
Bắc Kạn định hình diện mạo nông thôn mới từ quy hoạch, kiến trúc
Với đặc thù là tỉnh miền núi đa dạng về địa hình và bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Dao..., Bắc Kạn đối mặt với thách thức lớn trong việc hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Trong bối cảnh đó, vai trò của quy hoạch xây dựng và phát triển kiến trúc cảnh quan trở nên đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định sự thành công và tính bền vững của chương trình NTM trên địa bàn tỉnh.
Nền tảng quy hoạch và chuyển mình hạ tầng
Quy hoạch được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng và phát triển. Tại Bắc Kạn, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới được tỉnh xác định là khâu đột phá, cần đi trước một bước để định hình không gian phát triển lâu dài.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, đến hết năm 2024 toàn tỉnh đã có 60/92 xã lập xong quy hoạch chung xây dựng xã; 32 xã còn lại đang trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch. Đây là một bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý và định hướng rõ ràng cho quá trình đầu tư xây dựng tại cấp xã, cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc phủ kín quy hoạch trên toàn địa bàn.

Theo đó, việc lập quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không chỉ đơn thuần là vẽ bản đồ phân khu chức năng mà là quá trình tổ chức lại không gian sống và sản xuất của người dân một cách khoa học. Quy hoạch xác định vị trí các khu dân cư tập trung và phân tán, bố trí quỹ đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy hoạch hệ thống giao thông liên thôn, liên xã; xác định vị trí xây dựng các công trình công cộng thiết yếu như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ, đảm bảo sự thuận tiện và đồng bộ.
Ông Trần Văn Kiểm, Trưởng phòng Quy hoạch – Kiến trúc (Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn), cho biết: "Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của quy hoạch trong xây dựng NTM. Một bản quy hoạch tốt phải là bản quy hoạch 'sống', tức là phải khả thi, được người dân hiểu và ủng hộ, và phải được quản lý thực hiện nghiêm túc. Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay là làm sao để các bản quy hoạch không chỉ nằm trên giấy mà thực sự đi vào cuộc sống. Việc tuyên truyền, phổ biến quy hoạch đến từng người dân, cùng với công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng tự phát cần được tăng cường hơn nữa."
Nhờ có định hướng quy hoạch rõ ràng, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã NTM của Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ rệt. Những con đường bê tông kiên cố thay thế dần đường đất, bùn lầy; hệ thống điện, nước sạch được đưa đến nhiều hộ dân hơn; trường học, trạm y tế được xây dựng, cải tạo khang trang, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân. Những thay đổi này tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Bà Hoàng Thị Mai, một người dân ở huyện Chợ Đồn, vui vẻ chia sẻ: "Ngày xưa đi lại khó khăn lắm, nhất là mùa mưa đường lầy lội. Bây giờ có đường bê tông rồi, xe máy đi bon bon, vận chuyển nông sản ra chợ cũng dễ hơn. Các cháu đi học ở trường mới sạch sẽ, đẹp đẽ hơn nhiều. Cuộc sống bây giờ tiện lợi hơn ngày xưa rất nhiều."
Kiến trúc cảnh quan – Sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại
Bên cạnh hạ tầng, một khía cạnh không kém phần quan trọng là việc phát triển kiến trúc và cảnh quan nông thôn sao cho vừa phù hợp với xu thế hiện đại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.
Hiện nay, ở Bắc Kạn có gần 9.300 công trình kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc Tày, Dao, Nùng, trong đó có 8.681 nhà sàn, 8 nhà trình tường, 605 nhà đất. Những công trình này không chỉ mang giá trị kiến trúc độc đáo mà còn là di sản văn hóa sống, gắn liền với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của cộng đồng. Vì vậy, việc huy động nguồn lực để bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc đang được các địa phương chú trọng nhằm phát huy tiềm năng phát triển du lịch ở Bắc Kạn.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống cũng được tỉnh Bắc Kạn gắn chặt với chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cùng các làng nghề, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây. Những ngôi nhà sàn cổ, những làng bản còn giữ được nét nguyên sơ trở thành điểm nhấn thu hút du khách, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn kiến trúc truyền thống và quản lý kiến trúc cảnh quan trong xây dựng NTM vẫn gặp phải không ít khó khăn. Nguồn nguyên liệu gỗ tốt để làm nhà sàn ngày càng khan hiếm và giá thành cao là rào cản lớn đối với nhiều hộ gia đình. Quỹ đất xây dựng ở một số khu vực, đặc biệt là các xã vùng lõi hoặc vùng đệm của các khu bảo tồn, di tích như hồ Ba Bể, rất hạn chế.
Anh Triệu Văn Đức, một chủ homestay tại khu vực Ba Bể, bày tỏ sự trăn trở: "Khách du lịch đến đây là để tìm hiểu về văn hóa, về cuộc sống thật của người bản địa. Những ngôi nhà sàn cổ, cảnh quan làng quê yên bình là cái 'đặc sản' của mình. NTM mang lại đường sá tốt hơn, điện nước đầy đủ hơn thì rất mừng, nhưng tôi lo nếu cứ xây nhà bê tông hộp, giống hệt nhau như ở phố thì chẳng còn gì để khách tìm đến nữa. Tôi hy vọng tỉnh sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để người dân giữ gìn và cải tạo nhà sàn của mình theo hướng vừa hiện đại bên trong, vừa giữ được dáng dấp bên ngoài."
Nhận thức được nguy cơ mai một khi quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Chi hội Kiến trúc sư tỉnh chủ động nghiên cứu và ban hành 5 mẫu nhà theo kiến trúc truyền thống, có kết hợp với vật liệu và công năng hiện đại. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm đưa ra những gợi ý thiết kế phù hợp, khuyến khích người dân khi xây dựng nhà mới hoặc cải tạo nhà cũ có thể tham khảo, áp dụng, từ đó góp phần định hình một phong cách kiến trúc nông thôn mới đặc trưng cho Bắc Kạn – nơi nét truyền thống hòa quyện với tiện nghi hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn Hà Minh Cương cho rằng, để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống tại địa phương, thời gian tới, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp cơ sở về văn hóa bản sắc dân tộc và tiềm năng phát triển du lịch của kiến trúc truyền thống.
Bên cạnh đó, tâm lý chuộng nhà xây hiện đại, kiên cố bằng bê tông cốt thép vẫn phổ biến, khiến nhiều người dân không mặn mà với việc xây dựng hoặc cải tạo nhà theo kiểu truyền thống, dẫn đến nguy cơ mai một bản sắc kiến trúc đặc trưng, đây là một trong những thách thức hiện hữu.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các giải pháp kịp thời. Một trong số đó là việc ban hành hướng dẫn quản lý tạm thời về kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình nhà ở riêng lẻ, cùng với đó công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa của kiến trúc truyền thống được đẩy mạnh. Các cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn phù hợp với đặc điểm địa phương, các mô hình điểm về nhà ở kết hợp bảo tồn bản sắc cũng được khuyến khích nhân rộng.
Đến thời điểm hiện tại, xây dựng nông thôn mới tại Bắc Kạn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đặc biệt công tác quy hoạch cùng những giải pháp cụ thể nhằm giữ gìn nét đặc trưng kiến trúc nhà ở, Bắc Kạn đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng một nông thôn mới không chỉ giàu về kinh tế mà còn đẹp về không gian và giàu bản sắc văn hóa.
Ý kiến của bạn