Ngày trở về của Người Hà Nội

Ngày trở về của Người Hà Nội

(Vietnamarchi) - Mỗi khi tháng Mười tới Hà Nội, ai cũng chút xốn xang: “Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.” (Nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên). Tháng Mười Hà Nội với tôi thiêng liêng, trang trọng vô cùng.
11:15, 06/10/2024

Người Hà Nội đứng lên

Năm 1938, cha tôi tốt nghiệp tú tài và được ông trẻ xin cho vào làm tập sự tại Bưu điện Hà Nội, và cứ tuần tự như bao người: có công việc, lập gia đình và chị cả tôi ra đời năm 1942. Tháng 8/1945, Tổng hội viên chức tổ chức mít tinh tại Nhà Hát hát Lớn, cha tôi cũng như các viên chức Bưu Điện có mặt tham gia từ sớm. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh và cha tôi cuốn theo dòng người bừng bừng khí thế ấy đi về trại bảo an trên phố Hàng Bài, lên Bắc Bộ Phủ trên phố Ngô Quyền, sau này được sử sách ghi nhận cái ngày trọng đại ấy là Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền về tay nhân dân.

Cuộc tuần hành tại Hà Nội ngày Tổng khởi nghĩa (19/8/1945) và Đội Nhi đồng Cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế

Sáng mùng 2/9/1945, cả nhà tôi hòa theo hàng vạn người Hà Nội đến quảng trường Ba Đình dự lễ Độc lập, nghe Cụ Hồ đọc tuyên ngôn, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cha tôi vẫn lên Bưu điện Bờ Hồ làm việc hàng ngày, tối về phụ trách thiếu nhi cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế, nơi gia đình tôi trú ngụ - đấy cũng là công việc do tổ chức (ngày ấy gọi là Việt Minh) phân công. Các đội viên nhi đồng khu phố Mai Hắc Đế ngày đi học, tối ra phố sinh hoạt, được cha tôi hướng dẫn tập đội ngũ, đi đều theo nhịp trống, tập hát các bài ca yêu nước. Ngày 19/5/1946, đội nhi đồng cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế cùng các đại biểu nhi đồng cả nước tới Bắc Bộ Phủ mừng Sinh nhật Hồ Chủ Tịch, không biết các đội viên nhi đồng cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế có mặt trong bức ảnh chụp lưu niệm với Cụ Hồ không, nhưng trong bảo tàng Bác Hồ với thiếu nhi Thủ đô có bức ảnh đội nhi đồng cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế. Năm 1971, tôi được chứng kiến Nhữ Đình Nguyên, nghệ sĩ Nhân dân, người đầu tiên thực hiện hóa trang cho diễn viên đóng vai Bác Hồ, ông đến thăm cha tôi – anh phụ trách năm xưa, khi ông ấy là thành viên đội Nhi đồng Cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế. Được biết nhiều đội viên sau này trở thành các chiến sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ hay những người thợ tài hoa tham gia bảo vệ dựng xây nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chiến luỹ trên phố Mai Hắc Đế những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946). Các chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn đào hào công sự tại Bắc Bộ Phủ sát tường rào với nhà Bưu điện Hà Nội

Cuối năm 1946, không khí Hà Nội rất ngột ngạt: quân đội thực dân gia tăng khiêu khích, các phe nhóm phản động quậy phá. Mẹ tôi bế chị tôi lên Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nơi bà nội tôi kinh doanh buôn bán cho an toàn. Cha tôi là viên chức lại tham gia Đội tự vệ Bưu Điện, nên ở lại Hà Nội. Tối 19/12/1946, trận chiến tại Bắc Bộ Phủ khởi đầu cho cuộc “toàn quốc kháng chiến” chống lại quân xâm lược bạo tàn. Chiến sự ác liệt, mặt trận Bắc Bộ Phủ bố trí tiểu đội cảm tử do anh hùng Lê Gia Định trụ lại, các chiến sĩ rút sang tiếp quản trận địa Bưu điện, tự vệ Bưu điện được lệnh rút lui. Cha tôi bò trên mặt đường Đình Tiên Hoàng giữa làn đạn để lăn xuống Hồ Gươm, men theo bờ hồ tới chiến lũy đầu phố Hàng Đào. Ít ngày sau cha tôi lên chiến khu, để lại sau lưng Hà Nội rực hồng lửa cháy, trước mặt muôn vàn gian nan hiểm nguy… như những người Hà Nội yêu nước khác: “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”(thơ Nguyễn Đình Thi). Cha tôi làm việc tại Bưu Điện liên khu 10 (vùng Thanh Ba Phú Thọ) và cùng gia đình một lòng kiên trung theo cụ Hồ đi suốt cuộc trường chinh ba ngàn ngày gian khổ, thiếu thốn nhưng đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, của Hà Nội hào hoa, cho tới ngày về ca khúc khải hoàn.

Người Hà Nội trở về

Sau chiến thắng Điện Biên, tin tức về Hội nghị lập lại hòa bình rộn ràng trên các làng quê kháng chiến. Những lời đồn bà con Hà Nội sớm được trở về lan nhanh, nửa công khai nửa bí mật. ai cũng khát khao ao ước sớm được về Thủ đô. Cha tôi được cấp trên giao nhiệm vụ về Hà Nội từ tháng 9/1954. Quyết định công tác ghi rõ được nhận mấy tháng lương bằng 40kg gạo (không có tiền). Nhiệm vụ ấy cũng rất bí mật, chỉ mẹ tôi biết và không được nói với ai (để đảm bảo việc tiếp quản thành công trong tình hình còn không ít phức tạp). Đầu tháng 10, mẹ tôi được cha nhắn tin đưa cả nhà về Hà Nội, nhanh chóng gói ghém đồ đạc cùng anh chị tôi tới bến đò Vú Ẻn, Thanh Ba, Phú Thọ, lên đò dọc xuôi về Hà Nội hơn trăm cây số cũng mất mấy ngày.

Đò tới bến Chèm tối 9/10/1954, 9 năm ở nơi rừng núi, quen với đèn dầu tù mù, nhìn về Hà Nội sáng rực ánh đèn, các chị tôi hỏi “mẹ ơi ở chỗ kia có các vì sao đang rơi xuống đất ?” Mẹ tôi lúc ấy đã nhoè nước mắt vì vui mừng, buồn tủi, vì lo lắng cho những ngày sau: bao năm xa cách ai còn ai mất, cơ ngơi nhà cửa trôi giạt nơi nao? Giấc mơ của mẹ tôi lúc ấy giản dị như bao người Hà Nội khác: mong cho mọi việc bình an, có mái nhà nương náu, có cơm ăn áo mặc là ổn rồi Những ước ao bé nhỏ bình lặng như sông Hồng chảy trôi giữa dòng đời xuôi ngược.

Bức ảnh kỷ niệm ca gia đình trên chiến khu trước khi cha tôi đi chiến dịch Biên giới (1950). Ngày 10/10/1954, cha tôi tiếp quản Bưu điện Hà Nội.

Cha tôi tham gia công tác tiếp quản bận rộn cả ngày 10/10/1954. Đến tối mới ra xe bến đò bên sông Hồng cùng với ông đạp xích lô. Mẹ tôi bế anh tôi (lúc ấy mới 2 tuổi), chị lớn 12 tuổi (chị sinh ra ở Hà Nội năm 1942) và chị thứ hai, lúc ấy 6 tuổi xích lô cùng đồ đạc, đầy xe, còn cha tôi chạy theo xe từ bến đò vượt qua dốc Cầu Đất, ra thẳng Nhà hát Lớn, rẽ ra phố Hai Bà Trưng, chạy về nhà bà trẻ tôi cuối phố (gần chợ Cửa Nam). Cả nhà tôi trên chiếc xích lô đầy ắp mạnh mẽ, hiên ngang, băng qua phố phường Hà Nội trong ngày trở về kiêu hãnh ấy.

 Bảy mươi năm trôi qua, nhà tôi cũng nhiều lượt đi xa rồi lại trở về Hà Nội. Cha mẹ tôi thì đi xa lắm, các cụ đang ở đâu đó trên bầu trời xanh xanh, trong vắt nhìn xuống con cháu đâu đó trên phố phường Hà Nội hôm nay. Chị cả tôi cũng là lớp thanh niên Hà Nội ba sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần” ,xung phong lên khu gang thép Thái Nguyên xây nhà máy từ năm 1965, vừa làm việc vừa học tập, tốt nghiệp Bách Khoa ngay trong những năm chiến tranh phá hoại, đến năm 1977 mới quay về Hà Nội công tác. Chị thứ hai là công nhân Nhà máy Thiết bị Bưu điện ở 61 phố Trần Phú, nơi ấy còn tấm bia kỷ niệm “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” ngày 19/5/1967, chị cũng là thành viên đội tự vệ nhà máy “súng trên vai, sao vuông đầu mũ,… em đi về đâu mà chân bước hiên ngang”( Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh). Sau ngày Tiếp quản, nhà tôi có thêm ba thành viên mới, còn cha tôi vào trường Đại học Nhân Dân, tốt nghiệp kỹ sư Kinh tế (sau này mang tên Đại học Kinh tế Quốc dân), bồi bổ kiến thức mới để bước vào giai đoạn mới xây dựng bảo vệ xây dựng Thủ đô. Chúng tôi cũng nhiều lần rời xa Hà Nội học hành, công tác và trở về với cuộc sống Thủ Đô… nhưng cái ngày trở về Hà Nội cách đây 70 năm mãi mãi là những kỷ niệm không quên của một gia đình người Hà Nội bình thường, có chút may mắn có mặt tại Hà Nội vào những thời khắc đẹp nhất của Hà Nội.

Cha tôi (ngồi thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các viên chức Bưu điện Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ Đô (10/10/1954)
Pháp lý xây dựng

Sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội

Nhìn lại đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.

Một góc nhìn về kiến trúc cổ điển ở Châu Âu thế kỷ 18 và 19

Vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, những đặc điểm trong nghệ thuật kiến trúc ở phương Tây đã trải qua những hình thái biến chuyển khác nhau dựa trên nguồn gốc là phong cách thiết kế cổ điển. Những ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Baroque vẫn còn, với những đường nét kiến trúc được thừa kế từ thời Phục Hưng mang đến sự phức tạp và cầu kỳ hơn cho những yếu tố về hình khối, sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối.

Thừa Thiên Huế phát triển thành đô thị trực thuộc Trung Ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Các yếu tố đặc thù về di sản của đô thị Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Định hướng thiết kế văn phòng cho doanh nghiệp và lực lượng lao động Gen Z

Trong bối cảnh hiện đại, khi thế hệ Gen Z bắt đầu chiếm lĩnh thị trường lao động, việc thiết kế một văn phòng làm việc không chỉ đơn thuần là xây dựng một không gian làm việc nữa mà còn là việc tạo ra một môi trường kích thích sự sáng tạo, tương tác và phát triển cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, nơi mà việc thu hút và giữ chân nhân tài trở thành một thách thức lớn. Từ góc độ của một nhà thiết kế nội thất và một nhà tâm lý học, việc thiết kế kiến trúc văn phòng cho doanh nghiệp cần phải hướng đến việc hiểu và đáp ứng những đặc tính và nhu cầu của lực lượng lao động tương lai.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi