Đào tạo tiến sĩ kiến trúc trong giai đoạn mới tại Viện Kiến trúc Quốc gia
LỜI MỞ ĐẦU
Viện Kiến trúc Quốc gia với quá trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc trong vòng 20 năm qua đã có nhiều thay đổi để đáp ứng với sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực kiến trúc. Nghiên cứu sinh tại Viện Kiến trúc Quốc gia cần trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành kiến trúc, sự sáng tạo trong thiết kế và khả năng nghiên cứu hiệu quả.
Để có được một luận án chất lượng, nghiên cứu sinh cần xác lập một cách tổng quan các nội dung nghiên cứu, cân bằng từ các yếu tố, như: chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp; hợp tác và xây dựng mạng lưới; phát triển kỹ năng thiết kế và sử dụng công nghệ mới,... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy yêu cầu của một luận án cần đáp ứng hơn cả một chuyên ngành, việc này đòi hỏi các nghiên cứu sinh cũng cần có sự sẵn sàng cho việc thực hiện các nghiên cứu đa ngành và tham gia vào các dự án thực tế, xây dựng kỹ năng phân tích và nghiên cứu để có thể tạo ra các giải pháp đề xuất mang ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn.
NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG: NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 2023 ghi dấu ấn của các nghiên cứu sinh tại Viện Kiến trúc Quốc Gia với 05 đề tài được thông qua Hội đồng cấp Cơ sở, đạt yêu cầu để hoàn thiện trước khi ra bảo vệ trước Hội đồng cấp cao nhất để nhận học vị Tiến sĩ cấp Viện. Trong đó, vào tháng 10/2023, Luận án của NCS Nguyễn Minh Đức đã bảo vệ thành công trước Hội đồng cấp Viện và đang hoàn thiện các thủ tục để được nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc.
Qua các báo cáo nghiên cứu của các nghiên cứu sinh, có thể thấy các đề tài đều đã được thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ; thể hiện sự tâm huyết của cả thầy và trò trong việc không chỉ bám sát các mục tiêu nghiên cứu mà còn vượt qua những khó khăn do thực tiễn khách quan mang lại như dịch Covid-19,... Từ Luận án của NCS Nguyễn Minh Đức: “Nghiên cứu giải pháp cải tạo các ô phố ở Hà Nội”; NCS Nguyễn Văn Phong: “Biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam”; NCS Đặng Xuân Tiến: “Tổ chức không gian làng và kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum”... đều đã thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu cả về lý thuyết và thực tiễn phát triển của các giai đoạn lịch sử trong kiến trúc của một vùng miền, một địa phương. Tuy còn phải hoàn thiện thêm các vấn đề nghiên cứu và minh chứng một cách thuyết phục hơn, các chủ đề nghiên cứu đều hướng đến phát triển một nền kiến trúc đương đại Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trải dài qua các giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước. Kết quả nghiên cứu cũng đã thể hiện tính cập nhật, thời sự của những vấn đề khoa học trong lĩnh vực kiến trúc cần được các nghiên cứu sinh giải đáp. Đây là một trong những hướng đi đúng đắn mà đội ngũ giáo viên hướng dẫn (GVHD) và các nghiên cứu sinh tại Viện Kiến trúc Quốc gia đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Với bề dày truyền thống trong nghiên cứu và phát triển Kiến trúc Việt Nam, đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu viên của Viện Kiến trúc Quốc gia luôn chú trọng tìm kiếm, nghiên cứu các giải pháp mang tính hữu hiệu cho những đề tài là “điểm nóng” trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc, ví dụ như Kiến trúc bền vững - Tiết kiệm năng lượng, Kiến trúc Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng nhằm khai thác du lịch và phát triển Kinh tế - Xã hội. Bên cạnh các kết quả đó, Viện cũng không ngừng tích lũy và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử Việt Nam; các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc; và hệ thống dữ liệu về các công trình kiến trúc truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển chung toàn cầu, Viện Kiến trúc Quốc gia cũng không ngừng tăng cường hợp tác với các nước phát triển trên thế giới và khu vực như Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc để kịp thời nắm bắt các công nghệ mới trong thiết kế kiến trúc và nghiên cứu khoa học.
MỘT SỐ CHỦ ĐỀ VIỆN KIẾN TRÚC QUỐC GIA HƯỚNG TỚI TRONG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH KIẾN TRÚC
Ngày nay, một luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc đòi hỏi có sự liên quan chủ yếu đến tính đa ngành, bền vững, sử dụng công nghệ và tích hợp các khía cạnh quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Viện Kiến trúc Quốc gia với chủ trương đẩy mạnh chất lượng của các luận án cũng luôn luôn nghiên cứu, hoàn thiện bộ máy GVHD và tìm kiếm các đối tác để có thể đảm nhận được vai trò dẫn dắt, hướng dẫn các nghiên cứu sinh lựa chọn hiệu quả các hướng nghiên cứu chính phù hợp với khả năng của mình. Một số chủ đề sau đây có sự gợi ý và hợp tác với Viện Kiến trúc Quốc gia của các chuyên gia đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu Kiến trúc của Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc:
Nghiên cứu cần tính đến sự đa ngành và tính tích hợp: Trong sự phát triển chung của xã hội, sự đa ngành và tích hợp giúp nghiên cứu sinh có cái nhìn toàn diện và đa chiều về kiến trúc, từ đó tạo ra những giải pháp sáng tạo và đáp ứng tốt hơn với các thách thức hiện đại. Song tính đa ngành có thể đôi khi gặp khó khăn trong việc quản lý sự đa dạng của kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực; Nghiên cứu trong kiến trúc thường cần sự tích hợp giữa các khía cạnh thiết kế, công nghệ xây dựng, và yếu tố xã hội, văn hóa;
Hướng đến thiết kế bền vững và kiến trúc xanh: Sự tập trung vào thiết kế và xây dựng bền vững phản ánh tầm quan trọng của việc tạo ra những công trình phản ánh giá trị môi trường và xã hội. Đôi khi, cần thiết kế chất lượng không gian và văn hóa cần phải được cân nhắc để tránh tình trạng tập trung chỉ vào yếu tố kỹ thuật; Chương trình đào tạo ngày càng chú trọng vào thiết kế và xây dựng bền vững, với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Một số chương trình có thể cung cấp chứng chỉ hoặc chương trình chuyên sâu về bền vững trong kiến trúc;
Áp dụng công nghệ và ứng dụng thiết kế số: Công nghệ mới đã cung cấp các công cụ mạnh mẽ cho việc thiết kế và mô phỏng, tăng cường sự sáng tạo và hiệu suất trong quá trình nghiên cứu. Sử dụng công nghệ mới, chương trình đào tạo thường có sự cập nhật công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thiết kế máy tính, mô phỏng 3D, và đánh giá kỹ thuật số. Khuyến khích sáng tạo công nghệ: Hỗ trợ nghiên cứu sinh phát triển và áp dụng các công nghệ mới vào quá trình thiết kế và nghiên cứu kiến trúc;
Giải quyết thách thức trong phát triển đô thị: nghiên cứu sinh hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của kiến trúc đối với môi trường sống đô thị. Cân nhắc để không đặt quá nhiều áp lực lên các giải pháp kiến trúc mà bỏ qua các yếu tố văn hóa và xã hội; Định hướng kiến trúc đô thị thông minh là một khía cạnh cần bổ sung trong quy hoạch đô thị và phát triển thành phố thông minh, đảm bảo sự tương tác tích cực giữa kiến trúc và môi trường đô thị; Nghiên cứu về giải pháp cho các thách thức của đô thị như tăng cường giao thông, đối mặt với biến đổi khí hậu, và cải thiện chất lượng sống;
Hợp tác quốc tế và văn hóa: Hợp tác quốc tế giúp nghiên cứu sinh tiếp cận đa dạng nguồn lực và quan điểm, từ đó tạo ra các giải pháp toàn cầu. Cần chú ý đến độ tương thích và đảm bảo rằng nội dung được đào tạo vẫn phản ánh bối cảnh và đặc điểm văn hóa địa phương; Cần có sự nhận thức đa văn hóa: Chú trọng đến việc đào tạo nghiên cứu sinh về đa văn hóa và đa dạng trong thiết kế và kiến trúc.
LỜI KẾT
Đào tạo nghiên cứu sinh kiến trúc cung cấp cơ hội nghiên cứu đa dạng, từ thiết kế kiến trúc đến quản lý dự án, bảo tồn di tích, và ứng dụng công nghệ mới trong kiến trúc; thiết kế đô thị, quy hoạch tổng mặt bằng và lịch sử văn hóa - xã hội.
Sự thành công của chương trình đào tạo nghiên cứu sinh liên quan mật thiết đến chất lượng giảng viên và thầy hướng dẫn. Giảng viên có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự sáng tạo và khám phá; Chương trình đào tạo nghiên cứu sinh kiến trúc nên khuyến khích hợp tác nghiên cứu trong nước và học tập kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đặt sự chú trọng vào các nghiên cứu chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị mới của các công trình nghiên cứu;
Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ phát triển một cách có hệ thống các phương pháp đánh giá định kỳ và tổng thể, giúp chương trình đào tạo nghiên cứu sinh kiến trúc theo dõi và đánh giá hiệu suất, từ đó đưa ra điều chỉnh và cải thiện liên tục./.
Ý kiến của bạn