Bổ khuyết và bồi đắp tri thức kiến trúc

Bổ khuyết và bồi đắp tri thức kiến trúc

(Vietnamarchi) - Kiến trúc càng phát triển nhanh, mạnh và cao, càng đòi hỏi tri thức. Có hai con đường để tích lũy tri thức, - tự nhiên và bằng nghiên cứu. Tích lũy tự nhiên hình thành trong và qua quá trình phát triển, về bản chất là sự tích lũy những nhận biết và kinh nghiệm, mà sự vận dụng chúng thường dẫn tới những biểu hiện chủ quan, bảo thủ và quán tính. Tích lũy bằng nghiên cứu, một mặt khai thác những chiêm nghiệm và kinh nghiệm, một mặt chủ động tiếp cận thực tiễn phát triển, sử dụng những phương pháp và công cụ khoa học để soi rọi và giải quyết những vấn đề mà thực tiễn ấy đặt ra nhằm mục đích tối cao của nó, - chủ động thúc đẩy sự vận động của thực tiễn. Nghiên cứu, hễ đích thực là nó, bao giờ cũng dẫn tới sự kiến tạo những nền tảng, những trụ cột của tri thức, đồng thời bao giờ cũng mở ra và hướng tới những cục diện nảy sinh từ cuộc sống, lấy sự vận động của tư duy để bồi đắp cái nền tảng, cái mà ta gọi là hàn lâm.
15:26, 11/09/2023

Ấy vậy, trên cánh đồng mênh mông bất tận của tri thức kiến trúc, ta nhận ra công cuộc nghiên cứu lại thể hiện phương thức quảng canh, phổ biến hơn thâm canh, - thiên về bề mặt hơn bề sâu; manh mún và tản mạn hơn là tập trung và đồng bộ; dàn trải hơn là sự mũi nhọn hóa; gặt sớm hái non hơn là thu hoạch đúng vụ... Thành ra, nghiên cứu ít khi song hành thực tiễn. Nghiên cứu không đi trước thực tiễn. Đôi khi ngược lại.

Tri thức kiến trúc có nền rồi mà không chắc, bồi đắp mãi mà vẫn không lấp kín những khoảng hẫng hụt và lỗ hổng, tiệm cận thực tiễn hoài mà vẫn chưa tới.

Chưa bao giờ ta thực hiện nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học, nhiều luận án và luận văn như hiện nay. Chưa bao giờ nhiều tổ chức làm khoa học, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học hàm và học vị như hiện nay.

Ấy vậy mà cũng, chưa bao giờ, nền kiến trúc, nền xây dựng ở ta lại thiếu, lại cần những tri thức nền tảng và những tri thức ứng dụng, như lúc này. 

Sự xuất hiện ngày càng nhiều những quyết định thiếu luận cứ, những phản biện chưa đủ sức mạnh bẻ ngoặt, đang đặt ra những đòi hỏi mà duy  tri  thức mới đáp ứng nổi.
Tri thức xây dựng, kiến trúc đang cần bổ khuyết và bồi đắp. Nghiên cứu có khả năng thực hiện sứ mệnh ấy, trọn vẹn, cơ bản, hiệu quả và, thậm chí, sát sườn hơn cả. Song, nghiên cứu gì, bởi ai và ứng dụng thế nào? Câu hỏi cho đến nay vẫn mở.

Nghiên cứu đô thị ngày nay phải đặt vào diện ưu tiên hàng đầu. Trước tiên, công cuộc đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và tăng tốc, song hành cùng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Sau đó, quá trình đô thị hóa ở nước ta nảy sinh tương đối muộn mằn, diễn ra chưa hẳn đã quy mô và chỉ thật sự bùng nổ khoảng 2-3 thập niên gần đây. Từ đó chẳng những tích lũy vật chất đô thị khá khiêm nhường, mà tri thức xây dựng đô thị cũng chưa hẳn dồi dào. 

Lý do khác, kiến trúc một con phố, một quần thể có thể chưa đẹp hoặc còn lạc hậu, song chiến lược mở mang hoặc xây dựng đô thị, thì không những phải tiên tiến, mà còn phải được sản sinh bởi những tính toán, đủ tầm và đủ diện, với cái nền tảng vững chắc là trí thức. Ngày trước, nói đến kiến trúc là nói đến ngôi nhà. Ngày nay, nói đến kiến trúc là phải nói đến đô thị. Đô thị đang định đoạt diện mạo thế giới.

Nghiên cứu đô thị, với hai nội hàm cốt yếu là đô thị và quy hoạch đô thị, phải là những nghiên cứu tổng hợp và đồng bộ, mang tính liên ngành, trong đó sự tham gia của yếu tố xã hội - nhân văn, phải được chú trọng, do đô thị cấu thành bởi cơ ngơi vật chất kỹ thuật và bởi cuộc sống cộng đồng dân cư.

Nghiên cứu đô thị trước hết đi từ điều tra - khảo sát - xây dựng quỹ dữ liệu thực tế và sự khai thác đẩy đủ những kết quả từ đó. Chỉ có thể nghiên cứu mới quay lại phục vụ và đáp ứng các câu hỏi mà việc soạn thảo các chủ trương, việc quy hoạch phát triển đặt ra. Nên coi những kết quả thu lượm từ thực tế, sau khi đã được xử lý theo khoa học, là một phần quan trọng cần đánh giá ngang bằng với các đầu ra của nghiên cứu.

Ưu tiên, cho đến nay vẫn cần gọi là số một, trong khảo sát - điều tra đô thị là việc xây dựng một báo cáo tổng hợp và một bản đồ thâu tóm thật đầy đủ và thật triệt để, thực trạng phát triển hệ thống các đô thị ở Việt Nam, trong đó đề cập tới những cục diện cơ bản như sự phân bố trên toàn bộ lãnh thổ và trên các vùng miền; tính chất và vai trò của đô thị; các yếu tố cấu thành và tạo thị; quy mô đất đai và dân số; tiềm năng và hướng phát triển; các thuộc tính nổi trội…

Tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện một đô thị, trong đó có những cục diện hệ trọng như tài nguyên thiên nhiên hiện hữu (chứ không là từng có); những yếu tố nổi trội là lợi thế của thiên thiên và đất đai; quỹ kiến trúc đô thị và vật chất, kỹ thuật: lãnh thổ và dân cư; cấu trúc thành phần dân cư; các yếu tố tạo thị và động lực phát triển; chất lượng môi trường thiên nhiên và cuộc sống; mức độ đô thị hóa kiến trúc - đô thị và dân cư; các không gian đô thị đặc trưng và hình thái kiến trúc đô thị; các dữ liệu về các thể loại công trình kiến trúc…

Đối với các đô thị cổ và cũ, cần điều tra, khảo sát và kiểm kê quỹ kiến trúc đã hình thành ở các giai đoạn tồn tại, gồm các ô phố, đường phố, các công trình được quy vào diện di sản kiến trúc hoặc diện cần tiếp tục duy trì. Cùng với đó, xác định khả năng cải tạo và phát huy quỹ di sản kiến trúc này với mục đích nhấn mạnh tính riêng biệt trong diện mạo đô thị cũng như sức hút du lịch. Phân tích các mối liên kết giữa các thành phần cổ hoặc cũ với các thành phần mới của đô thị, đặc biệt từ phương diện hình thái học đô thị.

Cảnh quan làng Nôm - Đại Đồng - Hưng Yên

Tuy nhiên, các cuộc điều tra và khảo sát ở từng mốc thời gian nào đó sẽ dẫn tới nhu cầu về sự điều chỉnh chiến lược này. Chúng tôi cho rằng để tạo nền tảng cũng như hướng cho phát triển đô thị, nên chăng mở ra hướng nghiên cứu: Triết lý phát triển đô thị Việt Nam. Nó có thể được chiết xuất từ những đặc điểm lịch sử và hiện trạng cơ ngơi vật chất của các đô thị, từ các đặc điểm kinh tế và xã hội ở ta và, không kém phần quan trọng, từ sự tham khảo để rút ra những bài học cho mình qua kinh nghiệm quốc tế. Hễ làm chủ được triết lý của ta trong xây dựng đô thị, ta sẽ đi theo con đường duy nhất phù hợp, thực thi đô thị hóa một cách tỉnh táo, không lặp lại những sai lầm của những ai đi trước, vừa tạo dựng cho các đô thị những cái riêng, ưu việt  hóa.

Vô số chủ đề cho nghiên cứu đô thị và quy hoạch đô thị chẳng hạn: Phân bổ thế nào cho hợp lý hệ thống đô thị trên lãnh thổ; sự cần thiết về sự thiết lập vùng đô thị; tính khả thi của việc mở trộng thành phố trung tâm ra cả tỉnh; quy mô đất đai và quy mô dân số cho các đô thị lớn, vừa và nhỏ; yếu tố chính trị - hành chính với vai trò chủ đạo ở các đô thị Việt Nam; mối liên quan giữa các động lực phát triển và tính cách cùng hình thái đô thị; chiến lược xây dựng đô thị biển, đô thị miền núi; mối liên quan giữa mở rộng lãnh thổ đô thị với xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc với thành thị hóa dân cư; quy hoạch nén hay quy hoạch phân tán; vai trò và sự tác động thực tế của thiết kế đô thị trong diện mạo thành phố… Chúng ta cũng cần xác định thật rõ nội hàm của các trào lưu hiện đại như: đô thị sinh thái, đô thị xanh, và sự vận dụng chúng vào điều kiện của ta.

So với nghiên cứu đô thị, nghiên cứu kiến trúc ở ta bao quát và đồng bộ hơn, sâu và rộng hơn. Đặc biệt là nghiên cứu mang tính chất của bộ môn thể loại học như các chuyên khảo, các luận án và luận văn hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học có sự đầu tư kinh phí khá lớn về nhà ở, các công trình kiến trúc dân dụng và công cộng. 

Cái thiếu và cái yếu trong nghiên cứu kiến trúc chính là ở các mặt tập hợp và phân tích, đánh giá và phát hiện, đặc biệt là phản biện và phê bình. Giới chuyên môn nhận ra và phê phán trào lưu nhại kiến trúc Pháp thời thực dân, vẫn đang lây lan và trở thành sự lựa chọn của các chủ đầu tư, song vẫn chưa có một công trình nghiên cứu đủ tầm về những tai hại mà trào lưu này mang lại cho sự tiến bộ của nền kiến trúc Việt Nam đương đại, về sự phung phí tiền của, đặc biệt ngân sách công.

Có thể nêu ra hai hướng cho nghiên cứu kiến trúc: 
Thứ nhất, nghiên cứu cơ bản, mang tính hàn lâm như di sản kiến trúc - tinh hoa và kế thừa; như nhận dạng bản sắc kiến trúc Việt Nam và những con đường chuyển tải nó vào sáng tác kiến trúc; như sự tổng nhìn nhận và đánh giá phát triển kiến trúc Việt Nam trong những giai đoạn vừa qua; như nhận dạng các biểu hiện hình thành các xu hướng hoặc trường phái trong sáng tác kiến trúc; như dự báo hướng phát triển kiến trúc trong những thập niên tới; như sự so sánh kiến trúc Việt Nam đương đại với kiến trúc các nước trong khu vực và thế giới…

Thứ hai, nghiên cứu những biểu hiện của chủ nghĩa phô trương - hình thức trong nền kiến trúc Việt Nam đương đại; đánh giá các tìm tòi - sáng tạo mới; những đóng góp của các kiến trúc sư - tác gia; đánh giá thẩm mỹ kiến trúc đại chúng và thẩm mỹ của chủ đầu tư; kiến trúc xanh và kiến trúc sinh thái vận dụng vào điều kiện nước ta…

Chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu kiến trúc nông thôn cũ, một mảng lâu nay chưa được chú trọng, cùng với mảng kiến trúc nông thôn đương đại. Các nghiên cứu liên ngành và nghiên cứu chuyên ngành kiến trúc cần làm rõ những tác động nào đã dẫn đến những chuyển biến gốc rễ trong kiến trúc nông thôn, từ cấu trúc không gian đến khuôn viên cư trú gia đình, đến nếp nhà.

 Làm rõ bản chất đích thực và thực trạng của cục diện đô thị hóa nông thôn hay hiện tượng ngược lại, thôn quê hóa thành thị. Mô hình nào cho cấu trúc cộng cư thay thế làng, - mô thình nông thị chăng?. Có phương cách nào để cứu vãn không gian cư trú “bio” và “eco” truyền thống của nông hộ?. Có giải pháp nào để tạo ra sự chuyển hóa mềm giữa mô hình nhà ở cổ truyền và mô hình nhà “ống”, tràn ngập thôn quê, đặc biệt các tỉnh phía Bắc?. Giải pháp nào để chuyển tải đến bà con nông dân những tiện nghi và thẩm mỹ ở nơi trú ngụ, vừa đẹp nền nã lại vừa ít tốn kém. 

Và, một ách tắc lâu nay, làm sao chuyển tải, làm sao thuyết phục được bà con nông dân làm theo những chỉ dẫn, những cải tiến của kiến trúc sư, hấp thụ tri thức kiến trúc hiện đại. Làm sao bà con làm nhà theo hướng dẫn mà đỡ bắt chước những mẫu hình xấu.

Vấn đề quan trọng cuối cùng chúng tôi muốn đề cập: đó là làm sao sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu kiến trúc tri thức tích lũy. Chúng ta không thể tập trung hóa các lực lượng và tổ chức làm khoa học kiến trúc, một điều phản tự nhiên. Song, chúng ta có thể và nên thu nạp vào một nơi các kết quả của nghiên cứu chuyên ngành, từ các tổ chức và lực lượng nghiên cứu phân tán. Nơi đó là một thiết chế khoa học, hút vào và tỏa ra, thu nạp - lưu trữ - cung cấp dữ liệu. 

Đã đến lúc thiết lập một trung tâm dữ liệu và thông tin kiến trúc - xây dựng như vậy cho cả nước. Bên cạnh việc tạo dựng quỹ dữ liệu, nó phải thực hiện vòng quay giữa cơ quan lưu giữ dữ liệu và những chủ thể nghiên cứu, giữa những chủ thể nghiên cứu và người sử dụng kết quả nghiên cứu.
 Cái cầu nối những mối quan hệ này chính là một ấn phẩm thông báo danh mục các nghiên cứu đã - đang và sẽ thực hiện nơi nọ nơi kia, chính là sự cung cấp thông tin trên mạng. Thiếu sự tập hợp vào một đầu mối, các thành tựu nghiên cứu khoa học kiến trúc - xây dựng sẽ nằm bất động và rơi vãi ở nơi này, người kia. Tri thức được bổ sung và tích lũy, sẽ chảy vào cái bình không đáy. 

Tri thức tạo nên bằng trí não, bằng công sức, bằng tiền của, - phải được dụng, nhất là khi sự phát triển đang cần đến./.

Pháp lý xây dựng

Chuyển đổi khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một biểu tượng của sự lãng phí ở Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với đời sống của người dân là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương án chuyển đổi và vận hành, không để lãng phí thêm.

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng, làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội xác định lấy sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, nhiều khu vực ven sông bị ngập, đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ở 2 bên bờ sông như thế nào để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tìm công thức khả thi để Hà Nội làm hàng trăm km đường sắt đô thị

Sau 20 năm triển khai, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.

Nghĩ và ngẫm về nội thất

Nội thất, song cùng kiến trúc, tiến bước dài, đang đứng cả hai chân trong hiện đại hóa, quốc tế hơn và tìm kiếm cái riêng, như một lộ trình tự nhiên. Trong sự đẹp và sang lên của nội thất kiến trúc, không tài nào tránh khỏi sự nhận ra: Nền kiến trúc hôm nay, đặc biệt là nội thất, bộc lộ rõ ràng và thách thức, một hiện tượng xã hội, tạm gọi một cách khoa học là Chủ nghĩa Hình thức, nói nôm na là trào lưu phô trương. Cái đẹp bị lấn át bởi nhận thức thiên lệch về cái sang. Cái sang không tương thích với sự giàu lên của quốc gia và xã hội.

Công dân Hà Nội kỳ vọng Quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao: khắc phục khó khăn hiện tại, tạo cơ hội mới cho tương lai

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi