Đường phố – Hè phố: Cơ sở khoa học cho nghiên cứu thiết kế đô thị

Đường phố – Hè phố: Cơ sở khoa học cho nghiên cứu thiết kế đô thị

(Vietnamarchi) - Jane Jacobs, một nhà phân tích và lý luận đô thị nổi tiếng thế giới, người đã tạo nên một ảnh hưởng cách mạng và sâu sắc đến tư duy thiết kế đô thị hậu hiện đại đã phát biểu: “Phố và vỉa hè là những không gian công cộng chính yếu của mọi đô thị. Nghĩ về một thành phố, điều gì sẽ hiện ra trong đầu chúng ta? Đó chính là những con phố. Nếu các con phố hấp dẫn thú vị thì thành phố cũng hấp dẫn thú vị; nếu các con phố ảm đạm, thành phố trông cũng thật ảm đạm”.
14:00, 08/12/2023

Thật vậy, PHỐ chính là bộ mặt, là đời sống, là phần hồn cốt đô thị. Thế nhưng việc thiết kế không gian đường phố của chúng ta còn chưa phản ánh được vai trò và ý nghĩa quan trọng của nó trong môi trường không gian đô thị, và còn quá nhiều vấn đề cần suy ngẫm, nghiên cứu và khắc phục.
Chính vì vậy, rất cần nhìn nhận lại ý nghĩa, vai trò, chức năng của không gian đường phố trên mọi mặt; từ đó có cở sở để thiết kế tốt hơn, tổ chức hoạt động tốt hơn và quản lý hiệu quả hơn.

Phương án thiết kế đô thị không gian vỉa hè tuyến Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TPHCM)
Phương án thiết kế đô thị không gian vỉa hè tuyến Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TPHCM)

ĐƯỜNG VÀ PHỐ
Trong ngôn ngữ đời thường, chúng ta sử dụng rất thường xuyên từ ghép “đường – phố” và ít phân biệt rạnh ròi hai khái niệm. Nhưng trong lĩnh vực đô thị học, thì ĐƯỜNG và PHỐ là hai khái niệm có nội hàm hoàn toàn khác biệt.
Đường là không gian dành cho giao thông (chủ yếu cho các phương tiện) với lưu lượng và tốc độ lớn. Khác với đường, Phố không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là không gian kinh tế, xã hội; là không gian 3 chiều gồm đường, vỉa hè, và công trình hai bên, tạo thành một tổng thể phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, có thể khẳng định việc thiết kế và quản lý PHỐ, trong đó có VỈA HÈ khác hẳn và phức tạp hơn hẳn so với thiết kế ĐƯỜNG bởi tính xã hội của không gian phố. Nó đòi hỏi một cái nhìn tổng thể và các giải pháp cụ thể chi tiết.
TẠI SAO ĐƯỜNG PHỐ THƯỜNG CHỈ ĐƯỢC XEM LÀ KHÔNG GIAN GIAO THÔNG?
Trong thực hành quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta, ‘đường – phố’ không được phân biệt rạch ròi mà được coi chung là hệ thống không gian phục vụ giao thông, trong đó lòng đường dành cho xe cộ, phương tiện còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Rất đơn giản. Đường phố thuộc hạng mục kỹ thuật hạ tầng nên việc thiết kế hướng tuyến, mặt cắt đường, đi kèm theo các công cụ quản lý chỉ giới đường đỏ (lộ giới) và chỉ giới xây dựng được thiết kế thuần túy dựa trên các cân nhắc kỹ thuật. Cơ sở thiết kế bề rộng đường – phố dựa vào cấp đường và tốc độ thiết kế (của phương tiện giao thông cơ giới), số làn xe và các tiêu chuẩn bề rộng làn tương ứng. Đi cùng với đó là những thiết kế về hạ tầng kỹ thuật khác gắn với đường phố như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp – thoát nước. Vỉa hè không được nghiên cứu riêng biệt mà chỉ được xem là một phần của thiết kế đường phố. Cách tiếp cận này tạo ra một khoảng bất cập quá lớn giữa thiết kế và thực tiễn sử dụng. Do vậy, đường phố và vỉa hè ở tất cả các thành phố ở Việt Nam, từ Bắc tới Nam, thành phố lớn hay thị trấn nhỏ, đều rơi vào tình trạng lộn xộn, xấu xí, bừa bộn, bẩn thỉu, đầy tranh chấp và không có chỗ cho người đi bộ. Phố và hè, tưởng chừng như đơn giản lại tỏ ra thách thức với mọi chính quyền đô thị cùng các cơ quan quản lý. Cũng bộc lộ sự “non nớt” trong thiết kế và quản lý đô thị ở nước ta.
Tại sao lại có cách tiếp cận thiết kế phiến diện này?
Có thể nhìn lại một chút lịch sử ngành quy hoạch, và thấy rằng vào cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, Chủ nghĩa Hiện đại với gương mặt đại diện là KTS lừng danh Le Corbusier, đã quan niệm:
– Phố đã không còn phù hợp với các đô thị hiện đại vì nó không tách biệt được công năng (giao thông ra khỏi các chức năng khác), không cho phép di chuyển với tốc độ lớn. Vì vậy Phố cần được loại bỏ trong các quy hoạch mới, và phải được thay thế bằng “Đường” – có công năng giao thông thuần tuý. Đường phải được thiết kế tạo điều kiện cho việc lưu thông nhanh chóng, tiện lợi, ưu tiên giao thông cơ giới. Từ đó mới dẫn đến sự ra đời của các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thiết kế mặt cắt đường chỉ quan tâm đến bề rộng lòng đường với các cấp đường khác nhau, cho phép các mức tốc độ di chuyển tối đa khác nhau, và được áp dụng rộng rãi bất kể bối cảnh tự nhiên, xã hội ở khu vực thiết kế.
Nhận thức này đã thay đổi theo thực tiễn. Đến cuối thế kỷ 20, các nhà lý luận hậu hiện đại, mà một trong số những tên tuổi hàng đầu là nhà phê bình đô thị Jane Jacobs đã phản biện lại các nguyên lý thiết kế của chủ nghĩa hiện đại, tái khẳng định PHỐ là một thành tố cấu thành quan trọng tạo nên đô thị, là một loại không gian công cộng, không gian dân sự, có ý nghĩa kinh tế xã hội. Loại bỏ phố ra khỏi nguyên tắc quy hoạch đô thị hiện đại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn và tội phạm xã hội nhiều hơn khi mà phố bị thay thế bằng những khối công trình nằm giữa biển không gian bất định hình, bất sở hữu – là những không gian lý tưởng cho trộm cướp”.
Khái niệm “Những con mắt trên phố – eyes on the street” của Jane Jacobs rất nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu sắc: phố sá, vỉa hè phải có người sử dụng, phải có hoạt động, phải được ‘quan sát’ một cách tự nhiên và điều này sẽ làm cho đường phố trở nên an toàn.
Nhưng quan niệm mới này đã tái khẳng định tầm quan trọng của PHỐ và đưa VỈA HÈ trở thành yếu tố nhận được sự quan tâm và ưu tiên hàng đầu trong công tác thiết kế đô thị đương đại trên thế giới.
Thế giới đã thay đổi, nhưng quan điểm và nhận thức của chúng ta vẫn chậm hơn hẳn một nhịp so với thế giới (tính ra không dưới một thế kỷ) và vẫn tồn tại một khoảng cách quá rộng giữa tư duy thiết kế và hiện thực đời sống. Đó là lý do đường phố của chúng ta mặc dù sôi động nhưng lại vô cùng hỗn loạn và lộn xộn.

NHÌN LẠI CHỨC NĂNG VÀ Ý NGHĨA CỦA PHỐ
Như vậy, điều thực sự cần thiết ở đây, là chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách thấu đáo chức năng và ý nghĩa của PHỐ nói chung và VỈA HÈ nói riêng.
Là không gian công cộng (KGCC) quan trọng và phổ biến nhất của đô thị
Mặc dù các thành phố có thể nhận những cấu trúc hình thái rất khác nhau nhưng nhìn chung, đường phố thường chiếm khoảng 30% diện tích đất đô thị và nó là không gian dành cho tất cả mọi người đi lại và trao đổi hàng hóa.
Theo giáo sư Alan Jacobs, đại học California, Berkley, Mỹ – tác giả cuốn sách gối đầu giường của các nhà thiết kế đường phố – Những con phố tuyệt vời (great street) “nếu chúng ta có thể quy hoạch và thiết kế các đường phố sao cho chúng thật tuyệt vời, là những nơi chốn đầy hứa hẹn của kiến trúc và cộng đồng, là không gian hấp dẫn mọi người… thì chúng ta đã thiết kế thành công 1/3 không gian đô thị và có tác động to lớn đến toàn bộ phần còn lại”.
Là không gian 3 chiều, gồm mặt đường (lòng đường và vỉa hè), và các công trình hai bên đường, cùng các vật thể khác như cây xanh, thiết bị, tiện ích
Đây là một thông điệp quan trọng. Bởi ý nghĩa là chất lượng không gian phố được quyết định rất nhiều bởi hai diện mặt đứng gồm tập hợp các công trình kiến trúc hai bên, hàng cây, vật quảng cáo … Về mặt thị giác thì phần này là quan trọng số một để tạo nên hiểu quả thẩm mỹ phố. Do tính đa dạng về chủ thể và điều kiện của từng lô đất mà bài toán mặt đứng đường phố là bài toán quản lý nhiều hơn là bài toán thiết kế.
Là không gian kinh tế – xã hội: nơi diễn ra các sinh hoạt thường nhật đô thị, các trao đổi hàng hoá, dịch vụ…
Chức năng này thực ra quan trọng không kém chức năng giao thông của phố nhưng chúng ta ít chú ý đến việc thiết kế làm sao cho chức năng kinh tế – dịch vụ và tương tác xã hội này có thể được diễn ra thuận lợi tiện nghi nhất. Kinh doanh buôn bán có thể thực hiện bên trong công trình, nhưng trong nhiều trình huống thì nó hoàn toàn có thể tràn ra hè phố. Cấm hay cho phép kinh doanh trên hè, có lợi có hại gì trên những khía cạnh nào, cho phép đến đâu, và làm sao để quản lý hoạt động kinh doanh không chỉ bằng các quy định hành chính mà thông qua thiết kế đều là những vấn đề cụ thể và thực tế cần được đặt ra ngay từ đầu.
Là không gian văn hoá: là bộ mặt cảnh quan phố phường (có ý nghĩa như mặt tiền đô thị), là ‘phòng khách’ của các thành phố
Bức tranh đường phố phản ảnh toàn bộ cảnh quan văn hóa của mọi đô thị, nơi chúng ta chứng kiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những hoạt động đa dạng trên đường phố, nhưng tương tác giữa người với người, nhưng va chạm và xung đột… tất cả tạo nên ‘sức sống’, và là năng lượng của không gian đường phố.
Là không gian giao thông, tiếp cận (đa phương thức)
Đây là chức năng cơ bản nhất nhưng không phải là chức năng duy nhất. Bản thân giải quyết bài toán giao thông trên phố cũng đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc để đảm bảo mọi người, mọi phương tiện đều có cơ hội di chuyển: từ ô tô, xe máy, đến xe đạp, đến người đi bộ, người khiếm thị và người tàn tật. Những nhu cầu đi lại này, cùng với yêu cầu bố trí điểm dừng đỗ phương tiện cần phải được chia sẻ trong một quỹ không gian đường phố luôn hạn hẹp. Chưa kể đến việc xử lý tương tác giữa đường và hè, giữa hè và ngôi nhà.
Là không gian cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng

greenville-piazza-1

CÁC CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỀ THIẾT KẾ VỈA HÈ
Khi phần lòng đường chỉ có chức năng giao thông thuần túy, VỈA HÈ đảm nhiệm cả 6 chức năng của phố, nổi trội nhất là chức năng xã hội nơi các sinh hoạt trên đường phố diễn ra. Một vỉa hè tốt phải đảm trách hiệu quả những chức năng, sứ mệnh mà nó mang vác.
Xét trên mặt cắt ngang cơ bản của một vỉa hè, chúng ta có thể nêu ra một loạt các chức năng cơ bản nó phải đảm nhiệm:
– Không gian cho người đi bộ.
– Không gian cho các hoạt động kinh tế – dịch vụ – xã hội trên đường phố.
– Không gian cho các yếu tố cây xanh cảnh quan và bóng mát.
– Không gian cho các tiện ích như ghế ngồi, thùng rác, cột điện chiếu sáng, bốt điện thoại, ATM, điểm chờ xe buýt, bảng tin và các yếu tố hạ tầng khác.
– không gian đỗ xe đạp, xe máy (rất thiết yếu trong điều kiện Việt nam).
– Và không gian ngầm phía dưới dành cho các hệ thống hạ tầng.
Tất cả các yếu tố trên cần được xem xét, cân nhắc và bố trí một cách khéo léo trên một vỉa hè nhằm tối ưu hóa không gian, đảm bảo nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng và tạo ra một môi trường đô thị tiện nghi, đẹp mắt, an toàn và sạch sẽ.
Một mặt cắt vỉa hè điển hình có thể chia thành 4 vùng cơ bản
– Phần biên: Gồm có bó vỉa, cùng các thiết bị phân định vỉa hè với không gian lòng đường, thường có bề rộng khoảng 0.5 – 0.6m. Đây là chi tiết cũng cần được nghiên cứu kỹ càng. Ở các nước có mức độ sử dụng xe máy ít, người dân đi xe hơi hoặc GTCC thì phần biên thường có bó vỉa cao (15 – 20cm), nhiều nơi được bố trí thêm các vật chắn như hàng rào, cột, trụ thấp, ngăn không cho phương tiên cơ giới có thể đi lên vỉa hè gây mất an toàn cho người đi bộ. Ở Việt Nam vấn đề lại khác hẳn. Nhu cầu thực tế cho thấy cần có một ranh giới mờ giữa vỉa và lòng đường vì các phương tiện xe máy cần được đưa lên vỉa hè dễ dàng và có thể sau đó đưa vào nhà. Chênh cốt quá lớn và ngăn cách giữa lòng đường và vỉa hè tạo ra nhiều vấn đề trong thực tế. Nhiều nơi, ram sắt hoặc ram bê tông để dắt xe lên xuống vỉa hè quá cao đã gây cản trở lưu thông cơ giới, và rất mất mỹ quan đường phố. Gần đây, đã có những xem xét điều chỉnh thiết kế bó vỉa bằng các khối đá vát hình thang cao 5cm và 15cm, tách biệt hè và đường những vẫn đưa được xe máy lên hè dễ dàng, loại bỏ việc lắp đặt ram dắt xe tự phát. Đây là những cải tiến tốt.
– Phần cảnh quan: Có thể rộng hẹp khác nhau tùy điều kiện, hoặc có thể không có do vỉa hè hiện hữu quá chật hẹp. Nhưng một phần cảnh quan lý tưởng có thể rộng khoảng 1,5 – 2m. Phần này là nơi trồng cây xanh bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa và các yếu tố trang trí khác. Ở nước ta, có thể dành một phần thuộc phần cảnh quan cho đỗ xe máy, bố trí thành những đoạn để xe máy xen kẽ với những đoạn cây xanh. Ví dụ cứ với khoảng cách 10 trồng một cây bóng mát thì cũng ta có thể sử dụng khoảng 5 – 7m cho đỗ xe máy giữa các gốc cây và bồn cỏ. Việc trồng cây đô thị cũng có những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, cùng các giải pháp hạ tầng xanh cho đường phố phải được trình bày riêng trong một bài viết khác. Nhưng cũng có thể xem xét việc kết hợp gốc cây với bệ, ghế ngồi nghỉ, vừa tiết kiệm diện tích vừa tạo cơ hội dừng chân dưới bóng mát cho người đi bộ.
– Phần đi bộ: Ðây là không gian dành cho lưu thông đi bộ, cần được đảm bảo thông suốt, không có chướng ngại vật, không bị vướng víu và lấn chiếm bởi các hoạt động khác. Phần đi bộ này phải có bề rộng tối thiểu 2m để hai người có thể song hành hoặc hai người đi bộ ngược chiều không bị và chạm vào nhau. Tất nhiên, nhiều vỉa hè hiện hữu cũng đảm bảo được tiêu chuẩn này. Quan trọng nhất đối với phần đi bộ phải đảm bảo bằng phẳng, thông suốt, liên tục và an toàn. Với những phố chính phần đi bộ có thể thật rộng rãi, lên đến 5m hay 10m, tạo thành các trục phố đi bộ hấp dẫn.
Trên phần đi bộ cần bố trí vệt sần dành cho người khiếm thị, và phải đảm bảo thông suốt liên tục, và được xử lý độ dốc ở các ngã tư sao cho việc đi lại được dễ dàng, ngay cả khi qua các ngã ba, ngã tư, và đối với cả người đi xe lăn.
– Phần mặt tiền: Là khoảng không gian đệm cho sự tiếp giáp giữa vỉa hè và công trình. Phần không gian này rất quan trọng, đảm nhiệm những chức năng như: bố trí bậc cấp vào nhà, ram dốc cho xe (trong điều kiện Việt Nam rất khó loại bỏ vì người dân thường đỗ xe máy ô tô thằng vào trong nhà), bố trí các phần thương mại dịch vụ tràn từ trong cửa hàng ra vỉa hè, bố trí mái hiên che mưa che nắng v.v… Phần này rất thú vị và lôi cuốn người đi bộ dừng lại xem hàng, mua sắm hoặc bước vào của hàng. Phần mặt tiền rộng hẹp tùy điều kiện nhưng tối thiểu từ 0.5m trở lên. Nếu không thiết kế phần này ngay từ đầu thì trên thực tế phần này sẽ tràn sang phần đi bộ. Việc tính đến phần này và thiết kế phần này thật tốt sẽ nâng cao vượt bậc chất lượng không gian vỉa hè. Các hoạt động dịch vụ như sạp báo, quầy hoa, quán trà chanh, vài cái ghế uống bia, café, nếu được bố trí trật tự sẽ mang lại sức sống cho đường phố.
Khi có cơ hội thiết kế mời các đường phố, thì vỉa hè cần thiết kế có mặt cắt đảm bảo bố trí đủ cả 4 thành phần cấu thành phần nổi của vỉa hè như trên. Mặt cắt ngang vỉa hè điển hình có thể rộng từ 5m – 10m. Tuy vậy, không có nghĩa chúng ta sẽ áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn này cho mọi vỉa hè.
Trong đô thị, luôn có sự bố trí quy hoạch các phố chính, phố phụ, ngõ. Điều quan trọng đầu tiên là phải nắm được, xác định được vị trí, tính chất cơ bản của phố, tuyến nào là chính, tuyến nào là phố phụ để thiết kế phù hợp; Vì ngoài việc đảm nhận lưu lượng giao thông lớn, phố lớn còn là các tuyến có dịch vụ thương mại đậm đặc, đòi hỏi vỉa hè càng rộng rãi càng tốt. Phố phụ thì vỉa hè có thể hẹp hơn, nhưng để đảm bảo việc sử dụng tiện lợi, vẫn cần nghiên cứu nắm bắt đầy đủ các nhu cầu dọc theo và hai bên vỉa hè của xã hội để áp dụng chỉ tiêu cho phù hợp.
Hệ thống hạ tầng ngầm cần được bố trí vào cống kỹ thuật chôn dưới mép lòng đường hoặc dưới phần đi bộ của vỉa hè. Nên bố trí ngầm hóa ngay từ đầu vào đưa vào những cống bê tông lớn, có thể tiếp cận để sửa chữa dễ dàng.
Vỉa hè tốt cần đạt được những tiêu chí cơ bản như sau:
– Tiếp cận: có thể tiếp cận dễ dàng đối với mọi đối tượng, kể cả người tàn tật.
– Đủ rộng: trong hầu hết các trường hợp, vỉa hè phải đủ rộng để 2 người đi bộ cùng nhau vẫn còn chỗ cho người thứ 3 đi ngược chiều; vỉa hè phải đủ rộng để có thể đi bộ với mọi tốc độ.
– An toàn: không có chướng ngại, vật gây ngã, vấp, an toàn khỏi các phương tiện cơ giới.
– Liên tục: có thể đi liên tục, không phải đi xuống lòng đường, leo cầu thang,….
– Thiết kế cảnh quan: tạo môi trường vi khí hậu thuận lợi: bóng mát, gió, cảnh thụ thị giác.
– Không gian xã hội: là nơi mọi người tương tác, có thể dừng lại, ngồi xuống, hoặc đi vào; là nơi trẻ con có thể tham gia vào đời sống công cộng đô thị một cách an toàn.
– Nơi chốn có chất lượng: củng cố ấn tượng tốt đẹp về khu vực, tăng niềm tự hào của dân cư, thúc đẩy kinh doanh, tạo ra bản sắc của khu vực.
LỜI KẾT
Đã có quá nhiều cơ hội đã bị bỏ qua để tạo ra các đường phố tuyệt vời cho các thành phố của Việt Nam khi những năm qua chúng ta được chứng kiến sự bùng nổ của phát triển và mở rộng các đô thị trên toàn quốc. Đã không có nhiều những con phố tuyệt vời. Vỉa hè những khu đô thị mới chỉ mới hơn chứ chưa hề đẹp hơn, tiện nghi hơn, khai thác hiệu quả hơn, và an toàn hơn những vỉa hè cũ. Nhận thức về tầm quan trọng của VỈA HÈ cũng chưa thật đầy đủ, các tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế cũ kỹ, cách tiếp cận thiết kế theo lối mòn và xa rời thực tế, đồng thời thiếu vắng các hình mẫu tốt là một phần trong các nguyên nhân của tình trạng trên.
Tuy nhiên, sẽ không là quá muộn nếu cùng nhìn nhận lại, thay đổi tư duy thiết kế và quản lý, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa các con phố tuyệt vời và những VỈA HÈ hấp dẫn./.

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 200 – 2016

Pháp lý xây dựng

Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội - bảo tồn và phát huy giá trị

Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông hồ dày đặc. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan đặc trưng của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên này; trong đó cấu trúc của các dòng sông trong nội đô đóng vai xương sống cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội (sông Hồng - phía Đông, sông Tô Lịch - phía Bắc và phía Tây và sông Sét - phía Nam).

Hà Nội có rừng... và rừng sẽ lên xanh

(KTVN 252) Việc quy hoạch tạo nên một hệ thống “Không gian xanh” - lá phổi xanh cho đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá, biến đổi khí hậu trên thế giới trong đó có Việt Nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững. Công viên, vườn hoa... được hiểu đều nằm trong hệ thống “” đô thị. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều có mối quan hệ biện chứng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh và đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục của đô thị. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt trong xây dựng biểu tượng, thương hiệu của từng đô thị khi yếu tố cạnh tranh mang tính toàn cầu đang rất cao.

Hồ Tây - Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội

(KTVN 252) Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trong nội đô được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, như một phần ruột thịt của sông Cái (sông Hồng) được cắt ra. Từ ngàn đời nay, Hồ Tây với người Hà Nội vẫn luôn là những huyền tích bước ra từ cuốn sách giáo khoa, hoặc đọng lại trong tiếng mẹ ru, hoặc vương vấn trong những vần thơ và câu hát. Hồ Tây với người Hà Nội hôm nay là một ví dụ minh họa điển hình trong lý thuyết về không gian nơi chốn, nơi để hoài niệm và tìm về, nơi ký ức luôn được cảm nhận, thẩm thấu bằng nhìn, bằng nghe, bằng nếm, chạm được vào và cả bằng hơi thở. 

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội - Những chặng đường sáng tác

(KTVN 252) Công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, mở rộng Thủ đô được đặt ra từ ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (từ năm 1954 đến nay) đã trải qua 70 năm dưới chính quyền cách mạng. Nhìn lại hình thức kiến trúc trong bối cảnh Hà Nội từ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đến thời kỳ Đổi mới và phát triển hiện nay, để thấy hơn tính xã hội của kiến trúc qua những chặng đường sáng tác của KTS. Theo đó, những hoạt động kiến trúc đã góp phần thể hiện sự năng động và sức sống nội tại của một đô thị có lịch sử nghìn năm với một quá khứ chồng xếp nhiều tầng văn hóa. 

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi