Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh Ngành Xây dựng
Tại Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhìn từ góc độ thúc đẩy phát triển công trình xanh, Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn số liệu đáng chú ý, đó là các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ carbon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình.
Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.
Ông Thịnh nhận định, công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Tính đến hết Quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng chỉ ra thực tế, cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản, những áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng. Cụ thể, về cơ chế, chính sách cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa carbon.
Về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh… Đẩy mạnh việc tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Đưa các kiến thức chuyên môn về xanh vào đào tạo, giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề lĩnh vực xây dựng để giảng dạy cho sinh viên, học viên.
Ý kiến của bạn