Hội thảo quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”
Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Ninh Bình có các Đ/c: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Đ/c Mai Văn Tuất, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng các ĐC Uỷ viên Ban thường vụ tỉnh uỷ, lãnh đạo các sở, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh, doanh nghiệp, hộ gia đình đang sinh sống trong nhà truyền thống trong vùng di sản.
Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao; các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các Ban Quản lý Di sản Thiên nhiên thế giới của Việt Nam…
Tràng An là một vùng đất cổ, có chiều sâu của lịch sử, chiều rộng của không gian, chiều dài của quá trình cư trú của con người. Thế kỷ X, vùng đất này là kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền Đại Việt (968 -1010) với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản" nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản của vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan và văn hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho rằng: Hội thảo khoa học quốc tế "Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An" đóng góp quan trọng để nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, tập hợp được khối tư liệu, hình ảnh lớn về nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Tràng An. Thông qua lợi thế của các phương thức tiếp cận mới, các báo cáo khoa học làm rõ hơn công tác nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản, có được những bài học kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam, góp phần bảo tồn giá trị thiên nhiên và văn hóa trong khu vực vùng lõi của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học để phục vụ việc tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học nhằm tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch tại khu Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận chuyên sâu, tâm huyết của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học trong nước và quốc tế, tập trung vào 3 nội dung: Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An, kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam; Xây dựng tiêu chí và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Tràng An làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc, đặc trưng riêng có của di sản; Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống, giữ gìn cảnh quan khu Di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.
Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng Đô thị Cố đô - Di sản nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa. Do vậy, ông Bùi Văn Mạnh cho rằng, "việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích".
Từ thực tế đó, hội thảo đặt ra 3 yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm. Một là, cần khuyến khích bảo tồn nhà cổ, giữ gìn làng quê truyền thống. Hai là, giữ gìn môi trường định cư truyền thống và tạo sinh kế cho người dân trong vùng Di sản. Ba là, cần xây dựng tiêu chí và hồ sơ nhà cổ vùng lõi Di sản Tràng an, lồng ghép trong các quy hoạch bảo tồn và phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Ý kiến của bạn