Cầu Ngói Chợ Lương -  kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo

Cầu Ngói Chợ Lương - kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo

(Vietnamarchi) - Tọa lạc tại xã Hải Anh huyện Hải Hậu, tình Nam Định, cầu Ngói Chợ Lương nổi tiếng là một trong 3 cây cầu cổ đẹp nhất Việt Nam, ghi dấu ấn về sự tài hoa, sáng tạo của người xưa trong kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo.
11:09, 29/02/2024

Vẻ đẹp kiến trúc cổ kính

Nằm bắc qua dòng Trung Giang quanh năm nước xanh trong vắt, cầu Ngói chợ Lương có cùng niên đại xây dựng với chùa Lương (năm Hồng Thuận Tam niên tức năm 1511). Trải qua hơn 500 năm tồn tại, đến nay cầu Ngói chợ Lương là một trong 3 cây cầu ngói cổ xưa và đẹp nhất Việt Nam còn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu.

Cầu được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu). Theo các tư liệu cổ, ban đầu, cầu được xây dựng đơn giản, lợp cỏ đơn sơ. Đến thế kỷ XVII, cầu được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để phù hợp với cấu trúc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Cuộc trùng tu lớn nhất là vào năm 1922, cầu được lợp ngói.

Nhìn tổng thể cây cầu giống như một ngôi nhà mái ngói nằm vắt mình qua dòng sông nhỏ. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các vì kèo giống như thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Phần dưới là thành cầu và sàn cầu. Phần trên và dưới liên kết với nhau bằng hệ thống các cột tròn dựng dọc hai bên thành cầu và cổng xây ở hai đầu.

Cầu gồm 9 gian uốn cong tựa cầu vồng, với 40 cột tròn, tất cả được làm bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to, đẹp, vững chãi, chia thành sáu hàng, mỗi hàng ba cột. Trên mỗi cột đá là hệ thống các xà bằng gỗ lim to để đỡ các dầm, sàn.

Mái cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, từ xa nhìn lại cây cầu như hình con rồng đang vươn mình bay lên.

Lòng cầu rộng 2m gồm nhiều thanh gỗ lim trên hàng dầm uốn cong. Sàn cầu có nhiều thanh gỗ ngắn hơn được vuốt tròn cạnh tạo thành những điểm gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng được uốn cong theo thành cầu, là nơi du khách và người dân có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song dáng lá đề. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc này đã tạo cho cây cầu sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu khác.

Bên cạnh đó, cầu Ngói chợ Lương còn gây ấn tượng đặc biệt với hình cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn ở hai bên đầu cầu, với tông vàng nổi bật cùng họa tiết là những bức tượng hình con nghê đứng chầu đầy uy nghiêm. Cuốn thư tạo dáng mềm, đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, tức cầu xã Quần Phương.

Song hành cùng thời gian

Với hơn 500 năm tuổi, vượt theo dòng thời gian, qua 2 đợt trùng tu lớn nhất vào các năm 1922 và 2011, cầu Ngói chợ Lương vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc xưa, trở thành di tích lịch sử nổi tiếng của mảnh đất Thành Nam. Cùng với cầu Thanh Toàn (Huế), cầu Chùa (Hội An), cầu Ngói chợ Lương đã được chọn là 3 cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam, được phát hành tem năm 2012.

Mỗi mùa trong năm, cây cầu lại có một vẻ đẹp riêng biệt: những ngày mùa hạ, cầu được tô điểm thêm bởi sắc đỏ của hoa phượng; mùa thu, cây cầu như mơ màng soi bóng hiền hòa xuống dòng nước trong xanh, còn những ngày mùa xuân này, dưới làn mưa phùn dày đặc, cây cầu lại toát lên vẻ đẹp u tịch, cổ kính, nguyên sơ.

Cùng với lối kiến trúc độc đáo và bề dày lịch sử, cầu Ngói chợ Lương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990. Cây cầu mang một sức sống bền vững trong dòng chảy của thời gian, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thanh bình, trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ riêng của xã Hải Anh, huyện Hải Hậu mà còn là niềm tự hào của người dân Nam Định./.

 

Pháp lý xây dựng

Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Ngày 20/11, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành và một số di tích trên địa bàn thành phố.

Đền Voi phục , Đền Quán Thánh - Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi phục và Đền Quán Thánh là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt”. Đây là hai ngôi đền nằm trong Thăng Long Tứ trấn - gồm bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

Hà Nội: thêm 12 di tích được xếp hạng cấp thành phố

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4320/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Đình Tây Đằng - một di sản văn hóa kiến trúc độc đáo

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa (nay thuộc Hà Nội) là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Trong số những ngôi đình tiêu biểu của nơi đây có thể kể đến đình Tây Đằng, ngôi đình mang kiến trúc độc đáo và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

“Không làm giả” vì sẽ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc

Trước những tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới của di tích chùa Cầu sau trùng tu, đặc biệt là luồng ý kiến cho rằng “màu sơn quá mới”, “quá sáng” khiến di tích này trở nên “lạ lẫm”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm), đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án này đã có những phản hồi chính thức.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi