Phố Cổ Hà Nội - Bảo tồn và phát huy giá trị

Phố Cổ Hà Nội - Bảo tồn và phát huy giá trị

(Vietnamarchi) - (KTVN 252) Với vị trí quan trọng về mặt địa lý - lịch sử, Khu Phố Cổ Hà Nội (KPC) trở thành nơi hội tụ của những tinh hoa dân gian truyền thống Việt, là sự kết nối giữa Kinh thành và làng xóm ngoại thành, tạo nên bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. KPC cũng là khu vực có bề dày lịch sử, đã trải qua sự thăng trầm của các triều đại phong kiến, thực dân, các giai đoạn phát triển của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Với quỹ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, KPC xứng đáng được nhận sự quan tâm không chỉ của quận Hoàn Kiếm, không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn là sự quan tâm của cả nước và thế giới.
09:15, 11/10/2024

Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, Hà Nội có nhiều chuyển biến quan trọng do tác động của tăng trưởng kinh tế. KPC cũng đang từng bước thay đổi sâu sắc diện mạo của mình, thể hiện rõ vị thế quan trọng của khu vực lõi trung tâm của Thủ đô.

Khu Phố Cổ Hà Nội (KPC) là một phần quan trọng của quận Hoàn Kiếm, có tổng thể hình tam giác, nằm ở phía Bắc của quận với diện tích khoảng 82ha, gồm 10 phường và 76 tuyến đường. Diện tích bảo tồn 19ha - được phân chia thành 2 khu vực bảo tồn (cấp 1: 19 ha và cấp 2: 63ha). Hiện có 15.271 hộ gia đình đang sống trong KPC trên diện tích đất ở hơn 326.000m2 cùng 112 di tích lịch sử văn hoá. Nhà ở có giá trị trong KPC đã được UBND quận Hoàn Kiếm đưa vào danh mục bảo tồn bao gồm 1.081 công trình. Công trình nhà ở (khảo sát mới của chuyên gia Pháp, chưa xếp hạng trong danh sách của Ban Quản lý phố Cổ): khoảng hơn 1.000, được chia thành 2 dạng: nhà truyền thống (trước 1890) và nhà ở biến thể (sau 1890).

Vị trí KPC trong quận Hoàn Kiếm: Phía Tây là Thành cổ, phía Đông là sông Hồng, phía Nam là Hồ Gươm và Khu phố Cũ

Các phường trong KPC
Khu bảo tồn cấp 1 (19ha) và Khu bảo tồn cấp 2 (63ha)

Ranh giới KPC được xác định theo quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của UBND TP Hà Nội. Theo đó: phía Bắc giáp phố Hàng Đậu, phía Nam giáp phố Hàng Bông, Cầu Gỗ, phía Tây giáp phố Phùng Hưng và phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật.

Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm với diện tích 5,4km2, là mảnh ghép mở rộng tiếp tục của KPC xuống phía Nam, bao gồm khu vực Hồ Gươm và Khu Phố Cũ, một dải nhỏ phía Tây Bắc giáp Thành, và một dải nhỏ phía Đông giáp sông Hồng. Quận có 18 phường, trong đó có 2 phường nằm ở ngoài đê sông Hồng. Dân cư hiện có 41.898 hộ với 212.801 nhân khẩu. Quận Hoàn Kiếm có mật độ dân cư cao nhất thành phố với 39.830 người/km2.

Trong toàn quận Hoàn Kiếm có 190 công trình di tích với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng: đình, đền, chùa, miếu. Trong đó có 99 đình, 39 đền, 15 chùa, 57 công trình di tích cách mạng và 13 công trình di tích khác.

LỊCH SỬ KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

KPC trước thế kỷ XIX có nguồn gốc từ phần Kinh Thành nằm bên ngoài Hoàng Thành, là nơi cư trú của quan lại, tướng lính, binh sĩ và nhân dân. Dưới triều Lý-Trần, khu vực này nằm trong vùng chỉ giới của đê Đại La có chu vi hơn 30km gồm 61 phường, vừa sản xuất thủ công vừa sản xuất nông nghiệp với một mạng lưới làng nghề khá phong phú của đất Thăng Long xưa (gốm, sứ, giấy, nghề trang sức, mỹ nghệ, đúc đồng, sắt, nề, mộc...). Thế kỷ XV, vùng kinh sư đặt thành phủ Trung Đô gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Năm 1469 đổi thành phủ Phụng Thiên.

Bản đồ các tuyến phố đầu tiên của KPC Hà Nội và hình ảnh KPC cuối thế kỷ XIX (Ảnh: KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương)

Thế kỷ XIX, huyện Quảng Đức gọi là Vĩnh Thuận và Vĩnh Xương (Thọ Xương) chia làm 36 phường. Cấu trúc 36 phường thời Lê là một đặc trưng nhưng không đồng nhất với 36 phố phường như vẫn gọi ngày nay. Nó mang tính chất quy ước, thực chất có hơn 50 phố có tên hàng. Người dân tứ xứ có cùng chung một làng quê, lại chuyên nghề và chuyên mặt hàng đã tập trung về KPC Hà Nội cùng làm ăn sinh sống trong những ngôi nhà hẹp dài, gọi là nhà ống có mặt tiền trông ra phố, cùng bày bán sản phẩm trên cả tuyến phố, hình thành một dạng hình thái xã hội khá đặc biệt với cấu trúc “liên làng” - Làng trong đô thị. Làng - Làng nghề - Phố nghề hiện diện ngay trong đô thị. 

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, KPC có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Đường phố được nắn lại, có hệ thống thoát nước, hè phố, đường được trải nhựa và chiếu sáng. Nhà cửa hai bên được xây gạch lợp ngói để đề phòng hoả hoạn. Bên cạnh kiểu kiến trúc nhà 2 tầng mái ngói, gờ đấu, bờ nóc giật tam cấp xuất hiện các ngôi nhà làm theo kiểu châu Âu (kiến trúc địa phương Pháp với loại thức cột, vòm cuốn, ban công, lôgia và các hoa văn trang trí…). Chiều cao tầng nhà có thay đổi so với kiểu kiến trúc truyền thống nhưng nhìn chung vẫn hài hoà.

Năm 1945, hoà bình lập lại, Nhà nước trực tiếp quản lý những căn hộ của các gia đình chuyển cư đi nơi khác hoặc đi Nam, và phân phối nhà ở KPC cho các gia đình từ chiến khu Việt Bắc trở về. Đó là lý do hình thành nhiều hộ gia đình sống trong cùng một ngôi nhà, hình thành ngõ trong nhà, sân chung, khu vệ sinh chung và sự chật chội ngày càng tăng. 

Từ năm 1986, KPC được phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Các mặt tiền nhà được cải tạo, đổi mới. Nhiều nhà xuống cấp bị hư hỏng được dựng lại theo phong cách hiện đại. Đình, đền, chùa được trùng tu bảo tồn. Một số khách sạn mini, quán ăn đặc sản hình thành từ các ngôi nhà phố cổ được cải tạo từ nhà ống. 

Đến nay, các công trình kiến trúc trong KPC phần lớn đã bị xuống cấp. Nhiều ngôi nhà đã được cải tạo từ cuối thế kỷ XIX-XX, một số khu vực đã được phân cấp bảo tồn. Nhìn chung KPC vẫn giữ được cấu trúc đặc trưng của nó, vẫn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với phố, ngõ hẹp, dài và nhiều đoạn đường gãy khúc. Hai bên phố vẫn là những ngôi nhà đa phong cách, được chia thành những lô nhỏ, với chiều cao 2-3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Các mảng trang trí mặt tiền thể hiện sự giao thoa văn hoá Việt, Hoa, Pháp, Ấn trong quá trình phát triển để trở thành khu cư dân, buôn bán thủ công nghiệp tại KPC.

NHẬN DIỆN KIẾN TRÚC KPC

Kiến trúc công cộng

(1) Các công trình tôn giáo tín ngưỡng của người Việt theo đạo Phật, đạo Mẫu bao gồm: đền Bạch Mã, đình Đồng Xuân, chùa Vĩnh Trụ, đình Thanh Hà, đình Vĩnh Hạnh, chùa Cầu Đông, chùa Đông Môn, đình Đông Lạc, đình Hoa Lộc thị, Huyền Thiên Cơ quán, đình Phụ Từ, chùa Vĩnh Trụ. Ngoài ra còn có Hội thánh Tin lành và nhà thờ đạo Hồi (chùa Tây Đen) và các hội quán người Hoa; 

(2) Kiến trúc các công trình văn hoá bao gồm: rạp chuông Vàng (Hàng Bạc), rạp Hồng Hà (Hàng Da); 

(3) Rạp chiếu bóng Long Biên (Hàng Chiếu), rạp Bắc Đô (Hàng Giấy), rạp Đại Đồng (Hàng Cót); 

(4) Kiến trúc chợ bao gồm: chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè.

Không gian công cộng

(1) Các tuyến phố mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ: Tuyến phố đi bộ, chợ đêm cuối tuần: Hàng Ngang - Hàng Đào - chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối Long biên. Đây là trục cảnh quan kiến trúc chính chạy xuyên suốt chiều dài KPC; các tuyến phố ẩm thực: Tạ Hiện, Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Mã mây, Gầm Cầu, Chả Cá ; các tuyến phố chuyên doanh truyền thống còn giữ được cấu trúc cần bảo tồn: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Điếu, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Tre, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Mã Mây, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Hàng Đào, Ngõ Phất Lộc, Lương Văn Can.

(2) Các không gian mở như: quảng trường chợ Đồng Xuân, Ô Quan chưởng, Vườn hoa Hàng Đậu, Bến xe Long Biên, Bãi sông Hồng.
Kiến trúc nhà phố

(1) Nhà ở với chức năng hỗn hợp vừa là nơi ở + bán hàng + kho hàng ; ở + cho thuê dịch vụ; 

(2) Nhà ở nhưng không ở mà cải tạo cho thuê thành cửa hàng, dịch vụ. Cả hai loại nhà này đều có cấu trúc mặt bằng nhà ống (maison tubulaire) với mặt tiền 2-4m, chiều sâu 10-30m. Đặc biệt có nhà sâu tới 50-60m thông ra 2 phố. Cấu trúc không gian nhà ống nguyên gốc được cải tạo thành nhà ống có một hành lang hẹp chạy dài từ mặt nhà đến các không gian sâu bên trong. Hành lang này rộng 0,6-1m thông qua 1-2 sân trong, 1-2 cầu thang.

Hình thái không gian diễn biến dọc nhà theo kiểu hết đặc đến rỗng, hết kín đến hở. Kiểu không gian này được các chuyên gia Nhật gọi là space block (các khối không gian) - trong đó có block đặc và block rỗng - là một kiểu kiến trúc đặc trưng khá thú vị của nhà ống KPC. 

Nhà ở KPC còn có một đặc điểm nữa, là sự pha trộn của kiểu nhà dân gian truyền thống (cuối thế kỷ XIX) và nhà xây theo kiểu Tây (đầu thế kỷ XX). Nó được thể hiện trong hệ kết cấu của nhà cổ vừa bằng gỗ lại kết hợp với gạch xây. Bộ vì kèo được làm theo kiểu nhà lợp ngói vẩy cá. Nhà có gác hoặc gác lửng bằng gỗ. Sàn được làm bằng gỗ trên dầm gỗ, hoặc bằng gạch cuốn vòm trên dầm gỗ lim hoặc dầm sắt. Có trần hoặc không có trần. Trần chủ yếu bằng vữa vôi trộn rơm. Mái ngói Tây hoặc Ta. Các nhà ở có giá trị đã được thống kê vào danh sách Các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo theo quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của UBND TP Hà Nội.

ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ KPC HÀ NỘI 

Giá trị về văn hóa lịch sử

Trải qua hơn 1.000 năm phát triển, Hà Nội nói chung, KPC nói riêng mang trong mình những giá trị đặc trưng sâu sắc về văn hóa vật thể và phi vật thể của nền văn hóa Thăng Long cổ - Hà Nội. Đó là nền văn hóa, văn hiến được hình thành và phát triển bởi sự kế thừa tiếp nối, liên tục, xuyên suốt nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể là lối sống, phong tục tập quán, nghề truyền thống… được người Hà Nội đúc kết, lưu truyền từ ngàn năm về trước đến ngày nay. KPC khẳng định vị trí trung tâm đầu não về kinh tế, thương mại và lịch sử của Thủ đô, là một biểu tượng đẹp của không gian kiến trúc Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, KPC còn thể hiện những giá trị về công nghệ xây dựng tiêu biểu của các thời kỳ lịch sử. Vì vậy gìn giữ KPC là gìn giữ một dấu ấn bản sắc của đô thị Hà Nội, bảo tồn không gian truyền thống của Hà Nội giữa những không gian kiến trúc hiện đại khác.

Tuyến phố Hàng Đào và Hàng Giầy đang được chỉnh trang mặt đứng (Năm 2010)

Giá trị về sự độc đáo của hình thái kiến trúc

Ra đời và phát triển cùng với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, KPC có đặc trưng độc đáo về hình thái kiến trúc đô thị Việt Nam, thể hiện bản sắc của cấu trúc không gian đô thị lịch sử trong giai đoạn chuyển đổi. Khác với các thành phần trong cấu trúc còn lại của Thăng Long - Hà Nội, không gian kiến trúc cảnh quan của KPC Hà Nội được xây dựng bằng phương thức dân gian, đáp ứng nhu cầu của người dân theo thời gian mà không theo thiết kế đã định sẵn. 

Vẻ đẹp độc đáo, tự nhiên của kiến trúc cảnh quan KPC Hà Nội thể hiện ở sự đa dạng, không lặp lại về hình thái kiến trúc, không lặp lại về không gian hoạt động của các cư dân mỗi ngày. KPC được đánh giá là một di sản đô thị của Hà Nội, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Quốc gia từ năm 2004.

ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

Sự cần thiết phải bảo tồn Khu Phố Cổ

KPC là một không gian sống đang ngày một xuống cấp do dân cư tập trung trong khu phố quá cao. Trên 84.000 người/km2 (mật độ xếp vào hàng đông nhất thế giới) đang đặt ra những vấn đề hết sức căng thẳng cho công tác quản lí của quận. Trước tình hình đó, đã có khoảng 2.700 hộ dân mong muốn được giãn dân về nơi ở mới. 

KPC có cơ sở hạ tầng cũ và vệ sinh không đáp ứng được yêu cầu. Giao thông ùn tắc, chất lượng không khí, tiếng ồn không đảm bảo. Các ngôi nhà có niên đại xây dựng từ lâu bị hư hỏng, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của người dân. 

KPC sở hữu nhiều di tích bị xâm lấn do người dân thiếu không gian sinh hoạt. Hiện nay, trong KPC có 593 hộ đang sinh sống trong khuôn viên các di tích lịch sử - văn hóa, 39 hộ sinh sống trong khuôn viên trường học, 72 hộ ở vào công sở, 217 hộ đang sinh sống trong nhà cũ nát, nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ…

Dự án tu bổ Hội quán Quảng Đông - 22 Hàng Buồm (Ảnh: KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương)

KPC đã có các chế tài quản lý nhưng chưa thực sự thoả đáng làm cản trở cơ hội phát triển. Chính vì vậy, theo chủ trương của lãnh đạo thành phố Hà nội và của quận Hoàn Kiếm, KPC Hà Nội cần bổ sung quy hoạch bảo tồn đô thị, cần lập kế hoạch bảo tồn, hoàn thiện bổ sung quy chế quản lý kiến trúc và phát triển, lên danh mục kiểm kê song song với kế hoạch bảo tồn các công trình di tích, phân kỳ bảo tồn tôn tạo cho các tuyến phố, cải tạo bảo tồn chỉnh trang mặt đứng kiến trúc và không gian, giảm mật độ cư trú, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Chiến lược Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Khu Phố Cổ Hà Nội

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì việc bảo tồn KPC Hà Nội hướng tới chiến lược nhằm “Bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long, Hà Nội” với các đề xuất chiến lược như sau: (1) Tăng cường tạo dựng bản sắc, hình ảnh riêng về KPC, thiết lập các trục không gian Bắc - Nam, cảnh quan tuyến đường bao Đông - Tây; (2) Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, sử dụng giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh nhằm đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội thuận lợi, tính cạnh tranh cũng như bảo vệ môi trường; (3) Ngăn ngừa hiểm hoạ thiên tai và các thảm hoạ khác do con người gây ra; (4) Gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống - di sản phi vật thể; (5) Tăng cường thể chế để quản lý đô thị; (6) Tạo dựng và tăng cường các nguồn lực trong xã hội nhằm bảo tồn tôn tạo phát triển KPC Hà Nội.

Căn cứ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Khu Phố Cổ 

Theo quyết định số 45/1999/QĐ-UB về việc ban hành “Điều lệ tạm thời về quản lý, xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu Phố Cổ Hà Nội”, khoanh vùng bảo tồn theo 2 cấp. Trên cơ sở phân vùng bảo tồn đã được phê duyệt, giải pháp bảo tồn được triển khai theo giai đoạn phù hợp với tình hình xã hội cũng như không gian mở rộng của Thủ đô Hà Nội. Các giải pháp bảo tồn sẽ tương ứng với các giai đoạn phát triển nhằm bảo tồn toàn vẹn KPC Hà Nội, tiến tới khôi phục lại hình ảnh KPC. Nâng cao vai trò, vị trí của KPC trong không gian đô thị mới, làm tăng hiệu quả hoạt động và ảnh hưởng đối với xã hội của KPC trong tương quan các khu, vùng di tích khác của Thủ đô.

Dựa vào chủ trương giãn dân KPC của UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Phố Cổ đang nhanh chóng tiến hành các công việc chuẩn bị, trong đó Ban Quản lý Phố Cổ đã thành lập phòng giãn dân KPC và một đề án cũng đã được xây dựng. Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ di chuyển khoảng 1.900 hộ dân trong KPC với điểm đến là khu đô thị Việt Hưng. Đối tượng thuộc diện di chuyển trong giai đoạn 1 gồm: các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở do quận quản lí, các công trình có nguy cơ sụp đổ, các khu vực cần giải phóng mặt bằng và các hộ dân trong phố cổ tự nguyện di dời.

Trên cơ sở các dự án nghiên cứu bảo tồn KPC đã và đang thực hiện trong nước và quốc tế: 
(1) Các dự án quốc tế: Dự án Quản lý quy hoạch và phát triển Hà Nội - Tác giả R.E. Hansen; Dự án Quy hoạch và kiểm soát phát triển Hà Nội của AUSAID; Các dự án bảo tồn tôn tạo KPC Hà Nội với sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Pháp, Nhật, Đức, Canada, Úc...); 

(2) Các dự án trong nước: Dự án lập kế hoạch tổng thể thực hiện QĐ 70BXD/KT-QH; Dự án của ADC; Các nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng; Trường Đại học Kiến trúc; Viện Nghiên cứu Kiến trúc; Đề tài cấp Nhà nước “Bảo tồn tôn tạo Khu Phố Cổ Hà Nội” - KC11-04

Quan điểm bảo tồn Khu Phố Cổ 

Về Văn hoá - Xã hội, tạo cho KPC các giá trị về kinh tế, văn hoá, xã hội đặc trưng, tạo dựng văn hóa đô thị đặc trưng, gìn giữ và bảo tồn các không gian đô thị và cảnh quan môi trường truyền thống, các tuyến phố đặc trưng; cải thiện môi trường sống; bảo tồn các giá trị văn hoá, tâm linh, lễ hội; khôi phục các hoạt động kinh tế truyền thống trên các tuyến phố nghề; khôi phục không gian sinh hoạt truyền thống của người dân trong khu phố.

Về Kiến trúc - Quy hoạch, bảo tồn các yếu tố vật thể và phi vật thể là sự hấp dẫn của không gian kiến trúc KPC; bảo tồn toàn vẹn hệ thống di tích kiến trúc trong KPC, bao gồm các công trình tôn giáo tín ngưỡng, nhà phố, chợ, nhà thờ, các công trình văn hoá có niên đại từ 1945 trở về trước; bảo tồn các tuyến phố nghề; bảo tồn hình thái cấu trúc các tuyến phố KPC; bảo tồn các hình thức kiến trúc công trình (dạng nhà phố hình ống, nhà có kiến trúc ảnh hưởng kiểu Pháp, bảo tồn các kiểu trang trí, hoa văn họa tiết, chi tiết kiến trúc còn lại trên mặt tiền các công trình KPC).

Về Quản lý, bảo tồn, có chế tài ưu tiên nhằm giãn dân trong KPC; nghiên cứu sưu tầm, khảo sát, đánh giá hệ thống quỹ di tích trong KPC; lập hồ sơ xếp hạng di tích; lập quy chế quản lý bảo vệ và chống xâm phạm di tích; lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích; cơ cấu tổ chức của việc quản lý và bảo tồn di sản: quản lý cấp nhà nước - quản lý cấp địa phương - quản lý của các cơ quan chuyên môn; tuyên truyền, giáo dục phát huy giá trị di tích.
Các đối tượng bảo tồn trọng điểm

Các di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc và di tích cách mạng… đã được xếp hạng; các đình, đền, chùa, nhà thờ và các công trình tôn giáo tín ngưỡng; các nhà ở hình ống đặc trưng theo từng thời kỳ có thể khôi phục chức năng sử dụng ban đầu của công trình.

Mục tiêu quy hoạch bảo tồn

Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá của hình ảnh KPC độc đáo của Thủ đô Hà Nội; khai thác, phát huy KPC là trung tâm thương mại, du lịch văn hoá, kết hợp dịch vụ truyền thống và hoạt động lễ hội nhằm tạo dựng các không gian đặc trưng của phố cổ; trùng tu, cải tạo các công trình tôn giáo tín ngưỡng và các công trình kiến trúc khác có giá trị; khôi phục và tái hiện lại không khí sinh hoạt truyền thống của người dân trong KPC.

Nội dung bảo tồn đối với vùng lõi:

Về Kiến trúc: (1) Cải tạo toàn bộ khu lõi đề xuất; (2) Cải tạo mặt tiền tuyến phố theo hình thức kiến trúc nhà phố 2 tầng mái dốc. Chiều cao mặt tiền khống chế không quá 12m theo quy định của Ban Quản lý Phố Cổ; (3) Cải tạo, bảo tồn theo các ô phố: khoét lõi phố, bố trí không gian xanh ở sân trong công trình hoặc bố trí thêm các công trình dịch vụ các mặt hàng truyền thống theo đặc trưng tuyến phố xen cấy với nhà ở trong ô phố bảo tồn; (4) Cải tạo các tuyến phố đi bộ, các công trình đã xuống cấp; 

Về Quy hoạch và Thiết kế đô thị: (1) Khôi phục các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố mua sắm và các tuyến tham quan di tích lịch sử; (2) Liên kết các tuyến phố (ngang, dọc), (3) Thiết kế các biển hiệu, tấm chắn, các chi tiết mặt tiền ban công, các bảng chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử tuyến phố, các địa chỉ cần biết và những hình ảnh KPC qua các thời kỳ lịch sử.

Về Quy chế quản lý đặc biệt đối với vùng lõi, trên cơ sở quy chế quản lý KPC đã áp dụng đề xuất quy chế về quản lý, các tiêu chuẩn mẫu áp dụng cho các công trình cải tạo, chỉnh trang (màu sắc, hình thức mặt tiền, cửa sổ, các chi tiết trang trí...); các quy định về ánh sáng...

Giải pháp bảo tồn

Đối với tuyến phố

Ưu tiên bảo tồn các tuyến phố nghề và các tuyến phố còn giữ được cấu trúc; chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố chuyên doanh; thiết kế đô thị và cảnh quan: màu sắc công trình, tầng cao, vỉa hè, đường phố. Ưu tiên bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo 5 trục phố chính: 

Trục 1: phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Hàng Giấy - Hàng Đậu: Xuyên suốt chiều dài khu phố thành tuyến phố mua sắm, chợ đêm, phố ẩm thực… Điểm khởi đầu từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết thúc là vườn hoa Hàng Đậu; Trục 2: phố Hàng Mã - Hàng Chiếu - Ô Quan Chưởng. Nhấn mạnh vị trí và không gian của Ô Quan Chưởng trong tổng thể khu phố; Trục 3: phố Lãn Ông - Hàng Buồm - Mã Mây: tuyến phố chuyên doanh; Trục 4: cải tạo tuyến phố Gầm Cầu nhằm gắn kết di tích cầu Long Biên vào không gian KPC; Trục 5: Hàng Bồ - Hàng Bạc: trục phố chạy xuyên suốt bề ngang khu phố.

Đối với các ô phố

Bảo tồn loại 1: đối với các tuyến phố có giá trị lịch sử hoặc cảnh quan. Các ô phố có nhiều công trình cần được bảo tồn cả nội dung lẫn hình thức bên ngoài; Bảo tồn loại 2: đường phố có giá trị lịch sử hoặc cảnh quan ở mức độ trung bình; Bảo tồn loại 3: đường phố có giá trị thấp hơn. Số lượng công trình cần được bảo tồn chiếm không đáng kể.

MỘT SỐ DỰ ÁN BẢO TỒN ĐÃ TIẾN HÀNH THÀNH CÔNG TẠI KPC HÀ NỘI

Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu thực hiện chỉnh trang tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy. Năm 2012 thực hiện dự án: cải tạo thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện. Năm 2013: cải tạo tuyến phố Đông Nam dược Lãn Ông. Năm 2016: chỉnh trang các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. 

Từ năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn quận. Điển hình là một số dự án được đánh giá là thành công sau đây:

Bảo tồn tôn tạo Hội quán Phúc Kiến - Trường Tiểu học Hồng Hà - 40 phố Lãn Ông, Hà Nội (KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương)

Đây là một công trình được nghiên cứu cải tạo hết sức công phu bài bản, có khảo sát nghiên cứu quá trình biến đổi hình thái của công trình qua các giai đoạn. Từ đó xác định các yếu tố gốc cần bảo tồn, và những yếu tố pha trộn có thể phá dỡ và xây mới.

Cải tạo phố Phùng Hưng thành Phố tranh bích họa 

Phố Phùng Hưng dài 1.250m, từ năm 1945 mang tên anh hùng Phùng Hưng (761-802). Đoạn phố thẳng chính là dấu vết của bức tường gạch vồ và con hào phòng thủ ở phía Đông thành Hà Nội cũ. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ đầu các phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược kéo đến cầu sắt chỗ phố Lê Văn Linh bây giờ.

Phố Phùng Hưng là phố chỉ có một bên là nhà dân và bên đối diện là cầu đá đường sắt do chính quyền Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX sau khi phá xong Thành Hà Nội. Qua năm tháng đoạn phố này là chỗ để xe máy, các cửa hàng nhỏ, tạo nên cảnh quan đô thị không tốt. Sau khi dự án hoàn thành thì đã tạo nên một bộ mặt đô thị tốt hơn, trở thành điểm đến mới cho người dân và du khách. 

Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất, không gian bích họa Phùng Hưng trở thành không gian đi bộ đã thu hút hàng vạn lượt du khách và người dân đến thăm quan, ngắm tranh, chụp ảnh, thưởng thức trà, các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thư pháp. Đối tượng khách tham quan đa dạng về lứa tuổi. Người già vui thích khi tìm lại không gian xưa, hình ảnh xưa về một Hà Nội mà họ trải qua. Người trẻ thích thú khi có thể tương tác với các tác phẩm, khi được khám phá một Hà Nội hoàn toàn khác so với những gì họ biết.

Nhìn chung các dự án cải tạo các hạng mục kiến trúc đô thị đã tiến hành tại KPC Hà Nội được giới chuyên môn, các chuyên gia ở trong và ngoài nước đánh giá cao về phương pháp tiếp cận và thái độ ứng xử với di sản. Nhiều công trình cải tạo tu bổ có sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của các chuyên gia, với trình độ tay nghề và tâm huyết của những người thợ thủ công, sự quan tâm của lãnh đạo, nên các dự án đã thu được những kết quả tích cực.

Cải tạo thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện (năm 2012) - (Nghiên cứu của KTS Anna, Cộng hòa Pháp - Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội triển khai chi tiết)

Mặt bằng công trình
Mặt cắt công trình
Bảo tồn tôn tạo Hội quán Phúc Kiến

Phố tranh bích họa Phùng Hưng

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI TRONG TƯƠNG LAI

Nhận thức được vai trò và giá trị của KPC, chúng ta cần xác định các định hướng quan trọng đối với KPC Hà Nội, bao gồm 2 nội dung :

(1) Tiếp tục công tác bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của KPC Hà Nội bằng mọi nguồn lực. Về mặt vật thể, cần bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử, cải tạo những ngôi nhà cổ có giá trị; cải tạo không gian công cộng, cảnh quan, môi trường. Về mặt phi vật thể, cần bảo tồn các ngành nghề truyền thống, duy trì và tạo điều kiện phát huy các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống.

(2) Định hướng phát triển kinh tế đêm trên cơ sở phát huy giá trị văn hoá KPC Hà Nội. Đây là một chủ trương quan trọng của thành phố. Về việc này từ năm 2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận và đã báo cáo UBND Thành phố. Đề án phù hợp với Chương trình 02-CTr/QU của Quận uỷ Hoàn Kiếm về “Phát huy tiềm năng thế mạnh, đẩy nhanh phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bền vững với trọng tâm là phát triển du lịch” .

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Kế hoạch giãn dân KPC Hà Nội: Đây là công việc cần được tiếp tục thực hiện nhằm giảm bớt sự quá tải của khu vực dân cư KPC Hà Nội, được thực hiện từ năm 2002. Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân KPC tại khu đô thị mới Việt Hưng tại quận Long Biên thuộc Đề án giãn dân phố cổ (Thành ủy duyệt năm 2012) đã chậm gần 10 năm, 2 năm gần đây do điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư.

Nghiên cứu không gian ngầm tại ven KPC để phát triển giao thông tĩnh (kết hợp thương mại): Việc nghiên cứu không gian ngầm tại ven KPC là rất cần thiết do quận Hoàn Kiếm là trung tâm nội đô lịch sử, không còn quỹ đất. Tỷ lệ % giao thông tĩnh mới đáp ứng 7,6% nhu cầu (chủ yếu là sử dụng tạm tại vỉa hè, lòng đường). Hiện nay lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh, khí thải môi trường ảnh hưởng tới các không gian đi bộ và khu vực đô thị di sản. Chính vì vậy việc phát triển không gian ngầm cho thương mại, dịch vụ và giao thông tĩnh là rất quan trọng. Điều đó có tác động tích cực nhằm tăng khả năng khai thác chức năng đô thị, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực nội đô lịch sử.

Ngoài ra, cần mở rộng và kết nối các sản phẩm du lịch KPC với Khu Phố Cũ, với tuyến phố đi bộ mới, các quảng trường, vườn hoa Khu Phố Cũ. Tổ chức cảnh quan KPC ban đêm với các thiết kế chiếu sáng thẩm mỹ, thiết kế nghệ thuật đô thị, không gian sáng tạo ban đêm. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về lợi ích và quản lý rủi ro phát triển kinh tế đêm; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hỗ trợ chủ động và tích cực cho các chủ thể tham gia kinh tế đêm; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế đêm; cải tạo chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đêm; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tạo dựng liên kết bền vững trong mọi hoạt động kinh tế , vân hoá xã hội của KPC.

KẾT LUẬN 

Với vị trí quan trọng về mặt địa lý - lịch sử, KPC Hà Nội trở thành nơi hội tụ của những tinh hoa dân gian truyền thống Việt, là sự kết nối giữa Kinh thành và làng xóm ngoại thành, tạo nên bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. KPC cũng là khu vực có bề dày lịch sử, đã trải qua sự thăng trầm của các triều đại phong kiến, thực dân, các giai đoạn phát triển của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Với quỹ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, KPC xứng đáng được nhận sự quan tâm không chỉ của quận Hoàn Kiếm, không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn là sự quan tâm của cả nước và thế giới. Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, Hà Nội có nhiều chuyển biến quan trọng do tác động của tăng trưởng kinh tế. KPC cũng đang từng bước thay đổi sâu sắc diện mạo của mình, thể hiện rõ vị thế quan trọng của khu vực lõi trung tâm của Thủ đô. 

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, quận Hoàn Kiếm đã đặc biệt quan tâm tới việc phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong KPC thông qua việc chủ động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng các đề án khôi phục và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong bối cảnh đó, chúng ta hy vọng KPC sẽ gìn giữ bảo tồn bền vững các giá trị di sản kiến trúc đô thị và tiếp tục phát huy giá trị của mình trong sự phát triển chung của quận, của thành phố và đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô - Phần 3, Chương 8: Bảo tồn di sản (Phạm Tuấn Long).
2. Quản lý không gian KTCQ quận Hoàn Kiếm Hà Nội (Nguyễn Hoàng Phương).
3. Không gian công cộng tại quận Hoàn Kiếm (Nguyễn Hoàng Phương).
4. Thực trạng và phương hướng bảo tồn di sản văn hóa tại quận Hoàn kiếm Hà Nội (Doãn Minh Khôi). 
5. Sự hấp dẫn của Khu Phố Cổ Hà Nội (Tạp chí Kiến trúc, 2021)

Pháp lý xây dựng

Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội - bảo tồn và phát huy giá trị

Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông hồ dày đặc. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan đặc trưng của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên này; trong đó cấu trúc của các dòng sông trong nội đô đóng vai xương sống cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội (sông Hồng - phía Đông, sông Tô Lịch - phía Bắc và phía Tây và sông Sét - phía Nam).

Hà Nội có rừng... và rừng sẽ lên xanh

(KTVN 252) Việc quy hoạch tạo nên một hệ thống “Không gian xanh” - lá phổi xanh cho đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá, biến đổi khí hậu trên thế giới trong đó có Việt Nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững. Công viên, vườn hoa... được hiểu đều nằm trong hệ thống “” đô thị. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều có mối quan hệ biện chứng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh và đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục của đô thị. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt trong xây dựng biểu tượng, thương hiệu của từng đô thị khi yếu tố cạnh tranh mang tính toàn cầu đang rất cao.

Hồ Tây - Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội

(KTVN 252) Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trong nội đô được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, như một phần ruột thịt của sông Cái (sông Hồng) được cắt ra. Từ ngàn đời nay, Hồ Tây với người Hà Nội vẫn luôn là những huyền tích bước ra từ cuốn sách giáo khoa, hoặc đọng lại trong tiếng mẹ ru, hoặc vương vấn trong những vần thơ và câu hát. Hồ Tây với người Hà Nội hôm nay là một ví dụ minh họa điển hình trong lý thuyết về không gian nơi chốn, nơi để hoài niệm và tìm về, nơi ký ức luôn được cảm nhận, thẩm thấu bằng nhìn, bằng nghe, bằng nếm, chạm được vào và cả bằng hơi thở. 

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội - Những chặng đường sáng tác

(KTVN 252) Công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, mở rộng Thủ đô được đặt ra từ ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (từ năm 1954 đến nay) đã trải qua 70 năm dưới chính quyền cách mạng. Nhìn lại hình thức kiến trúc trong bối cảnh Hà Nội từ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đến thời kỳ Đổi mới và phát triển hiện nay, để thấy hơn tính xã hội của kiến trúc qua những chặng đường sáng tác của KTS. Theo đó, những hoạt động kiến trúc đã góp phần thể hiện sự năng động và sức sống nội tại của một đô thị có lịch sử nghìn năm với một quá khứ chồng xếp nhiều tầng văn hóa. 

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi