Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
Có thể bạn quan tâm
Dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực này.
Báo cáo về một số nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình trong dự án Luật, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được xây dựng với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, xác định rõ nội dung Nhà nước đầu tư, Nhà nước hỗ trợ, Nhà nước khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đối với việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp về dự án Luật, đại diện cơ quan soạn thảo nêu rõ, cơ quan soạn thảo thống nhất tên gọi của Luật như trong đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 227/TTr-CP ngày 14/5/2024 tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật cũng đã bổ sung phần giải thích từ ngữ cho hai khái niệm là “đô thị mới” và “nông thôn”. Theo đó, “đô thị mới” là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai hoặc mở rộng theo định hướng tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương; đô thị mới được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. “Nông thôn” là vùng sinh sống và làm việc của cộng đồng dân cư, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Dự thảo Luật cũng quy định 05 loại quy hoạch đô thị và nông thôn: Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới; Quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng; Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương; Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung làm rõ mối quan hệ của quy hoạch đô thị và nông thôn, cụ thể: Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn cụ thể hóa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và được lập đồng thời. Cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn được lập để cụ thể hóa các nội dung định hướng phát triển đối với phạm vi được lập quy hoạch và làm cơ sở quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, quy hoạch chung làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung và làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã đóng góp nhiều ý kiến về các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, kinh phí và nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, căn cứ lập quy hoạch, lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Một số ý kiến đánh giá, dự án Luật này đã bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn. Cụ thể là các quy định về quy hoạch phân khu là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; điều chỉnh cục bộ áp dụng với cả khu vực nông thôn; nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế cho công tác quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ cho công tác quy hoạch; sử dụng vốn nhà nước cho việc lập quy hoạch đối với khu vực thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cho biết, luật bổ sung quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch thông qua hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch; căn cứ tổ chức thực hiện khi có sự mâu thuẫn giữa các loại, cấp độ quy hoạch. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến để có phương án xử lý phù hợp làm cơ sở phê duyệt quy hoạch.
Quan tâm đến vấn đề quy hoạch ngầm, một số đại biểu cho rằng, việc sử dụng hiệu quả và tích hợp hệ thống không gian ngầm đô thị là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tiết kiệm đất và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị theo hướng an toàn, sức khỏe, tiện lợi. Phát triển không gian ngầm là một giải pháp quan trọng trong việc phát triển và định hình lại các khu đô thị nhằm đáp ứng những thách thức trong tương lai. Việc bố trí cơ sở hạ tầng và các công trình khác dưới lòng đất tạo cơ hội thực hiện các chức năng mới trong khu vực đô thị mà không phá hủy di sản hoặc tác động tiêu cực đến môi trường bề mặt, đồng thời mang lại cơ hội cải thiện lâu dài tác động môi trường của các thành phố và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các ý kiến nêu dẫn chứng, do hiện nay chưa có quy hoạch tổng thể không gian ngầm, nên nhiều dự án tại Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hà Nội đều gặp vướng mắc về quy hoạch khi triển khai.
Góp ý về quy định liên quan đến việc lập quy hoạch chung đô thị mới đối với những nơi dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, có ý kiến cho rằng, việc quy định lập quy hoạch chung đô thị đối với đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển thành đô thị được cụ thể hóa thông qua việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổ chức không gian đô thị một cách cụ thể, với lộ trình phù hợp; đồng thời, bảo đảm đầy đủ các căn cứ, cơ sở triển khai các hoạt động quy hoạch tại từng khu vực thuộc đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.
Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để làm rõ các yêu cầu phát triển đối với trường hợp một tỉnh được định hướng phát triển để thành lập thành phố trực thuộc trung ương để đơn giản hóa, tránh dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn với các quy hoạch khác.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm và nghiên cứu sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Sau hội thảo này, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến đại biểu và chuyên gia để tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1173/81373/hoi-thao-lay-y-kien-ve-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-va-quy-hoach-nong-thon.aspx
Ý kiến của bạn