Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(Vietnamarchi) - (KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.
22:15, 20/10/2024

CÁC YẾU TỐ NHẬN BIẾT CẢNH QUAN ĐÔ THỊ 

Cảnh quan đô thị (urban landscape) là thuật ngữ nhánh của Kiến trúc cảnh quan (Landscape architecture) do Gilbert Laing Meason sáng tạo năm 1828. Người đưa Kiến trúc cảnh quan lên như một nghề, một lĩnh vực độc lập là Frederick Law Olmstead năm 1863, được coi như cha đẻ của Kiến trúc cảnh quan Bắc Mỹ, tác giả của Central Park New York.

Cảnh quan đô thị là một khung cảnh đô thị cho các hoạt động và tương tác của con người với môi trường bao quanh, được đặc tính hóa bởi môi trường vật lý, môi trường tự nhiên hay nhân tạo trong các điều kiện kinh tế-văn hóa, xã hội và sinh thái nhất định, được nhận biết và cảm nhận một cách nghệ thuật và khoa học. Nhận biết cảnh quan đô thị qua các đặc tính và sự phân biệt các đặc tính ấy, qua tính duy nhất được nhận biết của một địa điểm, bởi không có cảnh quan đô thị nào là giống nhau, chúng chỉ tương tự nhau thôi.

Phố cổ Đinh Liệt 

Các yếu tố nhận biết cảnh quan đô thị đầu tiên là ý nghĩa, tức là những thông tin về nội dung, hình ảnh đặc trưng, hình tượng biểu hiện hay các khái niệm được truyền tải qua dấu hiệu (signs), ẩn dụ (metaphor) và mã hiệu (code) cho người quan sát. Thứ đến là các yếu tố văn hóa, được hiểu là các phong tục, tập quán, lao động sinh kế hay tín ngưỡng, truyền thống và hệ giá trị của cộng đồng. Cuối cùng là dấu ấn thời gian, tức những giá trị, ký ức hay hình ảnh đặc trưng liên kết xưa-nay, cũng như khả năng bảo tồn và phát triển các vết màu thời gian ấy.

Cảnh quan đô thị được chú ý đầu tiên là vẻ đẹp của cảnh quan, đó là mục đích đầu tiên được hướng đến: mục đích thẩm mỹ, dẫu không phải là quan trọng nhất nhưng thường là đầu tiên. Thẩm mỹ cảnh quan phụ thuộc vào kinh nghiệm thẩm mỹ, là một quá trình tích hợp, nhận thức, khuôn đúc kiến thức và đánh giá được các giá trị cảnh quan. Có hai loại tiếp cận thẩm mỹ cảnh quan: tiếp cận chủ quan và tiếp cận khách quan. 
Cảnh quan đô thị không chỉ là cái để nhìn, mà còn là cái để dùng, tức công năng của cảnh quan đô thị. Cảnh quan đô thị đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người dân. Một cảnh quan đô thị có chất lượng là cảnh quan đô thị có chất lượng thị giác, có công năng hợp lý, dễ tham nhập, đa dạng, an toàn và dễ quản lý. 

Tính duy nhất được nhận biết của một địa điểm tạo nên bản sắc của cảnh quan. “Bản sắc cảnh quan là đặc tính không gian của cảnh quan, được đánh giá về thực thể vật lý, được phân tích tùy theo quan điểm đặt ra”- Ergoz 2003. Bản sắc cảnh quan có thể là “một khu vực mà con người có thể nhận biết hay nhớ lại một địa điểm được phân biệt cái này với cái kia” - Kevin Lynch. Đó là mục đích nhận biết hay bản sắc của cảnh quan đô thị. Cảnh quan đô thị luôn năng động và biến đổi, sự nhận biết công cộng về đô thị được đan quyện với sự tưởng tượng về cảnh quan đô thị.

Cảnh quan sông Tô Lịch

Sinh thái học cảnh quan nghiên cứu tính bền vững của cảnh quan đô thị. Sinh thái học cảnh quan nghiên cứu sự tương tác phức tạp giữa các quần thể sinh học và điều kiện môi trường, tập trung giải thích các mẫu thức không gian (spatial patterns), là một giao thoa của nhiều môn khoa học. Nội dung nghiên cứu chính của Sinh thái học cảnh quan là cấu trúc cảnh quan, chức năng, hình dạng, nguồn gốc và sự biến đổi hình thái cảnh quan (R.Forman & Gordon 1986). 

Sinh thái học cảnh quan đô thị nghiên cứu sinh thái học trong đô thị và cải thiện quan hệ giữa mẫu thức cảnh quan đô thị và quá trình sinh thái, nhằm đạt được sự bền vững. Sinh thái học cảnh quan đô thị dựa vào mô thức đô thị hóa, tác động của đô thị hóa và sự bền vững của đô thị.

Cảnh quan đô thị Hà Nội từ thuở định đô đã “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính là giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” - Bản dịch của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Hà Nội, 1993). GS Trần Quốc Vượng đưa ra khái niệm “Thành phố sông hồ” để nghiệm nhận về đặc cảnh địa trạch Hà Nội, từ đó đề xuất sơ đồ “Tứ giác nước” như một cách tư duy về địa thế Thăng Long - Hà Nội. 

Nhìn xa thì Thăng Long có “thế trước sau” là Sông Nhị Hà - Núi Tản, nhìn gần thì “Thăng Long tứ trấn”: trấn Đông là đền Bạch Mã, trấn Tây là đền Voi Phục, trấn Bắc là đền Quán Thánh, trấn Nam là đền Kim Liên, địa cảnh và thế cảnh đúng là “nơi thắng địa”.

Qua hơn nghìn năm, Thăng Long - Hà Nội hình thành với các loại cảnh quan đô thị rõ nét: cảnh quan phố, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan phong cảnh và cảnh quan làng đô thị. Các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc đã định đô ở Thăng Long nhưng bóng dáng kinh kỳ nay chỉ còn lại những di tích, mà phần lớn nằm dưới lòng đất. Phần Thành chỉ còn trong ký ức, phần Thị còn lại ở phía Đông kinh thành, nay là khu “36 phố phường”, một đặc trưng của cảnh quan phố Hà Nội. Cảnh quan phố Hà Nội được làm giàu hơn với các khu phố Hà Nội thời thuộc địa, hình ảnh đặc trưng là các khu phố phía Đông Nam Phủ Chủ tịch và Đông Nam Hồ Gươm. 

Phố Phan Đình Phùng

Cảnh quan thiên nhiên Hà Nội là cảnh quan các hồ như Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Bảy Mẫu…, cảnh quan ven các sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ… Xưa Hà Nội còn có “rừng lim Tây Hồ” phía Bắc, đầm hồ Liên Thủy, Thể Giao, Thiền Quang phía Nam, sông Tô Lịch còn xuyên qua phố cổ rồi hợp với Nhị Hà.

Cảnh quan phong cảnh là các vườn hoa đô thị và công viên. Các vườn hoa đô thị chủ yếu tập trung ở quận Hoàn Kiếm, trước ngày thống nhất đất nước Hà Nội chỉ có 3 công viên lớn là Bách Thảo, Thống Nhất và Thủ Lệ, một con số rất khiêm tốn cho một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Kẻ Chợ kinh kỳ Hà Nội vốn là một làng như nhà sử học Lê Văn Lan gọi là - “Hương Long Đỗ-Làng Tô Lịch” (Hà Nội thời tiền Thăng Long, Lê Văn Lan; Sách Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Vĩnh Phúc chủ biên; NXB Trẻ). Con sóng đô thị hóa có biến Hà Nội hiện đại đến mức nào thì cái hồn quê đất làng vẫn còn hiển linh ở cổng làng, chùa làng, đình làng Hà Nội. Con đường nhỏ lát đá, một mép ao hồ, một nét cong mái đình thấp thoáng… là những đặc cảnh của làng đô thị Hà Nội, tồn tại song hành cùng phố xá cao sang, đường rộng hè thoáng, người xe tấp nập trong đô thị hiện đại Hà Nội.

NHẬN DIỆN CẢNH QUAN ĐÔ THỊ HÀ NỘI

Lý luận cảnh quan phân cảnh quan thành hai loại. Phân loại theo bản chất của cảnh quan và phân loại theo công năng và hình thức cảnh quan. Phân loại theo bản chất là cảnh quan vườn, cảnh quan đô thị, cảnh quan phong cảnh và cảnh quan rộng. Phân loại theo công năng và hình thức thì có cảnh quan vườn, cảnh quan công viên, cảnh quan quảng trường, cảnh quan đường phố và cảnh quan ven bờ. Phần lớn các thể loại này đều nằm trong cảnh quan đô thị. Cảnh quan đô thị là loại cảnh quan phức tạp, nội hàm nhân văn nhiều hơn vật thể, phần lớn là cảnh quan nhân tạo hoặc có tác động của con người.

Cảnh quan đô thị thiên về các nhận thức và thiết kế thị giác, nhận thức và thiết kế cấu trúc, hoạt động và hệ thống cảnh quan. Nhận thức thị giác là nhận thức hệ thống hình ảnh, chuyển đổi hình ảnh, hình ảnh đặc trưng cùng ý nghĩa và thông điệp của hình ảnh. Nhận thức cấu trúc là nắm được hình thái cấu trúc của khung không gian, nắm được các yếu tố tác thành tổ hợp, hình dạng hay biến dạng cảnh quan cùng các vật thể, vật liệu kiến tạo không gian cảnh quan. Nhận thức và thiết kế hoạt động cảnh quan là hiểu được việc sử dụng cảnh quan. Đối với cảnh quan đô thị thì các đặc tính nhân văn, văn hóa và truyền thống của hoạt động cảnh quan là quan trọng. Nhận thức về hệ thống cảnh quan là hiểu được căn nguyên của sự biến đổi hệ thống cảnh quan, nắm được các lực tương tác giữa hệ thống cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo. Trực diện và ấn tượng của nhận thức cảnh quan vẫn là hình ảnh thị giác.

Quảng trường Cách mạng Tháng 8

Hà Nội như nhận định của GS Trần Quốc Vượng là “thành phố sông hồ”. Hai hình thái đặc trưng của Hà Nội là phố và làng cộng sinh và tương tác nên cảnh quan đô thị Hà Nội có thể được nhận thức theo các nội dung hình ảnh, cấu trúc, nhịp điệu và tầng xuất hoạt động, cũng như hệ thống tương tác cảnh quan theo các loại cảnh quan đô thị sau: Cảnh quan phố Hà Nội; Cảnh quan vườn, công viên Hà Nội; Cảnh quan hồ Hà Nội; Cảnh quan ven sông Hà Nội; Cảnh quan làng đô thị Hà Nội.

Cảnh quan phố Hà Nội

Cảnh quan phố Hà Nội được đặc trưng bởi hình ảnh các con phố, cấu trúc không gian phố, nhịp sống và tầng xuất của các hoạt động, hệ thống hình ảnh cảnh quan liên kết và kiến lập đặc trưng như thế nào.

Cảnh quan phố cổ là đặc trưng và khác biệt nhất của cảnh quan phố Hà Nội. Đó là một chuỗi hình ảnh liên tục, quanh co của nhà cửa lô xô, nhấp nhô, mái xiêng mái bằng, nhà ta, nhà tàu, nhà tây xen lẫn. Trước đã vậy, bây giờ cũng thế. Đó là hình ảnh những con phố nhỏ thương mại liên tiếp các loại cửa hàng. Phố không lớn, vừa tầm nhân cảm. Ngắt đoạn cái liên tục nhà cửa đó là một ngôi đền, một cửa chùa, một cổng sót còn vấn vương chuyện xưa, tích cũ hay một ngã tư ngã ba bất chợt. Mô thức cảnh quan của phố là ngôi nhà - cửa hàng - con đường. Phần lớn các con phố nhỏ đó là vô định, các điểm nhớ là điểm thân quen phi vật thể nên người lạ dễ lạc.

Phó Bà Triệu

Thẩm mỹ cảnh quan phố Cổ Hà Nội được thẩm cảm qua chất gần gũi, dân dã và vô thường. Cái đẹp hiện ra bởi sự đa dạng của hình thể và sự bất ngờ thị giác. Giá trị nghệ thuật cảnh quan 36 phố phường sẽ không chuyển tải được hết qua một bức ảnh, một khung tranh bởi như vậy đối tượng nằm ngoài cảnh quan. Vì vậy nhận cảm thẩm mỹ phố Cổ cần đến trải nghiệm cảnh quan mới thẩm cảm hết giá trị. 

Không có giới hạn khung hình, không chỉ một điểm nhìn, trải nghiệm cảnh quan phố Cổ linh hoạt, liên tục và luôn động để nhận ra sự khác biệt của hai mặt nhà; phát hiện cái lạ của một góc phố, cảm nhận được hương vị của bát chè hoa cau hay tô phở tái nạm. Những mái ngói rêu phong, vài cửa hàng xưa cũ, tên con phố ngõ phố, một góc phố café chè mạn… đều có những thông điệp thời gian, chuyện đời huyền tích hay lịch sử. Tô Tịch tiện gỗ, Hàng Đào nhuộm điều, Hải Tượng làm giầy… nhận được những thông điệp này, cái đẹp của những con phố thêm đẫm sắc màu thời gian. Thẩm mỹ không chỉ là những cái nhìn thấy mà cả những điều nhận biết.

Phố Cũ thời Pháp thuộc là một dạng thái khác của cảnh quan Hà Nội. Các con phố dạng bàn cờ, các tuyến phố chính đều có điểm đích, đầu hoặc cuối. Các điểm chuyển tuyến đều có không gian mở, ở các điểm đích thường có những công trình kiến trúc đủ tầm khống chế không gian…một cấu trúc đô thị phương Tây được người Pháp xây dựng ở Hà Nội. Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ một đầu là Nhà hát Lớn, đầu kia là Phủ Toàn quyền, bây giờ là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm chuyển là các vườn hoa Cửa Nam, trước đây khá lớn, bây giờ nhỏ hẹp. Phố Lý Thường Kiệt có Đại học Tổng hợp và vườn hoa Tao Đàn. Phố Trần Hưng Đạo có Ga Hàng Cỏ. Tuyến Hàng Bài - Phố Huế - Bạch Mai có Hồ Gươm, Nhà Godard, Chợ Hôm - Chợ Mơ. 

Cảnh quan phố có phối cảnh trực tuyến, rõ ràng và thoáng đãng. Mô thức cảnh quan ở phần lớn các con phố là biệt thự - hè phố - cây xanh - đại lộ (boulevard/avenue). Thẩm mỹ của mô thức cảnh quan này nằm ở sự sang trọng, chuẩn mực và quy củ. Hình ảnh đặc trưng cảnh quan phố là dải cây xanh hai bên đường tụ về một công trình kiến trúc điểm nhấn hay một khoảng mở xanh đô thị. Thấp thoáng sau dãy cây xanh là biệt thự hoặc nổi bật vài cao ốc mới xây.

Phố Phan Đình Phùng đẹp lãng mạn nhất Hà Nội đâu chỉ bởi hàng cây sấu trăm năm tuổi mà còn vì cấu trúc phố rất chuẩn mực về cảnh quan đô thị. Đầu cầu Long Biên, tháp Hàng Đậu, vườn Vạn Xuân, trường THPT Phan Đình Phùng, vườn Mai Xuân Thưởng, vườn Lý Tự Trọng. Những mốc kiến trúc cảnh quan trên tuyến làm nên đặc trưng cảnh quan của con phố. Tích đọng đặc trưng cảnh quan của những con phố kết thành “địa tầng” bản sắc của phố Hà Nội. Đặc trưng cảnh quan là một phương tiện nhận diện bản sắc đô thị rõ ràng và trực diện nhất.

Các phố mới ở phía Tây và Đông Hà Nội là những con phố khang trang, rộng rãi nhưng đặc trưng cảnh quan mờ nhạt. Các phố mới phía Tây Hà Nội có nhiều cao ốc - điểm nhấn cảnh quan, có đường cao tốc vành đai 3 trên không, có những con đường rộng 6-8 làn xe nhưng cảnh quan đô thị chưa được thiết kế đúng với tốc độ nhận thức cảnh quan. Vẫn chỉ là những trang trí tiểu cảnh, những hàng cây bóng mát, thiếu vắng những ý tưởng và thủ pháp tạo hình cảnh quan phù hợp cho các đối tượng tham gia giao thông. Người đi bộ trên vỉa hè thì tiếp cận cảnh quan tiểu cảnh và chi tiết, trường nhìn rộng và linh hoạt. Người lái xe nhìn hạn hẹp hơn, thời gian nhận biết một sự kiện, sự vật ngắn ngủi hơn nên tiếp cận cảnh quan tổng thể và điểm nhấn là chính. Các phố mới phía Đông Hà Nội vẫn là những con phố khu biệt, không dễ tiếp cận. Thẩm mỹ cảnh quan vọng ngoại nên khó đóng góp đặc trưng cảnh quan cho đô thị Hà Nội.

Cảnh quan đô thị Hà Nội hiện đại đặc trưng nhất vẫn là các phố hoa. Ở những con phố tĩnh lặng, bên trong các phố lớn, những ngôi nhà, hàng rào cái ngõ lặng lẽ bên nhau, bất chợt hiện ra một giàn hoa giấy rực rỡ ngũ sắc thả mình trước cổng, một tán hoa muồng vàng óng ánh trong nắng chiều, một thế cây lộc vừng cánh đỏ rơi rơi bên hồ Hoàn Kiếm, một sắc tím bằng lăng đơn độc góc Phố Cổ…những biến dị cảnh quan tạo nên vẻ đẹp cảnh quan đô thị đến ngỡ ngàng, xao xuyến với một chút ngơ ngác khó quên. Rồi tháng ba cuối xuân sắc tím hoa ban nhuộm phố Hoàng Diệu; đầu hạ hoa sấu trắng trời trên phố Phan Đình Phùng. Đường Thanh Niên, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi… quanh Hồ Tây rực sắc vàng hoàng yến hay đỏ rực phượng vĩ trên tuyến sông Tô. Những sắc hoa đã làm nên tên phố. Hoa và tháng ngày làm nên nhạc phẩm “Hà Nội 12 mùa hoa”, hoa và phố dệt nên tấm thảm lung linh sắc màu và thắm đượm vẻ tinh khiết, phong lưu của cảnh quan đô thị Hà Nội.

Cảnh quan hồ Hà Nội

Hà Nội - “Thành phố sông hồ” - “Buổi ấy sông hồ ngòi ngạch còn ngang dọc khắp kinh thành. Hồ Dâm Đàm, hồ Chu Tước, Thái Hồ, Hồ Lục Thủy, Hồ Thái Cực, Hồ Cổ Ngựa... Thanh Trì vốn trước kia là Long Đàm. Trì hay đàm đều là đầm ao, chứng tỏ vùng đất có nhiều ao hồ” (Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; NXB Hà Nội). Trong giới hạn nội thành trước khi mở rộng, Hà Nội có hơn 100 hồ lớn nhỏ. Lớn như Hồ Tây 500ha, nhỏ như Hồ Giám 0.45ha, hồ Hai Bà Trưng 0.11ha. Mỗi hồ là một không gian mở đô thị của một vùng cư trú. Tùy thuộc quy mô và vị trí, mỗi hồ là một trung tâm cảnh quan của các cấp cấu trúc đô thị.

Hồ Tây Hà Nội “thành phố sông hồ” (Nguồn ảnh: TTX VN)

Cảnh quan hồ Hà Nội xưa nay được cấu trúc theo hai dạng cơ bản: Cảnh quan đường dạo ven hồ (Promenade) và cảnh quan hồ công viên. Cảnh quan Hồ Gươm, Hồ Tây hay hồ Thiền Quang là cảnh quan đường dạo ven hồ. Cảnh quan hồ Thủ Lệ, hồ Bảy Mẫu, hồ điều hòa công viên Hòa Bình được cấu trúc như công viên. Các hồ mới được cải tạo như Linh Đàm, Hoàng Cầu, Giảng Võ, Ngọc Khánh được cấu trúc như cảnh quan đường dạo. Các hồ Cầu Giấy, Định Công, Thanh Nhàn, Ngọc Thụy… có cấu trúc cảnh quan công viên. 

Cảnh quan đường dạo lấy cái liên tục và biến đổi của hình ảnh thị giác làm cốt yếu, kiểu “bộ di cảnh dị”- mỗi bức một cảnh lạ. Đường dạo, điểm nghỉ và góc nhìn ấn tượng là định hướng không gian cảnh quan đường dạo. Cảnh quan công viên là hệ thống cấu trúc hình ảnh không gian chức năng đan xen, hòa quyện lẫn nhau. Tính đa dạng, dung hợp hay khu biệt của hình ảnh cảnh quan, của không gian chức năng tạo nên sắc thái cảnh quan công viên. Cảnh quan công viên Bách Thảo là yên tĩnh, khu biệt và một chút kiến thức thảo mộc. Cảnh quan công viên Thống Nhất là hệ thống không gian giao tiếp cộng đồng, đa dạng, đa thể cùng với con đường ven hồ cách xa mép nước, góc nhìn rộng và vô định.

Hình ảnh đặc trưng của cảnh quan hồ Hà Nội vì thế có hai loại. Thứ nhất là hình ảnh vật thể của cảnh quan đường dạo ven hồ là mảnh, là những dải tuyến liên tục. Cây xanh, sắc màu, góc nhìn, nền đường, tiện ích… kế tiếp và xoắn với nhau thành chuỗi. Hình ảnh thị giác là những khung hình luôn biến đổi, là những góc ảnh ấn tượng, những góc nhìn rộng mở. 

Cảnh quan đường dạo ven Hồ Tây đầy ắp những góc nhìn ấn tượng của đền, chùa, quán xá, tên gọi hay sắc màu thảo mộc. Ấn tượng không chỉ ở hình dạng kiến trúc khác lạ, hay sắc vàng hoàng yến, sắc tím bằng lăng. Ấn tượng còn ở tích xưa chuyện cũ nơi chốn khi đi qua. Đi hết một vòng Tây Hồ là kết luôn một vòng ký ức, một xâu hình ảnh đặc trưng của con đường huyền diệu này vào tâm tưởng.

Thứ đến là hình ảnh đặc trưng của cảnh quan hồ công viên. Đó là những mảng không gian liên kết đa dạng, đa thể quanh hồ. Hồ là yếu tố chính để cấu trúc không gian chức năng nhưng hình ảnh cảnh quan hồ chỉ là một phần của hình ảnh đặc trưng công viên. Hình ảnh các không gian công cộng đa chức năng, các khu cây xanh tĩnh lặng, một cảnh quan tượng đài tôn nghiêm, một mảng hoa sắc màu rộng lớn… có tính đặc trưng hơn các không gian ven hồ. Không gian cảnh quan ven hồ được kè, khó tiếp xúc với mặt nước nên giá trị mặt hồ rất hạn chế. Tiếp cận mặt nước trong cảnh quan hồ Hà Nội là điểm rất yếu kém trong thiết kế và xây dựng cảnh quan hồ công viên.

Phần đất phía Nam nội thành Hà Nội có nguồn gốc từ đầm hồ, giờ còn hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu và Thiền Quang. Sông Thiên Phù dẫn nước từ sông Cái vào Hồ Tây, Tô Lịch cũng bị lấp còn vài hồ sót ở Xuân La, Bái Ân. Sông Tô Lịch đoạn qua Phố Cổ giờ là phố Cầu Gỗ. Hồ Tây, Hồ Gươm, hồ Bảy Mẫu và các hồ nhỏ còn lại của Hà Nội chứa đựng biết bao thông điệp, huyền thoại và đời thường ẩn khuất trong bóng thời gian cảnh quan ven hồ. Đó là cảnh quan tâm tưởng của hồ Hà Nội. 
Tháp Hòa Phong, Tượng Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu - Tháp Bút - Cầu Thê Húc, tượng Vua Lê… là một chuỗi hình ảnh cảnh quan tâm tưởng ven hồ Hoàn Kiếm, đan quyện với chuỗi Tràng Tiền - Nhà Godard - Bưu điện - Tòa Đốc lý - Bến tàu điện leng keng - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nhà Thủy Tạ - nhà Khai Trí Tiến Đức… gợi lại một thời Hà Nội đô thị hóa và tiếp cận văn minh phương Tây.

Cảnh quan tâm tưởng thông qua cuộc đối thoại giữa cảnh quan vật thể và người quan sát mà tạo nên hình ảnh cảnh quan. Tùy thuộc vào các điều kiện giao thoại mà có hình ảnh cảnh quan mờ nhạt hay rõ nét, phảng phất hay cô đọng, hiện đại hay cổ xưa, đời thường hay huyền sử. 

Cảnh quan tâm tưởng thấm vào cảnh quan phong cảnh hồ Hoàn Kiếm tạo nên các giá trị thẩm mỹ cảnh quan sâu sắc và bền chắc. Những tâm cảnh “giọt nắng ban mai đậu trên cầu Thê Húc”, ngọn bút viết lên trời xanh, Vua Lê trả kiếm, tiếng Việt và Khai Trí dân Việt... như làm đẹp hơn dáng lộc vừng rủ màn the trước Tháp Rùa, làm kỳ ảo hơn bóng liễu rủ trong màn sương thu, thiêng liêng hơn khi đứng trong đền Trấn Ba Đảo Ngọc hướng về Tháp Rùa... Cảnh quan đường dạo hồ Hà Nội đẹp và đa tầng ý nghĩa hơn cảnh quan hồ công viên.

Cảnh quan ven sông Hà Nội

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này

Câu ca dao đã khắc họa giới hạn thiên nhiên và địa lý của Thăng Long - Hà Nội. Khái niệm “tứ giác nước” của GS. Trần là mô hình 4 con sông thiên lập nên Hà Nội. Đó là sông Hồng (Nhị Hà), sông Thiên Phù (đã bị lấp), sông Kim Ngưu và Tô Lịch. “Phía Đông sông Cái liền kề với Kinh thành, đồng thời thông nước với Hồ Tây, hồ Lục Thủy với cả sông Tô, sông Kim Ngưu là những sông bao bọc suốt phía Bắc, phía Tây và phía Nam Kinh thành. Như vậy là đất Thăng Long nằm lọt giữa bốn bề mênh mông sông nước”. Giờ thì Hà Nội còn sông Hồng, Hà Nội mở rộng còn thêm sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích sông Bùi.

Cảnh quan ven sông (Riverfront) là một thể loại cảnh quan ven bờ hiện đại (Waterfront). Cảnh quan ven sông xác lập các tuyến đất, ven kênh mương tiếp giáp với đô thị. Độ rộng tuyến có thể từ 50m đến 300m, tùy thuộc các điều kiện thiên nhiên bản địa. Đó là hợp phần của đất, nước, khí hậu, sinh vật, địa mạo và hoạt động của con người tạo nên cảnh tượng vùng đất ven bờ tiếp giáp đô thị. 

Cảnh quan ven sông Hồng

Đối với các đô thị cận giang, cảnh quan ven sông là tài nguyên nước, là hạ tầng giao thông thủy, là không gian đệm của cấu trúc đô thị, là không gian mở đầy tiềm năng cho các hoạt động công cộng, thương mại, nghỉ ngơi giải trí thể dục thể thao. Đó cũng là yếu tố cấu trúc đô thị chính yếu, là yếu tố cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái đô thị. Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có một dòng sông. Từ thời thượng cổ đến giờ, con người luôn khai thác cảnh quan ven sông. 

Những năm 1930-1960 phát triển giao thông và xây dựng công nghiệp gây ô nhiễm mặt nước, lấn chiếm diện tích bờ sông. Từ những năm 1960 đến nay các quan niệm bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan ven bờ làm tái sinh nhiều cảnh quan đô thị ven sông hiện đại. Cảnh quan ven sông Seine được cải tạo và thanh lọc từ các năm 2009, 2018 đã hồi sinh và tiếp tục chỉnh trang cho Olympic 2024. Tháng 9/2005 sông Thanh Khê (Cheonggyecheon) thực sự hồi sinh ở Seoul. Năm 2016 khu phức hợp Sài gòn - Ba Son được hình thành trên vùng đất nhà máy đóng tàu Ba Son, ven sông Sài Gòn.

Điểm qua các khái niệm và giá trị của cảnh quan ven sông để thấy rõ Hà Nội chưa hoạt động và thay đổi đáng kể gì đến tài nguyên cảnh quan ven sông của mình. Cảnh quan ven sông Hồng vẫn nguyên sơ và tự phát. Năm 2022 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt nhưng chưa có khái niệm cảnh quan ven sông trong nội dung. Cảnh quan ven sông Hồng phức tạp nhưng rất hùng vĩ, địa cảnh đa dạng hồn đất thâm sâu các tầng văn hóa - huyền thoại. Lịch sử và huyền thoại đọng lại trong cảnh quan ven sông chứ không phải ở lòng sông. Cần phải nắm rõ các khái niệm, nội dung, giới hạn và giá trị thiên nhiên - văn hóa của cảnh quan ven sông Hồng mới có được ý tưởng sáng tạo và định hướng quản lý tài nguyên cảnh quan ven sông Hồng. 

Nếu sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô thì cấu trúc của trục hoàn toàn phụ thuộc vào cấu trúc cảnh quan ven sông. Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu được nạo vét và chỉnh trang ở mức tối thiểu. Dòng sông khi đục khi trong, con đường hai bên sông, hè đường, kè sông và dải cây xanh không đủ tạo nên cảnh quan ven sông đặc trưng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chất lượng nước kém và lưu lượng nước ít của hai con sông này làm cho cảnh quan ven sông khó gần gũi, không hấp dẫn đối với thị dân. Ô nhiễm dòng sông làm mất đi giá trị sử dụng, giá trị sinh thái và giá trị thẩm mỹ của cảnh quan ven sông.

Cảnh quan vườn đô thị và công viên Hà Nội

Vườn đô thị và công viên là hai khái niệm vừa tương đồng, vừa tương khắc. Tương đồng ở chỗ chúng đều là không gian xanh, khoảng mở của cấu trúc đô thị. Tương khắc ở chổ công viên là không gian nghỉ ngơi, giải trí, thể dục thể thao, tổ chức sự kiện…là những hoạt động công cộng năng động, đa dạng. Vườn đô thị chú trọng đến các hoạt động tĩnh, thiên về cá thể, ít tính đám đông.

Vườn đô thị và công viên Hà Nội hình thành từ thời Pháp thuộc. Một số vườn được thiết kế như yếu tố cấu trúc của không gian đô thị, số khác được hình thành từ các giao điểm của hệ thống đường phố Hà Nội. 

Vườn hoa Lý Thái Tổ (Chí Linh - Paul Bert cũ) là không gian trống giữa Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Đông Dương) - UBND thành phố Hà Nội (Tòa Đốc lý) - Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), bao quanh là các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Ngô Quyền, Lê Lai, người xưa gọi là vườn hoa Bốn tòa. Vườn được thiết kế với phông là tòa nhà Ngân hàng Đông Dương xưa, trục tổ hợp hướng về Hồ Gươm, trên trục có xây nhà kèn, trước đây còn có tượng Paul Bert, bây giờ là Tượng Lý Thái Tổ. Hình thái không gian mở về Hồ Gươm và cấu trúc tổ hợp tượng đài theo trục tạo cho vườn có tính chất trang nghiêm, phù hợp với các sự kiện chính trị - xã hội. 

Vườn hoa Con Cóc Diên Hồng

Các vườn hoa Lê-nin (Chi Lăng/canh nông/Robin) hay vườn hoa Pasteur đều có cấu trúc tổ hợp tượng đài nhưng thời gian và đặc thù địa điểm đã kiến tạo cảnh quan vườn khác nhau. Vườn hoa Lê-nin cởi mở, năng động và hiện đại. Phía trước là Cột cờ Hà Nội, phía sau bên phải vẫn giữ một nhà bia trăm tuổi (tưởng niệm chiến sĩ trận vong). Vườn có cái đẹp cảnh quan tự tại, đan quyện mà không pha trộn. Khóm cây xanh trầm lắng làm phông cho tượng đài, đĩnh đạc che nắng cho thảm cỏ, cho người ngồi nghỉ. Tượng đài Lê-nin vẫn điềm tĩnh đón chào các hoạt động trên sân chơi - quảng trường nhỏ phía trước. Quảng trường này là không gian tôn vinh, không phải là không gian tưởng niệm. Nhà bia trăm tuổi khép mình mà vẫn ung dung cùng với Cột Cờ tự tại trên khuông đất trăm năm trước. Không có mặt nước để soi bóng, mặc dầu trước kia là hồ Voi đã bị lấp, không có thảm hoa lớn để lộng lẫy sắc màu nhưng vườn chế ngự các góc nhìn tuyệt vời hướng đến và hướng đi. Đường Điện Biên Phủ mở toang không gian và hướng nhìn ở vườn Lê-nin. Từ vườn hướng về Thành Cổ và Quảng trường Ba Đình. 

Mấy vườn hoa Hà Nội có cái đặc thế cảnh quan đô thị như vậy! Vườn Pasteur thâm trầm, tĩnh lặng hơn. Bức tượng bán thân Pasteur và hàng cau vua trăm tuổi hai bên trục hướng tượng chiết xuất chất thâm sâu bác học và quảng đại ưu đời của vị “cha đẻ ngành vi sinh vật học”.

Các vườn hoa nhỏ khác của Hà Nội phần lớn là giao điểm của 3 con phố, nên chúng có hình tam giác. Chỉ tính riêng 13 vườn hoa của quận Hoàn Kiếm đã có tới 9 vườn tam giác. Tam giác Tràng Thi - Quang Trung - Nhà Chung tạo thành vườn Tây Sơn; tam giác Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tông - Hai Bà Trưng làm nên vườn hoa Nhà hát Lớn; tam giác Quán Sứ - Thợ Nhuộm - Hai Bà Trưng hình thành vườn Mê Linh; ba phố Lý Thái Tổ - Ngô Quyền - Lê Phụng Hiểu ghép thành vườn Diên Hồng… Các vườn đó trước hết là kết quả của quy hoạch vạch tuyến giao thông, sau là không gian mở đô thị mà không phải là yếu tố cấu trúc không gian đô thị Hà Nội như các vườn Lý Thái Tổ, Lê-nin, Pasteur, Mai Xuân Thưởng… Trừ vườn Diên Hồng trước đây, sau này là vườn Tao Đàn có đặt tượng hoặc đài nước như yếu tố chủ đạo tổ hợp cảnh quan vườn, phần lớn các vườn tam giác nhỏ đó đều cân bằng mọi hướng, đơn thuần chỉ là không gian xanh trong đô thị. 

Tên các vườn hoa Tây Sơn, Mê Linh, Tao Đàn đều liên quan đến các phố tạo nên chúng như Tây Sơn - Quang Trung, Mê Linh - Hai Bà Trưng, Tao Đàn - Lê Thánh Tông nhưng tự thân các vườn đó không mang ký ức hay lịch sử của khuôn viên nơi chốn. Cây xanh, sân nghỉ, đường đi bộ, ghế ngồi là tiện ích vườn, tiếp cận vườn từ 3 hướng. 

Cái đẹp của các vườn hoa nhỏ này là cái đẹp tương phản của “ốc đảo đô thị” với “sa mạc bê tông đô thị”, là tương phản giữa cái đặc của mảng khối xây dựng và cái rỗng của không gian xanh. Đó là thẩm mỹ nhận thức hơn là thẩm mỹ thị giác. Do kẹp giữa các đường giao thông, và diện tích nhỏ nên các chi tiết tiểu cảnh, các design nền hay sắc màu hoa cỏ… khó tạo lập đặc trưng cảnh quan cho vườn. 

Thẩm mỹ cảnh quan các vườn hoa nhỏ này thường giản dị, trung dung, tùy biến ở hầu hết các vườn hoa tam giác Hà Nội.
Các vườn hoa mới sau này phần lớn xuất phát từ nhu cầu mở thêm không gian xanh, không vườn nào xuất phát từ thiết kế cấu trúc đô thị. Các vườn hoa ở các khu tập thể trước đây hay ở các khu đô thị mới sau này đều không thể coi là vườn hoa đô thị Hà Nội, ở tính khu biệt đối với cấu trúc tổng thể của đô thị Hà Nội. Vườn hoa Lý Tự Trọng (Ba Đình), vườn hoa Trần Quang Diệu (Đống Đa) hay vườn hoa Hàng Trống (Hoàn Kiếm)… đều được cải tạo, xây mới từ các khu đất trống, bãi rác. Các vườn hoa Hà Đông, Nguyễn Trãi (Hà Đông) hay vườn hoa Lê Lợi (Sơn Tây) đều thuộc dạng này. 

Cấu trúc của các vườn hoa đô thị mới gồm cây xanh, sân chơi, điểm nghỉ, đường dạo, đôi khi có tượng danh nhân làm chủ bố cục cảnh quan. Vườn được thiết kế quy hoạch nhưng không có thiết kế cảnh quan, nên không có phong cách, không tạo đặc trưng cảnh quan đô thị. Thường là các đường cong, đường tròn, cây trồng rải đều, hoa chỉ có trong các ngày lễ hội, thường là hoa chậu di động, không thấy các thảm hoa cố định. 

Hình ảnh cảnh quan tương tự nhau ở các vườn hoa: con đường đi dưới vòm cây, sau cổng là một sân chơi nhỏ, vài ghế ngồi sắp đặt quanh sân, thiếu chất địa cảnh của hình cảnh nên không tạo được đặc trưng cảnh quan. Hà Nội mở rộng khá lớn từ sau 1954. Các khu vực từ Cầu Giấy - Chợ Dừa - Ngã Tư Vọng về phía Tây Nam phát triển có quy hoạch đầy đủ nhưng không có vườn hoa đô thị, mặc dầu có một số công viên. Nếu so với các vườn hoa đô thị nội thành Hà Nội thời Pháp thuộc thì cấu trúc và quy hoạch các khu đô thị mới của Hà Nội cần được xem xét và điều chỉnh, ít nhất cho sự cân bằng sinh thái đô thị và hơn nữa là thẩm mỹ cảnh quan đô thị. Các vườn hoa nhỏ như là “bộ nút trên chiếc áo”, không có thì vẫn mặc được, có thì đúng kiểu và trang nhã hơn.

Khác với vườn hoa đô thị Hà Nội, các công viên công cộng Hà Nội hầu hết được xây dựng sau hòa bình. Công viên luôn là một yếu tố cấu trúc đô thị. Vai trò công viên trong cấu trúc đô thị không chỉ là nơi nghỉ ngơi, giải trí, thể thao cho người dân mà quan trọng là sự cân bằng sinh thái trong hệ thống sinh thái đô thị. Công viên đô thị tạo hình ảnh đặc trưng rõ và mạnh cho cảnh quan đô thị, là điểm cấu trúc hình thái của đô thị, là thiết chế văn hóa của đô thị. Central Park New York, Di Hòa Viên Bắc Kinh, công viên rừng Boulogne Paris là những công viên như vậy. 

Nếu đường phố phản ánh cuộc sống của đô thị thì công viên thể hiện cấp độ văn minh của đô thị ấy. Không ở đâu văn minh đô thị thể hiện rõ như ở công viên. Nhà hát, rạp chiếu phim chỉ cho một nhóm người; bảo tàng, thư viện dành cho nhóm tinh hoa; nhà văn hóa, nhà cộng đồng thì không thường xuyên như công viên. Chỉ ở công viên tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, sở thích, đều như nhau. Các hoạt động thể thao - văn hóa đa dạng và thường ngày, ứng xử nhân văn đám đông, mức độ thân thiện với môi trường là không lường trước được. 

Nhìn lại sự phát triển của công viên Hà Nội ta thấy cấp độ văn minh đô thị cao lên dần. Trong chương trình khai thác thuộc địa và đô thị hóa Hà Nội, năm 1890 cùng với dự án Phủ Toàn quyền công viên Bách Thảo đã khởi công xây dựng, “Chủ yếu để làm chỗ chơi mát, tiêu khiển cho Tây đầm Hà Nội” (Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập I. Nguyễn Văn Uẩn). Với diện tích ban đầu là 12,5ha, 3.000 loài thảo dược, Bách Thảo cho đến nay vẫn là chốn nghỉ ngơi, giải trí, tìm về thiên nhiên bậc nhất Hà Nội. 

Ngoài những công trình hành chính như Phủ Toàn quyền, Bắc Bộ phủ, Tòa Đốc lý Hà Nội, người Pháp đã nâng cấp văn minh đô thị Hà Nội thuộc Pháp bằng các thiết chế văn hóa - dịch vụ như Nhà hát Lớn, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, thư viện và công viên.

Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, cùng với công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công viên Thống Nhất được xây dựng phục vụ toàn dân, một cấp độ văn minh đô thị mới được xác lập. Công viên Thống Nhất rộng 40ha, mặt hồ rộng 25ha khởi công năm 1957 hoàn thành 1960, là công viên lớn nhất và sớm nhất được thiết kế và xây dựng tại Hà Nội và miền Bắc lúc bấy giờ. 18 năm sau, khi Hà Nội đã ngớt tiếng bom đạn, ngày 19/5/1975 Thành phố khởi công công viên Thủ Lệ, đến giờ đặc trưng nhất là hơn 100 loài thú quý hiếm. Bộ ba công viên Thống Nhất - Bách Thảo - Thủ Lệ khép lại một thiết chế văn hóa cơ bản của văn minh đô thị Hà Nội.

Sang thời kỳ Đổi mới, khi hàng loạt các dự án bất động sản, công trình công cộng, các khu đô thị mới được xây dựng và phát triển thì một số công viên đô thị mới cũng ra đời. Công viên Hòa Bình, công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô, công viên Yên Sở được hình thành trong giai đoạn này. “Giàu làm nhà, sang mới làm vườn”. Công viên luôn là một cấp độ văn minh đô thị cao hơn trong hệ thống cấu trúc đô thị. Cao hơn vì đất thì rộng mà phi lợi nhuận, phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Còn là mắt xích quan trọng của hệ thống cân bằng sinh thái đô thị. Không thể loại công trình đô thị nào có thể sánh được.

Công viên Yên Sở

Phần lớn các công viên đô thị mới ở Hà Nội đều được thiết kế quy hoạch với cấu trúc mở và liên kết các không gian chức năng. Các ý tưởng quy hoạch chủ đạo được thể hiện rõ như công viên Thống Nhất lấy hệ trục hướng ra mặt hồ; công viên Thủ Lệ lấy “giọt lệ” tạo hình đường dạo ven hồ để tiếp cận vườn thú; công viên Hòa Bình chọn sự giao kết mặt nước của 3 hồ điều hòa; công viên Yên Sở tâm điểm là các thảm cỏ rộng lớn làm nơi cắm trại thả mình trong thiên nhiên. 

Công viên Hà Nội đẹp ở sự chuyển đổi hình thái tương phản hơn là đẹp ở khung hình chi tiết (vista). Xuyên qua các tuyến phố đậm đặc bê tông, mái ngói, tường kính ta gặp một khoảng xanh rộng lớn. Kết thúc một tuyến xanh dài của con phố là một mảng xanh mênh mông, chập chờn bóng mát. 

Công viên Thống Nhất mở toang ở cuối phố Quang Trung. Dọc dài nhà phố ken dày từ Cửa Nam - Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy được Thủ Lệ cân bằng với màu xanh của cây và khoảng trống của hồ nước. Tiểu cảnh của phần lớn các công viên là tiểu cảnh của thợ làm vườn, rất vô vị. Không có những tiểu cảnh bác học hay đặc trưng ấn tượng, thẩm cảm cao thượng hay ma mị. 

Đối với công viên, quy hoạch chi tiết thiết lập cấu trúc công năng và kiến tạo hình thái cảnh quan, còn vẻ đẹp chi tiết và thẩm mỹ địa cảnh là do thiết kế cảnh quan tạo lập. Công viên ở Hà Nội và ở Việt Nam nói chung đều non yếu ở công đoạn này. Thiết kế cảnh quan tạo được phong cách cảnh quan. Công viên ở Hà Nội không định hình được phong cách là do thiếu thiết kế cảnh quan. Thiết kế quy hoạch chi tiết công viên và thiết kế cảnh quan công viên là hai công đoạn kế thừa nhau nhưng khác nhau về nội dung. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có các cơ sở pháp lý như tiêu chuẩn, quy định, phí thiết kế… cho Thiết kế cảnh quan.

Cảnh quan Làng đô thị Hà Nội

Hà Nội khởi đầu là một ngôi làng, “Số là khoảng đầu công nguyên, ở nơi cao điểm và trung tâm điểm của cả miền đất mà về sau sẽ là Hà Nội, xuất hiện điểm tụ cư đầu tiên của những ‘người Hà Nội’ đầu tiên. Đó là ‘hương Long Đỗ’ gọi theo tên trái núi đất mà ngôi làng Hà Nội gốc này chọn lựa để định vị thế mà sinh tồn; hoặc cũng chính là Làng Tô Lịch” (Hà Nội thời tiền Thăng Long, Lê Văn Lan; Sách Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Vĩnh Phúc chủ biên; NXB Trẻ). 

Đến bây giờ cấu trúc tam thể của Hà Nội vẫn không thay đổi: Hoàng thành - phố/chợ - Làng. Hoàng thành theo nghĩa đen thì không còn, nhưng còn đó một khu vực trang trọng của Hà Nội và của đất nước: Lăng Bác Hồ - Nhà Quốc hội - Phủ Chủ tịch - Phủ Thủ Tướng - Trụ sở Trung ương Đảng - Quảng trường Ba Đình - và các di tích Thăng Long cổ kính ngàn năm. 

Khu 36 phố phường thực chất là một phố chợ. Chính vì chất chợ mà giá đất ở đây cao vút, mà không muốn bị “giải tỏa”. Chất phố thì rành rành ra đó. Còn làng thì dẫu ngàn năm thăng trầm, từ các làng ven Hồ Tây, lúc là phường, lúc là làng đến các làng ven nội đô từ Đông Ngạc, làng Cót đến Nhân Chính, làng Mọc, Triều Khúc, Đại Kim, Định Công hay các làng Mơ Mai Động, Quỳnh Lôi, Lĩnh Nam, Thịnh Liệt… dẫu đô thị hóa đến mức nào thì vẫn còn đó cấu trúc của làng, hình ảnh đặc trưng của cảnh quan làng, người làng và lễ hội làng. Cảnh quan đô thị Hà Nội giàu hình thái, đậm tính người và man mác hương sắc thiên nhiên một phần cũng là do hồn quê của làng còn neo đậu nơi góc phố, quấn quýt với hương sắc Ngọc Hà, Nhật Tân hay ngào ngạt với cốm Vòng, đậu Mơ, choáng ngợp với đậu bạc Định Công, lĩnh hoa Yên Thái.

Cổng làng Ước Lễ Xứ Đoài

Các làng bây giờ đã là phố, là phường nhưng cấu trúc làng vẫn không thay đổi. Cổng làng, đình làng, chùa làng, giếng làng, những con đường làng nhỏ quanh co, những tên gọi quán hàng, bến nước, khoảnh vườn vẫn gọi từ xưa, và nhất là phong tục tập quán, truyền thống và lễ hội vẫn được lưu truyền và hành sự. Đó là các làng đô thị của Hà Nội.

Cảnh quan làng đô thị vừa có chất phố vừa có chất làng. Đó là hình thái cảnh quan giao thoa của cảnh quan phố và cảnh quan làng. Cái đẹp của cảnh quan làng đô thị hiện rõ ở các khung hình (vista) thị giác đa dạng, đa hướng và bất định. Đường làng nhỏ quanh co cho ta nhiều góc nhìn, nhiều cảnh trí kiểu “bộ di cảnh dị” - một bước một cảnh lạ - và khó biết trước cảnh đến là gì. Đó là khóm cây, mép nước, ngõ nhỏ, rào cây và thấp thoáng mái đình. Đó là cái đẹp của cảnh quan phong cảnh với cấu trúc cận cảnh - trung cảnh - viễn cảnh. Vẻ đẹp này trộn lẫn với cảnh quan phố trong làng đô thị. 

Hình ảnh thị giác của cảnh quan phố là trực tuyến, cảnh trí xa gần, lớn nhỏ, góc nhìn hạn chế bởi nhà cửa hai bên tuyến phố nên cảnh trí không đa dạng. Phố trong làng đô thị có vỉa hè, lòng đường, hàng cây, nhà cửa nhấp nhô, liền sát … không khác phố nội thị. Cảnh quan phố có chất mới, hiện đại và phong phú dịch vụ, hình ảnh cảnh quan năng động hơn. Hai tố chất yên tĩnh, ẩn mình, một chút hoài niệm và hiện đại năng động, trực tuyến của cảnh quan làng đô thị dệt nên vẻ dịu nhẹ của hồn quê và chất lịch lãm, chu tất của phố. Thẩm mỹ cảnh quan làng đô thị Hà Nội là một hệ giá trị đặc trưng của bản sắc cảnh quan đô thị Hà Nội.

Hà Nội có cái đẹp cổ kính, thâm trầm, tráng lệ của Hoàng Thành xưa. Hà Nội có cái đẹp dân dã, biến hóa thanh tao của cảnh quan Phố Cổ. Hà Nội có cái đẹp sang trọng, mực thước, rất kinh điển của cảnh quan phố Cũ. Hà Nội ngập tràn vẻ đẹp thiên nhiên của sông hồ, cây hoa. Hà Nội có cái đẹp kỳ diệu, ảo huyền của cảnh quan văn hóa ngàn năm và Hà Nội có cái đẹp dịu nhẹ thấm đượm hồn quê, phất phơ nét phố của cảnh quan làng đô thị. Thẩm mỹ cảnh quan làng đô thị Hà Nội cần được tôn vinh và khám phá bởi các giá trị truyền thống và hiện đại luôn quấn quyện và tái sinh.

KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CẢNH QUAN ĐÔ THỊ HÀ NỘI

Những con phố, quảng trường, vườn hoa hay các Khu Phố Cổ, Phố Cũ, chợ và cổng làng Hà Nội có những hình ảnh đặc trưng, thấm đẫm giá trị lịch sử, văn hóa và tạo hình làm nên bản sắc đô thị Hà Nội. Chúng không chỉ lưu định không gian tâm tưởng cho người Hà Nội, chúng là điểm nhớ của cảnh quan Hà Nội. Nhớ đến Hà Nội là nhớ đến một Ba Đình lịch sử, một quán cóc liêu xiêu, một sắc thu vàng cốm xanh… một kiến trúc cụ thể, một địa điểm thân quen, một ký ức ẩn tiềm.

Cảnh quan đô thị Hà Nội phản ánh cụ thể và chi tiết cuộc sống đương đại Hà Nội trong từng cung bậc thời gian. Một công viên, một vườn hoa được xây dựng trong đô thị là một cấp độ văn minh đô thị được xác lập. Cảnh quan một con phố, cảnh quan một góc làng đô thị, khoảng không rộng mở mặt hồ hay các tuyến nước mênh mông tuôn dài của Nhị Hà, Tô Lịch, Kim Ngưu… là những hình ảnh đa dạng về quy mô, hình thức hay sâu đậm ý nghĩa và ký ức lịch sử của không gian văn hóa Thủ đô, là những hình ảnh cảnh quan đặc trưng của những địa điểm, khung cảnh, của những truyền kỳ, truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

 Quảng trường Lăng Bác

Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Nhận biết bản chất của các Cảnh quan đô thị đặc trưng, nhận biết những yếu tố vật thể và phi vật thể tạo nên hình ảnh đô thị đặc trưng để thích ứng với sự thay đổi cảnh quan hiện đại và kiến tạo những giá trị mới cho cảnh quan đô thị. Đó là việc mở rộng và xác định các phạm trù và giá trị thẩm mỹ mới cho “phần cứng” của Thủ đô Hà Nội.

Cảnh quan đô thị Hà Nội được nhận thức qua hình thể vật lý, tiện ích sử dụng và giá trị lịch sử - văn hóa và thẩm mỹ. Nâng cấp, hoàn chỉnh và hiện đại hóa hình thể vật lý, tiện ích sử dụng và các giá trị của Cảnh quan đô thị là nâng cao cấp độ văn minh đô thị của Thủ đô. Mãi mãi kế thừa và phát huy để mãi mãi là Hà Nội, Hà Nội./.
 

Pháp lý xây dựng

Hồ Tây - Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội

(KTVN 252) Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trong nội đô được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, như một phần ruột thịt của sông Cái (sông Hồng) được cắt ra. Từ ngàn đời nay, Hồ Tây với người Hà Nội vẫn luôn là những huyền tích bước ra từ cuốn sách giáo khoa, hoặc đọng lại trong tiếng mẹ ru, hoặc vương vấn trong những vần thơ và câu hát. Hồ Tây với người Hà Nội hôm nay là một ví dụ minh họa điển hình trong lý thuyết về không gian nơi chốn, nơi để hoài niệm và tìm về, nơi ký ức luôn được cảm nhận, thẩm thấu bằng nhìn, bằng nghe, bằng nếm, chạm được vào và cả bằng hơi thở. 

Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội - Những chặng đường sáng tác

(KTVN 252) Công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, mở rộng Thủ đô được đặt ra từ ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (từ năm 1954 đến nay) đã trải qua 70 năm dưới chính quyền cách mạng. Nhìn lại hình thức kiến trúc trong bối cảnh Hà Nội từ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đến thời kỳ Đổi mới và phát triển hiện nay, để thấy hơn tính xã hội của kiến trúc qua những chặng đường sáng tác của KTS. Theo đó, những hoạt động kiến trúc đã góp phần thể hiện sự năng động và sức sống nội tại của một đô thị có lịch sử nghìn năm với một quá khứ chồng xếp nhiều tầng văn hóa. 

Phát triển công trình xanh cho một Thủ đô Xanh, hiện đại

(KTVN 252) - Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, thiếu không gian xanh, và hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp. Trong bối cảnh này, việc áp dụng các nguyên tắc công trình xanh được xem là một giải pháp khả thi để cải thiện chất lượng môi trường đô thị và tạo lập một Hà Nội xanh-sạch-đẹp, mang tầm cỡ quốc tế.

Làng xã Hà Nội - Thực trạng, bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Làng xóm ở Thủ đô tiêu biểu cho làng Việt truyền thống. Những quần cư nông thôn này đã và đang biến đổi sâu sắc. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng truyền thống diễn ra trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến nhanh, dòng chuyển cư mạnh mẽ làm phá vỡ cấu trúc tổ chức dân cư vốn có, đòi hỏi các cấp, ban, ngành phải có giải pháp tổng thể. Chúng ta cần phải chung tay xây dựng một mô thức ứng xử chung để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị làng xóm trong khu vực nội đô, vừa khoa học vừa thích ứng với hiện đại, lại vừa giữ gìn được bản sắc cũ, để Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi