Quy hoạch vùng huyện Mê Linh: Phát triển giữa dòng chảy của Lich Sử – Sông Hồng
Anh ở Mê Linh, nơi đón nước sông Hồng chảy vào lòng Hà Nội
Mê Linh là Kinh đô đầu tiên của người Việt, cách ngày nay 2.000 năm :“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.” (Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca – Lê Ngô Cát, Đặng Huy Trứ). Bản vẽ phục dựng sự dòng chảy sông Hồng và những dịch chuyển sông Hồng cho thấy lịch sử hình thành vùng đất Mê Linh cổ xưa.
Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội mở rộng năm 2008, là huyện tiền tiêu phía Bắc sông Hồng. Dòng nước và phù sa sông Hồng đã bồi đắp rau hoa quả năng suất cao chất lượng tốt. Bà con nông dân Mê Linh có kinh nghiêm nông nghiệp lâu đời, rất năng động tháo vát, nên trên đất Mê Linh sớm hình thành chợ phân phối nông sản có quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhập khẩu phân phối hạt giống, vật tư nông nghiệp cao cấp.
Trong 30 năm (1993-2023), sông Hồng ngày càng ít nước, các sông nhỏ, kênh đào lấy nước từ sông Hồng cạn dần, ô nhiễm nước gia tăng kèm theo nhiễm mặn; Hệ thống thủy lợi nội đồng bị chia cắt, phá hủy do san lấp đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp, bất động sản thương mại nên Mê Linh cũng như hầu hết các vùng nông nghiệp Hà Nội khoan giếng nước ngầm tưới rau hoa. Không gian sản xuất nông nghiệp thu hẹp, nhiều hộ nông dân Mê Linh di cư lên các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.. nơi đầu nguồn nước, đất tốt, khí hậu phù hợp trồng rau củ hoa quả chuyển về Mê Linh bán.
Báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng thế giới (WB-World Bank) công bố 2018 cho thấy, Việt Nam xuất hiện nhiều vùng nông nghiệp mới mở rộng đồng thời với thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn, những vùng này tạo ra thu nhập cao cho nông dân tại các vùng trước đây khó khăn như Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, thu hút làn sóng di dân từ các vùng nông nghiệp truyền thống tới.
Đất – Nước – Con người Mê Linh: hiện tại và tương lai
Đất tự nhiên (làm tròn số) là 14.200 ha, trừ đi diện tích ngoài đê sông Hồng giữ nguyên trong các đợt quy hoạch, đất trong đồng cơ bản là đất ruộng và dân cư nông thôn là 11.700 ha, Quy hoạch 1259 (2011) đã chuyển đổi 50% đất trong đồng thành đất đô thị (5.900 ha/11.700 ha).
Năm 2009, Mê Linh có 187.255 người; Đến năm 2019 có 241.883 người, với 160.6559 trong độ tuổi lao động. Có 41.128 lao động nông lâm nghiêp và thủy sản; 55.583 lao động công nghiệp và xây dựng, số còn lại làm dịch vụ và các việc khác. Sau 10 năm (2009-2019) dân số Mê Linh tăng thêm 54.628 người, tương ứng việc làm mới công nghiệp và xây dựng. Ngoài dân số đô thị sinh sống tại các điểm đô thị cũ, hầu hết đất đô thị mới chưa có người ở: có thể nhận biết thực tế và bản đồ vệ tinh đêm (Earth at Night).
Khu công nghiệp Quang Minh có các ngành sản xuất phụ tùng và chi tiết xe máy (trừ khung xe & động cơ), tôn lợp, cấu kiện thép xây dựng, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, lương thực, lắp ráp máy nông lâm nghiệp, điều hoà – Những ngành nghề đơn giản, không có chuyên môn cao. Mê Linh cố gắng đào tạo lao động nhưng kết quả không đáng kể: đào tạo sơ cấp/ngắn hạn cho lao động 18-43 tuổi của Mê Linh đạt 14,7% so với trung bình toàn thành phố là 31,7%.
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội trình bày tại Hội thảo đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh đề xuất mở rộng thêm 2.000 ha nữa, nâng tổng diện tích đất đô thị 7.900 ha, chiếm 68% đất nội đồng, tương đương với diện tích 7 quận nội thành có dân số hơn 1,5 triệu người (*). Lý giải vì dân số Mê Linh sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2040 (460 nghìn người) và tới 2050 là 501 nghìn người. Đề xuất 3 động lực phát triển Mê Linh là (1) Công nghệ cao, đa ngành, trung tâm chế biến nông sản cho cả đồng bằng sông Hồng; (2) Nông nghiệp – Du lịch áp dụng khoa học kỹ thuật sinh học để cung cấp thực phẩm sạch cho toàn Thủ đô kết hợp du lịch trồng hoa; (3) Thương mại – Dịch vụ: đầu tư các trung tâm mua bán cấp Vùng để có nguồn tái đầu tư.
Quy hoạch đặt ra nhiệm vụ tăng nông sản nhưng hạ tầng thủy lợi suy yếu, chuyển đổi nghề chậm… giảm diện tích đất nông nghiệp (đất nội đồng từ 50% chỉ còn 32%). Không có báo cáo phân tích có bao nhiêu Đất đô thị cũ bỏ hoang: không người ở, chỉ để mua đi bán lại… nay lại tiếp tục mở rộng đất đô thị mới để bán đất BĐS mà không phân tích hiệu quả gia tăng kinh tế đô thị tổng hợp, tăng thu ngân sách trên diện tích đất chuyển đổi từ nông nghiêp sang đô thị. Nông dân Mê Linh, hậu duệ của Hai Bà Trưng đã trải qua 2.000 năm “ bám đất, giữ làng”, dẫu có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, giỏi kinh doanh nông sản nội địa cũng như giao lưu quốc tế, nhưng bị thiếu đất, thiếu nước sản xuất nông nghiệp thì họ chỉ còn cách tiếp tục di cư tới các nông nghiệp mới (vốn là đất rừng cũ), để lại đất Mê Linh xây thành phố mới, đón cư dân đô thị mới từ nơi khác đến viết tiếp lịch sử Mê Linh trong thiên niên kỷ thứ ba.
Phát triển Mê Linh trở thành “Trung tâm Nông sinh học – Agrobiology Hub” để cư dân Mê Linh giàu có ngay trên quê hương mình.
Có tư vấn nước ngoài hoặc liên doanh tới Hội thảo để trình bày viễn cảnh Mê Linh trở thành Thành phố Thông minh – Sinh thái – Sáng tạo, họ minh họa các bức ảnh lấy trên mạng, vẽ đô thị trên đất ruộng, làng Mê Linh mà không kèm theo tên làng xóm, đình chùa, nhà cửa, hồ ao đã hình thành trong hơn 2.000 năm lịch sử – nơi bao thế hệ con dân Mê Linh đã đóng góp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước hào hùng. Năm 2021, Mê Linh có ổ dịch COVID đầu tiên, nhưng vượt lên khó khăn để ổn định xã hội, duy trì sản xuất rau màu, thực phẩm cung ứng cho cả thành phố Hà Nội bị phong tỏa. Đất và người còn đấy mà bị lãng quên bởi những lý lẽ không thuyết phục.
Mê Linh gần sân bay Nội Bài nên chỉ cần dành ra vài chục ha đất đô thị sẵn có (đang bỏ hoang) để xây chợ rau hoa nội địa và quốc tế sẽ mang lại nguồn thu ngân sách địa phương bằng cả trăm nhà máy gia công giá rẻ, nuôi sống và làm giàu cho cư dân toàn huyện Mê Linh. Mô hình thành công là chợ hoa tươi Đấu Nam tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc ). Đây vốn là vùng trồng rau hoa lớn nhất Trung Quốc, sau 10 năm phát triển (2013-2023) đã trở thành trung tâm phân phối hoa tươi lớn nhất Châu Á, cung cấp nội địa và xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia. Các tour du lịch chợ đêm Đấu Nam hấp dẫn. Chợ cách Sân bay quốc tế Côn Minh 1,7 km, quy mô 28.000m2, phân phối 11 tỷ bông hoa mỗi năm. Mỗi ngày chợ đón tiếp 20.000-30.000 khách hàng. Hoa được phân loại và đấu giá vào 15h mỗi ngày, hơn 200 người tham dự.
Tương lai Thành phố Nước Bắc sông Hông
Mê Linh không chỉ có lịch sử lâu dài mà có tương lai thịnh vượng bởi gắn với giao thương quốc tế qua cửa ngõ Sân Bay Nội Bài. Mê Linh còn là một phần không tách rời, cùng chung số phận với sông Hồng.
Tại Hội thảo, TS.KTS Phó Đức Tùng, đại diện công ty Tư vấn Haskoning (Hà Lan) giới thiệu mô hình Thành phố nước Bắc sông Hồng với giải pháp lan tỏa mặt nước từ sông Hồng vào các làng xóm cũ, xen cấy các đô thị mới lấy cây xanh mặt nước liên kết cảnh quan, bảo tồn hệ sinh thái văn hóa lịch sử và môi trường tự nhiên.
Ví dụ thành công là Thành phố mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm trong dịp tới thăm và làm việc tại Trung Quốc tháng 6/2023: Rộng 1.770km2, xây dựng trong 5năm (2017-2022) đã đón hơn 1,3 triệu người đến sinh sống, làm việc. Cơ sở hạ tầng công nghệ mới, vật liệu mới và năng lượng mới; phù hợp với phát triển kinh tế số, xã hội số. Hàng chục triệu cây xanh đã được trồng. Sông, hồ, mặt nước được mở rộng và làm sạch, lan tỏa vào khắp nơi trong thành phố.
Hy vọng Mê Linh, Hà Nội có lựa chọn thông minh nhất giữa lợi ích Đất – Nước; Tương lai phát triển hài hòa, bền vững trong dòng chảy Lịch sử – Sông Hồng
Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ BCH, trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng
(*) 7 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ (bao gồm cả Hồ Tây); Dân số 7 quận là 1.531.nghìn người
Ý kiến của bạn