Ký ức lịch sử - 'Mái ngói thâm nâu'
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, ở nông thôn hay đô thị, ngôi nhà lợp mái ngói luôn là chuẩn mực của sự phong lưu, sung túc vì số đông vẫn lợp bằng các loại cây cỏ theo tập quán và sinh thái từng vùng miền (tranh, gianh, cọ, dừa…).
Rất ít tài liệu để hình dung được kinh đô Thăng Long, Kẻ Chợ xưa kia luôn được mô tả như chốn đô hội, dân chúng sống như thế nào trong những ngôi nhà của mình ngoài các công trình tôn giáo tồn tại khá lâu bền. Nhưng từ thế kỷ XIX, Hà Nội chỉ còn là một tỉnh thành trung tâm của Bắc Kỳ và đang tàn tạ cùng thời gian khi không còn vị thế là kinh đô như trước (lúc đó đã chuyển vào Huế). Và khi những người Pháp có mặt với cách nhìn có phần tinh tế sau đó lại được hỗ trợ bằng máy ảnh đã cho thấy trên phần "thị" (nơi cư trú của dân chúng) một Hà Nội độc đáo mà kiến trúc dễ nhận biết nhất là những "mái ngói thâm nâu" của những ngôi nhà chen chúc dường như không theo một quy hoạch đô thị nào mà vẫn mang đậm dấu ấn làng xóm và phường hội từ các vùng miền khác đến tụ cư để mưu sinh.
Mô tả của bác sĩ Hocquard có mặt tại Hà Nội với chiếc máy ảnh trong tay vào năm 1884 cho thấy các ngôi nhà to nhỏ khác nhau tuỳ gia cảnh nhưng cấu trúc khá đồng nhất với các lớp lang nhà xen kẽ với các khoảng không và vườn tược cùng với cổng sau thoát ra một con đường khác, chủ yếu chỉ một tầng vì các chế độ quân chủ đều cấm nhà dân (kể cả quan) xây lầu…
Do vậy, những gì mà sau này nhiều hình ảnh chụp thời thuộc địa (đặc biệt trên bưu ảnh và các không ảnh) tạo nên một ấn tượng khá độc đáo của khu phố cổ Hà Nội với đặc trưng dễ nhận biết nhất là "mái ngói thâm nâu" mang dấu ấn thời thuộc địa không chỉ ở hệ thống hạ tầng (đường xá, cống rãnh, vỉa hè, cấp thoát nước và điện...) mà cả về phần kiến trúc phổ biến là hai tầng nhưng vẫn giữ được cái "mái ngói thâm nâu".
***
Đọc lại các văn bản quản lý đô thị của thời thuộc địa, từ rất sớm người Pháp đã từng bước cấm nhà lợp lá, nguyên nhân chính của hoả hoạn đô thị, khuyến khích lợp ngói kể cả các loại ngói mới nhập từ nước Pháp hay các nhà máy được xây ở thuộc địa…
Những mái bằng, nhà cao tầng chỉ xuất hiện từ những năm 1930 nhưng hầu như rất ít, nửa đầu thập niên 1940, do chiến tranh, thiếu sắt thép khiến một số ngôi nhà phải xây bê tông cốt… tre.
Diện mạo kiến trúc khu phố cổ có nhiều thay đổi là thời "tạm chiếm" sau khi một phần khu phố cổ là chiến trường Đông Thành của Liên khu I bị tàn phá sau 60 ngày đêm "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (1946 - 1947), thêm nhà cao tầng, mái bằng, cửa sắt kéo… nhưng về cơ bản cho đến ngày "tiếp quản Thủ đô" (10/10/1954) thì diện mạo khu phố cổ về căn bản vẫn giữ được cái đặc trưng biểu tượng cho sự cổ kính và có phần "lãng mạn" là "mái ngói thâm nâu".
Cần nói thêm rằng, ở các đô thị phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh hay xa hơn là Hội An, Sài Gòn cũng có nhiều dẫy phố liền kề với nhà mái ngói không khác những ngôi nhà ở Hà Thành, nhưng nó chỉ có thể tạo thành dẫy phố thẳng hàng mà không có được những khối mái nhà gắn kết từng khu vực rộng lớn tạo nên một mặt bằng đầy "huyền bí". Những bức không ảnh của người Pháp, những ống kính của các nhà nhiếp ảnh thế hệ như Võ An Ninh, Lê Vượng và trẻ hơn như Hữu Bảo… đã để lại nhiều tấm ảnh đep; Búi Xuân Phái trở nên "Phái Phố - Phố Phái" chính là đã tôn vinh được vẻ đẹp mà Trịnh Công Sơn tài hoa đã mô tả…
Riêng thế hệ như tôi trở về trước, những ai sống trong lòng phố cổ đều biết đến một "bí mật" là, dù mỗi nhà vẫn kín cổng cao tường nhưng đám trẻ hàng xóm thân thiết vẫn có thể di chuyển trên mái nhà đến thăm nhau và những buổi chiều tắt nắng chúng tụ họp trên mái nhà trò chuyện, ngắm nhìn về phía Sông Hồng còn thấy chóp những nhịp cầu thép và nhìn lên phía Bắc là Cột cờ thành Hà Nội…
Kể từ khi thể chế chúng ta quản lý, ý thức bảo tồn phố cổ đã từng bước nâng cao, đã từng có những quy định "bảo tồn" mái ngói trong khu phố cổ… nhưng rồi bất lực trước thực tế đô thị hoá tự phát của người dân và sự bất cập trong quản lý khiến "mái ngói thâm nâu" dần trở thành… dĩ vãng. Ống kính ngày nay chỉ có thể nhận biết về khu phố cổ nhìn từ nóc nhà là… những thùng tôn dự trữ nước…
Nhiều đô thị khác chỉ có thể tạo thành dẫy phố thẳng hàng mà không có được những khối mái nhà gắn kết từng khu vực rộng lớn tạo nên một mặt bằng đầy "huyền bí" như Hà Nội.
Thể Thao Văn Hoá
Ý kiến của bạn