Hướng tới sự phát triển bền vững của kiến trúc Việt Nam

Hướng tới sự phát triển bền vững của kiến trúc Việt Nam

(Vietnamarchi) - Chúng ta cùng tin tưởng và mong chờ vào một nền kiến trúc mà “cơ thể” của nó được kiện toàn bởi các tiêu chuẩn xanh, “linh hồn” của nền kiến trúc ấy được dẫn dắt bởi một hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Ở đó, người thiết kế được tạo điều kiện thoả sức sáng tạo bởi các nền tảng pháp lý tường minh. Xác định được các mục tiêu để cùng hành động, chúng ta cùng bước vào một mùa xuân vươn mình của đất nước, mùa xuân mới của kiến trúc Việt Nam.
09:00, 25/01/2025
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương - Trưởng khoa Nội thất & Mỹ thuật công nghiệp - Đại học Kiến trúc Hà Nội

“Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”
Nguyễn Duy

Cũng như cơ thể con người ta, kiến trúc muốn phát triển khoẻ mạnh, bền vững đều cần đầy đủ cả hai yếu tố: vật chất (phần xác) và tinh thần (phần hồn). Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tính bền vững như một xu hướng tất yếu liên quan tới năng lượng, môi trường. Xu hướng kiến trúc xanh với nhiều tiêu chuẩn về công trình xanh được nhập khẩu và có cái đã nội địa hoá giúp giới thiết kế nước nhà có nhiều điểm tựa khoa học để kiện toàn “phần xác” của các công trình. Tuy nhiên để nuôi “phần hồn” của kiến trúc Việt, ta cần nhiều hơn thế - một hệ thống lý luận thiết thực cho giới KTS. Bên cạnh đó, ở Việt Nam bây giờ, kiến trúc tốt và bền vững chỉ có thể có được khi chúng ta có những quy định pháp quy, chế độ đãi ngộ thoả đáng cho giới thiết kế “cha đẻ” của các công trình.

Các tiêu chuẩn kiến trúc xanh đã và đang giúp kiến trúc Việt Nam kiện toàn phần xác

Một loạt các tiêu chuẩn kiến trúc, công trình xanh hiện hành như LOTUS (Việt Nam), LEED (Hoa Kỳ), EDGE (World Bank), WELL (Hoa Kỳ)… chỉ dẫn và đề cập tới các vấn đề về năng lượng, môi trường, sức khoẻ, con người, là những công cụ hết sức tường minh, cụ thể giúp các KTS Việt Nam đã và đang cho ra đời nhiều công trình với lớp vỏ cũng như các bộ phận chức năng ngày càng chuẩn hoá. Các nhà thiết kế dường như phải vất vả hơn nhiều khi chưa có các tiêu chuẩn này trong việc cân đối giữa công năng và thẩm mỹ. Các quy định được định lượng hoá các yếu tố và thông số kỹ thuật của công trình ngày càng được đòi hỏi ngặt nghèo hơn. Các vấn đề kỹ thuật như, thông gió, chiếu sáng, cấp khí tươi, tái sử dụng nước thải, năng lượng tái tạo… dường như đã dành hết thời gian sáng tác của các KTS. Có thể nói rằng các tiêu chuẩn xanh đã giúp chúng ta kiện toàn về mặt cấu trúc vật chất của công trình. Cơ thể kiến trúc Việt ngày càng tiến bộ văn minh hơn, tiệm cận với kiến trúc quốc tế. Nói cách khác, bối cảnh hội nhập sâu rộng giúp chúng ta có đủ lựa chọn tốt nhất về vật liệu, trang thiết bị, công nghệ xây dựng… Cơ hội văn minh hoá, quốc tế hoá ở khía cạnh vật chất của công trình lại đặt ra những thách thức trong việc kiến tạo các giá trị bản sắc, phong cách - phần hồn của kiến trúc.

Như đã nói trên, các tiêu chuẩn kiến trúc xanh đã và đang giúp kiến trúc Việt Nam kiện toàn phần xác, tuy nhiên sau nhiều năm kể từ ngày thống nhất đất nước, nền kiến trúc của ta dường như vẫn đang tìm kiếm diện mạo và tinh thần riêng cho mình. Bên cạnh những tác phẩm kiến trúc được xem là thành công được ghi nhận qua các giải thưởng, tình trạng kiến trúc có nội dung và hình thức được vay mượn một cách kệch cỡm vẫn diễn ra tràn lan. Các loại lâu đài, biệt phủ hay các công sở nệ cổ giả trang kiểu kiến trúc Pháp vẫn mọc lên với một tốc độ khó kiểm soát. Điều này phản ánh đúng trình độ nhận thức xã hội và vị trí của kiến trúc Việt Nam. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có thể nhắc tới một nguyên nhân sâu xa là kiến trúc Việt Nam chưa xây dựng được cho mình một hệ thống lý luận để định hướng, chỉ đường cho các kiến trúc sư hành nghề. Công tác lý luận phê bình kiến trúc ở ta còn thiếu và yếu. Ngành lý luận phê bình kiến trúc không thấy xuất hiện ngay từ các cơ sở đào tạo cho tới các chức danh nghề nghiệp. Thiếu lý luận, kiến trúc của chúng ta đã phát triển một cách khá tự phát với những bước đi dò dẫm trong hiện tại thiếu quan tâm thỏa đáng cho tương lai.

Nhiều tác phẩm đã lấp lánh hồn cốt, nhen nhóm một tinh thần Việt Nam đương đại

Tuy nhiên với điều kiện và tốc độ của một quốc gia đang phát triển, cơ hội thực hành nghề kiến trúc tại Việt Nam vẫn rất lớn. Sau nhiều bài học, trả giá trên thực tế gần đây, qua các diễn đàn, giải thưởng kiến trúc, chúng ta vẫn nhận thấy nhiều tác phẩm lấp lánh hồn cốt, nhen nhóm một tinh thần Việt Nam đương đại. Phong cách kiến trúc Việt Nam chắc chắn sẽ được hình thành khi nó được thiết kế bởi nhiều thế hệ kiến trúc sư Việt Nam trên mảnh đất này. Tuy nhiên, thiếu sự dẫn dắt của lý luận thì con đường tìm về bản sắc và hình thành phong cách như xa hơn, dài hơn. Việc tồn tại nhiều kiến trúc “vô hồn” hay “hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng là điều dễ hiểu. Được biết gần đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã được giao và thực hiện các đề tài cấp nhà nước về lý luận phê bình và kiến trúc truyền thống… Hy vọng chúng ta sẽ tận dụng tốt cơ hội này sớm ban hành những tài liệu có tính định hướng, những cẩm nang có tính nền tảng làm bệ đỡ cho giới kiến trúc sư vững bước.

Một nền kiến trúc khỏe mạnh trước hết cần dựa vào những “bộ khung” pháp luật tường minh và đúng đắn. Tiếc rằng hiện nay rất nhiều quy định chưa đầy đủ và không còn phù hợp, khiến việc trả công cho kiến trúc sư nhiều khi chưa xứng đáng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự án xây dựng. Như ta biết, hiển nhiên chất lượng của một công trình phụ thuộc vào phần lớn ở không gian bên trong, tiện nghi hoàn thiện cũng như đồ đạc nội thất - tức là nội thất của công trình. Thực tế hiện nay, các khái niệm nội thất, thiết kế nội thất, phí thiết kế nội thất, định mức đơn giá nội thất... hầu như vắng bóng trong các quy định pháp quy. Các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công vì thế rối ren khi xây dựng, gây nhiều lãng phí. Bên cạnh đó, việc phân bổ tỷ lệ thiết kế phí giữa giai đoạn lập bản vẽ thiết kế cơ sở và bản vẽ kỹ thuật thi công cũng đang lệch lạc, không tạo điều kiện thỏa đáng cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn lập dự án, dẫn đến nhiều hệ lụy sau này khi dự án đã được phê duyệt. Các quy định vừa không phù hợp vừa thiếu nêu trên tồn tại một cách khó hiểu trong một thời gian dài, cản trở trực tiếp tới sự phát triển trong hành nghề và thành quả của kiến trúc Việt Nam. Vấn đề bức xúc này cần được sớm cải thiện để tạo thuận lợi trong hành nghề và tạo cơ hội cho kiến trúc - nội thất Việt Nam cất cánh.

Linh hồn của nền kiến trúc Việt sẽ sớm được dẫn dắt bởi một hệ thống lý luận hoàn chỉnh

Gần 50 năm từ ngày đất nước thống nhất, kiến trúc Việt Nam đã có những bước phát triển ngày càng tiệm cận với vị thế cần có. Khai thác các thành tựu đạt được, sàng lọc loại bỏ các hướng phát triển còn lệch lạc, lý luận kiến trúc Việt Nam sắp ra đời và sẽ liên tục được hoàn thiện giúp nền kiến trúc sớm đậm đà hồn cốt dân tộc. Các tiêu chuẩn, quy định pháp luật xây dựng cần được cập nhật, bổ sung tiến kịp với nhịp điệu của thực tiễn sẽ tháo gỡ các trói buộc, tạo thêm các điều kiện, động lực để kiến trúc sư Việt Nam có môi trường hành nghề trong sạch, lành mạnh. Chúng ta cùng tin tưởng và mong chờ vào một nền kiến trúc mà “cơ thể” của nó được kiện toàn bởi các tiêu chuẩn xanh, “linh hồn” của nền kiến trúc ấy được dẫn dắt bởi một hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Ở đó, người thiết kế được tạo điều kiện thoả sức sáng tạo bởi các nền tảng pháp lý tường minh. Xác định được các mục tiêu để cùng hành động, chúng ta cùng bước vào một mùa xuân vươn mình của đất nước, mùa xuân mới của kiến trúc Việt Nam./.

Pháp lý xây dựng

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) ...cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”... Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được. Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy. Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác. 

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi