Đền Voi phục , Đền Quán Thánh - Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt
Đền Voi Phục - trấn Tây thành Thăng Long
Tọa lạc trên phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm, đền Voi phục là ngôi đền trấn giữ hướng Tây trong bốn ngôi đền thuộc Thăng Long Tứ trấn của kinh thành Thăng Long.
Đền là nơi thờ phụng thần Linh Lang Đại Vương - nhân vật lịch sử đã có công lao giúp vua Lý Thánh Tông đánh dẹp giặc Tống xâm lược và hy sinh. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong “Thượng đẳng thần”. Năm 1065, Vua cho xây dựng đền thờ và tạc hai tượng voi đá quỳ trước cửa đền.
Đền Voi Phục có kiến trúc độc đáo, với ba lối lên sân trong đó lối giữa có 12 bậc đá rộng dành cho nghi lễ rước kiệu trong các ngày lễ, khách thập phương đi bằng hai lối hai bên.
Khu điện thờ của đền Voi Phục có dạng chữ Công, gồm tòa Tiền tế năm gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ, tòa Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối với tòa Hậu cung. Hậu cung 5 gian, là nơi có tượng đức Linh Lang. Không gian thờ tự trong đền được bài trí tôn nghiêm. Lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai Âm lịch.
Với kiến trúc độc đáo và ý nghĩa lịch sử sâu sắc, di tích đền Voi Phục đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1962. Năm 2022, Đền được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là điểm đến thu hút đông đảo du khách và những người có mong muốn tìm hiểu về quá khứ và truyền thống của đất nước.
Đền Quán Thánh - trấn Bắc thành Thăng Long
Đền Quán Thánh là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với sự hình thành của kinh thành Thăng Long. Theo sử liệu, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía đông bắc Hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.
Nằm trên đường Thanh Niên, Hà Nội, đền Quán Thánh (tên chữ là Trấn Vũ Quán) trấn giữ hướng Bắc trong Thăng Long Tứ trấn. Đền là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần gắn với đạo Lão, cai quản phương Bắc. Ngài đã giúp dân chúng trừ tà ma và các loại yêu quái phá hoại đời sống của dân chúng vùng xung quanh thành Thăng Long.
Đền Quán Thánh từng trải qua nhiều đợt trùng tu. Kết cấu kiến trúc của Đền sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung.
Đền có kiến trúc xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.
Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Quán Thánh vào ngày 3/3 (ngày Thánh Đản) và 9/9 âm lịch để tưởng nhớ đức thánh Trấn Vũ, giúp ôn lại truyền thống văn hiến vùng đất Thăng Long kinh kỳ.
Không chỉ là một di tích lịch sử, một địa điểm sinh hoạt tâm linh, đền Quán Thánh còn có vai trò như một điểm nhấn cảnh quan cho hồ Tây. Đền Quán Thánh cùng với chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội.
Cùng với đền Voi phục, đền Quán Thánh cũng được công nhận nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào đợt đầu tiên - năm 1962, và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2022.
Đền Voi Phục, đền Quán Thánh là hai trong bốn ngôi đền linh thiêng bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Cùng với đền Bạch Mã ở phía Đông, đền Kim Liên ở phía Nam, bốn ngôi đền hợp thành cùng tạo nên cái tên “Thăng Long tứ trấn”. Đây là những di tích lịch sử quý giá không chỉ thể hiện nét đẹp kiến trúc mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc của dân tộc cần được bảo tồn và phát triển.
Ý kiến của bạn