Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị Thành phố Hà Nội năm 2011 thuận tự nhiên - Một liệu pháp để chữa lành đô thị

Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị Thành phố Hà Nội năm 2011 thuận tự nhiên - Một liệu pháp để chữa lành đô thị

(Vietnamarchi) - Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị thành phố Hà Nội từ mô hình “Thành phố vườn” sang mô hình “Thành phố sông”, từ “chùm đô thị” sang “mạng lưới đô thị linh hoạt” thuận theo tự nhiên (lấy hành lang sông làm trục chủ đạo). Các đề xuất điều chỉnh chắc chắn là một liệu pháp thuận tự nhiên có hiệu quả để khai thông các “mạch phát triển” và tạo ra “trường cảm ứng” cho Thủ đô, thể hiện được tính khởi xướng và dẫn dắt của Thủ đô cho các đô thị Việt Nam.
15:41, 01/12/2023

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (gọi tắt là Quy hoạch chung Hà Nội năm 2011). Theo đồ án này, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố). Một đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô với hi vọng sẽ chữa lành những “vết thương đô thị”, phát triển đô thị năng động, hiệu quả, có môi trường sống tốt, tạo lập Thủ đô “Xanh - Văn Hiến - Văn Minh - Hiện Đại”. Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội năm 2011. Đồ án hiện vẫn trong giai đoạn lập, xin ý kiến đóng góp cộng đồng và các bên liên quan. Đây là vấn đề trọng đại của Quốc gia, cũng là trách nhiệm đặt ra cho các nhà khoa học, cho mỗi công dân Việt Nam trong việc đóng góp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững.

Đô thị Hà Nội với những vết thương chưa lành

Từ năm 2011 đến nay, đô thị vẫn tiếp tục phát triển lan tỏa theo các trục đường hướng tâm, trong khi các vấn đề giãn dân khu vực đô thị lõi, quá tải giao thông, thoát nước mưa và nước thải, ô nhiễm môi trường đô thị vẫn chưa được giải quyết. Mâu thuẫn giữa quá trình mở rộng phát triển đô thị và bảo vệ quỹ không gian tự nhiên càng trở nên trầm trọng hơn. Các dòng sông vẫn đang “chết dần”, tiếp tục bị đầu độc bằng nước thải sản xuất và sinh hoạt. Tần suất và nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng và có xu hướng phức tạp hơn do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH). Giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô mai một, biến đổi tiêu cực. Không gian di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô ngày một thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Những “vết thương đô thị” này “chưa lành” mà ngày càng trầm trọng hơn. Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng cần phải điều chỉnh tư duy quy hoạch, trọng tâm là điều chỉnh lại cấu trúc không gian đô thị hướng tới cân bằng với khung thiên nhiên, kiểm soát những mâu thuẫn phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đô thị.

Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 liệu có chữa lành các vết thương đô thị?

Cấu trúc không gian đô thị thành phố Hà Nội (theo dự thảo quy hoạch xin ý kiến tháng 11/2023) theo mô hình chùm đô thị đa cực - đa trung tâm, cấu trúc không gian lấy trục đường vành đai và hướng tâm để thiết lập: gồm 01 trung tâm; 03 vành đai; 08 trục hướng tâm và 01 trục không gian cảnh quan sông Hồng; 09 vùng liên huyện. Hệ thống đô thị gồm 1 đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh. Đồ án cố gắng diễn giải kỹ nội dung mô hình phát triển và cấu trúc không gian đô thị gắn với yếu tố sinh thái, văn hóa và thông minh. Tuy nhiên, nhìn chung về tổng thể, cấu trúc không gian đô thị không có thay đổi nhiều so với Quy hoạch chung Hà Nội năm 2011. Cấu trúc không gian đô thị vẫn tuân thủ mô hình đô thị vườn (đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và được giới hạn bởi hành lang xanh - vành đai xanh), các trục không gian chính của đô thị được định hướng trên cơ sở các tuyến giao thông hướng tâm và hoạt động thương mại. Có thể nhận thấy rõ nhất thay đổi trong đồ án là việc điều chỉnh mở rộng thêm không gian phát triển đô thị phía bắc sông Hồng và phía Tây Nam đường Vành đai 4. Quy mô đất đô thị tăng (từ 30% lên 60%), diện tích không gian xanh giảm (từ 70% xuống còn 40%). Không gian đô thị tiếp tục chiếm dụng vào các không gian tự nhiên, khu vực tiêu thoát lũ và đất nông nghiệp vùng ven. Với cấu trúc không gian đô thị này không những không thể chữa lành những vết thương đô thị mà có thể còn làm vết thương tiếp tục trầm trọng hơn.

Tìm liệu pháp thuận tự nhiên để chữa lành cho đô thị Hà Nội 

Liệu pháp thuận tự nhiên bắt đầu như là một nguyên tắc chăm sóc sức khoẻ chính thức ở Hoa Kỳ trong những năm đầu của thập kỷ 1900. Được thành lập trên sức mạnh chữa bệnh của tự nhiên, liệu pháp thuận tự nhiên nhấn mạnh: Phòng ngừa và điều trị bệnh thông qua một lối sống lành mạnh, điều trị tổng quát trên mỗi bệnh nhân và sử dụng khả năng chữa bệnh tự nhiên của cơ thể.

Từ lối tư duy Quy hoạch “Chinh phục thiên nhiên” của những thập niên 70 dần được thay thế bởi tư duy “Thích ứng với thiên nhiên”gắn với ứng xử “thuận tự thiên”. Tại Việt Nam, đã có nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu về quy hoạch đô thị thuận theo tự nhiên sông, biển, rừng núi và một trong các đô thị trở thành đô thị sinh thái nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn (Đà Lạt, Tam Đảo, Hạ Long) và vinh danh như một đô thị đáng sống nhất thế giới (Đà Nẵng). Tất cả bài học kinh nghiệm ấy đều thể hiện cách ứng xử khiêm nhường, đúng mực trước thiên nhiên. Và đáp lại, thiên nhiên cũng cho đô thị những liều thuốc quý để đô thị có thể tự chữa lành những vết thương. Như vậy, một liệu pháp thuận tự nhiên cho đô thị phải được xây dựng trên cơ sở một khung thiên nhiên trong lành và gắn với: Thiết lập, duy trì và kiểm soát phát triển đô thị thông qua hệ thống khung thiên nhiên, tích hợp khung thiên nhiên để giải quyết các vấn đề đa ngành của đô thị và sử dụng khả năng khôi phục tự nhiên của đô thị.

Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị Hà Nội thuận tự nhiên

Từ quan điểm liệu pháp thuận tự nhiên cho đô thị, cấu trúc không gian đô thị thành phố Hà Nội phải lấy khung thiên nhiên để thiết lập và xây dựng các trục phát triển. Khung thiên nhiên vừa là di sản Tự nhiên - Văn hóa và vừa là tài nguyên chủ đạo cho phát triển đô thị Thông minh - Sáng tạo, định dạng hình thái không gian đô thị Xanh - Hiện đại - Bản sắc. Một khung thiên nhiên tốt sẽ kiến tạo môi trường đô thị lành mạnh, lan tỏa được tính tiên phong và dẫn dắt của Thủ đô, tự nhiên chữa lành những vết thương của đô thị Hà Nội.

Đề xuất các quan điểm điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị Hà Nội:

(1) Khung thiên nhiên là yếu tố cốt lõi thiết lập cấu trúc không gian và kiểm soát phát triển.

(2) Hành lang sông phải là trục chính đô thị;

(3) Phát triển đô thị thuận theo các dòng chảy tự nhiên;

(4) Sử dụng mô hình công trình thông minh, tích hợp và linh hoạt đa chức năng để giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn giữa phát triển đô thị với hệ thống khung thiên nhiên, đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước của đô thị.

(5) Xây dựng chính sách để thúc đẩy vai trò, vị thế khung thiên nhiên trong việc giải quyết các vấn đề chung của đô thị.

Đề xuất điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị Hà Nội thuận tự nhiên:

Bàn luận

Điều chỉnh cấu trúc đô thị thành phố Hà Nội giống như tìm Bài thuốc chữa lành cho những vết thương đô thị Hà Nội. Kiến trúc sư lập quy hoạch giống như người thầy thuốc cần tìm ra được căn nguyên nguồn bệnh để chữa trị. Theo tôi ô nhiễm của các dòng sông là căn nguyên của nguồn bệnh của đô thị Hà Nội cần phải chữa lành ngay. Để chữa bệnh này, trước hết phải tái nhìn nhận là hành lang sông với vai trò “không gian thiêng” của đô thị Hà Nội. Giống như “núi thiêng” Ba Vì gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, thì sông Hà Nội là “nước thiêng” gắn với truyền thuyết Thủy Tinh. Sông Hà Nội là Di sản thiên nhiên và văn hóa cần phải khôi phục và bảo vệ bằng mọi giá. Nếu Đà Lạt là “Thành phố trong rừng” thì Hà Nội là “Thành phố trong sông”. Hành lang sông không dừng lại ở vai trò “trục cảnh quan” đơn thuần, là “vườn cảnh sau nhà” mà phải trở thành “trục chính đô thị” nơi mà thành phố ứng dụng phát triển mô hình kinh tế Xanh - Sáng tạo. Trục “hành lang sông Hồng” phải là trục phát triển chủ đạo, là không gian khẳng định vị thế tầm nhìn của Thủ đô Hà Nội, của Quốc gia. Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị thành phố Hà Nội từ mô hình “Thành phố vườn” sang mô hình “Thành phố sông”, từ “chùm đô thị” sang “mạng lưới đô thị linh hoạt” thuận theo tự nhiên (lấy hành lang sông làm trục chủ đạo). Các đề xuất điều chỉnh chắc chắn là một liệu pháp thuận tự nhiên có hiệu quả để khai thông các “Mạch phát triển” và tạo ra “Trường cảm ứng” cho Thủ đô, thể hiện được tính khởi xướng và dẫn dắt của Thủ đô cho các đô thị Việt Nam. Chữa lành các con sông thì TỰ NHIÊN sẽ chữa lành các VẾT THƯƠNG của đô thị Hà Nội!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1.    Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - VIUP (2023). Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến 2065. Thuyết minh tổng hợp xin ý kiến.

 2.    Huỳnh Hữu Phú (2010). Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Nhà xuất bản Hà Nội.

Nguyễn Văn Tuyên (2022). Cấu trúc quy hoạch thành phố Hà Nội. Nhà xuất bản Xây dựng.

Pháp lý xây dựng

TCVN 9902:2023 về yêu cầu thiết kế đê sông đảm bảo vững chắc ngăn lũ lụt

Đê sông là một công trình quan trọng nhằm ngăn chặn ngập lụt xảy ra khi có lũ lớn. Do đó việc thiết kế, xây dựng đê sông đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9902: 2023 là vô cùng cần thiết.

Chấp thuận đầu tư dự án hạ tầng Khu công nghiệp Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm giai đoạn 1

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang có quy mô 105,5 ha với vốn đầu tư 1.256,155 tỷ đồng.

Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp nhà cửa sau lũ lụt

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Thổi hồn cho những con đường

Hà Nội hiện có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước. Thú vị hơn và có lẽ chưa từng có trong lịch sử Hà Nội, đó là giờ đây, đường phố cũng trở thành không gian sáng tạo thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Xây dựng quê hương Lục Nam giàu mạnh, văn minh

Mặc dù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Lục Nam đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả chương trình NTM.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi