Phát triển đô thị với động lực từ thế mạnh di sản tại phân khu Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng

Phát triển đô thị với động lực từ thế mạnh di sản tại phân khu Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng

(Vietnamarchi) - (KTVN 242) – Xã Hưng Đạo được chuyển từ huyện Hòa An về thị xã Cao Bằng vào tháng 11 năm 2010, xã nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Cao Bằng, đây là nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 3 và quốc lộ 34, có dòng sông Bằng chảy qua phần giữa của xã theo chiều Đông – Tây. Địa hình xã Hưng Đạo đa dạng, có từ địa hình đồng bằng, đến núi đất và núi đá và rừng trong ranh giới xã khoảng 10km2. Trên địa bàn xã hiện có nhiều di tích có giá trị như: các chùa Đà Quận, chùa Đống Lân, đền Quan Triều, thành Bản Phủ. Với một phân khu đô thị có nhiều tiềm năng như vậy, Hưng Đạo được định hướng là trung tâm dịch vụ, du lịch cửa ngõ phía Tây của thành phố Cao Bằng trong chiến lược phát triển “Một trục ba trung tâm” của thành phố gồm: trung tâm đô thị hiện hữu khu vực phường Hợp Giang, trung tâm hành chính – khu đô thị mới – phường Đề Thám và trung trâm dịch vụ du lịch – phân khu Hưng Đạo; 3 trung tâm này được kết nối bằng trục đường Võ Nguyên Giáp. Bài báo nghiên cứu, khai thác tiềm năng di sản văn hóa tại phân khu Hưng Đạo và khu vực lân cận nhằm tích hợp những giá trị văn hóa, di sản trong phát triển đô thị của phân khu và của thành phố Cao Bằng.
14:48, 14/06/2023

ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã Hưng Đạo thuộc thành phố Cao Bằng là trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Cao Bằng, là nơi kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Xã Hưng Đạo xưa chính là trấn lỵ Cao Bình. Thời nhà Mạc, khi rút về Cao Bằng, Cao Bình cùng với Nà Lự (Hoàng Tung) chính là nơi nhà Mạc đóng đô. Điều này đã mang lại cho xã những giá trị văn hóa, lịch sử và kho tàng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Hiện nay trên địa bàn phân khu Hưng Đạo có 02 di tích cấp quốc gia và 08 di tích xếp hạng cấp tỉnh, gồm 02 loại hình cơ bản (di tích lịch sử – văn hóa và di tích lịch sử – cách mạng). Ngoài ra, còn nhiều điểm di tích liên quan đến Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng (1594-1677) như: Thành Bản Phủ; trường Quốc học Bản Thảnh; Giếng Ngọc – Bó Phủ ; Ao sen …

Đồng thời, khu vực Hưng Đạo là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, H’mông, Dao, Kinh, Hoa, Sán chỉ, Lô lô.. và các dân tộc Thái, Mường, Chăm … cùng đến hội cư. Quá trình sinh sống, giao thoa văn hóa của nhân dân các dân tộc nơi đây đã bồi tụ nên một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc với các nghi lễ, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đặc sắc, tạo nên loại hình văn nghệ dân gian phong phú đa dạng với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc phổ biến là điệu hát Sli, Phong slư, Pựt lằn, Dá hai, Nàng ới, Hà lều (dân tộc Tày, Nùng)…, nhất là hát Then với nhạc cụ dân tộc nổi tiếng đi vào thơ ca là cây Đàn Tính đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể.

Với những điều kiện trên, phân khu Hưng Đạo có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy, năm 2020 thành phố Cao Bằng đã phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di tích, di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, thành phố Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”  trong đó lấy phân khu Hưng Đạo là mũi nhọn nhằm đánh thức và khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế vốn có, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỪ THẾ MẠNH DI SẢN TẠI PHÂN KHU HƯNG ĐẠO, THÀNH PHỐ CAO BẰNG

Quan điểm về động lực phát triển

Kinh tế di sản là động lực quan trọng cho sự phát triển cho phân khu Hưng Đạo và thành phố Cao Bằng.

Với xu hướng đô thị hóa nhanh chóng, các thành phố phải vật lộn để hiện đại hóa mà không hoàn toàn mất đi sự độc đáo văn hóa và lịch sử của chúng. Hoạt động kinh tế trong những thành phố này có thể gia tăng, đôi khi rất nhanh, nhưng trong quá trình đó nguy cơ mất đi những đặc điểm văn hóa và lịch sử riêng biệt cũng gia tăng, làm cuộc sống hiện đại ít đa dạng và đáng nhớ hơn. Đây không chỉ đơn thuần là mối quan tâm của riêng các nhà văn hóa hay sử gia, mà việc bảo tồn các di sản văn hóa là của toàn thể cộng đồng, để có thể tránh việc mất sự kết nối liên thời gian và để có thể làm cuộc sống đô thị ý nghĩa hơn.

Quan điểm về động lực kinh tế di sản như là một cách tiếp cận để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, theo hướng bảo tồn di sản trở thành động lực kinh tế, tạo ra việc làm và là một điểm nhấn văn hóa độc đáo trong phát triển đô thị.

Cân bằng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình khai thác di sản cần đảm bảo

Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau. Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển và di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không đếm xỉa đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa. Không thể “hy sinh” di sản, “hy sinh” văn hóa vì mục tiêu kinh tế.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy. Những ví dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đại đa số trường hợp đều là do quá coi trọng vế khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã rất chú trọng đến việc tính toán khả năng, sức chứa của di sản để khai thác đúng mức, “tới hạn”, điều tiết lượng du khách đến thăm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản. Như vậy, vô hình chung lại rơi vào cực trì trệ, thụ động, để lãng phí một nguồn tài nguyên nhân văn có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế – xã hội.

Quan điểm về các mục tiêu phát triển đô thị.

Mục tiêu nâng cao mức sống người dân.

Một trong những tác động rõ nhất khi phát triển du lịch trong các khu vực di sản đối với cộng đồng đó là làm thay đổi hệ thống sinh kế truyền thống, chiến lược sinh kế, phương thức sinh kế và các nguồn lực sinh kế (nguồn lực con người, nguồn lực tư nhiên, tài chính, vật chất và nguồn lực xã hội). Trước đây người dân sinh sống trong các khu vực di sản chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, làm một số nghề thủ công, khi thực hiện các dự án phát triển du lịch, nhiều diện tích đất tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của người dân bị thu hồi để làm dự án du lịch, nguồn lực đất đai bị hạn chế, không gian sản xuất, canh tác bị thu hẹp, nhiều người thích ứng, chủ động học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch làm kế sinh nhai mới như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán hàng lưu niệm, vận chuyển khách du lịch, nhưng cũng có nhiều người thích ứng chậm hơn, bị động trong việc chuyển đổi sinh kế, việc làm, thậm chí hẫng hụt, mất phương hướng, kết quả là chịu thiệt thòi và yếu thế hơn trong các hoạt động sinh kế mới.

Phát triển du lịch di sản gắn với vấn đề bảo tồn và đảm bảo sinh kế bền vững và công bằng cho người dân trong khu vực di sản là hết sức cần thiết và quan trọng. Vấn đề cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong khu di sản phải được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo để vừa bảo tồn được di sản cho các thế hệ tương lai, vừa phát triển du lịch và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.

  Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Bảo tồn không cản trở phát triển mà tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững: Đối với di sản văn hóa đô thị, loại hình di sản đặc biệt tồn tại trong lòng mỗi đô thị đòi hỏi có những giải pháp gìn giữ, phát huy phù hợp với sự phát triển của đô thị trong dòng chảy cuộc sống. Bảo tồn và phát huy luôn là hai mặt của một vấn đề, có quan hệ biện chứng với nhau. Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới việc phát huy các giá trị văn hóa sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên, hạn chế việc giới thiệu các giá trị văn hóa đó đến công chúng. Nhưng nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn sẽ dẫn đến các di sản vật thể bị xuống cấp, mai một.

Cùng với đó, công tác quy hoạch cũng cần được coi trọng hơn để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn hiệu quả. Quy hoạch phù hợp sẽ là cơ sở để nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cách thức vận hành, duy trì hoạt động của di tích hoặc hỗ trợ sửa chữa, tu bổ di tích, di sản bằng nguồn xã hội hóa nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa cũng như bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Đối với công tác quy hoạch, cơ quan chức năng không thể vì mục tiêu quy hoạch đô thị mà “bỏ quên” di sản. Bảo tồn di sản là một công việc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều ban ngành, địa phương. Bảo tồn di sản nếu làm tốt không chỉ giúp phát triển kinh tế và văn hóa mà còn góp phần tăng cường bản sắc dân tộc cho cả quốc gia. Bên cạnh đó, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau phục vụ công tác bảo tồn, bên cạnh nguồn kinh phí của nhà nước. Tôn tạo, gìn giữ các di sản không thể chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn kinh phí của nhà nước mà cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng.

Mục tiêu “Một trục ba trung tâm” của thành phố Cao Bằng

Mục tiêu phát triển “Một trục ba trung tâm” của thành phố Cao Bằng” được định hướng tại Đồ án Quy hoạch chung thành phố Cao Bằng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017.

Cụ thể, Trục không gian xuyên suốt từ Tây Nam sang Đông Bắc bằng hành lang giao thông đường Võ Nguyên Giáp và cảnh quan của sông Bằng, sông Hiến để kết nối ba trung tâm đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp hài hòa giữa đô thị cổ, đô thị mới và đô thị hiện hữu đang phát triển là: Trung tâm của cố đô xưa (gắn với không gian thành nhà Mạc tại phân khu Hưng Đạo )– Trung tâm phát triển mới (gắn với khu vực đang xây dựng Đề Thám) và Trung tâm đô thị hiện hữu (tại phường Hợp Giang, Sông Bằng hiện nay). Trong đó phân khu Hưng Đạo được xác định là Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch tổng hợp tại cửa ngõ phía Tây của thành phố Cao Bằng.

Sơ đồ mô hình phát triển đô thị theo cụm được phê duyệt tại Quy hoạch chung thành phố Cao Bằng năm 2017

CHIẾN LƯỢC TÍCH HỢP GIỮA ĐÔ THỊ VÀ DU LỊCH DI SẢN TẠI PHÂN KHU HƯNG ĐẠO.

Chiến lược tổng thể.

Xây dựng khu vực Hưng Đạo phát triển thành đô thị du lịch. Với tính chất đặc trưng là đô thị du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa quan trọng trên địa bàn phân khu.

Chiến lược tổng thế phát triển đô thị từ động lực di sản

Bảo tồn

Vùng các di tích, danh thắng sẽ được phục hồi, tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, gắn với du lịch đảm bảo phát triển bền vững, nhất là các khu vực chính: chùa Đà Quận và đến Quan Triều, chùa Đống Lân, … Đối với Di tích thành Bản Phủ là một phần trong Khu di tích đô thị Cao Bình với nhiều điểm di tích quan trọng liên quan đến vương triều nhà Mạc, cần tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học và tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ để làm rõ hơn những giá trị lịch sử và tạo cơ sở cho việc bảo tồn tôn tạo di tích, từ đó phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Hiện tại cần khoanh vùng bảo vệ những địa điểm có dấu hiệu di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Khai thác cảnh quan dòng sông Bằng Giang với việc tổ chức các khu cây xanh sinh thái cảnh quan tại vùng thềm núi và thềm sông, tôn lên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cho toàn bộ khu vực. Bố trí các điểm dừng nghỉ, sân chơi, bến thuyền dọc hai bờ sông kết hợp với các dịch vụ du lịch và các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với cảnh quan và hệ sinh thái của dòng sông.

Sơ đồ khu vực bảo tồn rừng khu vực phía Tây – Nam xã

Sơ đồ khu vực bảo tồn hai bên bờ sông Bằng Giang

Sơ đồ các vị trí bảo tồn di sản vật thể

Sơ đồ các vị trí bảo tồn di sản phi vật thể

Cải tạo, xây mới

Với các khu vực nông nghiệp ngoài tổ chức sản xuất theo hướng công nghệ cao, còn hình thành các vùng trồng hoa, trồng cây ăn quả gắn phục vụ phát triển dịch vụ du lịch tại chỗ, tạo thêm loại hình du lịch hấp dẫn.

Tổ chức không gian phát triển du lịch, xây dựng các loại hình du lịch đường bộ và trên sông đảm bảo kết nối và phát triển du lịch khu vực thành phố. Trải nghiệm Lễ hội Xuân truyền thống Thành phố Cao Bằngvới hình thức “Du xuân, trẩy hội”: Khai hội từ ngày Mồng 7 đến ngày 15 tháng Giêng: Từ Chùa Đống Lân sang Quần thể di tích Đà Quận, xã Hưng Đạo -Điểm nhấn là lễ hội Đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang – Kết thúc bằng lễ hội Đền Bà Hoàng, phường Sông Bằng.

Khai thác ẩm thực truyền thống Không gian Non nước Cao Bằng (Vịt quay 7 vị; lợn quay; thịt hun khói; lạp xường; khau nhục; xôi ngũ sắc; phở chua; lẩu thập cẩm; rau dạ hiến; rau ngót rừng; các món măng …) món ăn vặt đường phố (bánh cuốn; bánh áp chao; bánh khảo; các món nướng; các loại chè …).-Trải nghiệm,  khám  phá Không gian văn hóa đặc trưng Phố đi bộ Kim Đồng, Phố đi bộ ven sông Bằng:tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thưởng thức “Chiếu dân ca”, trải nghiệm “Sàn dân vũ”, trực tiếp thi đấu môn Lày cỏ, vật tay…

Bố trí, sắp xếp một số gian hàng quảng bá, giới thiệu vật dụng,trang phục nhân dân các dân tộc Cao Bằng (tiêu biểu như trang phục dân tộc Tày,  Nùng, H’mông, Dao, Sán chỉ, Lô lô), phục vụ nhu cầu mua sắm (hoặc cho thuê chụp ảnh) của người dân và du khách trong không gian phố đi bộ ven sông Bằng.

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH VÀ THỂ CHẾ PTĐT DỰA TRÊN THẾ MẠNH DI SẢN

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích trên các lĩnh vực ưu tiên để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển.

Có biện pháp, cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển vùng động lực, trung tâm để thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển của tỉnh, của vùng và sự liên kết giữa cùng động lực với các vùng phụ trợ.

Xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư hạ tầng giao thông; đổi mới thiết bị, công nghệ trong khai thác chế biến nhằm khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Có cơ chế, chính sách đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị đồng bộ, hiện đại, đô thị xanh, phát triển bền vững, tạo sức hút, phát triển dịch vụ, thị trường bất động sản lành mạnh;

Hỗ trợ, vinh danh doanh nghiệp để hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng có điều kiện khó khăn, có nhiều đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, thu ngân sách

 

Thực hiện công khai dân chủ trong công tác lập quy hoạch, công bố quy hoạch; công khai lựa chọn nhà đầu tư, thông tin về dự án, giấy phép khai thác (vị trí, tọa độ, diện tích, ranh giới, thời gian…) để nhân dân biết và giám sát trong quá trình thực hiện.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp

Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và đổi mới mô hình tổng chức sản xuất, chính sách khuyến khích thành lập các HTX, các hiệp hội ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp.

Tận dụng tối đa diện tích đất chưa sử dụng để chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, khai hoang phục hóa, đưa vào canh tác sử dụng các biện pháp thâm canh và sản xuất nông nghiệp; Chủ động ngăn chặn tình trạng tích tụ ruộng đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp kém hiệu quả. Tiến hành đồn điền đổi thửa, các hộ gia đình có thể tự tìm và thỏa thuận về đất ở đối với anh em họ hàng hoặc nhân dân trong thôn bản trên cơ sở tự nguyện, chính quyền xã giúp đỡ tư vấn hợp thức hóa quyền sử dụng đất.

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với nhiều hình thức khác nhau, coi đây là nguồn lực lớn cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch; các chính sách hỗ trợ, tư vấn về giống, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, đảm bảo sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giải quyết tốt khâu chế biến, xúc tiến liên kết, tìm kiếm thị trường đầu ra …

Khuyến khích các hộ nông dân hoạt động sản xuất theo hướng liên kết tạo thành nhóm hộ tạo điều kiện tích tụ nguồn vốn, tăng thêm sức lao động sản xuất, triển khai ứng dụng Khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng gắn với chương trình nông thôn mới kết hợp với các giá trị văn hóa bản địa.

Thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, nhất là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, nhằm bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư

Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư vào đầu tư khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp thông qua hỗ trợ thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước …

Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hình thức quản lý trong các lĩnh vực thương mại, du lịch – dịch vụ; khảo sát xây dựng và khai thác các tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng.

Hợp tác trong phát triển du lịch: Phối hợp phát triển du lịch Cao Bằng với du lịch các địa phương khác, đặc biệt là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên trong việc xây dựng các điểm, tuyến, tuor du lịch, trong quảng bá và đào tạo nhân lực du lịch.

Hợp tác xây dựng các công trình hạ tầng liên vùng

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lập và thực thi kế hoạch hành động chung theo các chương trình, dự án cụ thể, nhất là các lĩnh vực ưu tiên trên hành lang kinh tế Việt – Trung và kết nối vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm để phát triển sản phẩm chủ lực.

Phối hợp với các tỉnh xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng. Lấy việc thực hiện chương trình hợp tác với các địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

Phối hợp xây dựng các chương trình vận động, xúc tiến đầu tư chung giữa các tỉnh để thu hút một số tập đoàn kinh tế, công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp.

KẾT LUẬN

Xã Hưng Đạo là khu vực có địa thế sông núi hữu tình, có lịch sử văn hóa lâu đời và hiện nay vẫn còn rất nhiều di tích văn hóa trên địa bàn xã chưa được khai thác. Khu vực Hưng Đạo nằm trên tuyến du lịch chủ đạo số 1 – Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”. Theo chủ đề “Hành trình về nguồn cội”, tuyến du lịch cụm phía Bắc tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng đưa du khách tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa – lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như: đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, khu di tích lịch sử Kim Đồng, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941 – 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy việc tìm ra các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý phát triển khu đô thị của phân khu Hưng Đạo theo mô hình khai thác động lực di sản là điều hoàn toàn cấp thiết.

Nguyễn Văn Thành – Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng

Pháp lý xây dựng

Đền Voi phục , Đền Quán Thánh - Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi phục và Đền Quán Thành là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt”. Đây là hai ngôi đền nằm trong Thăng Long Tứ trấn - gồm bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

Hà Nội: thêm 12 di tích được xếp hạng cấp thành phố

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4320/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Đình Tây Đằng - một di sản văn hóa kiến trúc độc đáo

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa (nay thuộc Hà Nội) là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Trong số những ngôi đình tiêu biểu của nơi đây có thể kể đến đình Tây Đằng, ngôi đình mang kiến trúc độc đáo và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

“Không làm giả” vì sẽ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc

Trước những tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới của di tích chùa Cầu sau trùng tu, đặc biệt là luồng ý kiến cho rằng “màu sơn quá mới”, “quá sáng” khiến di tích này trở nên “lạ lẫm”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm), đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án này đã có những phản hồi chính thức.

Khánh Hòa: Phê duyệt Đề cương xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin

Bảo tàng Alexandre Yersin sẽ là thiết chế văn hóa - xã hội đa năng, tổng hợp, tiêu biểu của tỉnh với công trình kiến trúc độc đáo, là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, trưng bày giới thiệu những di sản văn hóa của Alexandre Yersin.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi