Đình Kiền Bái: kiệt tác kiến trúc nghệ thuật còn mãi với thời gian

Đình Kiền Bái: kiệt tác kiến trúc nghệ thuật còn mãi với thời gian

Đình Kiền Bái nằm ở xã Kiền Bái, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Ngôi đình được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, hoàn toàn bằng gỗ lim. Đây là một trong những ngôi đình hiếm hoi ở Hải Phòng còn giữ được hệ thống ván sàn từ khi khởi dựng.
16:23, 25/11/2024

Đình Kiền Bái là một di tích kiến trúc tiêu biểu thời hậu Lê, là sản phẩm văn hóa của thế kỷ XVII - thế kỷ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật dân gian. Các bức chạm khắc có giá trị to lớn, thể hiện tính dân tộc sâu sắc, với đề tài phong phú từ con người cho đến con vật gần gũi với đồng quê.

Toàn cảnh đình Kiền Bái. Ảnh: Tiến Bảo

Theo sử sách còn ghi lại, đình Kiền Bái được Nhân dân lập nên và thờ hai vị thành hoàng Tòng Tiền và Lôi Công, là hai anh em sinh đôi.

Kiến trúc trạm trổ vô cùng tinh tế và đẹp mắt. Ảnh: Tiến Bảo

Tương truyền, hai vị đều khôi ngô tuấn tú, nhưng mất sớm, rất linh thiêng, đã nhiều lần phù hộ dân làng Kiền (huyện Thuỷ Nguyên) có cuộc sống yên ổn, làm ăn thịnh vượng. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta (1287 - 1288), hai vị âm phù Vua Trần đánh giặc.

Đình thờ hai vị thành hoàng. Ảnh: Tiến Bảo

Vua cho lập đền thờ và phong thần hiệu Trung Quốc Cảm ứng thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu thượng đẳng thần.

Kiến trúc của đình  đẹp có một không hai ở Hải Phòng. Ảnh Tiến Bảo

Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy tướng lĩnh thủy bộ qua đây để mở trận địa trên sông Bạch Đằng, ông cho quân nghỉ ngơi qua đêm ở trang Hổ Bái.

Đêm ấy, hai vị thần Tòng Tiền và Lôi Công hiển linh về báo mộng cho Quốc Công, hứa sẽ nổi “âm phong” - gió Đông Nam để tạt bè lửa vào quân giặc, góp phần âm phù giết giặc.

Sau thắng lợi trên sông Bạch Đằng, Tiết chế Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương thấy giấc mộng linh nghiệm, bèn cấp cho dân làng 300 quan tiền để tu sửa đình Kiền Bái khang trang hơn, đồng thời xin vua ban cấp sắc phong thần hiệu là Trung Quốc Cảm ứng thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu thượng đẳng thần. Hiện nay, trên thân cột cái đình Kiền vẫn còn dòng chữ ghi “Chính Hòa lục niên”, tức năm 1685 Dương lịch.

Ngôi đình hiếm hoi ở Hải Phòng còn giữ được hệ thống ván sàn từ khi khởi dựng. Ảnh: Tiến Bảo

Đình Kiền Bái có kiến trúc nghệ thuật trang trí tài hoa và phóng khoáng của người xưa.

Đình có kiến trúc hoàn toàn làm bằng gỗ lim. Ảnh: Tiến Bảo

Cả công trình là một bộ sưu tập tranh điêu khắc gỗ quý giá được tạo tác trên nền của một kiến trúc cổ kính và tao nhã. Nghệ thuật trang trí ở đình Kiền Bái chủ yếu được tập trung thể hiện trên các vị trí có điều kiện phô diễn được vẻ đẹp của mình. Rồng là đề tài phổ biến và có mật độ khá dày đặc trong các hoạt cảnh trang trí.

Rồng là nhân vật chủ đạo trong kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Tiến Bảo

Rồng có đầu to, trán dô, miệng há rộng, mũi sư tử và tóc là các cụm đao lửa hình mũi mác bay về sau tạo cảm giác động trong không gian tĩnh. Thân rồng tròn lẳn phủ một lớp vảy rắn nổi, chân có bốn móng sắc nhọn như cựa gà chọi.

Các con vật thường ngày trong cuộc sống được đưa vào nghệ thuật. Ảnh: Tiến Bảo

Chung quanh rồng mẹ dù đang vuốt râu hay hí thủy, có rất nhiều rồng con trong một tổng số lẻ như: 5, 7, 9, 11 và 13. Đi kèm với rồng là những con vật trong hàng tứ linh như phượng, lân. Phượng thường được thể hiện trong tư thế trình diễn nghệ thuật “gia truyền” với những động tác múa uyển chuyển và kiêu sa.

Con rồng không chỉ được thể hiện cùng đồng loại hay các bậc tứ linh mà nó còn hòa mình với các con thú khác không phải là con vật “linh” ở trên các bộ vì nóc hay mặt ngoài các ván bưng. Đó là những con vật rất đỗi thân quen với làng quê và con người Việt Nam, như lợn, chó, dê, nai, mèo, cá... nhiều nhất vẫn là lợn. Lợn có thân hình mập mạp như trong tranh Đông Hồ nhưng lại nghịch ngợm như các chú lợn rừng hoang dã. Lợn ngồi trên lưng nắm râu, cầm tóc và còn cả gan gặm chặt lấy đuôi rồng. Ngoài ra, đình còn có những tiểu cảnh đậm vẻ làng quê yên bình như lợn ăn lá dáy, mèo ngủ ngày, người cưỡi voi, ngựa voi âu yếm, voi chiến đua tài...

Đình Kiền Bái là nơi tổ chức nhiều lễ hội lớn diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ảnh: Tiến Bảo

Bên cạnh nét kiến trúc mang vẻ đẹp cổ xưa độc đáo, đình Kiền Bái cũng được biết đến là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, dân làng ra đình tế lễ và nô nức vào hội: hội hát đúm, hội nấu bánh chưng, trò chơi dân gian cướp bông…

Để chuẩn bị cho lễ hội cướp bông, làng Kiền phải tìm hai cây tre lớn và cao nhất trong vùng. Nhà nào có tre được chọn sẽ dâng bánh chưng, bánh dày để tế lễ. Sau khi tre được hạ xuống, các bậc cao niên sẽ chọn mười thanh niên chưa vợ, tuổi từ 18 trở lên, để chặt tre thành hai khúc, sau đó vót thành cây bông với đầu hình hoa.

Trước khi lễ cướp chính thức diễn ra, làng tổ chức lễ cướp thử, còn gọi là lễ cướp cờ. Tại đây, cụ chủ trì lễ sẽ tung cây bông lên trời, ngay lập tức, mười thanh niên trong trang phục quần áo đỏ, thắt lưng xanh, chít khăn điều lao vào cướp trong tiếng hò reo, cổ vũ nồng nhiệt của dân làng. Lễ cướp thử mang tính tượng trưng và không có giải thưởng, được tổ chức ngay trước sân đình để khuấy động không khí.

Ảnh: Tiến Bảo

Khác với lễ cướp thử, lễ cướp giải thật là sự kiện thu hút đông đảo người dân từ già đến trẻ, không phân biệt giới tính. Thậm chí, phụ nữ có con nhỏ cũng tham gia nhiệt tình. Cuộc thi này diễn ra trong không khí náo nhiệt và thường kéo dài đến sáng hôm sau.

Ảnh: Tiến Bảo

Song song với lễ hội cướp bông, đình Kiền Bái còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác như hội hát đúm và thi làm cỗ bánh. Người chiến thắng trong cuộc thi cướp bông sẽ được dân làng mời ăn bánh từ người đạt giải nhất cuộc thi làm cỗ bánh. Đặc biệt, nếu hai người chiến thắng trong hai cuộc thi này còn độc thân, dân làng thường vun vén để họ nên duyên vợ chồng.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, ngày 12/12/1986, Bộ Văn hóa quyết định công nhận đình Kiền Bái là “Di tích kiến trúc - nghệ thuật”. Ngày 6/12/1994, đình Kiền Bái được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa.

Nguồn kinhtedothi.vn

                                                                                                                                       

https://kinhtedothi.vn/dinh-kien-bai-kiet-tac-kien-truc-nghe-thuat-con-mai-voi-thoi-gian.html

Pháp lý xây dựng

Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Ngày 20/11, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành và một số di tích trên địa bàn thành phố.

Đền Voi phục , Đền Quán Thánh - Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi phục và Đền Quán Thánh là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt”. Đây là hai ngôi đền nằm trong Thăng Long Tứ trấn - gồm bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

Hà Nội: thêm 12 di tích được xếp hạng cấp thành phố

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4320/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Đình Tây Đằng - một di sản văn hóa kiến trúc độc đáo

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa (nay thuộc Hà Nội) là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Trong số những ngôi đình tiêu biểu của nơi đây có thể kể đến đình Tây Đằng, ngôi đình mang kiến trúc độc đáo và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

“Không làm giả” vì sẽ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc

Trước những tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới của di tích chùa Cầu sau trùng tu, đặc biệt là luồng ý kiến cho rằng “màu sơn quá mới”, “quá sáng” khiến di tích này trở nên “lạ lẫm”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm), đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án này đã có những phản hồi chính thức.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi