng để đầu cơ và bán lại, các công trình nhà ở được xây dựng với mục đích là kiếm lợi nhuận nên vấn đề công trình Passive House và tiết kiệm năng lượng sẽ không được quan tâm nhiều, vì vậy, đối với nhóm này, chi phí đầu tư ban đầu chính là một rào cản lớn.

Nhóm nguyên nhân về kỹ năng & năng lực của Tư vấn

Theo nhận định của các chuyên gia thì trong suốt quá trình thực hiện dự án, nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các kiến trúc sư, chủ đầu tư, nhà thầu và các bên có liên quan khác thì kết quả của dự án sẽ không như mong đợi, bởi vì công việc còn mơ hồ, chưa rõ ràng và việc áp dụng các kiến thức và tính toán không đầy đủ. Năng lực đội ngũ thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu và kỹ năng thiết kế công trình Passive House và thường phải dựa vào các chuyên gia tư vấn. Để có được một ngôi nhà Passive House tiết kiệm được chi phí cần có ngay từ đầu đội ngũ thiết kế có kinh nghiệm, phối hợp lên kế hoạch cẩn thận. Bên cạnh đó, với thói quen sử dụng phương pháp thiết kế dựa trên công năng mà đang được áp dụng trong đào tào Kiến trúc sư, điều đó một phần làm ảnh hưởng đến tư duy về sử dụng các giải pháp thiết kế công trình tận dụng hiệu quả năng lượng của các Kiến trúc sư. Trước tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường hiện nay, đã góp phần thúc đẩy không ngừng việc kiến trúc sư và kỹ sư tư duy thiết kế đổi mới theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả năng lượng.

Nhóm nguyên nhân về giải pháp thiết kế

Nhóm này gồm những vấn đề chính chính đó là Vị trí chưa phù hợp để xây dựng công trình Passive House và đặc trưng khí hậu vùng miền, địa phương gây khó khăn trong việc áp dụng công trình Passive House. Vấn đề về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm và đặc tính của từng vùng miền cần phải nghiên cứu kỹ để tạo ra một ngôi nhà Passive House phù hợp và thích nghi với môi trường ở chính nơi nó được xây dựng. Trong trường hợp vị trí xây dựng và môi trường cảnh quan xung quanh không được chọn lựa, cần phải có các giải pháp thiết kế để phù hợp, tạo ra một môi trường sống để hòa nhập tốt hơn.

Bố trí không gian nhà ở nông thôn. (Nguồn: Internet).

Nhóm nguyên nhân về chi phí đầu tư ban đầu

Thông thường công trình sử dụng năng lượng vẫn chưa đạt hiệu quả cao là do lo ngại về các vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao. Cho nên, các chủ đầu tư chỉ tập trung giảm thiểu chi phí ban đầu, chưa quan tâm đến lợi ích của việc tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành và sử dụng. Đồng thời cũng cho rằng Chi phí xây dựng công trình Passive House cao hơn so với nhà thông thường. Điều này hoàn toàn đúng ở mức độ tương đối trong giai đoạn đầu tư vào công trình lúc ban đầu. Nhưng xét về khía cạnh lâu dài, chi phí sử dụng cho năng lượng có thể được tiết kiệm một cách đáng kể. Chi phí tăng thêm do áp dụng Passive House là tăng 16% so với nhà truyền thống vì nguyên nhân chính là do phần cách nhiệt và thông gió cho ngôi nhà. Chủ đầu tư với các vấn đề chi phí đầu tư sẽ rất e ngại và từ chối đầu tư nếu không thấy được lợi ích kinh tế trong tương lai gần. Tóm lại cần phải làm rõ các bài toán về chi phí đầu tư và lợi ích lâu dài về tài chính cho các chủ đầu tư.

Nhóm nguyên nhân về năng lực của các bên tham gia

Nhóm nguyên nhân này gồm các yếu tố chính như thiếu nghiệp vụ trong đánh giá và theo dõi công trình, nhà thầu thi công chưa có kinh nghiệm và kiến thức về xây dựng công trình Passive House. Kinh nghiệm và kiến thức về Passive House của các nhà thầu là một yêu cầu cần thiết, không thể thiếu đối với xây dựng một công trình Passive House. Chính sự chuyên nghiệp đó sẽ giúp công trình giảm được những chi phí phát sinh không cần thiết và đảm bảo công trình có chất lượng hơn.

Case study - Cải tạo nhà ở riêng lẻ theo hướng ứng dụng Passive House

Sơ bộ điều kiện tự nhiên của ngôi nhà và nhu cầu cải tạo

• Vị trí: thành phố tại TPHCM

• Khí hậu: Nhiệt đới nóng, ẩm.

• Hướng công trình: Hướng Tây

• Hướng gió chủ đạo: Chủ yếu là hướng Nam và có gió nhẹ ở hướng Tây

Mục tiêu cải tạo: tránh nắng hướng Tây và đón gió mát & ánh sáng tự nhiên vào ngôi nhà.

Tạo ra một ngôi nhà Passive House nhằm để giảm thiểu tối đa sự tiêu thụ năng lượng và tăng tối đa sự thoải mái, tiện nghi nhiệt cho môi trường bên trong nhà và đồng thời cũng cải thiện môi trường bên ngoài nhà trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là một xu hướng hay một giải pháp áp đặt và được áp dụng cho tất cả mọi ngôi nhà mà tùy vào điều kiện khí hậu,văn hóa ở đặc trưng của từng vùng miền sẽ có những giải pháp phù hợp và cụ thể cho từng ngôi nhà. Trong giới hạn của nghiên cứu này, một trường hợp thực tế sẽ cải tạo một ngôi nhà theo một dạng của Passive House và nghiên cứu sẽ tập trung vào giải pháp thông gió tự nhiên và cách nhiệt lớp vỏ bao che cho ngôi nhà; đồng thời các giải pháp như tính toán hợp lý các số liệu về khí hậu, tận dụng tối đa các điều kiện tiện nghi của môi trường, tích hợp giải pháp tiết kiệm năng lượng vào giai đoạn thiết kế ban đầu và đầu tư hợp lý vào vật liệu cách nhiệt, cũng được vận dụng để cải thiện việc ứng dụng Passive House vào công trình nhà ở riêng lẻ ở Việt Nam.

Phương án thực hiện cải tạo theo hướng Passive House

Mặt bằng hiện trạng Tầng trệt (Trước khi cải tạo)
Mặt bằng hiện trạng Tầng trệt (Sau khi cải tạo).
Mặt Cắt A – A.

Phân tích hiệu quả năng lượng của ngôi nhà được cải tạo theo hướng Passive House

Hiệu quả năng lượng mang lại của ngôi nhà được cải tạo theo hướng Passive House

Sau cải tạo nhỏ đã tăng thêm một phần hiệu quả năng lượng cho toàn ngôi nhà, các phòng chức năng chính đều nhận được ánh sáng tự nhiên và đạt hiệu quả thông gió xuyên phòng khá tốt. Việc bố trí lại và mở rộng thêm một số cửa sổ ở mặt đứng hướng Nam ngôi nhà đã phần nào tăng lưu lượng và tốc độ gió xuyên phòng và đều chỉnh hướng vào vùng hoạt động của người ở trong nhà. Các không gian đều được bố trí cửa gió vào và cửa gió ra để có được gió xuyên phòng và hạn chế các vùng quẩn gió. Sử dụng hiệu quả cách bố trí cây xanh cũng đã góp phần điều chỉnh hướng gió và lượng gió phù hợp vào ngôi nhà tạo tiện nghi nhiệt, hạn chế được việc sử dụng năng lượng nhân tạo kết hợp việc sử dụng vật liệu bề mặt dãy hành lang ở mặt đứng hướng nam là những mảng cỏ sẽ tránh sự bức xạ nhiệt vào ngôi nhà. Sân trong là một phần quan trọng để đạt được hiệu quả năng lượng. Không khí từ môi trường ngoài nhà vào công trình được lọc sạch và giảm nhiệt độ không khí xung quanh thông qua hệ cây xanh ở sân trong được bố trí một cách tối ưu giúp đạt hiệu quả năng lượng.

Bằng các giải pháp tính toán hợp lý các số liệu về khí hậu, tận dụng tối đa các điều kiện tiện nghi của môi trường, tích hợp giải pháp tiết kiệm năng lượng vào giai đoạn thiết kế ban đầu và đầu tư hợp lý vào vật liệu cách nhiệt vào việc thiết kế cải tạo ngôi nhà đã phần nào thay đổi theo hướng tích cực về mặt tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ là một trong những cách để cải thiện sự thoải mái về nhiệt cho ngôi nhà phù hợp với điều kiện môi trường sinh sống, đặc trưng khí hậu của vùng, tùy vào từng vị trí, đặc điểm của khu đất sẽ có những giải pháp thiết kế phù hợp.

Kết luận và khuyến nghị

Để thực hiện mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với Thế giới thì tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nói chung và ngành xây dựng nói riêng đều phải có trách nhiệm, đề ra kế hoạch hành động, giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả, riêng lĩnh vực xây dựng nhà ở riêng lẻ thì có thể áp dụng giải pháp Passive House, là một trong số nhiều giải pháp tối ưu năng lượng để hướng tới mục tiêu Green Buliding; tuy nhiên trên thực tế còn gặp nhiều thách thức khi áp dụng vào thực tế. Hơn nữa, từ những nhóm nguyên nhân chính đã được phân tích ở trên thì các bên có liên quan sẽ tìm được những biện pháp phù hợp nhằm khắc phục những rào cản ảnh hưởng đến việc ứng dụng Passive House vào công trình nhà ở riêng lẻ Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://nhandan.vn/cam-ket-cua-ba-nuoc-co-luong-khi-phat-thai-lon-nhat-the-gioi-post672137.html

2. https://vtv.vn/the-gioi/trung-quoc-dat-muc-tieu-dua-luong-khi-thai-ve-0-truoc-nam-2060- 20200923120825073.htm

3. https://tuoitre.vn/ngoi-nha-thu-dong-nang-tam-cuoc-song-ben-vung-20221017111220766.htm

4. https://www.iea.org/energy-system/buildings

5. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0301421507004235

6. https://web.archive.org/web/20121005015936/http://www.passivhaustagung.de/Passive_House_E/passiv ehouse_definition.html

7. https://passivehousecal.org/history-of-passive-house/

8. https://passipedia.org/passipedia_en/basics/the_passive_house_-_historical_review?s[]=history

9. https://passivehouse.com/02_informations/01_whatisapassivehouse/01_whatisapassivehouse.htm

Về tác giả

Pháp lý xây dựng

Đến năm 2025 rà soát, đồng bộ hệ thống các quy hoạch với Quy hoạch tỉnh Kiên Giang

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2025 rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ Quy hoạch cảng hàng không trên toàn quốc

Việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch.

Lào Cai thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Sa Pa

Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Sa Pa nhằm quản lý và thực hiện theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TP. Hải Phòng được công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại I và mở rộng nội thành

Theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 09/NQ/ĐH của Đảng bộ thành phố và các văn bản pháp lý khác nêu rõ mục tiêu, đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I và huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi