
Bắc Giang: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới
Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 263/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó phát triển du lịch nông thôn nói chung, phát triển du lịch cộng đồng nói riêng là một trong những nội dung quan trọng.
Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn, trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng là định hướng đúng đắn, đây là cơ hội, tiềm năng để phát triển du lịch, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng Nông thôn mới.
Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Đồng thời phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.
Phấn đấu đến 2025 mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch…
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Để triển khai hiệu quả, Kế hoạch đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng miền; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Tiềm năng du lịch nông nghiệp
Sau một thời gian triển khai, đến nay, Bắc Giang đã có 16 khu, điểm du lịch nên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với 3 loại hình du lịch chính gồm: Văn hóa tâm linh; lịch sử - văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang…
Toàn tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc phát triển du lịch nông thôn và lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm khai thác tối đa giá trị sản phẩm địa phương.
Đặc biệt, Bắc Giang nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như vải thiều, nhãn, cam, và các loại rau màu được sản xuất tập chung, chuyên canh. Tận dụng tiềm năng đó, Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đây đang được xem là hướng đi đột phá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè xanh Bản Ven gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, giáo dục trải nghiệm của HTX Thân Trường (huyện Yên Thế), nhằm khôi phục, bảo tồn những nét đẹp nghề truyền thống, văn hóa dân tộc, ẩm thực dân tộc của người dân tộc thiểu số và đưa cây chè - sản phẩm văn hóa hướng tới là sản phẩm của du lịch Bản Ven Bắc Giang. HTX đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng 7 nhà sàn cộng đồng, 3 khu chức năng, vườn và xưởng sản xuất chè cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Hiện HTX có thể đón 1.500 khách/ngày (phục vụ ăn trưa) và 500 khách lưu trú qua đêm.
Mô hình đã tạo cho người dân ở bản Ven sự chuyển biến tích cực, trong ý thức gìn giữ, phát huy giá trị sản phẩm của độc đáo của riêng mình, gia tăng sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả hướng đến xây dựng NTM bền vững.
Theo chị Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX Thân Trường, trước đây, các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, thiên về số lượng, giá thành thấp, từ khi HTX làm nhãn hiệu chè xanh bản Ven, các hộ dân được hưởng từ nhãn hiệu, giá bán của sản phẩm tăng 30-50%. Khi phát triển du lịch, đường giao thông cũng được đầu tư xây dựng, cảnh quan môi trường được chỉnh trang đẹp hơn, các gia đình đều sửa sang nhà cửa để thu hút du khách…
Hay như mô hình du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn). Mô hình có diện tích rộng hơn 10ha quy hoạch tách riêng từng khu vực trồng các loại cam, bưởi như: bưởi da xanh, bưởi ngọt, bưởi đào, cam lòng vàng, cam ngọt.

Tận dụng lợi thế có vườn cây ăn quả đẹp, giao thông thuận lợi, vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu đã kết hợp cùng các nhà vườn trong xã tổ chức các tour, tuyến du lịch và đã đón hàng trăm đoàn khách tới tham quan, trải nghiệm mùa hoa vải, hoa bưởi, rồi thu hoạch vải, cam, bưởi.
Theo anh Hữu, thời điểm đón khách du lịch đến thăm và trải nghiệm tại vườn cam, bưởi của gia đình bắt đầu từ tháng 11 dương lịch cho đến Tết âm lịch. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, mỗi ngày có hàng trăm du khách đến thăm vườn để thăm quan, trải nghiệm các hoạt động như: mua bán trực tiếp những cây cam, bưởi mình yêu thích hoặc mua trực tiếp những sản phẩm từ trên cây, rồi tự hái những trái cam, bưởi và thưởng thức ngay tại vườn.
Cũng theo anh Hữu, mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng du lịch nông nghiệp ở Bắc Giang vẫn gặp phải một số thách thức như cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu thông tin quảng bá và sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế. Vì vậy cần có sự đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch nông nghiệp Bắc Giang qua các kênh truyền thông và tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút du khách.
Ý kiến của bạn