
Đề thi tiếng Anh Trung học phổ thông quốc gia năm 2025: Bước chuyển hướng đến tiếng Anh học thuật
Từ góc nhìn chuyên môn, Tiến sĩ Yulia Tregubova – Trưởng Chương trình Tiếng Anh học thuật (EAP), Quyền Chủ nhiệm chương trình Tiếng Anh tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) – đánh giá đề thi năm nay có định hướng rõ rệt hơn tới tiếng Anh học thuật, chú trọng các kỹ năng như tư duy phản biện, diễn đạt lại, và mạch lạc văn bản – những năng lực quan trọng cho sinh viên học đại học bằng tiếng Anh.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đánh dấu một bước chuyển đáng chú ý trong cách tiếp cận và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh. Không chỉ kiểm tra kiến thức ngôn ngữ cơ bản, đề thi năm nay được thiết kế theo hướng tăng cường các yếu tố học thuật, phản ánh sát hơn nhu cầu thực tế khi học sinh bước vào môi trường giáo dục đại học, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng đào tạo bằng tiếng Anh ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Đánh giá về đề thi tiếng Anh năm 2025, Tiến sĩ Yulia Tregubova – Trưởng Chương trình Tiếng Anh học thuật (EAP), Quyền Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Anh tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) – cho rằng cấu trúc đề thi năm nay đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng chuyên sâu và học thuật hơn. “Tôi nhận thấy đề thi đã được điều chỉnh về mặt cấu trúc, khác và khó hơn đôi chút so với các năm trước. Tuy nhiên, theo tôi, đề thi lần này lại gần hơn với định hướng tiếng Anh học thuật – môn mà chúng tôi thường giảng dạy cho sinh viên có nguyện vọng học tập bằng tiếng Anh ở bậc đại học,” bà nhận định.
Sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV)
Theo Tiến sĩ Yulia, thay vì chỉ dừng lại ở kiểm tra từ vựng và ngữ pháp cơ bản, đề thi đã mở rộng phạm vi đánh giá bằng các dạng bài như suy luận – yêu cầu học sinh phải hiểu nghĩa của từ hoặc đoạn văn dựa vào ngữ cảnh. Đây là kỹ năng then chốt trong đọc hiểu và tư duy phản biện – hai yếu tố cốt lõi giúp sinh viên tiếp cận kiến thức hiệu quả trong môi trường giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, đề thi còn lồng ghép những nội dung nâng cao như collocations (sự kết hợp từ vựng tự nhiên), các chức năng ngôn ngữ, mạch lạc và liên kết trong văn bản – những tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng xử lý ngôn ngữ ở cấp độ học thuật. Đặc biệt, việc kiểm tra kỹ năng tóm tắt – vốn ít xuất hiện trong các kỳ thi trước – cho thấy rõ sự định hướng của đề thi năm nay nhằm chuẩn bị cho học sinh năng lực ngôn ngữ cần thiết khi bước vào bậc học cao hơn.
Khoảng cách giữa yêu cầu đề thi và sự chuẩn bị của học sinh
Mặc dù đánh giá cao tính định hướng học thuật của đề thi, chuyên gia BUV cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa yêu cầu của đề thi và năng lực hiện tại của phần lớn học sinh trung học phổ thông. “Tôi cho rằng đề thi năm nay tập trung nhiều vào các kỹ năng học thuật như suy luận, tóm tắt, tính mạch lạc và liên kết trong bài viết – những kỹ năng thường chưa được chú trọng giảng dạy trong các trường trung học công lập,” Tiến sĩ Yulia nhận xét.
Thực tế, trong khi nhiều học sinh vẫn chủ yếu luyện thi theo khuôn mẫu, tập trung vào kiến thức ngữ pháp và từ vựng truyền thống hoặc ôn luyện để đạt điểm cao trong các kỳ thi như IELTS, thì đề thi năm 2025 lại yêu cầu một nền tảng vững chắc về khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh học thuật. “Đáng tiếc là IELTS – dù là kỳ thi học thuật – lại không hoàn toàn đánh giá các kỹ năng như suy luận hay tóm tắt theo ngữ cảnh như đề thi THPTQG năm nay hướng tới. Điều này tạo ra khoảng trống trong việc chuẩn bị cho kỳ thi,” bà phân tích.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh học thuật tại BUV, Tiến sĩ Yulia khuyến nghị rằng học sinh cần bắt đầu tiếp cận các kỹ năng ngôn ngữ từ góc độ học thuật càng sớm càng tốt. Việc học tiếng Anh không chỉ dừng ở mức biết sử dụng từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp mà cần hướng đến khả năng hiểu, xử lý và diễn đạt thông tin một cách chính xác, rõ ràng và có tổ chức.
Cần cải cách phương pháp dạy và học tiếng Anh
Đề thi năm nay một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông. Theo Tiến sĩ Yulia, nếu muốn học sinh sẵn sàng hơn cho các kỳ thi và hành trình học tập bậc cao, hệ thống giáo dục cần chú trọng lồng ghép các kỹ năng học thuật vào chương trình giảng dạy từ sớm.
“Cụ thể, đó là khả năng suy luận ý nghĩa dựa trên ngữ cảnh, tóm tắt ý chính của một đoạn văn, xây dựng văn bản có tính mạch lạc, nhận diện và sử dụng các phương tiện liên kết – cùng nhiều kỹ năng khác sẽ hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập tại đại học,” bà phân tích. Những kỹ năng này không chỉ giúp học sinh vượt qua kỳ thi mà còn là nền tảng để thành công trong môi trường học thuật chuyên sâu, nơi sinh viên phải tự học, nghiên cứu và trình bày quan điểm một cách logic, thuyết phục.
Chia sẻ về kinh nghiệm tại BUV, nơi các chương trình đào tạo đều sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, Tiến sĩ Yulia cho biết nhà trường đã xây dựng các khóa học tiếng Anh học thuật chuyên biệt nhằm hỗ trợ sinh viên chuẩn bị bước vào các chương trình cử nhân. Một trong những chương trình tiêu biểu là UNIPATH – English for Academic Purposes (EAP), được thiết kế để trang bị cho sinh viên các kỹ năng thiết yếu như ghi chép khi nghe giảng, tham gia thảo luận nhóm, phát triển tư duy phản biện, lập luận trong viết học thuật và đọc hiểu chuyên sâu.
“Chương trình UNIPATH không chỉ nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh một cách học thuật mà còn giúp sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức chuyên ngành và năng lực học tập toàn diện, từ đó giúp các em tự tin học tập trong môi trường quốc tế,” bà nhấn mạnh.
Lời khuyên cho học sinh chuẩn bị cho kỳ thi năm sau
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Yulia đưa ra lời khuyên thiết thực cho học sinh lớp 11, 12 đang trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi năm 2026. Theo bà, bên cạnh việc tiếp tục củng cố từ vựng và ngữ pháp, các em nên chủ động rèn luyện những kỹ năng học thuật như tóm tắt, diễn đạt lại (paraphrasing), suy luận từ ngữ cảnh và xây dựng liên kết mạch lạc trong đoạn văn.
“Chẳng hạn, kỹ năng suy luận (inference) không chỉ là một kỹ năng ngôn ngữ mà còn là kỹ năng tư duy phản biện – giúp học sinh hiểu nội dung thông qua mạch văn, từ đó nâng cao khả năng đọc hiểu và xử lý thông tin hiệu quả hơn. Việc trau dồi những kỹ năng này sẽ giúp các em không chỉ làm bài thi tốt hơn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập ở bậc đại học sau này,” bà chia sẻ.
Sự thay đổi trong định hướng ra đề thi năm nay có thể là thách thức ban đầu, nhưng cũng mở ra cơ hội để đổi mới cách học, cách dạy và cách tiếp cận tiếng Anh tại Việt Nam – từ một môn học công cụ đơn thuần trở thành một phương tiện học thuật, góp phần vào việc hội nhập và phát triển giáo dục theo chuẩn quốc tế.
Ý kiến của bạn