Từ kiến trúc bệnh viện đến quy hoạch phức hợp công trình y tế và khu đô thị sức khỏe

(Vietnamarchi) - Quá trình phát triển kiến trúc công trình y tế đã và đang có những thay đổi lớn về tư duy thiết kế và mục tiêu phục vụ cộng đồng, trong đó ngày càng yêu cầu trình độ cao của KTS về kiến thức cũng như tư duy quy hoạch, để phối hợp với giải pháp kiến trúc. Bài viết này xem xét một điển cứu của xu thế này, thông qua việc phát triển tư duy từ kiến trúc bệnh viện đến kiến trúc & quy hoạch phức hợp công trình y tế và khu đô thị sức khỏe trong vài thập niên qua và sắp tới, bàn luận thêm về vai trò quan trọng của tư duy quy hoạch trong công tác hành nghề kiến trúc, qua đó nêu lên các vấn đề cần được cải tổ trong việc đào tạo và tổ chức hành nghề kiến trúc sư trong tương lai.
09:45, 02/11/2023

Kiến trúc từ bệnh viện đến phức hợp công trình y tế

Bước sang thế kỷ 21, còn được gọi là thế kỷ của toàn cầu hóa, những tiến bộ khoa học và những những tư duy đột phá với tầm nhìn mới đã góp phần không nhỏ đến việc thay đổi quy hoạch kiến trúc công trình y tế gắn liền với đô thị tại Việt Nam và trên thế giới, từ quan niệm quản lý và tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan, cho đến thiết kế bệnh viện và không gian đô thị gắn liền với việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó, những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi tư duy thiết kế kiến trúc công trình y tế có thể kể đến:

Tổ chức mạng lưới các bệnh viện và công trình y tế

Theo quan niệm truyền thống, hệ thống công trình y tế đô thị thường bao gồm những cụm công trình độc lập, thường được bố trí phân tán theo phân cấp như: Bệnh viện đa khoa; Bệnh viện chuyên khoa; Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa khu vực; Trạm y tế, nhà hộ sinh; Nhà điều dưỡng; Trung tâm phục hồi chức năng, chỉnh hình; Nhà dưỡng lão; Trung tâm phòng chống dịch bệnh; Trung tâm y tế dự phòng; Trung tâm sức khỏe sinh sản; Trung tâm bệnh xã hội; Trung tâm kiểm nghiệm dược, vắc xin, hóa mỹ phẩm, thực phẩm; Khu chăn nuôi động vật thí nghiệm; và các cơ sở y tế khác.

Tổ chức phức hợp các cơ sở y tế

Theo quan niệm mới, công trình y tế, đặc biệt là bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, không chỉ đơn giản là cơ sở khám chữa bệnh, mà còn là thành phần không thể tách rời với cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, và cung cấp thông tin sức khỏe cho cộng đồng

Do đó, những tổ hợp công trình y tế lớn hàng đầu ngày nay, thường bao gồm sự phối hợp của hai hay nhiều loại công trình sau đây, được quản lý theo hướng tích hợp, kết nối, và hợp tác chặt chẽ với nhau:

  • Bệnh viện đa khoa hoặc tổ hợp nhiều bệnh viện chuyên khoa (tuy trên thế giới vẫn có những bệnh viên đa khoa quy mô lớn đến khoảng 4000 giường, nhưng theo các nghiên cứu khoa học thì quy mô lý tưởng cho việc quản lý bệnh viên hiệu quả thường nằm trong khoảng 230-600 giường)
  • Các phòng khám cao cấp chuyên khoa của các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước và nước ngoài, với đầy đủ trang thiết bị y tế;
  • Các cơ sở dịch vụ công tư (y tế, công nghệ thông tin y tế,…);
  • Các trung tâm nghiên cứu và phát triển y tế R&D;
  • Các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên nghiệp, chuyên khoa, và nâng cao của ngành y tế, có khi là cả một trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo y tá, hoặc đại học nghiên cứu y khoa nằm trong tổ hợp công trình y tế;
  • Trung tâm thông tin y tế phục vụ cộng đồng; …

Ứng dụng công nghệ cao

Theo quan niệm cũ, bệnh nhân chủ yếu được khám và chữa bệnh nội trú tại các cơ sở y tế, chỉ có một số người có bệnh nhẹ hoặc trong giai đoạn hồi phục thì có thể điều trị ngoại trú.

Theo quan niệm mới, các ứng dụng thành tựu công nghệ cao đang góp phần quan trọng cho việc mở rộng bán kính vùng ảnh hưởng và vùng hoạt động của cơ sở y tế ra đến khu đô thị lân cận hoặc thậm chí ra toàn thành phố và vùng đô thị. Trong đó, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà, mà vẫn được theo dõi chăm sóc với chất lượng tương đương với bệnh nhân nội trú.

Đặc biệt là công nghệ thông tin y tế (tele-health) đóng vai trò tích cực trong việc lập hồ sơ số hóa lịch sử bệnh án theo chuẩn quốc tế, giúp trao đổi thông tin nhanh và chính xác, theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân 24/7 thông qua các thiết bị nhỏ di động, hội chẩn quốc gia và quốc tế, ứng phó nhanh cho các tình huống khẩn cấp,… với khả năng nhận được sự trợ giúp và hội chẩn của các chuyên gia y tế hàng đầu trên toàn thế giới

Ngoài ra, việc giúp người dân kiểm tra sức khỏe thường xuyên và phòng ngừa trước khi phát bệnh ngày nay được coi trọng, không những giúp giảm nguy cơ bệnh, mà còn giúp giảm mạnh áp lực phục vụ số lượng cao bệnh nhân nội trú để chuyển sang ngoại trú một cách hiệu quả và thuận tiện.

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý cơ sở, thông tin, và hoạt động y tế

Công nghệ tele-health mở ra tiềm năng hợp tác toàn cầu trong công tác phòng chống và khám chữa bệnh. Đối với những ca bệnh khó và hiểm nghèo, hồ sơ bệnh án có thể được chia sẻ và thảo luận hội chẩn online qua mạng internet video với những chuyên gia hàng đầu tại các nước tiên tiến trước khi lấy các quyết định trong phẫu thuật và chữa bệnh.

Để làm được việc này, bên cạnh các tiêu chuẩn quốc gia về y tế và công trình y tế, các cơ sở y tế hàng đầu quốc gia muốn hợp tác với nước ngoài, còn buộc phải đảm bảo đạt cùng tiêu chuẩn quản lý quốc tế với các cơ sở y tế hợp tác ở nước ngoài, về mặt quản lý thông tin, hạ tầng y tế, và quy trình tổ chức công tác khám chữa bệnh.

Trong số nhiều tiêu chuẩn quốc tế tại những nước tiên tiến, đa số các bệnh viện quốc tế tại Việt Nam chọn chuẩn JCI (Joint Commission International) vì JCI là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận hàng đầu trên thế giới về thẩm định và chứng nhận chất lượng y tế, đã đánh giá và chứng nhận chất lượng cho hàng chục ngàn cơ sở y tế trên thế giới.

Bộ Tiêu chuẩn JCI gồm 16 chương, với hơn 300 tiêu chuẩn và hơn 1200 tiêu chí. Trong đó có (1) 6 chương về hoạt động quản lý bệnh viện; (2) 8 chương về hoạt động chuyên môn y tế; (3) 2 chương về đào tạo nhân viên y tế và nghiên cứu khoa học. Những tiêu chuẩn này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc quy hoạch kiến trúc công trình y tế. Do đó, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ thường xuyên cập nhật các tài liệu hướng dẫn về quy hoạch, thiết kế, và xây dựng công trình y tế, tương ứng với các thay đổi của tiêu chuẩn quốc tế này (AIA 2015).

Hình thành không gian đa cộng đồng

Theo quan niệm truyền thống, mọi tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc đều tập trung vào việc bệnh viện là chủ yếu là nơi chữa bệnh, và lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Điều nói trên tuy đúng nhưng chưa đủ. Điển hình là trong tình hình dịch Covid-19 vừa qua, những y bác sĩ và nhân viên y tế cũng là đối tượng rất cần được quan tâm, chăm sóc, phục vụ, bảo vệ trước nguy cơ bị lây nhiễm. Nếu đội ngũ này bị tổn hại thì hoạt động của các cơ sở y tế cũng bị đình trệ, thậm chí phải ngưng hoạt động.

Theo quan niệm mới, tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc nội ngoại thất bệnh viện cần được thiết kế thân thiện và phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm cộng đồng, trong đó có thể bao gồm:

  • Công đồng bệnh nhân nội và ngoại trú với những yêu cầu chăm sóc y tế với sự hỗ trợ của các y bác sĩ, y tá, và thiết bị y tế;
  • Cộng đồng các thân nhân đi theo để chăm sóc bệnh nhân, trong đó nhiều thân nhân không phải là người địa phương mà đến từ các tỉnh thành hoặc từ nước ngoài, và có nhu cầu lưu trú và sinh hoạt dài hạn tùy theo tình hình của bệnh nhân. Theo quan niệm truyền thống thì nhu cầu của thân nhân bệnh nhân không nằm trong quy hoạch, do đó khu dân cư lân cận các bệnh viện lớn thường có các khu ở cho thuê tự phát để phục vụ cho thân nhân của bệnh nhân;
  • Cộng đồng các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến để làm việc hoặc nghiên cứu giảng dạy, các sinh viên hoặc bác sĩ nội trú tham gia công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu,… (thường là người độc thân có thể ở khách sạn, hoặc căn hộ dịch vụ, hoặc thuê ở các khu dân cư gần bệnh viện);
  • Công đồng y bác sĩ & nhân viên bệnh viện và gia đình,… nên được tổ chức để có thể sống gần bệnh viện để tiện đi lại, giảm tải cho giao thông đô thị, và cũng tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình trong điều kiện giờ giấc làm việc với tần suất cao và đòi hỏi khắc nghiệt của ngành nghề.

Tổ chức phức hợp đa chức năng

Mỗi nhóm cộng đồng nêu trên đều có những yêu cầu về điều kiện và chất lượng sống đặc thù cần được đáp ứng. Do đó, việc quy hoạch các chức năng hỗn hợp phục vụ cho các nhu cầu sống và làm việc của các thành viên cộng đồng và gia đình cần được tổ chức đan xen, trong khoảng cách đi bộ tiện lợi đến nơi ở và nơi làm việc. Trong đó, các chức năng hỗn hợp này có thể được bố trí với quy mô nhỏ gắn kết với công trình y tế trong cùng một phức hợp công trình, hoặc được tổ chức quy mô lớn ở một khu vực riêng gắn kết với khu dân cư lân cận.

Các chức năng hỗn hợp đó có thể bao gồm các chức năng:

  • Khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ dịch vụ;
  • Văn phòng cho thuê, căn hộ văn phòng;
  • Trung tâm hội nghị quốc tế và triển lãm;
  • Cơ sở dịch vụ thương mại;
  • Cơ sở dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh;
  • Cơ sở dịch vụ thể dục thể thao, hồ bơi, vật lý trị liệu, và chăm sóc sức khỏe;
  • Nhà hàng, quán giải khát, cafe;
  • Nhà giữ xe hoặc bãi xe kết hợp với trạm giao thông công cộng;…
Phối cảnh Khu trung tâm đô thị sức khỏe tại Quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)
Phối cảnh Khu trung tâm đô thị sức khỏe tại Quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

… đến quy hoạch khu đô thị sức khỏe tương lai

Điều đáng chú ý là quan niệm thiết kế công trình y tế nói chung, và bệnh viện nói riêng, đang được thay đổi với bộ mặt mới thân thiện hơn, không còn được xem một thể loại công trình tách rời, mà ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với những chức năng khác của đô thị, góp phần cho sự hình thành và phát triển những khu đô thị sức khỏe (Health City), là loại hình đô thị chưa từng có trước đây ở Việt Nam.

Khu đô thị sức khỏe là nơi mà các bệnh viện lớn nhỏ và các cơ sở nghiên cứu & chăm sóc sức khỏe đóng vai trò trung tâm, kết nối mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau với những khu chức năng đô thị khác có liên quan, để tạo nên những khu sinh hoạt cộng đồng đa dạng đan xen với nhau, phục vụ cho các mục tiêu khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên khoa y tế, thông tin phòng chữa bệnh, và các hoạt động giúp nâng cao sức khỏe người dân.

Những khu đô thị sức khỏe đang ngày càng được xây dựng và phát triển nhiều trên thế giới. Tùy theo điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của địa phương và mục tiêu phát triển, khu đô thị sức khỏe có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức phong phú như:

(1) Khu đô thị đại học y nha dược gắn kết với cộng đồng dân cư và các khu thương mại dịch vụ đa chức năng. Ví dụ như dự án xây dựng mới Làng Đại học Y khoa California UCSF tại TP San Francisco với ba bệnh viện chuyên khoa lớn, kết hợp với các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu và khu ở cho giảng viên và sinh viên, trong mối tương quan với việc chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư và hạ tầng xã hội đính kèm, giúp hình thành một khu đô thị sức khỏe đẳng cấp quốc tế cho TP San Francisco;

(2) Khu resort cho cộng đồng những người già với các công trình và hạ tầng chăm sóc y tế cao cấp 24/7. Ví dụ như khu MAG Creek Wellbeing Resort tại Dubai;

(3) Phức hợp đô thị với bao gồm các bệnh viện lớn nhỏ & phòng khám & cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe và thương mại dịch vụ. Ví dụ như Khu đô thị sức khỏe Healthcity Novena tại Singapore bao gồm một bệnh viện đa khoa, một bệnh viện chuyên khoa, các phòng khám chuyên khoa độc lập, trường đại học y và cơ sở đào tạo y tế, các cơ sở y tế, khách sạn, cao ốc căn hộ, công viên, hạ tầng xã hội… nối kết với nhau thông qua hệ thống đường đi bộ trên mặt đất, trên cao và dưới mặt đất;

(4) Khu đô thị sức khỏe, phục vụ cho toàn quốc và kết hợp du lịch với khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu y tế chất lượng cao. Ví dụ như dự án phức hợp Bệnh viện Chất lượng cao HDI tại TP Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm đô thị sức khỏe tương lai, liên kết với các dự án phát triển đại học y khoa và các cơ sở giáo dục đào tạo của làng Đại học Đà Nẵng, cũng như các dự án khu dân cư cao cấp đi kèm với hạ tầng xã hội đầy đủ (trường học, nhà trẻ, công viên, dịch vụ thương mại,…).

Tổng mặt bằng Khu đô thị sức khỏe tại Quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, bao gồm Khu trung tâm đa chức năng - Phức hợp Bệnh viện chất lượng cao HDI (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)
Tổng mặt bằng Khu đô thị sức khỏe tại Quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, bao gồm Khu trung tâm đa chức năng – Phức hợp Bệnh viện chất lượng cao HDI (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

Việc nâng cao sức khỏe người dân và ứng phó với dịch bệnh trong đô thị tương lai

Khu đô thị sức khỏe có thể là nền tảng quan trọng cho việc vừa là nơi chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho người dân theo mô hình sinh thái, vừa là trung tâm của việc tổ chức ứng phó nhanh và hiệu quả với dịch bệnh trong đô thị

Mô hình tổ chức Khu đô thị y tế (Bệnh viện Trung tâm – Trường Đại học – Dịch vụ thương mại – Khu Dân cư sức khỏe…) với hạ tầng kết nối thông minh có sẵn, không những tạo bên bản sắc khu đô thị sức khỏe tương lai, phục vụ cho nhu cầu đặc thù của một số nhóm cộng đồng, mà có thể là tiền đề quan trọng cho việc có thể tổ chức thành một mạng lưới các trung tâm y tế dài hạn, và cũng có thể mở rộng nhanh và tạm thời với quy mô lớn vài chục lần (tạm chuyển đổi chức năng từ ký túc xá, lớp học, cơ sở thể dục thể thao,… thành cụm các khu bệnh viện dã chiến trong vùng đô thị) để có thể đáp ứng nhanh và chi phí xây dựng thấp cho nhu cầu khẩn cấp lên đến hàng chục ngàn giường bệnh, trong những tình huống ứng phó dịch bệnh nguy hiểm, tương tự như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Mô hình cơ cấu đô thị đa trung tâm tương lai với khu đô thị sức khỏe đóng vai trò đô thị vệ tinh (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)
Mô hình cơ cấu đô thị đa trung tâm tương lai với khu đô thị sức khỏe đóng vai trò đô thị vệ tinh (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

Trong đó, phức hợp công trình y tế đa chức năng ở khu lõi trung tâm của khu đô thị sức khỏe đóng vai trò trung tâm thu thập, phân tích tổng hợp, xử lý dữ liệu, kết nối với mạng lưới y tế toàn cầu và với các cơ sở y tế khác trong vùng đô thị, với các khu bệnh viện dã chiến, và với cả các đơn vị dân cư và nhà ở, để phục vụ cho địa phương, chẩn đoán nhanh và chính xác với sự trợ giúp qua mạng, xử lý theo tình huống ưu tiên, và nắm bắt tình hình tống quan của dịch bệnh trong toàn thành phố để có biện pháp xử lý hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Với những tiền đề thay đội tư duy nói trên, các công trình y tế không còn chỉ là những “cỗ máy” khám chữa bệnh, với màu trắng chủ đạo, và không gian điều hòa nặng mùi thuốc khử trùng như quan điểm truyền thống, mà ngày nay có thể trở nên những công trình thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, trong không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan mang đậm bản sắc địa phương.

Môi trường y tế thiên nhiên và nhân tạo được bố trí hợp lý, để vừa đáp ứng các nhu cầu hoạt động khám chữa bệnh, vừa giúp cho bệnh nhân và người làm việc trong các cơ sở y tế có cảm giác thoải mái như ở nhà, thậm chí thư giãn như ở trong khu resort giúp hồi phục sức khỏe.

Yếu tố phát triển bền vững, phù hợp với việc tiết kiệm năng lượng, và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng của các đô thị sức khỏe tương lai.

Việc đầu tư xây dựng phát triển vận hành những phức hợp cơ sở y tế và quy hoạch các khu đô thị sức khỏe như trên rất cần tầm nhìn và sự năng động của đơn vị quản lý theo những nguyên tắc kinh tế thị trường và không lệ thuộc vào khả năng giới hạn của ngân sách đầu tư công.

Vì vậy, việc có chính sách khuyến khích tư nhân hoặc hợp tác công tư cùng thực hiện các dự án này là điều rất quan trọng, để thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa từ nguồn tái chính tư nhân trong nước và nước ngoài.

Thông qua điển cứu từ bệnh viện đến phức hợp công trình y tế và khu đô thị sức khỏe nói trên, chúng ta đã thấy được vai trò và tầm quan trọng ngày càng gia tăng của tư duy quy hoạch đối với kiến trúc tương lai./.

Pháp lý xây dựng

Ngày trở về của Người Hà Nội

Mỗi khi tháng Mười tới Hà Nội, ai cũng chút xốn xang: “Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.” (Nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên). Tháng Mười Hà Nội với tôi thiêng liêng, trang trọng vô cùng.

Sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội

Nhìn lại đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.

Một góc nhìn về kiến trúc cổ điển ở Châu Âu thế kỷ 18 và 19

Vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, những đặc điểm trong nghệ thuật kiến trúc ở phương Tây đã trải qua những hình thái biến chuyển khác nhau dựa trên nguồn gốc là phong cách thiết kế cổ điển. Những ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Baroque vẫn còn, với những đường nét kiến trúc được thừa kế từ thời Phục Hưng mang đến sự phức tạp và cầu kỳ hơn cho những yếu tố về hình khối, sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối.

Thừa Thiên Huế phát triển thành đô thị trực thuộc Trung Ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Các yếu tố đặc thù về di sản của đô thị Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi