Khả năng phát huy các giá trị truyền thống: Nhìn từ những thành công của kiến trúc Việt Nam sau Đổi mới

Khả năng phát huy các giá trị truyền thống: Nhìn từ những thành công của kiến trúc Việt Nam sau Đổi mới

(Vietnamarchi) - Trong bối cảnh toàn cầu hoá, cọ sát cạnh tranh của các luồng tư tưởng văn hoá là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Kiến trúc luôn bị đặt giữa một nan đề giữa việc biểu đạt tinh thần quốc tế/thời đại và tinh thần địa phương/ lịch sử. Bài báo phân tích và đánh giá các nỗ lực của các kiến trúc sư Việt nam sau năm 1986 trong việc khai thác và kế thừa các giá trị lịch sử truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
10:01, 20/11/2024

Cạnh tranh hoá, quốc tế hoá và đa dạng hoá của kiến trúc Việt Nam từ năm 1986 đến nay đem lại cả hiệu quả tích cực và tiêu cực. Về mặt tiêu cực, xuất hiện một số tác phẩm kém chất lượng hoặc đi ngược thời đại như các công trình giả cổ, nhại cổ. Đồng thời diện mạo nền kiến trúc Việt Nam không hoàn toàn nằm trong sự chủ động sáng tạo của giới nghề nghiệp Việt Nam mà chịu nhiều tác động từ bên ngoài do các công trình quan trọng cho đến nay phần lớn rơi vào các kiến trúc sư nước ngoài. Nhìn chung, việc khai thác, biểu đạt truyền thống trong kiến trúc luôn có xuất hiện qua nhiều con đường khác nhau như hướng phục cổ, hướng kết hợp, hướng cấu trúc không gian và kiến tạo theo tinh thần dân tộc (Đại, 1988) hay Phục cổ, Hiện đại kết hợp dân tộc, Biểu đạt biểu hiện mới (Đức, 1999). Có khuynh hướng sớm vượt trội, được khẳng định và chuyển thành lối mòn hình thức, có khuynh hướng vẫn đang được tiếp tục định hình, tìm cách thích nghi với sự biến đổi của bối cảnh xã hội. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá, nhìn nhận hiệu quả và tiềm năng trong việc vận dụng và biểu đạt các giá trị truyền thống trong thành công ở các công trình sau năm 1986 đến nay sẽ có giá trị cho sự phát triển bền vững của kiến trúc Việt Nam.

1. Truyền thống và truyền thống trong kiến trúc

Truyền thống là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong khoa học xã hội nói chung và kiến trúc nói riêng. Hệ quả là khái niệm này trở nên khá là mập mờ, đa nghĩa, đôi khi là có những ý nghĩa ngược nhau. Bên cạnh khái niệm « truyền thống », chúng ta thường xuyên gặp những khái niệm như « truyền thống đích thực », « truyền thống mới » (Giedion, 1944), thậm chí, « sáng tạo truyền thống » (Hobsbawm, 1983). Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa truyền thống như « thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác » và « truyền lại từ các đời trước ». Trong tiếng Hán, chữ truyền (傳) mang nghĩa sự chuyển giao từ chỗ này qua chỗ kia, từ đời trước lại đời sau hoặc sự dạy dỗ, chỉ bảo. Trong khi chữ thống (统) thể hiện mối quan hệ liên tục giữa các sự vật và sự quản lí, khuôn phép. Theo nghĩa này khái niệm truyền thống được xem như sự chuyển giao điều gì đó liên tục. Hàm chứa trong truyền thống là sự học hỏi của người đi sau với người đi trước, và những phép tắc, ràng buộc của cái được chuyển giao. Trong tiếng Latin, khái niệm “truyền thống” (tradition) có nguồn gốc từ chữ traditium là hình thức chuyển giao chủ sở hữu theo luật La mã. Theo Shils (1971), truyền thống là sự lặp lại của những dạng thức gần như tương đồng của các cấu trúc khuôn mẫu của hành động và niềm tin qua nhiều thế hệ hoặc trong một thời gian dài trong xã hội, trên một vùng lãnh thổ thống nhất và cùng chia sẻ nền văn hoá chung. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo cho sự chuẩn xác, phù hợp hoặc tính thẩm quyền của cái được chuyển giao lại cho thế hệ đi sau. Giá trị của các được lưu truyền lại phụ thuộc vào sự diễn giải của từng thế hệ, nhưng điều này không cố định mà lại luôn thay đổi, thậm chí chỉ trong 2-3 thế hệ. Nghịch lý là, trong quá trình đó, truyền thống lại luôn được sử dụng như một khái niệm bảo chứng cho sự hợp lý của hành động hiện tại.

Khái niệm truyền thống trong kiến trúc cũng biểu đạt ở nhiều sắc thái khác nhau. Kiến trúc Hiện đại (Modernism) của thế kỉ 20, với quan điểm chủ đạo là xoá bỏ mọi gánh nặng hình thức, tư tưởng của lịch sử và sự ràng buộc của truyền thống, trong khi tận dụng những tiến bộ kỹ thuật ở thời điểm hiện tại để hướng đến một tương lai. Tuy nhiên, Giedion (1944) ngay trong thời điểm chứng kiến sự lớn mạnh của chủ nghĩa Hiện đại cũng nhận ra đây không phải là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, mà là sự tổng hợp, thậm chí tham chiếu các ảnh hưởng lịch sử với các đổi mới, kỹ thuật đương thời. Với những người hùng của chủ nghĩa Hiện đại như Mies Van der Rohe hay Le Corbusier thì dấu ấn của quá khứ vẫn hiện diện trong các công trình của họ (Frampton & Simone, 2015). Trong khi đó, với kiến trúc Hậu hiện đại, truyền thống trở thành một tham chiếu ưa thích, với các mã hiệu và ngôn ngữ của quá khứ được diễn giải và biểu đạt linh hoạt và đa dạng. Rapoport (1989) coi truyền thống như một tập hợp của các thuộc tính, được chia thành các nhóm và các quá trình khác nhau. Những thuộc tính này không nhất thiết phải hiện diện cùng lúc tại một thời điểm và thậm chí còn có sự đối lập nhau. Kiến trúc sư lựa chọn các thuộc tính, mà ông gọi là mô hình áp dụng, phụ thuộc những hoàn cảnh, địa điểm và nhóm đối tượng khác nhau. Sự biểu đạt bề ngoài của các thuộc tính này có thể thay đổi rất nhanh, nhưng cái lõi trong là văn hoá thì thay đổi chậm. Quan điểm của Rapoport chỉ ra sự linh hoạt, đa sắc thái, mang tính thời đại trong sự đại diện biểu đạt cho truyền thống trong kiến trúc, hơn là những nguyên mẫu cố định. Yi-Fu Tuan (1989) cho rằng bản chất của truyền thống là sự ràng buộc, giới hạn những lựa chọn của giải pháp kiến trúc. Điều này được thể hiện rõ trong kiến trúc dân gian ở vật liệu địa phương, khí hậu khu vực và hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ở thời hiện đại, con người có sức mạnh vượt khỏi sự ràng buộc hạn chế nêu trên trong kiến trúc, nhưng song hành với đó là sự tuỳ tiện nóng vội trong lựa chọn. Thừa nhận những thách thức đối với việc duy trì truyền thống trong xã hội hiện đại, Tuan cho rằng, có lẽ cái mà con người cần giữ lại không phải là những công trình kiến trúc truyền thống, mà đúng hơn là những kỹ năng để có thể sản sinh lại những « lựa chọn trong hạn chế » (Yi-Fu, 1989, p. 33).

Các quan điểm trên tiếp cận truyền thống theo nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên dường như tất cả đều hội tụ ở đặc điểm linh hoạt, biến đổi và hiện thời của truyền thống và sự chủ động sáng tạo của kiến trúc sư. Chính sự sáng tạo tìm trên nền của cái chung, cái quen thuộc của xã hội sẽ tạo cái mới, duy trì năng lượng cho truyền thống trong kiến trúc.

2. Những khuynh hướng và khả năng phát huy giá trị truyền thống vào kiến trúc đương đại từ năm 1986 đến nay

Từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã có những phát triển quan trọng về kinh tế - xã hội và văn hóa, dẫn đến những thay đổi cơ bản của kiến trúc như thay đổi mô hình cư trú, chủ đầu tư, thị hiếu thẩm mỹ và các ưu tiên trong sử dụng. Các phát huy những giá trị truyền thống và các đặc điểm địa phương vào kiến trúc cũng có sự vận động biến đổi theo những thị hiếu và hoàn cảnh xã hội mới bao gồm bốn khuynh hướng cơ bản: Diễn hình kiến trúc truyền thống; Khai thác các hình tượng văn hoá Việt Nam; Phát huy giải pháp tương tác cảnh quan môi trường của kiến trúc truyên thống; Đổi mới kỹ thuật kiến tạo và vật liệu truyền thống.

2.1 Diễn hình kiến trúc truyền thống

Khuynh hướng này tập trung vào khả năng diễn hình các yếu tố truyền thống trên nền tảng kiến trúc Hiện đại. Đây cũng là sự tiếp nối theo mạch biểu đạt tính truyền thống, tính địa phương của các thập niên trước của kiến trúc Việt nam. Chính vì vậy, các công trình theo khuỵnh hướng này xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn 1986-2000. Khuynh hướng này có thể được phân chia thành các nhánh chính:

  • Biểu đạt tinh thần kiến tạo của cấu trúc truyền thống: Nhánh này là sự kết hợp các nguyên lý cấu trúc gỗ truyền thống với kỹ thuật hiện đại. Theo đó, hệ thống cột-xà-kẻ gỗ của kiến trúc dân gian đồng bằng Bắc bộ được diễn giải, hoá thân vào trong hệ dầm-cột-consol bê tông trong kiến trúc hiện đại. Đây không chỉ đơn thuần là thay đổi vật liệu, mà còn là sự kế thừa và phát triển nguyên lý cấu tạo cơ bản. Ở đây có sự biểu đạt trung thực nguyên tắc kiến tạo vốn có của cấu kiện truyền thống. Điều này đảm bảo cho tinh thần và logic cấu trúc của kiến trúc dân gian được thể hiện qua vật liệu và kỹ thuật hiện đại. Các cấu kiện không chỉ sao chép hình ảnh, mà tiếp tục vai trò kết cấu thực thụ trong công trình mới. Điều này cho phép chuyển hoá nguyên lý làm việc và tinh thần hệ kết cấu từ truyền thống sang hiện đại.
  • Biểu đạt hình ảnh của kiến trúc truyền thống: Đây là quá trình một quá trình diễn giải và tái tạo một cách sáng tạo, tập trung vào việc tái hiện và chuyển hóa một phần hoặc toàn bộ các yếu tố hình thức đặc trưng, các biểu tượng, hoa văn, và chi tiết trang trí của kiến trúc truyền thống. Từ đó tạo sự liên tưởng, kết nối quá khứ với hiện tại trong ngôn ngữ kiến trúc. Ví dụ tiêu biểu của xu hướng này là sự chuyển hóa của bộ mái truyền thống, một yếu tố kiến trúc có tính biểu tượng cao trong kiến trúc cổ. Những đặc điểm nổi bật của mái nhà trong kiến trúc truyền thống Việt Nam thường được các kiến trúc sư sử dụng là: tỷ lệ, hình thái, cấu kiện đặc trưng. Với tỷ lệ, đó là sự vượt trội của mái về kích thước trong tổng thể hình khối. Ở khía cạnh hình thái là độ dốc lớn, đọ vươn rộng, đôi khi là những dáng cong riêng củả mái nhà các dân tộc thiểu số. Còn cấu kiện mái đặc trưng hay gặp nhất chính là tàu đao, thường được tạo hình bằng diềm mái vát nghiêng hoặc giao cắt. Bộ mái thực tế cũng là “ mã hình thức” dễ “đọc” trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, không chỉ giúp nhận diện kiến trúc Việt Nam nói chung mà còn có thể gán nhãn kiến trúc của các vùng miền, sắc tộc như người Kinh với mái cong, người Thái với đầu hồi mái bo tròn, người Ê đê với mái vút cao hình rìu từ nhà Rông…Ngoài mái thì hình tượng nhà sàn cũng thường được lựa chon như một cách đơn giản trực tiếp nhất khi các tác giả muốn công trình của mình có tính Việt Nam. Nhà sàn vốn là một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam từ thời Đông Sơn tới đình làng Bắc bộ thời trung đại cũng như là hình ảnh chung của kiến trúc nhiều dân tộc anh em trên khắp đất nước.
Sân bay quốc tế Nội Bài
Hình 1: Sân bay quốc tế Nội Bài

Những công trình thành công theo khuynh hướng diễn hình kiến trúc truyền thống này có thể kể đến như nhà ga T13 sân bay quốc tế Nội Bài. Các kiến trúc sư đã đã khai thác và biến đổi thành công tính kiến tạo của giải pháp kết cấu, kết hợp với chuỗi liên tưởng trong tạo hình của hệ mái vát. Các yếu tố cột, giàn mái, đầu cột vát được gắn kết logic với tỷ lệ thích hợp trên tổng thể đem lại cho người xem một cảm giác quen thuộc nhưng mới lạ với vật liệu hiện đại. Bộ mái công trình tạo hình ảnh quen thuộc của kiến trúc nhiệt đới, với hiệu thị giác nổi bật của công trình. Bảo tàng Daklak4 là một thành công khác theo hướng này với sự cách điệu từ kết cấu và bộ mái của kiến trúc nhà rông Tây nguyên truyền thống.

Ưu điểm của khuynh hướng này khai thác được sự giao thoa, tương đồng giữa cấu trúc và tạo hình truyền thống với hiện đại, giữa cảm nhận quen thuộc và sự bất ngờ mới lạ. Đó không phải là sự mô phỏng trực tiếp hình thức quá khứ, mà đó là sự diễn giải, tiếp nối hợp lý và cân bằng giữa những quy thức sẵn có và sự sáng tạo của kiến trúc sư.

Tuy nhiên, hướng đi này cũng có nhược điểm, các công trình kiến trúc truyền thống thường có bố cục phân tán, tỷ xích thân thiện với con người, nên khuynh hướng này sẽ khó khăn khi tiếp cận với những công trình hợp khối, cao tầng, quy mô lớn.

2.2 Khai thác các hình tượng văn hoá của Việt Nam 

Sau thời điểm Đổi mới, môi trường thiết kế ở Việt nam có sự tham gia sâu rộng hơn của các hãng kiến trúc quốc tế và khu vực cũng như sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân lớn. Trong khi ở giai đoạn trước, phần lớn các kiến trúc sư nước ngoài làm việc tại Việt nam đến từ những quốc gia có chung ý thức hệ, thì sau Đổi mới, đặc biệt là sau năm 2000, các kiến trúc sư nước ngoài có xuất xứ đa dạng, từ nhiều nguồn khác nhau. Thế mạnh của họ là sự đa dạng, mới mẻ trong tư duy về kiến trúc và các vấn đề kỹ thuật. Dòng thác thông tin Internet và những đổi mới trong đào tạo kiến trúc ở Việt nam cũng đã làm thay đổi tư duy thẩm mỹ của thế hệ kiến trúc sư mới. Những cuộc thi kiến trúc, sự cọ sát và trao đổi đã tạo ra các góc nhìn nhìn mới mẻ và khác biệt trong việc biểu đạt truyền thống và địa phương trong công trình kiến trúc. Sự « diễn hình » của các yếu tố hoặc hình ảnh truyền thống không còn rõ ràng như ở giai đoạn trước, mà yếu tố Việt nam được biểu đạt trừu tượng hơn bằng những chủ đề văn hoá hoặc địa danh quen thuộc, phổ thông hơn. Hình khối công trình cũng hiện đại hơn, ít sử dụng những đường nét quen thuộc từ kiến trúc truyền thống như ở giai đoạn trước.

Các thiết kế theo hướng này có thể thấy ở từ chủ đề bông sen trong hình khối bảo tàng Hồ Chí Minh, chủ đề cảnh quan của Trung tâm hội nghị quốc gia5 được diễn giải với cảm hứng từ khung cảnh thiên nhiên nhiệt đới với những cảnh quan mang đậm nét văn hoá Việt Nam. Tương tự như vậy, cảnh quan của Bảo tàng Hà nội6 ở bên cạnh được diễn giải như phản chiếu lại lịch sử của Hà nội. Hình khối và bộ mái cong của Trung tâm hội nghị quốc gia đại diện hình ảnh ngọn sóng biển Đông và thắng cảnh Hạ Long. Nằm sau bảo tàng Hà nội, khách sạn JM Marriot được chủ đầu tư giới thiệu (một lần nữa) như hình ảnh con rồng thời Lý uốn lượn bên bờ vịnh Hạ Long. Toà nhà Quốc hội Việt Nam7 được diễn giải như biểu tượng của khái niệm Trời tròn, Đất vuông trong văn hóa Việt. Những phương thức đại diện này thể hiện quan điểm từ kiến trúc sư nước ngoài khi tiếp cận và sáng tạo với môi trường văn hoá địa phương. Những hình ảnh và cách diễn giải này xuất hiện ở không ít các công trình lớn.

Ưu điểm của cách diễn giải theo các chủ đề văn hoá này là có khả năng dễ chấp nhận, dễ hiểu với đại đa số công chúng và bạn bè quốc tế, những đối tượng không hiểu sâu về kiến trúc và văn hóa truyền thống Việt Nam. Mặt khác, lựa chọn các hình tượng, chủ để văn hóa có tính đại chúng như trên cũng giúp các kiến trúc sư tự do hơn, dễ dàng tạo nên các hình thức mang tính khái quát cao. Phương thức này quốc tế hoá dấu ấn địa phương, mang tính « nhận diện thương hiệu » cho công trình và chủ đầu tư. Phải khẳng định những công trình như khách sạn Marriot hay nhà Quốc hội là những công trình có chất lượng kiến trúc tốt, nhận được sự công nhận và đánh giá tốt từ giới chuyên môn và cả xã hội.

 Nhà Quốc hội Việt Nam
Hình 2: Nhà Quốc hội Việt Nam, thiết kế Cty GMP, sử dụng hình tượng Trời tròn - Đất vuông (Ảnh: Trương Ngọc Lân).
 Khách sạn JW Mariott
Hình 3: Khách sạn JW Mariott, kts C. Zapata hình tượng con Rồng (Ảnh: Trương Ngọc Lân).

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những diễn ngôn đầy màu sắc về ý tưởng kiến trúc của các tác giả, nhước điểm của con đường này là những biểu đạt trừu tượng về các yếu tố văn hoá, lịch sử và truyền thống nói trên vẫn phù hợp ở nhiều quốc gia lân cận, có sự tương đồng về văn hoá dẫ đến sự “ mờ” trong diễn đạt bản sắc riêng của kiến trúc Việt Nam đương đại.

2.3 Phát huy giải pháp tương tác cảnh quan môi trường của kiến trúc truyền thống

Khuynh hướng này chú trọng đến mối liên hệ giữa công trình và bối cảnh tổng thể của môi trường xây dựng giống với mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc và thiên nhiên trong kiến trúc tuyền thống. Khác với những công trình có ranh giới rõ ràng giữa các vùng không gian trong - ngoài, thì những công trình theo khuynh hướng này có ranh giới mờ, đề cao sự đối thoại tương tác giữa các yếu tố tự nhiên với kiến trúc. Cây xanh, mặt nước không chỉ là « cảnh » xung quanh trang trí cho công trình hay những giải pháp vi khí hậu kiến trúc, ở những công trình này cây xanh mặt nước được tích hợp tự nhiên và hữu cơ vào không gian kiến trúc.

Các công trình theo hướng này có thể kể đến như quán Cafe/Bar Gió và Nước hay học viện Viettel của KTS Võ Trọng Nghĩa. Ở các công trình này, có sự liền mạch liên tục giữa không gian nội thất và không gian ngoài nhà, giữa vật liệu nhân tạo và vật chất tự nhiên. Hoặc Saigon House của KTS Nguyễn Hoà Hiệp với những phân đoạn không gian chuyển tiếp đặc rỗng, khoảng sân trong với bóng cây, cho phép người sử dụng cảm nhận kiến trúc không chỉ bằng các yếu tố thị giác mà còn bằng toàn bộ trải nghiệm của cơ thể với đầy đủ các giác quan của mình về không gian, môi trường xung quanh và thời gian của công trình.

Cafe Gió và Nước
Hình 5 : Cafe Gió và Nước, KTS. Võ Trọng Nghĩa (nguồn: trang web công ty VTN architects).

2.4 Đổi mới kỹ thuật kiến tạo và vật liệu truyền thống

Ở quy mô nhỏ hơn, các yếu tố văn hoá xây dựng địa phương lại được khai thác sáng tạo. Trong đó, tính truyền thống được biểu đạt ở trong hai khía cạnh là tổ chức không gian và xử lý, ứng dụng kỹ thuật xây dựng của địa phương. Không sao chép hình thức cổ hoặc diễn hình cách điệu mà hướng tới phát triển nâng cấp các đặc trưng của kiến trúc Việt trong quá khứ thành một dạng thức mới có sự tiếp nối từ truyền thống. Các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, ánh sáng tự nhiên, vật liệu vốn là những thành tố quen thuộc của kiến trúc truyền thống được các kiến trúc sư vận dụng để định hình không gian của người Việt hiện đại. Không phô trương hoa mỹ với những vật liệu hiện đại, phần lớn các công trình theo nhánh này tìm cách ứng dụng các vật liệu xây dựng truyền thống qua việc kết hợp với các thành tựu kỹ thuật và công nghệ đương đại nhằm để tạo ra những dấu ấn kiến trúc Việt.

Các công trình trong hướng khai thác truyền thống này, hiện nay đang tập trung đổi mới về cách sản xuất, sử dụng vật liệu truyền thống như tre hay tường trình đất. Trước hết, các vật liệu truyền thống tự nhiên này có những ưu điểm như bền vững về sinh thái, biểu cảm cao về thời gian và cảm nhận con người về sự gắn kết dài lâu, « bắt rễ » địa điểm, trong khi với các vật liệu hiện đại gợi nên tính phổ quát, tính khoảng khắc của tương lai. Nói cách khác, vật liệu truyền thống địa phương nói lên được nơi chốn cụ thể đã sinh ra công trình. Trong khuynh hướng này, vật liệu tre được xử lý theo kĩ thuật hiện đại và các mối nối kỹ thuật mới có khả năng vượt nhịp lớn tạo hình không gian mới mẻ. Người đi đầu trong đổi mới vật liệu tre là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, các công trình của anh đã giới thiệu cách xử lý và sử dụng tre với những hình thức đã dạng, không đóng khuôn ở dạng thanh thẳng truyền thống. Từ chỗ chủ yếu đóng vai trò yếu tố chịu lực hoặc trang trí, vật liệu tre hiện đại được chuyển hoá, vừa giữ vai trò kết cấu vừa định hình không gian kiến trúc. Hình thái không gian cũng biến đổi từ các dạng đơn giản, vuông vắn sang các dạng mềm mại, linh hoạt, biểu cảm với các cấu trúc sinh động và hấp dẫn. Nhờ vậy, tre thoát khỏi thân phận vật liệu vốn chỉ dành cho công trình tạm, nhà nghèo mà trở thành biểu tượng cho tính địa phương mới, thậm chí góp phần đại diện cho cả quốc gia. Một vật liệu dân gian khác là đất được cải tiến thông qua phối trộn với các loại phụ gia polymer hoá, xi măng, vật liệu truyền thống như vôi, cát và đôi khi cả các loại vật liệu địa phương như xơ thực vật để tăng cường các tính năng cơ lý. Đất qua xử lý, bổ sung phụ gia kiểu mới với các tỷ lệ phối trộn khác nhau có thể được đưa vào xây dựng bằng kỹ thuật trình tường dân gian truyền thống để thành bê tông đất hoặc được ép thành gạch không nung. Sau khi được “làm mới” bằng những công nghệ hiện đại như trên, những cấu kiện, bức tường đất có thể chịu lực tốt hơn, bền hơn, đặc biệt là có khả năng chịu nước vượt trội, khắc phục được nhược điểm của vật liệu đất truyền thống. Không những vậy, với công nghệ mới, đất cho nhiều khả năng tạo hình bề mặt, từ thay đổi độ nhám, cấu trúc hoa văn cho đến màu sắc. Tính năng kỹ thuật và mỹ thuật của vật liệu đất được nâng lên nhiều so với đất trong xây dựng truyền thống, giúp kiến trúc sư có nhiều lựa chọn, mở rộng phạm vi sáng tạo với một vật liệu đậm chất Việt Nam để tạo ra những công trình thân thiện với môi trường, hoà đồng với cảm nhận của con người và bối cảnh xung quanh.

Không chỉ dừng lại ở vận dụng những vật liệu dân gian hữu hình như tre đá, tường trình, những công trình của một số kiến trúc sư như Hoàng Thúc Hào với những Nhà cộng đồng, những điểm trường vùng cao làm hiện hữu lên của cái tinh thần cộng đồng, sự sẻ chia gắn kết giữa con người với con người trên một vùng đất cụ thể. Những công trình đoạn Giải thưởng Kiến trúc quốc gia như Làng Mít, nhà ở Bắc Hồng hoặc Nhà tổ mối là minh chứng cho xu hướng này. Những công trình này không chỉ dừng bước ở Việt nam mà còn tạo tiếng vang quốc tế. Thành công đạt được không dựa vào mô phỏng, lặp lại yếu tố hình thức để tạo sự gần gũi thân thuộc của công trình kiến trúc. Ngược lại, các kiến trúc sư đã diễn giải sáng tạo, đưa ra những lựa chọn hợp lý trong tạo hình và xử lý không gian để tạo ra bước nhảy trong cảm nhận về tính địa phương trong kiến trúc.

Từ đó, các công trình kiến trúc có khả năng thoả mãn được những những yêu cầu mới của thời đại. Đó là sự tái-trình bày (re-present) của chất liệu kiến trúc, để làm lộ ra tính kiến tạo của không gian cũng như sự hấp dẫn tự thân của chất cảm vật liệu. Từ đó, công trình gắn kết với bối cảnh và làm nổi lên tinh thần văn hoá của địa phương. Một mặt, sự hiện diện của những vật liệu dân gian « cấp thấp » như tre, đất trong bối cảnh ngành công nghiệp xây dựng với những vật liệu kỹ thuật « cấp cao » như kính, thép mở ra những tiềm năm mới cho việc sáng tạo kiến trúc. Mặt khác, việc ứng dụng vật liệu này trong kiến trúc góp phần lưu giữ những kỹ thuật lắp dựng thủ công của người thợ dân gian, tạo ra sự gắn kết bền chặt hơn giữa con người và công trình xây dựng.

Tuy vậy bên canh những ưu điểm và tiềm năng phát huy lớn như trên, hướng đổi mới kỹ thuật kiến tạo và vật liệu truyền thống vẫn có những nhước điểm chưa dễ khắc phục trong bối cảnh hiện nay. Đó là những cản trở về pháp lý khi đưa vật liệu mới vào xây dựng, thêm nữa, các vật liệu này vẫn cần cải thiện các đặc tính kỹ thuật để đáp ứng tốt việc xây dựng các công trình quy mô lớn, nhiều tầng.

r
Hình 5: Làng Mít, đổi mới sử dụng sản xuất vật liệu đất truyền thống, KTS. Hoàng Thúc Hào ( nguồn: trang web công ty 1+1>2).

3. Kết luận

Nhìn bề ngoài, nền kiến trúc Việt Nam từ năm 1986 tới nay dường như ngày càng đi theo các xu hướng toàn cầu hóa, tiếp cận với mặt bằng kiến trúc đương đại thế giới, từ thể loại, công nghệ, vật liệu cho tới phong cách tạo hình. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tác phẩm đi theo con đường kế thừa, phát huy và làm mới các yếu tố truyền thống trong kiến trúc đương đại ở các phương thức và mức độ khác nhau. Nhiều công trình thuộc nhóm này lại có chất lượng rất tốt, được khẳng định qua nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước.

Trong gần 40 năm sau đổi mới, mạch nghiên cứu thiết kế theo hướng khai thác các yếu tố dân tộc vào kiến trúc đương đại không còn là dòng chính như thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhưng lại có những kiến giải phong phú và mới mẻ hơn. Về cơ bản những hướng tiếp cận từ hình tượng kiến trúc, hình tượng văn hóa , tương tác cảnh quan môi trường đều đã từng được thực hiện ở những giai đoạn trước . Nhưng ở giai đoạn này, cùng với sự cở mở về quan điểm sáng tác, sự phong phú của nguyên vật liệu cũng như các tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng các giải pháp thiết kế theo ba hướng trên đều đã được nâng cấp đáng kể giúp chất lượng sử dụng và thẩm mỹ nhiều công trình đạt cấp độ cao. Ba hướng phát huy giá trị truyền thống đó vẫn còn dư địa phát triển trong kiến trúc đương đại. Từ bố cục ưu tiên hướng gió mát, chú trọng đến mối quan hệ giữa công trình và cây xanh cảnh quan đến khai thác sự biểu đạt hình thức thông qua khả năng kiến tạo của hệ kết cấu công trình và các giải pháp vi khí hậu cho phép các công trình kiến trúc đại diện được mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện khí hậu của địa phương và gợi lại được bản chất của cấu trúc truyền thống.

Riêng hướng đổi mới kỹ thuật kiến tạo và vật liệu truyền thống chỉ mới được phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 21. Đây là con đường khó, còn cần phải nghiên cứu sâu hớn với sự phối hợp liên ngành của những lĩnh vực khác nhưng rất giàu tiềm năng phát triển. Tuy chỉ mới xuất hiện hơn mười năm nhưng hướng sáng tác này đã sản sinh ra nhiều công trình xuất sắc đạt những thành công lớn trên trường quốc tế, chứng minh tính đúng đắn của hướng đi. Những công trình đó có thể không phải là những gì hoành tráng nhất, quy mô nhất của các tác giả, nhưng phần nào đã được nhận diện như những đại diện cho nền kiến trúc Việt Nam mới với những nét riêng có nguồn gốc từ truyền thống. Chúng đã nói lên rành mạch nhất, kể lại một cách cảm xúc nhất về vị trí địa lý, về chiều sâu lịch sử, về chiều dày văn hoá và lối sống thường ngày của cộng đồng, của vùng đất đã sản sinh ra kiến trúc.

Việc vận dụng và khai thác những yếu tố truyền thống của kiến trúc Việt nam trong thời điểm hiện nay vẫn còn là một thách thức lớn với giới hành nghề cũng như xã hội. Có thể nói, khuynh hướng này chưa hiện diện phổ biến trong giới hành nghề cũng chưa được đa số công chúng xem như một nhu cầu cần thiết trong xây dựng. Mặt khác, trên thị trường xây dựng, tính địa phương, tính dân tộc của kiến trúc Việt vẫn được đánh giá một cách đơn giản dựa trên những dấu hiệu, hình ảnh thị giác từ hình thức của công trình. Việc vận dụng kết thừa phát triển, thậm chí, làm mới truyền thống trong kiến trúc chỉ có thể thành công nếu có một cuộc đối thoại giữa truyền thống với những đòi hỏi, những thách thức từ hiện đại. Để làm được việc khai thác và biểu đạt tinh thần Việt nam vào kiến trúc đương đại, chỉ có thế hệ kiến trúc sư Việt hiên nay và tương lai với sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá, lối sống và những nhu cầu thực tế của người Việt mới có thể làm được. Chúng ta không thể có được một thứ truyền thống chung chung hoặc bằng một công thức cụ thể để áp dụng truyền thống trong kiến trúc. Đây cũng là kết luận mà từng được các kiến trúc sư thê hệ trước như Lê Văn Lân, Nguyễn Trực Luyện từng dự báo từ cách đây hơn 30-40 năm trước đây./.

Tài liệu tham khảo

1. Đại, T. T. (1988). Các xu hướng kiến trúc ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đại học xây dựng.

2. Đức, N. D. (1999). Các khuynh hướng kiến trúc trong các công trình văn hóa ở Việt Nam từ 1975-1999. Đại học kiến trúc Hà nội.

3. Frampton, K., & Simone, A. (2015). A genealogy of modern architecture: Comparative critical analysis of built form. Lars Müller Publishers.

4. Giedion, S. (1944). Space, Time and Architecture: The growth of a new tradition. Harvard Univ. Pr.

5. Hobsbawm, E. J. (1983). Introduction: Inventing traditions. In T. O. Ranger (Ed.), The Invention of tradition (pp. 1–14). Cambridge University Press.

6. Rapoport, A. (1989). Attributes of tradition. In J.-P. Bourdier, N. AlSayyad, & International Association for the Study of Traditional Environments (Eds.), Dwellings, settlements, and tradition: Cross-cultural perspectives (pp. 77–105). University Press of America ; International Association for the Study of Traditional Environments.

7. Shils, E. (1971). Tradition. Comparative Studies in Society and History, 13(2), 122–159. https://doi.org/10.1017/S0010417500006186

8. Yi-Fu, T. (1989). Traditional: What does it mean? In J.-P. Bourdier, N. AlSayyad, & International Association for the Study of Traditional Environments (Eds.), Dwellings, settlements, and tradition: Cross-cultural perspectives (pp. 27–34). University Press of America ; International Association for the Study of Traditional Environments.

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh:booking.com).

Pháp lý xây dựng

Tổng quan về kiến trúc cổ truyền Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và cũng đa dạng về vùng miền, môi trường tự nhiên. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó là một giai đoạn lịch sử dài hàng nghìn năm đấu tranh, chống chọi với cả thiên nhiên và giặc ngoại xâm để tồn tại và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa, văn minh của dân tộc. Kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam phong phú, đa dạng về loại hình, từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống nhưng không có sự khác biệt nhiều về kết cấu.

Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam

Kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất biểu hiện rõ nét các yếu tố được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tạo dựng theo tập quán, kinh nghiệm nhiều đời theo cách kế thừa biện chứng. Việc tiếp nối nghiên cứu, từ nhận diện, đánh giá, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam tới phát huy những giá trị ấy trong phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại, đặt trong bối cảnh phát triển - hội nhập là hết sức cần thiết.

TP.HCM: Đề xuất "siêu đề án" chỉnh trang đô thị

Xây dựng đề án để di dời gần 46.500 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM là đòi hỏi cấp bách từ thực tế.

Sài Gòn đô thị và những ngành dịch vụ tiên khởi

Thử ngược dòng lịch sử để nhận ra một số ngành dịch vụ tiên khởi khi Sài Gòn chuyển mình từ thành thị phong kiến sang đô hội tân tiến. Sáu ngành dịch vụ: kinh doanh cảng, sửa chữa tàu, vận tải, viễn thông, ngoại thương và tài chính quốc tế đã tiên phong tận dụng vị trí đắc địa và ưu thế sông biển.

Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội - bảo tồn và phát huy giá trị

Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông hồ dày đặc. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan đặc trưng của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên này; trong đó cấu trúc của các dòng sông trong nội đô đóng vai xương sống cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội (sông Hồng - phía Đông, sông Tô Lịch - phía Bắc và phía Tây và sông Sét - phía Nam).

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi