Tọa đàm 1: Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới
Các giá trị bền vững của kiến trúc cho tương lai
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Nền kiến trúc có giá trị bền vững là một nền kiến trúc có đủ khả năng bước vào tương lai
Giá trị bền vững đối với kiến trúc là gì? Là kiến trúc có tương lai, kiến trúc đứng được trong tương lai, kiến trúc kế thừa từ hôm nay, kiến trúc có tương lai, kiến trúc có tương lai tức là các thế hệ sau sẽ tiếp tục được sử dụng vì nó vẫn còn được ích dụng. Có tương lai vì nó có giá trị xã hội, về văn hóa, về nghệ thuật và nó có chân đúng trong tương lai.
Nên hiểu và nghiên cứu tương lai của kiến trúc và kiến trúc có giá trị bền vững và có chân trong tương lai thì cần phải đáp ứng 2 điều kiện: Một là công trình, hai là đô thị mà trong nhận thức hiện đại đô thị còn quan trọng hơn công trình, do vậy phải nhớ đô thị mới là quan trọng
Muốn cho nền kiến trúc hôm nay bước vào tương lai, có chân trong tương lai trước tiên cần phải hiện đại, phải thật sự hiện đại, phải đứng cả hai chân, đứng cả mình trong hiện đại thì mới có tương lai, kiến trúc hôm nay phải tiên phong thì mới có tương lai. Cần nói đến những đô thị, công trình kiến trúc thật sự có giá trị đối với tương lai, còn dùng được. Đặc biệt được thời cuộc công nhận thì mới được công nhận là di tích.
Nền kiến trúc có giá trị bền vững tức là một nền kiến trúc có đủ khả năng bước vào tương lai, không phải nhìn vào những công trình tiêu biểu mà cần phải nhìn vào sự tiếp nối tự nhiên của dòng chảy phát triển kiến trúc. Nếu chỉ nhìn vào những công trình lớn thì hầu như các công trình đó đều do người nước ngoài làm.
Phê bình kiến trúc theo đúng lĩnh vực hoạt động mà vai trò thúc đẩy phát triển kiến trúc làm cho kiến trúc được phân tích, vững vàng bước chân vào tương lai.
KTS Nguyễn Luận: Người Việt từ lâu đã biết đến giá trị bền vững sinh thái trong kiến trúc
Một công trình kiến trúc tồn tại trong thời gian, được cộng đồng công nhận là nơi lưu giữ một giá trị nào đó của cộng đồng, công trình đó có giá trị bền vững vật thể. Có những công trình không còn tồn tại, hay tồn tại mà không nguyên mẫu nhưng phản ánh một giá trị lịch sử, một tri thức cộng đồng hay một lưu mẫu truyền thống của cộng đồng, công trình ấy có giá trị bền vững văn hóa-xã hội phi vật thể.
Khái niệm bên vững sinh thái trong kiến trúc mới được đưa ra gần đây, xuất phát từ phương Tây. Cơ bản của bền vững sinh thái là chu trình khép kín của 'chuỗi thức ăn'. Được hiểu nôm na là đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình tiếp theo. Trong kinh tế là kinh tế tuần hoàn. Trong kiến trúc là tận dụng tài nguyên tại chổ như năng lượng, vật liệu phổ thông địa phương, thu giữ và tái dụng nước, hệ thống cây xanh-mặt nước, yếu tố kiến trúc... tạo vi khí hậu tiện ích và tồn tại phù hợp với môi trường sinh thái địa phương. Mặc dầu không nêu lên được khái niệm sinh thái, nhưng người Việt đã biết đến giá trị bền vững sinh thái trong kiến trúc. Nếu lấy các tiêu chí mà Brian Edward nêu ra thì chúng ta có thể có được nhiều thể loại công trình có phát triển bền vững.
Kiến trúc Việt Nam hiện đại chưa đủ thời gian, chưa có những đánh giá và tôn vinh chính thức cho công trình và tác giả có giá trị bền vững.
TS.KTS Trương Ngọc Lân: Những kiến trúc có giá trị bền vững hôm nay có trở thành di sản của ngày mai?
Công trình tốt thì đương nhiên sẽ trở thành di sản. Tuy nhiên điều này cần thời gian dài. Đối với công trình mời, có đời sống chưa lâu, thì có điều gì để là tiềm năng trở thành di sản.
Nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu kiến trúc (thích dụng, bền vững, đẹp) thì chắc chắn sẽ thành di sản. Tuy nhiên, đối với công trình hiện đại thì hơi khó, bởi lẽ những thứ mà chúng ta có thể ca ngợi ngay ngày hôm nay nhưng ngày mai chưa chắc đã được coi trọng. Hay ngược lại, những công trình mới đầu bị phản đối nay lại được coi là di sản. Một số công trình do vấn đề chính trị, mặc dù có giá trị, nhưng vẫn bị lãng quên và không coi là di sản.
Các công trình có tiềm năng di sản khi được thừa nhận bởi giải thưởng có uy tín, có thể thấy rất nhiều KTS đã được vinh danh với công trình của mình, bởi họ đã đưa ra được lời giải cho các KTS hiện nay về giá trị của kiến trúc là gì, như phát huy tiềm năng trong văn hóa địa phương, tiềm năng của con người bản địa nhưng không phải giữ nguyên điều đó.
Một công trình thực sự đem lại giá trị bền vững sẽ hội tụ 02 tiêu chí: (1) Đổi mới sáng tạo, (2) Giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng tại thời điểm hình thành.
ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh: Để dự đoán tương lai cho kiến trúc đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn
Sau 30 năm phát triển rực rỡ về mặt lượng - cái vỏ, đây là thời điểm để chúng ta tìm kiếm chất của kiến trúc. Để dự đoán cho tương lai đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn - có thể hình dung như con ngươi vàng trong tôn giáo. Chúng ta có thể dự đoán tương lai trên các công trình kiến trúc thực tế hiện nay. Điều này sẽ hỗ trợ thúc đẩy phần lý luận, đóng góp rất nhiều cho tương lai.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều định hướng chưa đồng nhất, chưa được công nhận, chưa được phát hiện, thậm chí có thể là trái nghịch nhau. Điều này đòi hỏi thời gian để nghiên cứu.
Chúng ta đang ở hiện tại, đánh giá các giá trị cho tương lai, nhưng các giá trị sẽ chuyển dịch. Chúng ta cần tìm kiếm các giá trị có tính tích tụ, được thể hiện hóa bằng các đánh giá, phát hiện, gợi ý của các nhà nghiên cứu, để các thế hệ sau nhìn lại và công nhận, được dẫn hướng từ những giá trị đó.
PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Để xác định giá trị bền vững của công trình, nên dựa trên lý thuyết, kết quả đã được định hình của khoa học bền vững
Khái niệm về bền vững đã có từ rất lâu, nhưng định nghĩa chính xác và được công nhận xuất phát từ Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển năm 1992 tại Brasil. Sau đó, bền vững đã được thúc đẩy và phát triển thành khoa học bền vững với nhiều tiêu chí, cơ sở để giúp xác định thế nào là bền vững. Các tiêu chí công nhận di sản của UNESCO cũng dựa trên nền tảng của khoa học bền vững.
Về công trình xanh, trước khi đi đến khái niệm đang sử dụng hiện nay, thì các công trình cũng dựa trên các nền tảng bền vững. Bên cạnh những bộ tiêu chí công trình xanh hiện hành như LEED, EGDE, LOTUS thì vẫn có quốc gia bộ tiêu chí về bền vững.
Tôi cho rằng để xác định giá trị bền vững của công trình, nên dựa trên lý thuyết, kết quả đã được định hình của khoa học bền vững. Kiến trúc hay đô thị cần nằm trong sự phát triển bền vững gắn với cuộc sống, môi trường của chúng ta.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương: Hi vọng diễn đàn có thể thu hút các bạn KTS trẻ
Nội dung diễn đàn có nội hàm khá rộng, nên chăng cần thu hẹp các vấn đề, giới hạn theo thể loại công trình hay các vấn đề xã hội, nhằm đưa ra chủ đề cho số tiếp theo để tập trung hơn. Đồng thời, tôi hi vọng diễn đàn có thể thu hút các bạn KTS trẻ đang hành nghề, các bạn sinh viên thông qua các nền tảng công nghệ.
Kiến trúc Việt Nam đang phát triển tự phát. Điều này xuất phát từ việc các KTS đang chiều theo các chủ đầu tư, họ chỉ cần bán được hàng là tốt, giới KTS cũng chưa lên tiếng thỏa đáng về vấn đề này. Ngoài ra nguyên nhân sâu xa có lẽ là do nền kiến trúc chúng ta cũng đang thiếu lý luận phê bình. Trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp hay lương tâm của mỗi người hành nghề.
TS.KTS Tạ Quốc Thắng: Hướng đến bền vững thì không ai khác, chính những người làm nghề cần nâng cao nhận thức và hiểu biết
Khía cạnh về bền vững nội hàm rất rộng, chúng ta tiếp cận bền vững theo hướng phát triển bền vững sẽ không biết phải làm những gì trong mục tiêu của phát triển bền vững.
Vậy nên cần tập trung lại một số nội dung chính:
Thứ nhất là giá trị bền vững. Trước hết chúng ta phải bền vững từ vật liệu xây dựng, những thứ trực diện nhất để công trình có tuổi thọ và giá trị lâu dài, tiếp đến là bền vững về mặt văn hóa, lối sống, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiếp cận từ góc độ chính sách quản lý: Chính sách chúng ta làm cái gì? Chúng ta góp phần thế nào trong kiến trúc, làm thế nào để bền vững, những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta trao đổi. Cũng như xác định công việc, xác định là trách nhiệm của cơ quan nào?
Cuối cùng, hướng đến bền vững thì không ai khác chính những người làm nghề, những KTS thiết kế công trình cần có nhận thức, nâng cao hiểu biết, cái tâm, những giá trị kiến trúc truyền thống. Cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cả KTS và chủ đầu tư. Nên mở rộng tọa đàm cho các bạn trẻ để lan tỏa, hướng đến những kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai.
Ý kiến của bạn