Một góc nhìn về kiến trúc cổ điển ở Châu Âu thế kỷ 18 và 19
Sau đó là đến phong cách Rococo (Late Baroque) với những hoa văn trang trí cầu kỳ, chi tiết, những họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên nhưng không kém phần sang trọng, quý phái. Xu hướng Neoclassicism ra đời sau đó như một phản ứng chống lại Rococo. Tất cả những phong trào, xu hướng thiết kế đó đã hình thành nên một giai đoạn rất thú vị trong lịch sử phát triển của kiến trúc phương Tây. Bài viết này sẽ khám phá và nhìn nhận về lịch sử phát triển của kiến trúc cổ điển thông qua một số thành tựu của kiến trúc sư John Nash và kiến trúc sư Charles Garnier, những người tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc thời điểm đó. Các công trình của hai ông đã được khơi gợi từ những ý tưởng của phong cách cổ điển, nhưng vẫn thể hiện sự được những bản sắc cá nhân của người thiết kế.
John Nash và Charles Garnier - Hai KTS đi lên từ gian khó
John Nash (1752-1835) là một trong những KTScó tầm ảnh hưởng bậc nhất nước Anh, ông đã định hình nên thời đại của mình theo một cách mà ít KTS nào có thể vượt qua. Năm 15 tuổi, ông đã được nhận vào văn phòng thiết kế của KTS Robert Taylor (một trong những KTS có tầm ảnh hưởng lớn ở nước Anh thời điểm đó) với vai trò một thực tập sinh. Những năm đầu của sự nghiệp, ông đã gặp rất nhiều khó khăn và không thực sự đạt được thành công nào. Tòa nhà đầu tiên mà ông thiết kế ở London - nằm ở góc quảng trường Bloomsbury - là một thất bại thảm hại. Theo sau đó là sự tụt lùi trong thiết kế ở một loạt các ngôi nhà nhỏ hơn. Tuy nhiên, sau đó ông đã gặp gỡ ba người truyền bá mạnh mẽ nhất của Picturesque: Uvedale Price, Richard P. Knight và Humphry Repton, và họ đã sớm mang đến ảnh hưởng lớn trong thiết kế của John Nash. Từ những năm 1790, John Nash đã quay trở lại London để tiếp tục sự nghiệp của mình và đã đạt được nhiều danh tiếng thông qua những công trình lớn như Thiết kế Cung điện Hoàng gia ở Brighton và Thiết kế đường Regent.
Còn về phía Charles Garnier (1825-1898), danh tiếng của ông có lẽ đã được lan truyền rộng rãi thông qua công trình nổi tiếng và quan trọng nhất của ông - Nhà hát Opera Paris hay còn gọi là Opéra Garnier. Đây là dự án một thực sự đắt đỏ và đầy tham vọng thời điểm đó, thiết lập một biểu tượng nổi bật trong lịch sử kiến trúc. Thời niên thiếu, Charles Garnier theo học tại ngôi trường Ecole des Beaux-Arts danh giá, và bằng cách giành giải thưởng La Mã (Prix de Rome), ông đã vượt lên gia cảnh khiêm tốn của mình rồi sau đó bắt đầu bước lên con đường trở thành một KTS tài năng. Loạt công trình của Charles Garnier thể hiện sự chú trọng đến chi tiết, mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới, cùng với sự hiểu biết về bố cục tổng thể.
Những công trình trọng điểm
Cung điện Hoàng gia Anh
Cung điện Hoàng gia Anh đã được Nash thiết kế lại trong giai đoạn từ năm 1815-22. Yếu tố được tán dương rộng rãi nhất của tòa nhà là mái vòm hình hành khổng lồ mang hơi hướng của những thiết kế từ Ấn Độ. Tuy những yếu tố ngoại thất như mái vòm và những tháp nhỏ đã được lấy ý tưởng từ Kiến trúc Phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ (thuộc địa của Anh vào thời điểm này), nội thất của cung điện Hoàng gia thật sự là một thiết kế nguyên gốc và mang đầy tính sáng tạo. Phương pháp mà John Nash sử dụng để thiết kế phòng tiệc và phòng nhạc thực sự đáng chú ý. Các cấu trúc bán vòm được thể hiện ở phần trần nhà thoạt nhìn có vẻ như là một phần của kết cấu chịu lực chính, tuy nhiên chúng thực sự chỉ là một yếu tố trang trí. Cả hai phòng đều có trần nhà cong được xử lý một cách tinh tế, đại diện cho đường cong của một chiếc lều. Nash là một trong những KTS đầu tiên sử dụng các vật liệu mới của thời đại công nghiệp trong các tòa nhà của mình. Đối với cung điện, các dầm sắt đúc đã được đặt lên trên phòng trưng bày phía tây để làm cho ánh sáng trời có thể chiếu sáng. Ở cuối nó có cầu thang hoàng gia cũng làm bằng sắt đúc, mô phỏng các đặc điểm của tre. Khung của các mái vòm hình hành cũng được làm bằng sắt đúc, với gỗ là thành viên thứ cấp, với lớp da bằng sắt mỏng được bao bọc trong mastic. Những chi tiết tinh tế của tòa nhà này thực sự mang truyền thống cổ điển và một số đặc điểm của Nash, không chỉ đơn thuần là sao chép từ Ấn Độ hay Trung Quốc.
Cung điện Buckingham được thiết kế bởi KTS John Nash mang một cảm giác đầy mạnh mẽ về khái niệm đối xứng. Nhìn từ ngoài vào, phần đình (pavilion) hai tầng ở trung tâm nổi bật và được ‘đóng khung’ bởi hai cánh đông và tây. Tuy vậy, thiết kế của cung điện vẫn còn nhiều khía cạnh tương đối thô ráp và thiếu sót sự chỉnh chu. Cuối cùng vẫn không tránh khỏi việc điều đó dần dần dẫn đến sự sụp đổ cho sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, một số đặc điểm trong thiết kế gốc của ông rất đáng nhận được xem trọng và đến bây giờ chúng vẫn còn hiện hữu trong công trình. Đầu tiên là khu vườn của cung điện, ban đầu được ông thiết kế theo phong cách Picturesque, nhưng rồi nó đã bị chỉ trích vì quá phân mảnh. Cổng vào chính (portico) phong cách Corinthian với những hàng cột hùng vĩ và nhiều tác phẩm điêu khắc ở đó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như thiết kế gốc của John Nash. Nhưng có lẽ yếu tố thú vị cũng như gây tranh cãi nhất mà Nash thiết kế cho cung điện là trần nhà của phòng tranh. Thiêt kế trần nhà của phòng tranh đã bị chỉ trích là phi thực tế, chứa nhiều sai sót về kỹ thuật, thiếu ánh sáng tự nhiên, và hầu như là không thể nào sử dụng được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thiết kế của nó thực sự mang đến sự cách mạng và khác biệt. Thiết kế trần chứa một số yếu tố được vuốt nhọn lấy cảm hứng từ phong cách Gothic, kết hợp với khung sắt đúc không chỉ tạo dựng lại nét đẹp của phong cách Picturesque, mà còn thể hiện được tính tò mò, sự phong phú và sáng tạo trong thiết kế.
Một dự án lớn khác cần được nói đến của John Nash chính là thiết kế tuyến đường Regent. Đây là một dự án lớn bao gồm nhiều tòa nhà. Trước đó, Nash hầu như không có kinh nghiệm trong phát triển đô thị quy mô lớn, tuy nhiên, bằng tính cách không bỏ cuộc và luôn mày mò tìm hiểu, ông đã sẵn lòng đối mặt với thách thức lớn này. Vào thời điểm đó, Nash đã cố gắng tạo ra con đường Picturesque đầu tiên ở London. Phần dưới của đường Regent bắt đầu với Vòng xoay Piccadilly Circus. Những cửa hàng đặt tại đây có các ô cửa sổ được phân chia bởi những cột Ionic, và phần trên của các tòa nhà được trang trí bằng các dải pilaster. Ở cuối góc đường này còn được xây dựng một phần đình (pavilion) có cửa sổ gác xép hình chữ nhật, đây là phương án mà Nash rất thích sử dụng. Dọc theo đường Regent, có nhiều tòa nhà mang đặc điểm của những hình thức cổ điển như Doric, Ionic và Corinthian. Các tòa nhà như số 232, 242-4, 176-7 chứa các yếu tố như lan can ban công vòm hình thức Corinthian, đá stucco và các cột Ionic đứng tự do.
Nhà hát Opera Paris
Trong khi John Nash đang tạo dựng tên tuổi cho mình ở Anh Quốc, Charles Garnier đã khá vô danh cho đến khi ông giành được giải thưởng Grand Prix de Rome. Nhà hát Opera Paris đánh dấu đỉnh cao của sự nghiệp của Garnier, đó là một dự án đáng kinh ngạc, nó đã thực sự định hình nên kiến trúc Pháp cổ điển. Nhìn chung, toà nhà được chia thành hai khu vực, một khu vực chứa hành lang, cầu thang và hội trường; khu vực khác bao gồm sân khấu chính và các khối văn phòng hành chính.
Phong cách kiến trúc của Charles Garnier trong toà nhà này không chỉ bộc lộ thông qua công năng hay sự tiện lợi thuần túy, mà hình dạng của những khối nhà được biện minh bởi chính những người sử dụng chúng. Thiết kế dựa trên hai nguyên tắc: hình thức tân cổ điển (neoclassical) còn vấn vương của thời đấy và nguyên tắc lãng mạn trong kiến trúc. Ý tưởng của Garnier phát triển thành “sự đồng cảm kiến trúc” nơi trải nghiệm cảm xúc được làm nổi bật. Trong cuốn sách của mình - Le Theatre - Garnier đã nói rằng “những gì được hình thành bởi hành động của con người phải được hiểu bởi hành động của con người”. Cảm giác rằng kiến trúc của toà nhà chỉ có thể được hiểu bởi những người di chuyển và sử dụng toà nhà, chứ không phải chỉ từ những người đứng yên nhìn nó ở phía xa.
Những vị khách có vé nghe hòa nhạc sẽ được dẫn qua cửa đôi vào khối hành lang lớn (Grand Vestibule) đầu tiên. Phần này được thiết kế để khuyến khích người đi bộ bước chậm lại và quan sát vẻ đẹp của sảnh và cầu thang chính (Vestibule de Controle và Grand Escalier), trong khi vẫn có chức năng dẫn lối cho người đi một cách rõ ràng. Trong trường hợp những vị khách chưa có vé nghe nhạc, họ sẽ được dẫn qua các hành lang ở hai bên hông của toà nhà đến các hành lang vé ở cuối sảnh Vestibule de Controle, và sau đó khách có thể vào cùng một lối tương tự như đã diễn tả phía trên. Ở công trình này, lối lưu thông và trải nghiệm bên trong lại không phải là những điểm nổi bật duy nhất. Chúng ta không thể không nói đến các yếu tố điêu khắc đáng kinh ngạc, nhưng lại không làm lu mờ toàn bộ toà nhà, thay vào đó toà nhà nuốt chửng các tác phẩm điêu khắc để tạo ra một cảnh quan kiến trúc hài hòa. Các phần trang trí được sản xuất bởi nhiều nghệ sĩ, nhưng họ chủ yếu đều tuân thủ theo thiết kế tổng của Garnier. Từ cả nội thất và ngoại thất, cách sử dụng trang trí cực đoan của Garnier được thể hiện một cách rõ ràng.
Khi xem xét cả hai phong cách kiến trúc của Nash và Garnier, chúng ta có thể thấy sự tương đồng khá rõ ràng. Cả hai đều sử dụng các phong cách cổ điển hiện có, từ hình thái cột đến những yếu tố trang trí, vòm và cung. Tuy nhiên, cả hai đều có những nguyên do rất cá nhân trong việc sử dụng bất kỳ những yếu tố trang trí kể trên. Về phương án hoa văn trang trí , John Nash sử dụng nó như một công cụ phụ hỗ trợ cho lý tưởng Picturesque của mình. Trong khi đó, Charles Garnier là một người cực đoan và hoàn hảo, ổng đẩy trang trí đến cực đoan để tạo ra một cảm giác về sự uy nghiêm và nắm bắt truyền thống kiến trúc của người Pháp. Một mặt, Nash sử dụng ý tưởng Picturesque để đẩy mạnh thiết kế của mình, tạo ra các nét kiến trúc độc đáo và đẩy chúng vào môi trường đô thị cùng nông thôn với sự nhạy cảm của mình. Ông cũng tận dụng sự tiến bộ của công nghệ để hình thành các thiết kế của mình, mở rộng thêm khả năng cho công trình. Phía còn lại, Garnier tin rằng kiến trúc là một thứ tự nhiên, để thấu hiểu với người ở, điều này lại càng trừu tượng hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Taylor, Katherine Fischer. 1994. “Designing Paris: The Architecture of Duban, Labrouste, Duc, and Vaudoyer/Charles Garnier’s Paris Opéra: Architectural Empathy and the Renaissance of French Classicism.” Journal of the Society of Architectural Historians 53 (2): 239–42. doi:10.2307/990898.
2. Mead, Christopher Curtis. 1991. Charles Garnier’s Paris Opéra : Architectural Empathy and the Renaissance of French Classicism. Architectural History Foundation. https://ezp.lib.unimelb.edu.au/login?url=https://search.ebscohost.com/login.aspx?direct=true&db=cat00006a&AN=melb.b1702728&site=eds-live&scope=site.
3. Garnier, Charles, Maria Sol Kliczkowski, and Roger Casas. 2003. Charles Garnier. Archipocket. teNeues. https://ezp.lib.unimelb.edu.au/login?url=https://search.ebscohost.com/login.aspx?direct=true&db=cat00006a&AN=melb.b2826938&site=eds-live&scope=site.
4. Richard Wittman. 1994. “Charles Garnier’s Paris Opera: Architectural Empathy and the Renaissance of French Classicism, and: In the Theatre of Criminal Justice: The Palais de Justice in Second Empire Paris,” no. 3: 269. doi:10.1353od.1994.0040.
5. Stamp, Gavin. 2013. “Architecture: The Work of John Nash Has Often Been Overshadowed by That of His Contemporary, John Soane. But His Pragmatism, as Well as His Experiments with the Picturesque, Make Him One of the Most Significant of All British Architects.” Apollo, no. 609: 88. https://ezp.lib.unimelb.edu.au/login?url=https://search.ebscohost.com/login.aspx?direct=true&db=edsgao&AN=edsgcl.330677738&site=eds-live&scope=site.
6. Davis, Terence. 1960. The Architecture of John Nash. Studio. https://ezp.lib.unimelb.edu.au/login?url=https://search.ebscohost.com/login.aspx?direct=true&db=cat00006a&AN=melb.b1266834&site=eds-live&scope=site.
7. Summerson, John. 1980. The life and work of John Nash, architect (1st MIT Press ed). MIT Press, Cambridge, Mass. https://trove.nla.gov.au/work/9751101?q&sort=holdings+desc&_=1557654762137&versionId=11320141
8. Tyack, Geoffrey. 2013. John Nash: Architect of the Picturesque. English Heritage. https://search-ebscohost-com.ezp.lib.unimelb.edu.au/login.aspx?direct=true&db=cat00006a&AN=melb.b5115737&site=eds-live&scope=site.
9. Davis, Terence. John Nash: The Prince Regent’s Architect. Country Life, 1966. https://search-ebscohost-com.ezp.lib.unimelb.edu.au/login.aspx?direct=true&db=cat00006a&AN=melb.b1080707&site=eds-live&scope=site.
Ý kiến của bạn