Đô thị & biến đổi khí hậu: Những dịch chuyển trong tương lai gần
Bối cảnh đô thị hóa thế giới và Đông Nam á
Hiện tại, không chỉ thế giới mà cả các quốc gia Đông Nam Á đều nằm trong vùng lũ cực trị dưới điều kiện thời tiết gió mùa do BĐKH, tác động mạnh mẽ đến các dạng thức phát triển không gian, chức năng, tăng trưởng và tương lai các đô thị. Dân số thế giới lại đang dịch chuyển với dòng di dân từ nông thôn ra đô thị. Theo
thống kê, đến năm 2030, dự kiến ít nhất sẽ có 61% dân số toàn cầu sống tại các thành phố. Đô thị sẽ là ngôi nhà của hơn 4 tỉ người và là động lực tăng trưởng chính của các quốc gia (tại các nước phát triển sẽ lên đến 95% GDP từ khu vực thành phố, ngay ở Việt Nam, hai thành phố lớn nhất là TPHCM và Hà Nội chiếm 17% dân số cả nước lại đóng góp hơn 50% GDP).
Đô thị hóa tăng trưởng nóng cũng sẽ đẩy tình trạng nghèo đói đô thị, kéo theo sự tập trung dân cư tại các khu nhà phi chính thức và tạm bợ. Châu Á sẽ là nơi sinh sống của hơn 50% dân số và trong các khu ổ chuột có khoảng 581 triệu người. Theo các đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), vào năm 2020 sẽ có 14 trong số 18 thành phố lớn nhất trên thế giới sẽ ở các nước đang phát triển trong đó 5 thành phố loại này sẽ ở châu Á.
Tốc độ đô thị hóa nhanh của các nước Đông Nam Á đáng kinh ngạc: Tỷ lệ đô thị hóa là 22% vào năm 1980 và dự kiến sẽ là 45% vào năm 2040.
Thảm họa đô thị là nguy cơ đối với các thành phố trong BĐKH
Trong đô thị hóa, nguồn phát thải khí CO2 chủ yếu đến từ đô thị khi chiếm tới 70% lượng khí CO2 toàn cầu, trong khi các đô thị chỉ chiếm khoảng 0,2% diện tích thế giới. Lối sống công nghiệp và tiêu dùng tối đa (đặc biệt là di chuyển liên tục) góp phần phát thải khí CO2. Cụ thể, lượng khí thải đô thị thay đổi phụ thuộc vào sự hủy diệt tự nhiên, lối sống, hình thái không gian và các phương tiện giao thông. Nhìn chung, sự bành trướng đô thị, sử dụng năng lượng và xây dựng hạ tầng, nhà cao tầng mật độ cao… đều biến các thành phố thành nơi tiêu thụ năng lượng và tạo ra nhiều chất ô nhiễm. Khi đô thị đông đúc hơn và tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt thêm tác động của thiên tai trong BĐKH thì các đô thị phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao hơn. Hầu hết các thảm họa địa chấn và thiên tai do BĐKH sẽ xảy ra tại châu Á (Thành phố chống chịu BDKH-WB năm 2014). Tính dễ bị tổn thương của đô thị liên quan BĐKH không chỉ do thiên tai mang lại, mà phần lớn còn do cơ sở hạ tầng và công trình xây dựng yếu kém và chất lượng thấp mà các nước nghèo đang đối mặt hàng ngày do xây dựng đô thị quá nhanh. Điều này đặt ra cho tất cả các quốc gia phải kiểm soát được tình trạng phát triển đô thị tràn lan bất chấp các rủi ro đô thị có thể rất gần trong tương lai đô thị hóa.
Chỉ số hạnh phúc để đo độ bền vững sức chống chịu của đô thị
Khi tiêu chuẩn tài nguyên mà nguồn sống của trái đất có thể cung cấp ngày càng thu hẹp lại, thì buồn thay, khả năng xung đột với tiêu chuẩn sống của chúng ta lại tăng lên. Chúng ta sẽ bắt đầu hiểu cái mà có thể chúng ta đang đánh mất chính là nguồn sống là các yếu tố mà các quốc gia hiện nay đang tận hưởng cuộc sống “tốt hơn” do lạm dụng tài nguyên để phát triển bằng mọi giá và sẽ bảo vệ tiêu chuẩn sống đó đến cùng để chống lại các quốc gia khác đang mong muốn “cải thiện” kiểu chất lượng sống này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 ở Rio, Tổng thống George H. W. Bush tuyên bố rằng “lối sống Mỹ là không thể thương thuyết được”.
Về vấn đề này, tổ chức WWF đã và đang tiến hành đánh giá hai chỉ số: Chỉ số phát triển con người (HDI) và Chỉ số tiêu dùng tài nguyên theo Footprint sinh thái (gha/người). Nhìn chung, kết quả cho thấy hạnh phúc nhiều hơn có mối quan hệ với Footprint sinh thái cao hơn ở những thập niên cuối thế kỷ 20. Nhưng hiện nay đã có một quá trình ngược lại: Một vài quốc gia – những nước kiểm soát tài nguyên hiệu quả hơn – có thể đạt được mức độ hạnh phúc cao hơn trong khi chỉ số Footprint lại thấp hơn. Mức độ hạnh phúc có thể được đo bởi HDI (Chương trình Phát triển của LHQ xây dựng) có giá trị từ 0 đến 1 dựa trên các điều kiện cụ thể của một quốc gia, giúp cho công dân của họ có được cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và sáng tạo. Báo cáo của tổ chức WWF, lựa chọn chỉ số 0,8 là mức độ hạnh phúc thấp nhất có thể chấp nhận được tương đương công suất trái đất (Earthshare) cho cuộc sống của một người là 1,8gha/người (vào năm 2001-2012). Đây cũng là footprint bền vững cao nhất. Quốc gia duy nhất thỏa mãn các tiêu chí trong báo cáo của WWF, do vậy có thể được xem là bền vững là Cuba với chỉ số HDI là 0,81 và footprint sinh thái là 1,4gha/người. Chỉ số HDI cao nhất đạt được trong báo cáo này là 0,94 – thuộc về 4 quốc gia.
Có thể dễ dàng nhận thấy, quốc gia bền vững nhất không vận hành theo hệ thống dân chủ tư bản chủ nghĩa. Một vài nước tư bản, như Mỹ có Footprint rất cao (mặc dù quốc gia này có chỉ số HDI rất tốt nhưng Footprint sinh thái là thảm họa cho trái đất. Từ bảng chỉ số trên, chúng ta thấy người Hà Lan – vừa là người của chủ nghĩa tư bản vừa thuộc về chế độ dân chủ – cũng sống tốt như người Mỹ, nhưng họ chỉ tác động đến môi trường bằng một nửa người Mỹ. Cũng dễ dàng nhận thấy từ các nước dân chủ tư bản chủ nghĩa như Nhật Bản và Italia có thể giảm được Footprint xuống mức thấp hơn của Hà Lan mà ít tác động đến chỉ số HDI.
Thích nghi hay chống chịu trong BĐKH? Sự lựa chọn thông minh cho các thành phó
Ít ai biết rằng BĐKH tác động lên thành phố không chỉ từ thiên tai như bão, lũ, động đất… mà thực chất phát triển đô thị nóng lại tác động mạnh đến tự nhiên và tăng tần suất, cấp độ của thiên tai. Vì vậy, các chiến lược phát triển đô thị quốc gia đều lồng ghép vấn đề BĐKH trong phát triển. Hậu quả của đô thị kém thích nghi có thể đo lường từ các yếu tố rất cụ thể: Tăng trưởng dân số đô thị quá nhanh; Sử dụng đất đai không hiệu quả; Chính sách phát triển và Quy hoạch yếu kém; Thiếu hụt giao thông công cộng; Thiếu kết hợp giữa mật độ và giao thông công cộng, việc làm, nhà ở, dịch vụ; Và cuối cùng là phát triển dựa vào năng lượng và nhiều khí thải.
Hình ảnh các đô thị có sức bền và thích nghi với một tương lai bất định (Do tài nguyên cạn kiệt, BĐKH, dân số đô thị tăng nhanh và phát triển tràn lan) cũng được nói đến nhiều trong các nghiên cứu: Xây dựng các chính sách lồng ghép giữa phát triển mật độ cao với giao thông công cộng là chủ yếu, kết hợp hiệu quả giữa phát triển nhà ở với dịch vụ đời sống, với các Trung tâm mới tạo việc làm tại chỗ, và người dân làm việc gần nhà, ít phải di chuyển cũng làm giảm tiêu thụ năng lượng, thời gian… Đặc biệt đô thị cần có nhiều phương án để phòng trừ các tình huống khẩn cấp.
Việt Nam đang đối mặt với lũ đô thị, BĐKH đã đến quá gần
Giới đô thị học không thể quên những trận lũ kinh hoàng cuốn trôi hàng chục thành phố và làng mạc ở Hàn Quốc thập niên 60 khiến hơn 20.000 người chết sau khi phá trụi rừng già và cống hóa các dòng sông. Rồi trận lũ lụt trên diện rộng năm 2011 đã gần như nhấn chìm Bangkok làm hàng chục triệu người không nhà và gần 500 người chết, chính phủ Thái Lan phải cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ USD. TPHCM dự tính phải cần hơn 100.000 tỉ đồng đối phó lụt lội chưa biết tìm đâu ra, trong khi dân nghèo còn chưa có sinh kế, nhà ở tối thiểu, mặc dù là đô thị nằm bên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn hiền hòa nhất Đông Dương và đã thụ hưởng những cuộc quy hoạch quy mô nhất. Những con số biết nói làm chúng ta day dứt trước bài toán phát triển đô thị đang bị bỏ ngỏ, cần những đầu óc kinh bang tế thế, tuyệt đối không phải của những bộ não đô thị xây nhà bán kiếm lời.
Lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên và con người nai lưng đi làm để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập lụt với con số hàng tỷ, chục tỷ đô la. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức nổi bật ở Châu Á và Việt Nam sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do BĐKH và đặc biệt, sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.
Ai sẽ lý giải sự liên hệ giữa lở núi trong lũ năm 2017 của vùng Hòa Bình đang bị san núi lấy đá, nung vôi với hình ảnh các đô thị cao tầng tăng chóng mặt ở Hà Nội và vùng lân cận? Ai chứng kiến nỗi đau của từng khu dân cư ven sông lâu đời tụt xuống nước trong chớp mắt, khi lòng sông xói lở do bị khai thác cát đến kiệt cùng? TPHCM đã thành siêu đô thị kẹt cứng vì mưa to, lụt lội, triều cường không còn theo mùa mà thất thường trong cả năm, khi đô thị phát triển tràn lan sang phía Nam và Đông Nam chẹn đường thông lưu của nước ?
Trước những diễn biến phức tạp của BĐKH, rủi ro thiên tai là khôn lường và khó chống nếu xảy ra. Các nhà nghiên cứu về đô thị hiện nay đang quan tâm nhiều đến việc làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh (cả hệ thống) để có thể duy trì hoạt động và “đứng dậy” một cách nhanh chóng sau sự “tấn công” và tiếp tục phát triển; hơn là làm thế nào để đô thị không bị tác động hay không chịu sự ảnh hưởng của thiên tai. Quan điểm này bắt đầu khởi nguồn từ khoảng thập niên 70, với những người tiên phong như Holling C.S chú trọng vào hệ sinh thái tự nhiên. Sau đó nhiều tác giả khác đã mở rộng, nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề Dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến các lĩnh vực của đô thị như không gian xanh, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, cộng đồng, chính quyền.
Cách quản lý đô thị cũng nên theo xu hướng phân cấp cho Chính quyền đô thị (Việt Nam đang muốn đẩy nhanh) để tiến trình phát triển đô thị thực tiễn hơn. Trách nhiệm quản lý phát triển và tăng quyền hạn tài chính đang được trao cho địa phương để tạo ra các chương trình bền vững và lồng ghép các mục tiêu chung có sự tham dự cơ bản từ nguồn lực của đa số dân cư.
Để tìm cách ứng xử văn minh hơn trong đô thị?
Sau đây là một số nhận xét về hiện trạng đô thị ở Việt Nam hiện nay từ điểm nhìn văn hóa để giúp tìm cách ứng xử văn minh hơn trong phát triển cũng như hiểu rõ được mối liên hệ và đối tượng của BĐKH với phát triển đô thị.
Người Việt có một nền tảng địa lý – nhân văn khá phức tạp nên việc thiết kế quy hoạch, kiến trúc sẽ gặp nhiều khó khăn. Khía cạnh nổi bật là truyền thống đô thị còn mỏng và mang tâm lý tiểu nông. Tập quán quần cư xưa, gồm cả tư duy người Việt có lẽ chưa tiếp nhận
được tổ chức đô thị quá lớn, bởi khoa học đô thị (chứa các nội dung: mật độ cao về dân số, sự chuyển đổi lối quần cư dàn trải trên mặt đất lên cao tầng, từ sinh sống bằng nông nghiệp, thủ công sang công nghiệp, dịch vụ.) được thực hiện dễ dàng, có bài bản ở nơi có truyền thống đô thị.
Phải chăng những phố mới trong Hà Nội được xây dựng mươi năm trở lại đây vẫn là bộ phận của văn minh nông thôn, do tư duy làng mạc chi phối. Nhìn từ phía tổ chức không gian đô thị, đặc trưng lối sống người Việt hiện đại vẫn khó thoát khỏi thói quen của con người tiểu nông dai dẳng trong lòng cuộc sống đô thị. Những dẫn chứng có thể lấy từ vô số hiện tượng tự phát trong các thành phố của chúng ta, làm nhức nhối các nhà chuyên môn và cả dân cư trong tất cả các lĩnh vực chính sách, quản lý đô thị cũng như thiết kế quy hoạch, kiến trúc.
Từ nền tảng văn hóa, địa lý, khí hậu để giới chuyên môn chúng ta cùng suy nghĩ, tìm đến các giải pháp thích hợp cho đô thị Việt Nam có thể thích nghi và chống chịu trước BĐKH mà lũ lụt đô thị là thách thức lớn nhất. Phải chăng đã đến lúc cần phải nghiên cứu và định hướng cho sự đa dạng của đô thị Việt Nam, căn cứ vào địa hình, khí hậu, môi sinh riêng biệt của các vùng sinh thái không đồng nhất (mà trời cho chúng ta thật hào phóng), làm chỗ dựa cho các đô thị mang đậm tính bản địa, trên nền tảng của tính khu vực, tính vùng riêng biệt và thật sự đặc sắc. Các kinh nghiệm cư trú với nước, với bão lũ và bảo tồn hệ sinh thái của dân cư bản địa sẽ giúp chúng ta thích nghi bền vững với BĐKH.
Thế kỷ 21 với cách mạng công nghiệp 3.0, 4.0 rồi, sao chúng ta vẫn vô tư áp dụng hình mẫu phổ quát đô thị thời đầu công nghiệp hóa, du nhập từ nước ngoài mà bản chất là triệt tiêu phố thân thiện, đưa mọi sinh hoạt vào các nhà cao tầng, to, kệnh cỡm. Thực chất là chúng ta đang quay lưng lại với số đông dân cư đô thị, họ đang cần đến các giải pháp thích hợp và những tổ chức đô thị tính đến sự có mặt của họ. Dân chúng đô thị muốn có sự đa dạng để lựa chọn cư trú và đặc biệt phù hợp lối sống, sinh thái, khí hậu nước… để họ có thể chủ động chống chịu tốt trước thảm họa tự nhiên như hàng ngàn năm nay. Đây cũng là bài toán không nhỏ trong nghiên cứu chiến lược đang bị thiếu hụt trong phát triển đô thị./.
Ý kiến của bạn