Vấn đề cấp bách trong định hình kiến trúc nông thôn tại Bắc Ninh
Hiện nay, Bắc Ninh đặt mục tiêu xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, được cụ thể hóa bằng việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chiến lược, đột phá phấn đấu trở thành đô thị lớn, thông minh, phát triển kinh tế số, góp phần giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo lượng lớn dân cư đến sinh sống, làm việc, nhu cầu nhà ở, dịch vụ, thương mại tăng cao. Sự xuất hiện của nhiều quần thể kiến trúc hiện đại, nhiều khu đô thị, khu dân cư với nhiều loại hình bất động sản mới đang đặt ra cho Bắc Ninh nhiều vấn đề cấp bách trong phát triển, quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn trong giai đoạn mới.
NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Cơ bản hoàn thiện bộ khung quy hoạch
Đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành bộ khung quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội (hiện nay đang lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch), quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực, phù hợp theo điều kiện đặc thù từng địa phương.
Từ bộ khung về quy hoạch, Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tổ chức triển khai các quy hoạch cấp dưới, quy hoạch các khu chức năng, vùng trọng tâm, trọng điểm tạo động lực trong vùng tỉnh, tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội, hệ thống quy hoạch các cấp trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tính đồng bộ, tính tổng thể trong định hướng quy hoạch, phù hợp theo lộ trình phát triển, hạn chế việc phá vỡ tổng thể quy hoạch, chệch mục tiêu, định hướng phát triển.
Đến nay, 100% diện tích đất tự nhiên được phủ kín quy hoạch xây dựng, từ vùng tỉnh đến các đô thị, công nghiệp, quy hoạch xây dựng xã gắn liền với 3 chương trình lớn của Bắc Ninh gồm: Chương trình phát triển đô thị; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao đảm bảo đồng bộ về nội dung, lộ trình, phương thức thực hiện, đồng thời đảm bảo gắn kết chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị được chú trọng với việc hoàn thiện bộ khung công cụ quản lý từ quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đến các quy định phân công, phân cấp, các quy định về chế tài và quy chế quản lý cho từng đô thị,… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cụ thể, nhiều tuyến đường chính trung tâm được thiết kế đô thị, chỉnh trang, nhiều biểu tượng đô thị, công trình điểm nhấn, nhiều tòa nhà cao tầng đa chức năng tạo điểm nhấn về diện mạo kiến trúc. Bộ mặt đô thị tỉnh Bắc Ninh thay đổi toàn diện với từng đô thị, khu đô thị, từng khu phố với không gian, kiến trúc, cảnh quan rộng mở, đa dạng theo hướng xanh – sạch – đẹp.
Hạ tầng đô thị và nông thôn phát triển hiện đại
Về cơ sở hạ tầng đô thị có bước phát triển vượt bậc, hiện đại, hạ tầng nông thôn bắt kịp tốc độ đô thị hóa, hệ thống giao thông toàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, mạch lạc đảm bảo kết nối các địa phương trong tỉnh, kết nối giữa các khu chức năng, mặt cắt đường giao thông được mở rộng, đặc biệt có tuyến đường đô thị đạt mặt cắt 100m. Hệ thống cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, công trình thoát nước và xử lý nước thải, xử lý rác thải được đầu tư xây dựng mạnh mẽ, 100% đô thị, xã, phường được cấp nước máy sạch.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, bộ mặt đô thị được cải thiện và có nhiều công trình hiện đại, điểm nhấn; 8/8 đơn vị hành chính cấp huyện và 100% các xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới cơ sở hạ tầng đảm bảo, từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hoá.
Hệ thống công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, trung tâm thương mại,… được chú trọng đầu tư, 100% các huyện, thành phố được nâng cấp bệnh viện theo hướng hiện đại; các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều công trình quan trọng như: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện; các toà nhà tổ hợp cao tầng; công sở, văn phòng và nhiều công trình công cộng khác được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu mọi mặt của nhân dân, đồng thời tạo nên diện mạo đô thị khang trang với sức sống mới.
THÁCH THỨC TỪ QUÁ TRÌNH “ĐÔ THỊ HÓA”
Ngày 01/7/2020, Luật Kiến trúc có hiệu lực, sau đó Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc được ban hành, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc, đi đầu là TP Bắc Ninh, trong đó Sở Xây dựng Bắc Ninh là cơ quan chuyên môn thẩm định. Trong quá trình lập đã có sự phối hợp lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, người dân, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, vì vậy mọi vấn đề đều chủ động nghiên cứu trên cơ sở quy định pháp luật, chưa có các kinh nghiệm đi trước để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm do đó đã gặp nhiều khó khăn khi xây dựng gắn với tình hình thực tế địa phương.
Mặt khác, nhận thức của người dân về các quy định, nội dung của quy chế và quy định pháp luật hạn chế, nội dung đóng góp chưa thực sự phù hợp, chất lượng chưa đạt như mong đợi, điều kiện kinh tế từng gia đình, nhu cầu về nhà ở có sự khác nhau, không đồng đều nên gây khó khăn trong việc xây dựng một quy định mang tính phổ quát, phản ánh đúng nhu cầu của người dân.
Đồng thời, tình hình đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ, bộ mặt kiến trúc nông thôn có sự thay đổi theo hướng đô thị hóa nên khó định hình cho hình thái chung của kiến trúc nông thôn, việc giữ gìn bản sắc địa phương cần đòi hỏi một quá trình nghiên cứu sâu sắc.
QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC, CẢNH QUAN RA SAO?
Kiểm soát tối đa ảnh hưởng tới kiến trúc nông thôn
Ngay từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, công tác quy hoạch đã được Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ quan tâm, chỉ đạo, tỉnh Bắc Ninh thực hiện rất tốt công tác quy hoạch xây dựng từ Quy hoạch vùng tỉnh, Quy hoạch chung các đô thị, Quy hoạch chung xây dựng xã, Quy hoạch các khu chức năng, 100% diện tích tự nhiên đều được phủ kín quy hoạch, hình thành bộ khung về quy hoạch làm công cụ quản lý, kiểm soát. Cùng với đó, Bắc Ninh đã hoàn thiện các chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở làm cơ sở để quản lý việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch. Như vậy, việc phát triển tại khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, các dự án nhà ở, tăng dân số hoàn toàn nằm trong các quy hoạch, dự báo theo các kịch bản.
Thực tế, tại khu vực nông thôn giáp các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm đô thị huyện lỵ thì đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ nhằm phát triển các dịch vụ phục vụ nhu cầu khu công nghiệp dẫn đến có nhiều thay đổi trong bộ mặt kiến trúc khu vực nông thôn nhưng vẫn đảm bảo các chỉ tiêu, kiến trúc cảnh quan, hài hòa, không phá vỡ không gian làng xóm hiện hữu.
Việc thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn là hoàn toàn có kiểm soát và được quản lý theo quy hoạch, đảm bảo kết hợp yếu tố truyền thống, tôn trọng phát huy yếu tố lịch sử đối với các công trình văn hóa, lịch sử…
Phát huy kiến trúc truyền thống vùng Kinh Bắc
Bắc Ninh là một trong các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Bắc bộ, là cái nôi về văn hóa nghìn năm lịch sử với nhiều di tích có giá trị, phát triển đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc là một nhiệm vụ quan trọng, do đó Bắc Ninh xác định một số giải pháp như sau:
– Việc phát triển đô thị phải đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc, đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại, có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
– Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng, chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên, bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương, phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.
– Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cùng các giá trị cốt lõi tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền thống vùng Kinh Bắc. Sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc.
Để thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn, việc đầu tiên là quản lý chặt chẽ và tăng cường trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn gắn với quản lý chặt chẽ việc thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt nhằm hạn chế tối đa các vi phạm, trái quy hoạch được phê duyệt.
Tăng cường kỷ cương quản lý sự tuân thủ quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng bằng các biện pháp cụ thể trong công tác cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra và xử lý vi phạm với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, sự vào cuộc thực sự của chính quyền. Song song với công tác đầu tư xây dựng mới, cần kết hợp chỉnh trang đô thị có kế hoạch và đảm bảo tính hiệu quả.
Về kiến trúc, cần xác định rõ xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại, có bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, tăng cường quản lý thực hiện sự tuân thủ quy hoạch, thi phương án kiến trúc, tích cực triển khai thiết kế đô thị, kết hợp giữa kiến trúc với cảnh quan theo hướng “Đô thị xanh”.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị
Kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội sớm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, làm rõ các nội dung dễ dẫn đến cách hiểu quy định pháp luật khác nhau để việc triển khai được đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, địa phương. Đồng thời, cho tiến hành lập song song các đồ án quy hoạch cấp thấp hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục kế hoạch thực hiện quy hoạch; Hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tiếp nhận tài trợ quy hoạch để huy động được các nguồn lực xã hội vào công tác quy hoạch.
Nhận thức rõ vai trò của mình, Sở Xây dựng Bắc Ninh sẽ chủ động triển khai, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thành phố để hoàn thành tốt công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, phát triển đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương./.
Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh
Ý kiến của bạn