Việt Yên là đô thị trọng điểm kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bắc Giang
Ngày 29/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng cùng đại diện các bộ ngành là thành viên Hội đồng.
Đến năm 2027, phấn đấu đưa đô thị Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại III
Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi, ranh giới khu vực lập quy hoạch gồm 17 đơn vị hành chính của huyện Việt Yên, với diện tích tự nhiên 17.101,3 ha.
Ranh giới cụ thể, phía Bắc giáp huyện Tân Yên; phía Nam giáp TP Bắc Ninh và thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; phía Đông giáp huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thời hạn lập quy hoạch, ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị Việt Yên theo định hướng đô thị công nghiệp và dịch vụ; có hệ thống hạ tầng đô thị (nhất là hạ tầng khung và hạ tầng xã hội thiết yếu) đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả; chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy, gắn với tạo dựng nếp sống văn minh đô thị mới; các nguồn tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, môi trường được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Phấn đấu đô thị Việt Yên trở thành thị xã trước năm 2025. Đến năm 2027 đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030 với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75%. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2045 đạt khoảng 85%.
Đô thị Việt Yên là đô thị thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, gắn với động lực phát triển chủ yếu gồm công nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ và logistics.
Đồng thời là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc của vùng Thủ đô và vùng Trung du Miền núi phía Bắc, là đầu mối giao thông đường bộ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 305.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 178.155 người, chiếm 58,41% tổng dân số. Đến năm 2045 khoảng 450.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 335.070 người, chiếm 74,46% tổng dân số.
Đến năm 2030, đất dân dụng khoảng 3.050 ha, đạt bình quân khoảng 100 m²/người. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 4.500 ha, đạt bình quân khoảng 100 m²/người.
Cấu trúc đô thị phân 5 vùng, 4 trục không gian chính
Đô thị Việt Yên sẽ có khung chính được hình thành bởi các trục giao thông gồm cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, ĐT 398B, ĐT 398 và tuyến kết nối từ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến Quốc lộ 37 trên địa bàn xã Việt Tiến, đoạn giáp với đô thị Hiệp Hòa.
Trung tâm đô thị được xác định ở khu vực đô thị hiện hữu, phát triển theo dạng lan tỏa mở rộng. Vùng trung tâm kết nối với sông Cầu kiến tạo trục không gian chức năng đô thị đa tiện ích.
Các trục chính gồm ĐT 398, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; ĐT 398B và trục Vành đai phía Đông hình thành khung hạ tầng khép kín tạo hình thái đô thị Việt Yên đậm nét với chủ thể cấu trúc đa trung tâm với 1 tâm và 4 cực phát triển để kiến tạo thành cấu trúc đô thị theo mô hình phát triển “tập trung kết hợp phân tán”.
Mô hình cấu trúc đô thị Việt Yên được phân thành 5 vùng gắn với các chức năng cụ thể và linh hoạt trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về hệ thống hạ tầng gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên, yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, bao gồm: Vùng công nghiệp và logistics hiện hữu khu vực phía Đông Nam với trung tâm thuộc thị trấn Nếnh, trọng điểm phát triển công nghiệp tại xã Quang Châu.
Vùng phát triển công nghiệp mới ở phía Bắc phát triển dọc theo trục ĐT 398B.
Vùng bảo tồn kiến trúc di tích, văn hóa, làng nghề truyền thống và phát triển du lịch tổng hợp; là trung tâm du lịch hiện hữu ven sông Cầu.
Vùng phát triển thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí khu vực phía Đông.
Vùng đô thị hiện hữu hỗn hợp đa chức năng và phát triển mới với trung tâm là thị trấn Bích Động.
Đồng thời, sử dụng 4 trục không gian chính hình thành các tuyến giao thông đối ngoại động lực, huyết mạch gồm:Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối Hà Nội - KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. ĐT 398 nối các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng với Quốc lộ 37 qua địa phận Hải Dương và Quốc lộ 18 qua địa phận Bắc Ninh. Trục ĐT 398B (khu vực phía Bắc) kết nối từ Bắc Ninh (có cầu Hà Bắc 2 bắc qua sông Cầu). Trục Đông Nam - Tây Bắc (Quốc lộ 37).Hướng phát triển thứ nhất, đô thị Việt Yên được định hướng phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm là thị trấn Bích Động. Hướng phát triển thứ hai về phía Nam và Đông Nam huyện, dọc trục cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và ĐT 295B. Hướng phát triển thứ ba là dọc tuyến đường ĐT 398. Hướng phát triển thứ 4 thuộc khu vực phía Bắc.
Giai đoạn thành lập thị xã Việt Yên đến năm 2025: Khu vực nội thị gồm các đơn vị hành chính Tự Lạn, Bích Động, Hồng Thái, Tăng Tiến, Quảng Minh, Ninh Sơn, Nếnh, Vân Trung và Quang Châu (giai đoạn này nội thị có 9/17 đơn vị hành chính). Ngoại thị gồm 8 đơn vị hành chính (Việt Tiến, Vân Hà, Tiên Sơn, Trung Sơn, Hương Mai, Thượng Lan, Minh Đức, Nghĩa Trung)
Giai đoạn thành lập TP. Việt Yên đến năm 2030: Ngoài số 9 phường dự kiến thành lập giai đoạn trước, bổ sung thêm 3 phường gồm Việt Tiến, Tiên Sơn và Vân Hà (giai đoạn này nội thị có 12/17 đơn vị hành chính). Ngoại thị gồm 5 đơn vị hành chính (Trung Sơn, Hương Mai, Thượng Lan, Minh Đức, Nghĩa Trung).
Đô thị Việt Yên được định hướng thành 4 khu vực phát triển đô thị và 2 khu vực dân cư nông thôn.
Các chương trình ưu tiên đầu tư: Tập trung ưu tiên cho các dự án có thế mạnh, động lực, tiềm năng cho phát triển kinh tế của địa phương như các khu, cụm công nghiệp, khu nghiên cứu R&D; dịch vụ logistics (ULP), chợ đầu mối quốc tế, các khu đô thị, dân cư, dịch vụ thương mại cấp vùng và dịch vụ du lịch cấp vùng...
Tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, như các nguồn từ vốn hỗ trợ, vốn vay, các nguồn vốn tư nhân... nhằm thu hút vào các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu, cụm công nghiệp.
Đảm bảo quy hoạch phù hợp với quy định và quy hoạch cấp trên
Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng thẩm định đánh giá, đây là một đồ án quy hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.
Tuy nhiên, một số nội dung Thường trực Hội đồng đề nghị địa phương và đơn vị tư vấn hoàn thiện, như cập nhật số liệu đô thị hoá; tiền đề phát triển đô thị, làm rõ mối quan hệ với vùng Thủ đô, vùng ĐBSH và với Quy hoạch tỉnh; các dự báo quy mô dân số, cơ cấu công nhân công nghiệp, làm rõ việc tăng dân số này và khách du lịch; kinh tế kỹ thuật, cần đánh giá các chỉ tiêu đất dân dụng, đơn vị ở, đất giao thông, đất công cộng; giao thông, làm rõ yêu cầu giao thông vận tải hàng hoá và giao thông dân sinh; xử lý các vấn đề môi trường từ các khu công nghiệp…
Tiếp thu ý kiện hội đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã giải trình làm rõ hơn một số nội dung, về đất phát triển khu công nghiệp, dịch vụ công nghiệp; khu công nghiệp lõi; diện tích rừng phòng hộ theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; đồng thời rà soát số liệu chính thức báo cáo Hội đồng.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá đây là đồ án công phu, số liệu đầu đủ, cơ bản đáp ứng các các nội dung Nhiệm vụ như Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng yêu cầu, cần rà soát, đánh giá thêm từ cơ sở pháp lý, đánh giá hiện trạng phát triển công nghiệp, đô thị; dự báo dân số, đất đai, xem xét vấn đề tăng dân số cơ học theo tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp cho phù hợp; vấn đề dịch chuyển dân số với các khu vực động lực xung quanh cũng như hệ thống giao thông trên địa bàn, cần xem xét để phù hợp với Quy hoạch tỉnh; bổ sung thông tin việc quy hoạch sử dụng các loại đất…
Thứ trưởng lưu ý, nội dung đô thị hoá trong các khu công nghiệp, chú ý rà soát cho phù hợp quy định và quy hoạch cấp trên, đảm bảo vấn đề môi trường đối với đơn vị ở; vấn đề bãi đỗ trực thăng rà soát cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác liên quan. Các dự án ưu tiên, nguồn lực cho thực thi quy hoạch được khả thi, cũng như ra soát, kết cấu dự thảo Quyết định cho phù hợp. Sớm trình Chính phủ để đảm bảo tiến độ đề ra.
Ý kiến của bạn