Những kiến trúc có giá trị hôm nay liệu có trở thành di sản trong tương lai?

Tọa đàm 1: Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới

Những kiến trúc có giá trị hôm nay liệu có trở thành di sản trong tương lai?

(Vietnamarchi) - Đây là một câu hỏi dường như không cần trả lời vì một công trình tốt ở hiện tại đương nhiên có tiềm năng lớn trở thành di sản trong tương lai. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đều biết, mỗi một thời kỳ có vô số công trình được xây dựng, nhưng chỉ có một số ít được công nhận chính thức là di sản (hay di tích theo khái niệm luật di sản văn hoá).
15:00, 29/01/2025

Đây là một câu hỏi dường như không cần trả lời vì một công trình tốt ở hiện tại đương nhiên có tiềm năng lớn trở thành di sản trong tương lai. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đều biết, mỗi một thời kỳ có vô số công trình được xây dựng, nhưng chỉ có một số ít được công nhận chính thức là di sản (hay di tích theo khái niệm luật di sản văn hoá).

TS.KTS Trương Ngọc Lân

Có những công trình ban đầu được coi là tốt, nhưng sau một thời gian tồn tại đã bị đào thải. Tiêu biểu là khu nhà ở nổi tiếng Pruitt Igoe tại St Louis, Mỹ khi mới khánh thành được tán dương và tặng giải thưởng nhưng sau chưa đến 20 năm tồn tại đã bị xem như một thất bại của kiến trúc hiện đại. Ngược lại, có những công trình khi mới xây bị một bộ phận không nhỏ người dân địa phương chê bai, phản đối như tháp Eiffel tại Paris nhưng về sau lại trở thành di sản có giá trị bậc nhất thế giới. Ở phương diện khác, trong một số bối cảnh lịch sử văn hoá chính trị cụ thể, nhiều công trình tốt có tiềm năng cao trở thành di sản bị một phần lớn công chúng lãng quên, hoặc xem nhẹ một cách vô tình hay cố ý, ví dụ như nhiều công trình có giá trị xây dựng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đầu đổi mới ở Việt Nam.

Khu nhà ở Pruitt Igoe

Vậy làm thế nào để một công trình hôm nay có thể trở thành di sản cho tương lai? Hay cụ thể hơn, một công trình kiến trúc Việt Nam nên đi theo hướng nào để trở thành di sản cho tương lai?

Xét từ các tiêu chí đánh giá di sản kiến trúc, UNESCO cho rằng một công trình được coi là di sản văn hóa khi chứa đựng những giá trị “nổi bật về lịch sử, nghệ thuật và khoa học”. Luật di sản văn hóa Việt Nam xếp một công trình kiến trúc vào danh sách di tích kiến trúc, nghệ thuật khi nó “tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật”.

Thật khó để biết một công trình hiện đại hay đương đại mới xây dựng, có thời gian tồn tại chưa lâu, chưa mang trong mình dấu ấn lịch sử nào … có thể trở thành di sản cho tương lai hay không. Tuy nhiên, soi chiếu từ những công trình kiến trúc hiện đại có tuổi đời chỉ vài thập kỷ, được UNESCO công nhận gần đây như nhà hát Opera Sydney, 17 công trình của Le Corbusier, hay những tác phẩm có tiềm năng di sản lớn của các kiến trúc sư đạt giải Pritzker, chúng ta có thể  hình dung sơ bộ về những điều mà một công trình kiến trúc cần có để tạo nên giá trị bền vững, có thể trở thành di sản trong tương lai.

Nhà hát Opera Sydney được vinh danh là di sản vì kết hợp nhiều hướng sáng tạo và đổi mới trong cả hình thức kiến ​​trúc và thiết kế kết cấu. UNESCO cho rằng nhà hát đã thể hiện sự diễn giải và phản hồi phi thường đối với bối cảnh tại Cảng Sydney bên cạnh giá trị toàn cầu nổi bật nhờ những thành tựu về kỹ thuật kết cấu và công nghệ xây dựng. Tòa nhà là một tượng đài nghệ thuật vĩ đại và là biểu tượng, có thể tiếp cận được với toàn xã hội.”

Bảo tàng lịch sử ở Ninh Ba, Trung Quốc do KTS Wang Shu thiết kế

Tập hợp 17 công trình của Le Corbusier được công nhận vì UNESCO cho rằng chúng chính là minh chứng cho việc phát minh ra một ngôn ngữ kiến ​​trúc mới đã phá vỡ quá khứ, phản ánh các giải pháp mà Phong trào Hiện đại tìm cách áp dụng trong thế kỷ 20 với các các kỹ thuật kiến ​​trúc mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Những công trình của các bậc thầy đạt giải Pritzker gần đây như Peter Zumthor, Aravena, Wang Shu, Shigeru Ban, Balkrishna Doshi, Francis Kere… được tôn vình vì tác giả chủ yếu tập trung vào sử dụng kiến trúc một cách đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như ứng xử hài hòa với thiên nhiên và văn hóa tại địa điểm xây dựng.

Như vậy có thể thấy rằng, dù hoành tráng và tốn kém như nhà hát Opera Sydney hay khiêm tốn như những công trình của Peter Zumthor thì giá trị của các công trình hiện đại và đương đại đó được xác lập nhờ sự đổi mới sáng tạo trong thiết kế, xây dựng giúp công trình đáp ứng các yêu cầu của xã hội, ứng xử nhân văn với địa điểm cũng như văn hóa địa phương. Phải chăng đó chính là câu trả lời tốt nhất cho việc “Liệu những kiến trúc hôm nay có thể trở thành di sản trong tương lai hay không?”

(Bài viết thuộc nội dung Tọa đàm 1: Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới, Diễn đàn Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai do Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức)

Pháp lý xây dựng

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) ...cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”... Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được. Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy. Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác. 

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi