Cải tạo Khu phố Pháp - Cần cân bằng giữa kiến trúc và không gian cảnh quan

Cải tạo Khu phố Pháp - Cần cân bằng giữa kiến trúc và không gian cảnh quan

(Vietnamarchi) - Khu phố Pháp được đánh giá là tài sản kiến trúc vô cùng quan trọng của Hà Nội. Mặc dù vậy, hiện nay, việc công nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu vực này còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn; nếu không được định hướng, quản lý, kiểm soát phù hợp sẽ làm mất đi giá trị đặc trưng của nó. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS.KTS Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hợp tác Quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam - người đã có hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội - nhằm làm rõ hơn giá trị cũng như giải pháp cải tạo, bảo tồn khu phố Pháp.
20:19, 18/11/2023
TS.KTS Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hợp tác Quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam

PV: Thưa Ông, đối với Hà Nội, những khu phố Pháp là một thành phần hiện hữu không thể thiếu của đô thị, ghi dấu ký ức một thời, và được đánh giá cao về giá trị kiến trúc. Vậy, Ông có thể cho biết những giá trị lớn nào của công trình kiến trúc tại khu phố Pháp Hà Nội được xây dựng trong thời kỳ 1873-1954?

TS.KTS Emmanuel Cerise: Giá trị đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh, khu phố Pháp là một quần thể đô thị, không đơn thuần là những công trình kiến trúc đơn lẻ, đứng cạnh nhau. Khu phố Pháp như một cơ thể riêng biệt, vì vậy khi nói đến những giá trị tiêu biểu của khu phố Pháp, có thể kể đến giá trị về kiến trúc, không gian đô thị, cảnh quan đô thị.

Nói một cách cụ thể hơn, các nhà quy hoạch khi bắt đầu quy hoạch khu phố Pháp, họ đã kết hợp rất hài hòa giữa công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình kiến trúc chủ đạo với không gian công cộng, ví dụ như vườn hoa, vỉa hè, hàng cây xanh hai bên đường. Có thể nói, đây là những “khái niệm” mới về thiết kế quy hoạch do người Pháp đưa vào Việt Nam. Các không gian này liên kết các công trình kiến trúc với nhau, ví dụ như Nhà Hát Lớn, Tòa án Tối cao, là những công trình kiến trúc chủ đạo, xung quanh đều có những không gian mở kết nối.

Giá trị thứ hai của khu phố Pháp là nó minh chứng cho kỹ thuật xây dựng đã được người Pháp áp dụng tại Việt Nam, tại Hà Nội từ năm 1873-1954. Có thể nhiều người, họ cảm nhận các công trình kiến trúc Pháp, phong cách kiến trúc qua khu phố Pháp; thế nhưng, với tôi, đây là những bằng chứng thể hiện những kỹ thuật xây dựng của một thời kỳ, nó có gì khác so với hiện nay?

Có một điểm nữa mà tôi thấy cần phải làm nổi bật lên ở khu phố này, đó là sự kết hợp giữa văn hóa, kỹ thuật Việt Nam và Pháp trong quá trình xây dựng. Lâu nay, khi nói đến kiến trúc Pháp ở Hà Nội, mọi người thấy có rất nhiều phong cách khác nhau, như Tân cổ điển, Phục hưng,… Bên cạnh đó, phong cách được nhắc đến nhiều nhất là kiến trúc Đông Dương, có sự kết hợp giữa những yếu tố của Pháp và Việt Nam, nói rộng ra là giữa phương Tây và phương Đông.

Thực tế, không chỉ riêng phong cách kiến trúc Đông Dương, mà tất cả các phong cách kiến trúc Pháp xây dựng tại Việt Nam đều có sự kết hợp văn hóa giữa Pháp và Việt Nam. Khi người Pháp quy hoạch khu phố này, họ đã áp dụng nguyên tắc “thành phố vườn” kiểu của Pháp. Nhưng đây chỉ là cách tiếp cận, còn cây xanh họ sử dụng các cây bản địa. Đây chính là một sự kết hợp. Trong các công trình kiến trúc, kể từ thời kỳ đầu, thời kỳ tiền thực dân, tiền thuộc địa cũng đã có sự pha trộn, chứ không phải đợi đến lúc phong cách kiến trúc Đông Dương xuất hiện mới có sự pha trộn.

Trong quá trình trùng tu, cải tạo dự án Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, chúng tôi phát hiện ra những vật liệu sử dụng, kỹ thuật xây dựng có nguồn gốc bản địa, áp dụng cho công trình Pháp. Ngoài công trình 49 Trần Hưng Đạo, có cả những công trình khác, thậm chí có những công trình mang tính bề thế, uy nghiêm tiêu biểu cho bộ máy chính quyền Pháp thời thuộc địa, bên trong công trình đó vẫn có những yếu tố mang tính chất giao thoa với văn hóa bản địa. Ví dụ, bên trong Nhà khách Chính Phủ - trước là Dinh Thống sứ Bắc kỳ, ở nền nhà có hình ghép con rồng bay lên - Thăng Long. Đây là công trình mang phong cách Tân cổ điển, không phải kiến trúc Đông Dương. Hay trong khuôn viên của Đại sứ quán Pháp, trước đây là nhà riêng của giám đốc, đốc công nhà máy rượu Fontaine, có 3 tòa biệt thự là 3 nhà công vụ, được xây dựng từ năm 1912. Đây là những ngôi nhà mang kiến trúc địa phương Pháp, nhưng lại được lát gạch Bát Tràng ở ban công hay khung mái ở sảnh đón sử dụng lợp ngói theo kiến trúc Việt Nam bản địa. Có thể nói, kiến trúc Pháp ở Hà Nội có nét đặc thù mà Pháp không có được, đó là sự giao thoa văn hóa.

Như vậy, tôi muốn khẳng định lại 3 giá trị lớn của khu phố Pháp là giá trị về không gian cảnh quan đô thị, là minh chứng cho một thời kỳ của các kỹ thuật xây dựng đối với công trình kiến trúc Pháp nhưng được du nhập vào Việt Nam và đặc biệt, mỗi công trình đều thấp thoáng đâu đó sự giao lưu, đan xen, pha trộn văn hóa phương Đông và phương Tây.

Nhà hát Lớn và không gian phụ cận xung quanh

PV: Được biết Ông là người tham gia chủ trì, cố vấn cho UBND TP.Hà Nội và quận Hoàn Kiếm trong việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp giá trị. Vậy, có những vấn đề nổi bật mà Ông thấy cần chia sẻ nhất trong việc bảo tồn, trùng tu các công trình này?

TS.KTS Emmanuel Cerise: Xét về bản chất, việc cải tạo, bảo tồn một công trình kiến trúc nào đó đều là những dự án hợp tác để trùng tu và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc. Tôi muốn nhấn mạnh vào từ hợp tác là vì khi tham gia những dự án này, tôi không có quan điểm sẽ đưa những kỹ thuật nguyên bản của Pháp sang, áp đặt ở đây. Tôi muốn trong quá trình phối hợp với các đối tác, dù ở cấp thành phố hay quận Hoàn Kiếm, thì vẫn có những đối tác chuyên môn (đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công) của Việt Nam tham dự vào. Tôi mong muốn có sự hợp tác, thảo luận ý kiến giữa hai bên để cùng thực hiện trên tinh thần hợp tác. Vì vậy, sẽ có những điều chỉnh nhất định phù hợp với thực tế thi công của Việt Nam.

Một cách cụ thể hơn, khi tôi tham gia vào các dự án này, tôi xác định vai trò của tôi là giúp các đơn vị trùng tu, bảo tồn, tới cấp độ từng công nhân xây dựng thực hiện công trình đó, giúp họ làm ở mức tốt nhất có thể đối với điều kiện đang có ở Việt Nam. Nếu làm theo kiểu cứng nhắc, tôi sẽ yêu cầu phải điều kỹ sư, KTS từ Pháp sang, thậm chí đến lúc thi công sẽ điều công nhân xây dựng, máy móc từ Pháp sang, điều này rất tốn kém và không thực sự hợp lý. Chúng tôi đã học cách hợp tác, phối hợp với nhau, và vận dụng những gì có sẵn ở Việt Nam, để đảm bảo được tốt nhất những yêu cầu của một công trình cần trùng tu, bảo tồn.

Với biệt thự ở 49 Trần Hưng Đạo, chúng ta đã biết những câu chuyện xung quanh màu vôi, lớp vữa trát. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phải róc những lớp vữa ra, và đến khi vào tận lớp trong cùng, chúng tôi mới phát hiện ra màu sơn. Nếu đây là một công trình trùng tu ở Pháp, chúng tôi sẽ phải lấy mẫu vữa ấy, gửi về trung tâm nghiên cứu về lý hóa, về vật liệu xây dựng, nhằm phân tích thành phần hóa học của những lớp vữa nguyên bản. Nếu áp dụng quá trình này cho biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, sẽ rất mất thời gian và cũng vô cùng tốn kém. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tìm những tư liệu cũ để lý giải những kỹ thuật xưa, tìm ra công thức phù hợp để áp dụng ở Việt Nam.

Quan điểm của tôi là cố gắng vận dụng điều kiện sẵn có ở Việt Nam nhưng đảm bảo những nguyên tắc trùng tu, tôn tạo ở mức độ chính xác nhất với kỹ thuật xây dựng thời kỳ đó.

Khi mà thực hiện những dự án trùng tu, tôn tạo, cách tiếp cận của chúng tôi là sau khi công trình được trùng tu xong sẽ thể hiện được 2 yếu tố chính: Thứ nhất, giá trị kiến trúc của công trình đó sẽ được thể hiện đầy đủ nhất có thể; Thứ hai, mỗi một dự án sẽ là một nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tại thời điểm công trình được xây dựng. Đây là điều mà tôi rất muốn nhấn mạnh trong các dự án trùng tu kiến trúc cổ. Bởi vì lâu nay, người ta chỉ chú ý đến lớp vỏ, hình thức kiến trúc của công trình, nhưng việc áp dụng lại những kỹ thuật xây dựng thời kỳ đó trong thời điểm hiện nay thì đôi khi các dự án khác có thể xem nhẹ.

Với bất kỳ một KTS được đào tạo bài bản tại Pháp, họ hiểu rằng, một ngôi biệt thự của Pháp khi được thiết kế không chỉ đơn giản là một công trình xây dựng, mà là một biểu hiện của lối sống người Pháp, là nghệ thuật sắp đặt không gian sống của người Pháp. Việc phân chia không gian trong biệt thự khác rất nhiều với phân chia không gian ở của người Việt thời kỳ đó. Mô hình nhà của người Việt ngày đó là 3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái. Nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, họ đã có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện bản địa ở Việt Nam.

Những tài liệu xuất bản ở Pháp đi sâu về mặt chuyên ngành, hệ thống hóa rất cụ thể từng bộ phận, từng chi tiết kiến trúc của ngôi nhà, thể hiện rõ ràng việc lựa chọn vật liệu, hình thức kết hợp các loại vật liệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có rất ít những tư liệu này, đặc biệt là với những công trình xây dựng theo kiến trúc Pháp. Các KTS người Việt làm về bảo tổn công trình kiến trúc kiểu Pháp cũng mới chỉ quan tâm về góc độ kiến trúc, còn kỹ thuật xây dựng thì những kỹ sư bảo tồn chưa được tiếp cận với những tài liệu như thế này.

Những tư liệu hiện còn được bảo quản ở Pháp thể hiện rất rõ kỹ thuật xây dựng của người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở thời kỳ này, những công trình kiến trúc Pháp được xây tại Hà Nội được áp dụng những kỹ thuật xây dựng gần như tương đương với ở Pháp, không có sự chênh lệch quá lớn về những “tiến bộ khoa học”. Nếu muốn tìm hiểu về những công trình kiến trúc Pháp được xây dựng đầu thế kỷ XX tại Hà Nội, chỉ cần tham khảo những kỹ thuật xây dựng được áp dụng tại Pháp thời kỳ này. Nhưng khi thực hiện dự án trùng tu bảo tồn ở Việt Nam, tôi cũng phải chấp nhận thực tế điều kiện hiện tại ở Việt Nam cho phép làm đến đâu thì chúng tôi ứng dụng đến đó, việc tìm kiếm những công nhân có thể áp dụng những kỹ thuật xây dựng này cũng không dễ dàng.

Nhà khách Chính Phủ - trước là Dinh Thống sứ Bắc kỳ

PV: Vậy, với những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, Ông có khuyến nghị gì với Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố Pháp và công trình kiến trúc đã xây dựng ngót nghét trăm năm tuổi này?

TS.KTS Emmanuel Cerise: Khi chúng ta lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố Pháp, chúng ta cố gắng tập trung vào 3 giá trị tôi đã nhắc đến trong câu hỏi đầu tiên. Hiện nay, tôi thấy ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có một vấn đề rất đáng tiếc: xung quanh các công trình di sản chưa có các vùng đệm đủ lớn để bảo vệ không gian cảnh quan. Điều này được thể hiện rất rõ ở điểm chúng ta chỉ chú trọng đến đúng công trình. Còn ở Pháp, những công trình đã được xác định là di sản, sẽ được khoanh vùng, trong bán kính 500m sẽ được kiểm soát xây dựng (chiều cao, khối tích, các công trình xung quanh, phong cách kiến trúc) nhằm không lấn át, không làm giảm giá trị của công trình kiến trúc chủ đạo.

Ngoài ra, khi thực hiện các dự án bảo tồn, không chỉ là bảo tồn từng công trình kiến trúc đơn lẻ, cũng cần xác định phạm vi phân khu di sản. Mỗi phân khu sẽ có ranh giới, quy mô nhất định và cũng cần kiểm soát những công trình xây dựng xung quanh nó.

Quan điểm của tôi là không biến khu phố Pháp, khu nội đô lịch sử của Hà Nội thành một bảo tàng, không được xây, sửa, cải tạo. Nhưng, quan trọng là khi xây một công trình mới, nên có sự tính toán, cân nhắc, lựa chọn tập trung vào chất lượng kiến trúc, nhằm tránh tình trạng nhại cổ, ít đầu tư về mặt ý tưởng kiến trúc của một số công trình mới hiện nay ở Hà Nội. Tôi thấy có một số công trình có chất lượng kiến trúc không xứng đáng nằm trong khu trung tâm này.

Bên cạnh đó, công cụ quản lý hiện nay quá yếu. Với một khu có giá trị di sản như khu phố Pháp này, quy chế quản lý phải rất chặt chẽ, phải đảm bảo cho mỗi một người dân sống trong khu phố này có ý thức rằng không phải làm gì cũng được. Vì ngôi nhà của họ nằm trong khu vực này thì họ phải chấp nhận có những điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt.

Nguyên tắc của chúng tôi khi quản lý những đô thị cổ ở Pháp nói chung và ở Paris nói riêng là khu vực nào có giá trị bất động sản càng cao thì quy chế quản lý càng chặt. Đổi lại, khi họ chấp nhận những quy chế đó, công trình sau khi được cải tạo, xây mới sẽ càng có giá trị.

Chúng tôi đã từng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội biên soạn Quy chế quản lý khu phố Pháp, nhưng khi được chuyển thành một văn bản có tính pháp quy, tôi cảm thấy những quy định trong đó chỉ mang tính tương đối. Những công trình được xây mới, được cải tạo trong khu vực vẫn “lách” những quy định. Trong thời gian tiếp theo, nếu chúng ta muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị khu phố Pháp, chúng ta cần siết chặt quy chế quản lý càng sớm càng tốt.
Như vậy, các khuyến nghị trên của tôi; thứ nhất là cách tiếp cận, quan điểm bảo tồn; thứ hai là công cụ quản lý; và cuối cùng là yếu tố con người. Tôi cũng hy vọng trong những năm tiếp theo, chúng ta cần chú trọng đầu tư vào việc nâng cao trình độ và có những đãi ngộ xứng đáng cho những người làm dự án bảo tồn di sản - đó là những công nhân, những người trực tiếp bắt tay vào làm những công trình đó. Ví dụ như ở Pháp, ở Nhật, có những người được coi là nghệ nhân, thậm chí được tôn vinh là những bảo vật quốc gia, bởi họ biết kỹ thuật xây dựng chuyên sâu. Hoặc những người thợ lành nghề chuyên phục vụ cho các công trình di sản. Những sự tôn vinh đó không chỉ đơn thuần về mặt danh tiếng, hình thức mà cần phải thông qua việc chi trả thù lao, phải tương xứng.

Qua công trình 49 Trần Hưng Đạo, công nhân trên công trường vẫn là những công nhân xây dựng bình thường, họ chỉ dừng lại ở việc đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng công trình bình thường, họ không ý thức được rằng công trình họ đang làm có giá trị như thế nào. Đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt việc phê duyệt dự toán cho dự án trùng tu cải tạo dựa trên những đơn giá của dự án xây dựng. Một dự án bình thường khác xa so với dự án trùng tu, tôn tạo di sản.

Chúng ta cũng cần có những hình thức đào tạo đội ngũ chuyên làm dự án bảo tồn, sau đó cần thừa nhận năng lực, trình độ của họ, tiếp theo là cần có sự đãi ngộ tương xứng. Bước đầu, nên có những khóa đào tạo ngắn ngày, dần dần sẽ mở trung tâm đào tạo và cuối cùng có thể có một khoa hay một trường đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Về lâu dài, cần thiết phải có sự đầu tư về mặt con người, như thế, các dự án trùng tu mới có thể tránh được những sai lầm đã từng mắc phải, những sai lầm tai hại mà không khắc phục được.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông về những đóng góp cho Hà Nội và đã tham gia trả lời phỏng vấn.

Pháp lý xây dựng

Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội - bảo tồn và phát huy giá trị

Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông hồ dày đặc. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan đặc trưng của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên này; trong đó cấu trúc của các dòng sông trong nội đô đóng vai xương sống cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội (sông Hồng - phía Đông, sông Tô Lịch - phía Bắc và phía Tây và sông Sét - phía Nam).

Hà Nội có rừng... và rừng sẽ lên xanh

(KTVN 252) Việc quy hoạch tạo nên một hệ thống “Không gian xanh” - lá phổi xanh cho đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá, biến đổi khí hậu trên thế giới trong đó có Việt Nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững. Công viên, vườn hoa... được hiểu đều nằm trong hệ thống “” đô thị. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều có mối quan hệ biện chứng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh và đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục của đô thị. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt trong xây dựng biểu tượng, thương hiệu của từng đô thị khi yếu tố cạnh tranh mang tính toàn cầu đang rất cao.

Hồ Tây - Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội

(KTVN 252) Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trong nội đô được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, như một phần ruột thịt của sông Cái (sông Hồng) được cắt ra. Từ ngàn đời nay, Hồ Tây với người Hà Nội vẫn luôn là những huyền tích bước ra từ cuốn sách giáo khoa, hoặc đọng lại trong tiếng mẹ ru, hoặc vương vấn trong những vần thơ và câu hát. Hồ Tây với người Hà Nội hôm nay là một ví dụ minh họa điển hình trong lý thuyết về không gian nơi chốn, nơi để hoài niệm và tìm về, nơi ký ức luôn được cảm nhận, thẩm thấu bằng nhìn, bằng nghe, bằng nếm, chạm được vào và cả bằng hơi thở. 

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội - Những chặng đường sáng tác

(KTVN 252) Công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, mở rộng Thủ đô được đặt ra từ ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (từ năm 1954 đến nay) đã trải qua 70 năm dưới chính quyền cách mạng. Nhìn lại hình thức kiến trúc trong bối cảnh Hà Nội từ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đến thời kỳ Đổi mới và phát triển hiện nay, để thấy hơn tính xã hội của kiến trúc qua những chặng đường sáng tác của KTS. Theo đó, những hoạt động kiến trúc đã góp phần thể hiện sự năng động và sức sống nội tại của một đô thị có lịch sử nghìn năm với một quá khứ chồng xếp nhiều tầng văn hóa. 

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi