Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo
Sáng 7/11, Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH Hà Giang mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu đặt vấn đề về việc tháng 9/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 82 về tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy trình quản lý, sử dụng đất đai đô thị.
Giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo
Nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như định cư của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay, Bộ đã có những giải pháp gì nhằm khắc phục tình trạng trên?
Trả lời câu hỏi chất vấn đề quản lý đất quy hoạch khắc phục quy hoạch treo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sau khi có Nghị quyết 82, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện, qua đó rà soát tiến hành điều chỉnh bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Qua đó tham mưu sửa đổi Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án có quy hoạch chậm thực hiện. Đồng thời có nhiều thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện quy hoạch, có nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch, kịp thời hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi hoặc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, công khai quy hoạch.
Bộ Xây dựng có kế hoạch để đưa vào chương trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với nhiều nội dung nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.
Xây dựng Dự án luật mới về quy hoạch đô thị và nông thôn
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn, trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật; việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng) và tản mạn tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.
Do đó, cần thiết quy định trong một luật, thống nhất về tên gọi, đồng thời làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Đánh giá 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 7 năm thi hành Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế theo 5 Chương, dự kiến bao gồm 61 Điều, với nhiều điểm mới.
Trong đó, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, rút gọn trình tự lập quy hoạch, trong đó bỏ yêu cầu lập nhiệm vụ quy hoạch đối với một số trường hợp; quy định rõ về các trường hợp không yêu cầu lập đủ 3 cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (đề xuất các đô thị loại III, IV và V không yêu cầu lập quy hoạch phân khu, đồng thời bổ sung quy định về nội dung đồ án quy hoạch chung đối với các đô thị này để bảo đảm yêu cầu, căn cứ lập quy hoạch chi tiết).
Bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Dự thảo đề xuất bổ sung các quy định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng tại quy hoạch cấp trên; đề xuất điều chỉnh quy hoạch phải không làm quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; nội dung điều chỉnh quy hoạch phải được đánh giá đầy đủ các tác động và phải đồng thời đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy chuẩn xây dựng, . . .
Bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Ý kiến của bạn