
Hà Nội cấm xe máy xăng: Kiến tạo không gian kiến trúc xanh cho nội đô
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Phấn đấu từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Sơ đồ đường Vành đai 1, Hà Nội. Design: Amy Nguyễn.
Từ khi Chỉ thị ban hành đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Thực tế cho thấy trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, công tác phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Lộ trình được đưa ra là lời khẳng định quyết tâm cùng với kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trụ cột quan trọng, không thể tách rời, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Mọi hoạt động của nền kinh tế xã hội đều đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Không chỉ ở Việt Nam, hiện nay tăng trưởng xanh trở thành xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Đã có nhiều quốc gia phát triển đưa ra lộ trình về việc hạn chế xe xăng, xe chạy bằng động cơ đốt trong tham gia giao thông vào các tuyến đường của thành phố.
Cụ thể, đầu năm 2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên minh châu Âu từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu. Hay tại Na Uy, đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới chỉ bán xe điện từ năm 2025. Để điện hóa giao thông đường bộ, Na Uy đã thực hiện chính sách hoàn thuế cho xe điện, giúp chúng có giá cạnh tranh so với xe chạy bằng xăng dầu. Ngoài ra còn một số ưu đãi khác cho xe điện như: miễn phí thuế đường nội thành, đỗ xe miễn phí, cũng góp phần giúp Na Uy tiến gần hơn đến việc loại bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Thủ đô Jakarta của Indonesia, từ năm 2014 đã thử nghiệm cấm xe máy đi vào 2 trục đường chính của thành phố để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, lệnh cấm kéo dài 1 tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2015, sau 1 tháng thử nghiệm Jakarta áp dụng lệnh cấm xe máy ở một số khu vực và tuyến đường trung tâm nơi có hệ thống mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả. Cùng với lệnh cấm xe máy chính quyền tăng cường thời gian hoạt động của các tuyến xe bus và bổ sung thêm số xe bus, tuy nhiên việc có quá nhiều ô tô cá nhân vẫn khiến tắc đường xảy ra.
Tại thành phố Bắc Kinh bắt đầu cấm xe máy từ năm 1985. Thành phố Quảng Châu bắt đầu cấm xe máy năm 2006 và chỉ cấm trên một số tuyến chính, đến đầu năm 2007 Quảng Châu cấm hoàn toàn xe máy trong trung tâm thành phố. Để phục vụ nhu cầu đi lại, chính quyền thành phố Quảng Châu đã đưa vào sử dụng các loại xe bus nhỏ, phù hợp với các tuyến phố nhỏ nơi mà trước đây chỉ có xe máy mới có thể lưu thông. Sau một thời gian áp dụng, thành phố có khoảng 50% người dân sử dụng xe máy đã chuyển sang xe bus, ô tô, xe đạp và đi bộ. Cũng trong giai đoạn này một số hội chợ việc làm được mở ra nhằm giúp đỡ tìm việc làm cho người chạy xe ôm hay những người sử dụng xe máy để vận chuyển ổn định sinh kế.
Thúc đẩy kiến trúc xanh cho đô thị
Trong những năm qua, thủ đô Hà Nội luôn được biết đến là đô thị có chỉ số ô nhiễm không khí cao, chất lượng không khí xấu kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thêm vào đó là áp lực phát triển của các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, mật độ dân cư đông, lượng phương tiện sử dụng xăng, dầu ra tăng hàng ngày càng khiến vấn đề ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Trong hoàn cảnh đó, một đô thị xanh, không khí trong lành là mục tiêu phải hướng tới, ở đó các khu đô thị có môi trường sống xanh trong một tổng thể kiến trúc xanh được sắp xếp hài hòa và được quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị.
Chia sẻ về chủ trương của Chính phủ và Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhung sinh sống ở phường Giảng Võ, TP Hà Nội cho biết: "Tôi ủng hộ chủ trương này, đó là những giải pháp đột phá mang tính chiến lược để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, thực hiện được điều này sẽ tạo nên không gian xanh, thành phố sạch, không bị ô nhiễm bởi khói bụi và tiếng ồn. Tuy nhiên, để thực hiện được nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân chúng tôi chuyển đổi từ sử dụng xe xăng sang xe điện, chính sách trợ giá mua xe điện. Miễn phí hoặc hỗ trợ người dân thành phố tham gia các phương tiện công cộng, xây dựng các điểm trung chuyển, các điểm trông giữ xe ở khu vực xung quanh trước khi vào khu vực vành đai bên trong”.
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nói về vấn đề cấm xe xăng vào nội đô, câu chuyện này đã được nói đi nói lại nhiều lần. Điều quan trọng là cần có lộ trình gắn với giải pháp tổng thể như thế nào? đảm bảo vấn đề về môi trường đồng thời hài hòa với lợi ích của người dân ra sao? Đó là những bài toán cần có lời giải cho một đô thị xanh.
"Từ năm 2017, Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ (theo Nghị quyết số 04 được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 4/7/2017). Điều này nhằm siết lại hoạt động của các phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe gắn máy, ô tô đây là chủ trương đúng để tiến tới xây dựng một thủ đô có kiến trúc văn minh hiện đại. Nhưng cách thức như thế nào để đạt được điều này là một trăn trở, việc sử dụng xe máy xăng đã đi sâu vào tiềm thức, đi sâu vào đời sống người dân hàng ngày, họ sử dụng xe máy để kiếm sống. Khi đặt ra yêu cầu cấm cần phân tích rõ sẽ ảnh hưởng tới đời sống xã hội, cần đưa ra được những kịch bản sát thực tế đời sống". Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Hiện nay khi tham gia giao thông, ngoài mối lo về lượng xe máy thì lượng ô tô cũng chiếm khá nhiều trên những tuyến đường vốn chật hẹp, các phương tiện chủ yếu là phương tiện cá nhân, lượng phương tiện công cộng còn hạn chế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về giao thông phải là giải quyết bài toán tổng thể, gồm cả hạ tầng giao thông, hệ thống phương tiện hành khách công cộng, điểm kết nối, bãi xe... đảm bảo sự thông suốt giữa trong và ngoài vành đai, luôn có sự liên kết với nhau và tạo sự thuận lợi nhất cho người dân.
Hà Nội đặt ra lộ trình cấm xe máy trong vành đai 1 cùng thời điểm sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường điều này sẽ tạo ra không gian phát triển rộng lớn theo hướng kiến trúc xanh. Thúc đẩy và lan tỏa không gian sống gắn với bảo vệ môi trường một cách thống nhất và có độ bao phủ rộng khắp trong nội đô.
Lộ trình cấm xe máy vào thời điểm này sẽ tạo cơ hội để Hà Nội khai thác quản lý sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả và bền vững, tạo nên sự đột phá về tăng trưởng. Từ đó mở ra cơ hội cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiến trúc theo hướng kết nối, liên thông giữa các vùng một cách chặt chẽ. Đây cũng là tiền đề cho những công trình kiến trúc xanh. Ở đó có công trình nhà ở, công trình công cộng, các công trình văn hóa, giáo dục, y tế… gắn với kiến trúc đô thị xanh, sạch đẹp, góp phần hình thành một đô thị phát triển một cách bền vững và đáng sống.
Ý kiến của bạn