Bài 2: Quy hoạch Thủ Đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
Sông Hồng vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển trong Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn 2065
Điều chỉnh Quy hoạch chung ngắn hạn đến 2030, dài hạn đến 2045, tầm nhìn đến 2065, với mục tiêu “Phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.” (1)
Nghị quyết 30-NQ/TW về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra nhiệm vụ cụ thể:“Có biện pháp để cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải… Tăng nhanh tỉ lệ dân cư được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch; khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là các làng nghề; kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, khu vực đông dân cư.
Xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia để định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.” (2)
Tháng 11/2022, Bộ Tài nguyên Môi truờng đã công bố “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, theo đó: nhu cầu dùng nước tăng trong khi nguồn nước giảm; nguy cơ nước bị ô nhiễm, nhiễm mặn cao; chênh lệch 2 mùa lũ cạn lớn nhưng không đề xuất giải pháp khắc phục. (3)
Tháng 6/2023, cả nước chứng kiến các hồ chứa thượng nguồn sông Đà, sông Hồng cạn nước. Tập đoàn Điện lực EVN đề nghị Nhà máy nước Sông Đà khẩn trương triển khai các trạm bơm dã chiến, khẩn cấp, tranh thủ trữ nước sạch phòng khi nước hồ cạn để không phụ thuộc vào việc vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Để cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân cho gần 500.000 ha diện tích gieo cấy lúa các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, lượng nước xả từ các hồ chứa khoảng 4,3-5,1 tỷ m3/năm. Sau khi xả nước phục vụ đổ ải, mực nước hồ Hòa Bình giảm từ 5,1-10,9 m – tương đương với giảm 5 tỷ m3 nước. (4)
Lưu vực sông Hồng, Thái Bình rộng gần 90,000 km2, có 32 triệu người, trong đó có gần 10 triệu người ảnh hưởng trực tiếp… nhưng không có thông tin về nhu cầu dùng nước trong mùa cạn để sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay sinh hoạt. Tin tức về nông nghiệp Hà Nội đang khởi sắc đây đó… nhưng ngay tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, là vùng “có bước đột phá về nông nghiệp công nghệ cao”, thì nông dân tưới rau bằng nước ngầm hút từ giếng khoan ngay tại ruộng, do hệ thống thủy nông không có nước. Không có thông tin của ngành Nông nghiệp hay Tài nguyên môi trường cho biết hệ thống thủy nông nào ở Hà Nội đang hoạt động? Có bao nhiêu diện tích rau hoa tưới bằng giếng khoan nước ngầm?
Trung Quốc có dân số chiếm 20% thế giới nhưng chỉ có 7% nước ngọt, nhiều khu vực phía bắc bị khan hiếm nước. Khai thác cạn quá mức (kể cả nước ngầm) cho sản xuất, đô thị làm nguy cơ thiếu nước trầm trọng hơn. Trung Quốc có hàng ngàn năm lịch sử xây dựng những công trình thủy lợi khổng lồ, nhưng ý tưởng chuyển nước từ phía Nam lên phía bắc – “Nam thủy Bắc điều” hình thành từ năm 1952, đến năm 2002 mới khởi công dự án tổng mức đầu tư 62 tỷ USD nhằm đưa 50 tỷ m3 nước/năm từ phía Nam lên phía Bắc theo nhiều tuyến. Trong đó, tuyến xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, được thử nghiệm thành công ngày 25/8/2022. (5)
Việt Nam không khô hạn, nhưng 63% tổng lượng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ nước ngoài. “Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước”. (6) Nhiều nền văn minh đã biến mất do khô hạn; Nhiều quần cư, phố thị Việt Nam bên sông cũng suy tàn khi sông đổi hướng dòng chảy. Do vậy Điều chỉnh Quy hoạch chung hay Quy hoạch Thủ đô sẽ có chung lời giải sau khi cân nhắc thấu đáo việc sử dụng tài nguyên đất hai bên bờ sông Hồng vào việc phát triển đô thị hay mở rộng không gian lưu giữ tài nguyên nước.
Nhận diện Đô thị Thông minh một cách Thông minh
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô có đặt ra nhiệm vụ: “…xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với du lịch xanh.” (1)
Đô thị thông minh được diễn giải nhiều cách, theo khía cạnh thông tin: “Thành phố sử dụng tối ưu tất cả các thông tin cập nhật nhất được kết nối với nhau để hiểu rõ hơn và kiểm soát sự vận hành/hoạt động của đô thị, cũng như tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực hữu hạn” (IBM); theo tích tụ tri thức, là nơi “bổ sung trí thông minh cho thế giới đô thị và sử dụng nó để giải quyết các vấn đề công cộng và đạt được chất lượng cuộc sống cao hơn” (McKinsey); phổ biến nhất là “Nơi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao khả năng/chất lượng sinh sống, khả năng/chất lượng làm việc, và tính bền vững của đô thị”. (Hội đồng Thành phố Thông minh Thế giới). Soi chiếu vào phương án Smart City thì không thấy các yếu tố thông minh trong đề xuất này. Phương án khai thác cạn kiệt đất đai, chia vụn mặt nước. Các dự án bất động sản bám theo trục giao thông một cách tầm thường, lại khu biệt, vây kín, chia cắt, phá hủy kết nối các khu dân cư hiện hữu.
Phương án Hanoi News Town, do công ty tư vấn Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) nghiên cứu, công bố 1998. Do bất ổn tài chính châu Á (1998-1999), dự án này bỏ dở, nhưng vẫn để lại một mẫu hình tiếp cận thông minh, mới mẻ khi đưa mặt nước sông Hồng đi sâu vào các không gian làng xóm truyền thống, kết nối hội nhập với hệ thống sông Thiếp Cổ, di tích Cổ Loa, đầm Vân Trì, Ngũ huyện Khê, sông Cà Lồ: phục hồi và phát triển hệ sinh thái cân bằng đất và nước tự nhiên. Các khu vực xây dựng tập trung có độ nén cao, giành lại nhiều không gian lớn cho cây xanh mặt nước, nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại, đẳng cấp cao. Với cách tiếp cận “kết nối để hiểu rõ hơn và kiểm soát sự vận hành/hoạt động của đô thị/tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực hữu hạn”.Tổ chức không gian mạch lạc, tạo sự nổi bật rất hấp dẫn để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho cả vùng dân cư rộng lớn phía Bắc sông Hồng, có cơ hội trở thành “Nơi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao khả năng/chất lượng sinh sống, khả năng/chất lượng làm việc, và tính bền vững của đô thị”.
Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ BCH, trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng
Chú thích:
5. Sách ảnh “ Trung Quốc” – Carole Goddard & John Gerrard (Evans Brathers Ltd,2004); https://vnexpress.net/nam-thuy-bac-dieu-tham-vong-chuyen-nuoc-nhieu-tranh-cai-cua-trung-quoc-4505157.html
Ý kiến của bạn