
Quy hoạch nông thôn ở Bắc Giang - Cở sở vững chắc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Bắc Giang sở hữu vị trí địa lý thuận lợi với mạng lưới giao thông kết nối tốt, tạo điều kiện lý tưởng cho việc phát triển vùng chuyên canh quy mô lớn đang trở thành động lực cho sự phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu tại địa phương, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân.
Những tiềm năng liên quan đến tiêu chuẩn sản xuất, hạ tầng và bảo tồn văn hóa hiện cũng đã được tỉnh Bắc Giang khai thác một cách hiệu quả trong thời gian qua.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 100 phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh” để có định hướng chỉ đạo phát triển nông nghiệp cụ thể. Quyết định này xác định rõ vùng nông sản, lâm sản, chăn nuôi, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng địa phương.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã đặt mục tiêu phát triển các vùng trồng cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn - mặt hàng có giá trị cao không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và EU. Năm 2024, diện tích trồng vải thiều trên 17.000 ha; là năm mất mùa nhưng sản lượng vẫn đạt 50.000 tấn vải tươi.
Không chỉ huyện Lục Ngạn, mà tại huyện miền núi Yên Thế cũng đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tích cực tổ chức các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp theo các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế ông Nguyễn Văn Tuyền, đến nay Toàn huyện đã đã thực hiện chứng nhận được 10 ha vải thiều tại xã Đồng Hưu; rà soát và phối hợp thực hiện cấp 03 mã vùng sản xuất vải, thanh long, chè cho xã Đồng Hưu, An Thượng, Xuân Lương.
Đồng thời, huyện Yên Thế cũng đã quy hoạch là vùng phát triển nông - lâm nghiệp chất lượng cao, bảo vệ phát triển rừng gắn với du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái, nghỉ dưỡng. Vùng phát triển công nghiệp sạch, dịch vụ thương mại, dịch vụ phát triển công, nông nghiệp, làng nghề truyền thống. Có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: “Bên cạnh việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, chúng tôi còn tập trung áp dụng công nghệ sản xuất sạch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.” Ông nhấn mạnh rằng quy hoạch vùng chuyên canh giúp người dân tiếp cận công nghệ mới, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang quan tâm xây dựng, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh chú trọng công tác rà soát, quy hoạch vùng, bố trí không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng phù hợp, hiệu quả.
Việc phát triển vùng chuyên canh còn cần sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Các hợp tác xã và tổ hợp tác cũng đã giúp nông dân trang bị kiến thức về kỹ thuật canh tác hiện đại và cách tiếp cận thị trường. Đồng thời tỉnh Bắc Giang đã triển khai các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lục Ngạn Xanh, chia sẻ: Chúng tôi không chỉ trồng cây mà còn đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sự đồng lòng của người dân cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền là yếu tố then chốt để duy trì chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là vấn đề hạ tầng giao thông có yếu tố quan trọng trong phát triển vùng chuyên canh.
“Nhờ vào các tuyến cao tốc như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, nông sản từ Bắc Giang được vận chuyển nhanh chóng và tiết kiệm. Chính quyền địa phương cũng đã đầu tư vào các tuyến đường nông thôn, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản” bà Minh Thùy chia sẻ thêm.

Còn theo Ông Trần Văn Nghị, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Gấc Việt (huyện Việt Yên) cho biết, HTX được thành lập năm 2021, với 15 thành viên, canh tác trên diện tích khoảng 15ha. Ngoài ra HTX còn liên kết với các HTX ở nhiều tỉnh khác như: Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên... với diện tích lên đến hàng trăm héc ta.
Những năm trước, hạ tầng thủy lợi, giao thông tại Việt Yên thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Khắc phục khó khăn, từ năm 2022, huyện xây dựng đề án hỗ trợ cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Đến nay, phần lớn hệ thống giao thông, thủy lợi được nâng cấp, xây mới giúp người dân phát triển sản xuất, giao thương thuận lợi. Toàn thị xã có 120 mô hình trồng dưa, rau màu, nho... cho thu nhập cao.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Cải thiện hạ tầng giao thông là yếu tố thiết yếu cho tiêu thụ nông sản và thu hút đầu tư vào nông thôn”. Các tuyến giao thông này không chỉ là đường đi cho hàng hóa mà còn kết nối kinh tế - xã hội, giúp phát triển toàn diện kinh tế nông thôn.
Quy hoạch vùng chuyên canh tại Bắc Giang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân nông thôn và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn sản xuất, nâng cao năng lực cho người dân và đầu tư vào hạ tầng thiết yếu.
Với những bước đi đúng đắn và kết quả đạt được, Bắc Giang có thể trở thành một mô hình tiêu biểu của khu vực miền Bắc và cả nước trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân từ đó góp phần vào công cuộc xây NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vững chắc.
Ý kiến của bạn