
Giá điện tăng cao, các doanh nghiệp xi măng chuyển mình thay đổi để tồn tại
Theo ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, điện chiếm khoảng 15% trong cơ câu giá thành sản xuất xi măng và con số này có thể tăng lên 17% sau đợt điều chỉnh giá điện vừa rồi. Sản xuất clinker là khâu tiêu tốn điện năng nhất, hiện đang trở thành "tâm điểm đau đầu" của các doanh nghiệp xi măng. Bối cảnh càng trở nên thách thức hơn khi giá các nguyên liệu đầu vào khác như than, xăng dầu và chi phí vận tải vẫn neo cao. Điều này khiến các doanh nghiệp không còn lưa chọn nào khác ngoài việc phải tìm cách tiết giảm chi phí, nếu không muốn tiếp tục bào mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng.

Trong khi đó, nhu cầu xi măng trong nước có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau thời gian dài trầm lắng. Trong quý 1/2025, tổng lượng tiêu thụ đạt gần 24 triệu tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Dù đãy là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để hấp thụ toàn bộ phần chi phí phát sinh từ việc giá điện tăng.
Ông Lương Đức Long nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng giá bán xi măng là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới, nhất là khi nguyên liệu đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xi măng trong ngành đang nỗ lực tìm cách ứng phó. Một số nhà máy đã chuyển đổi lịch sản xuất để tranh thủ giá điện thấp vào giờ thấp điểm. Tuy nhiên, giải pháp bền vững hơn đang được hướng đến là tận dụng nhiệt thải từ lò nung để phát điện. Hệ thống phát điện từ nhiệt dư có thể giúp một nhà máy xi măng tự chủ từ 30% - 40% nhu cầu điện năng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn hỗ trợ quá trình giảm phát thải khí nhà kính, một mục tiêu kép trong bối cảnh ngành công nghiệp nặng ngày càng chịu ràng buộc bởi các tiêu chuẩn môi trường.
Tuy vậy, những thách thức vẫn còn lớn từ việc đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt dư đòi hỏi vốn lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để triển khai. Mặt khác, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió trong ngành Xi măng vẫn còn rất hạn chế. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện tái tạo phục vụ sản xuất, một bước đi quan trọng nếu Việt Nam muốn phát triển ngành Xi măng theo hướng bên vững, hiệu quả và ít phụ thuộc hơn vào lưới điện quốc gia.
Ngoài lĩnh vực xi măng, thép, giấy và hóa chất cũng đang chịu ảnh hưởng bởi giá điện tăng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất mà mức độ tác động khác nhau. Với ngành Xi măng là lĩnh vực vốn được xếp vào nhóm tiêu thụ điện nhiều nhất thì đây thực sự là bài toán sống còn. Việc tăng giá điện không chỉ là thách thức trước mắt mà còn là cảnh báo lâu dài, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi, tối ưu hóa vận hành, đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch dần sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững.
Ý kiến của bạn