Đồng Nai: Đề xuất lấy nguồn đất dư từ sân bay Long Thành chuyển phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đồng Nai: Đề xuất lấy nguồn đất dư từ sân bay Long Thành chuyển phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

(Vietnamarchi) - Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nguồn đất đắp từ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
10:24, 06/03/2024

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay địa phương đã cơ bản hoàn thành giải phóng, bàn giao mặt bằng khu vực 5 ngàn ha xây dựng sân bay Long Thành với 2.532 ha (gồm 1.810 ha xây dựng sân bay và 722 ha dự trữ đất dôi dư) cho Cảng vụ Hàng không miền Nam và các chủ đầu tư để thi công các công trình thuộc dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

Phần diện tích giai đoạn 2 sân bay Long Thành do chưa có chủ đầu tư nên đang giao cho tỉnh quản lý, bao gồm nhiều khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch nhà ga T3 với diện tích gần 190 ha.

Cũng theo tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) chỉ thi công san nền tại khu vực 1.810 ha xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, không thực hiện tại khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 thuộc phạm vi giai đoạn 2 (do nằm ngoài Dự án đã được phê duyệt). Điều này dẫn đến chênh lệch độ cao giữa 2 khu vực (khu vực xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2) là rất lớn, từ 8 m – 10 m.

Ngoài ra, khu vực quy hoạch nhà ga T3 nằm song song với đường băng số 1, sân bay Long Thành giai đoạn 1, cần thiết phải hạ cao độ để không ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay.

UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc sử dụng nguồn vật liệu từ vị trí này sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về đất đắp cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do việc khai thác đất từ khu vực 187 ha nêu trên thuận tiện trong việc vận chuyển đến công trường đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với cự ly ngắn khoảng 7 km theo tuyến đường kết nối T1 vào Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang hình thành.

Xe vận chuyển đất có thể di chuyển trên tuyến T1 (đường kết nối sân bay Long Thành), không đi trên các tuyến đường dân sinh, điều này giúp giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường, không làm tăng áp lực giao thông lên Quốc lộ 51, giảm giá thành xây dựng.

Khu vực 187 ha nằm trong giai đoạn 2 của dự án sân bay Long Thành do Trung ương bố trí vốn thực hiện giải phóng mặt bằng, hiện đang giao cho UBND tỉnh Đồng Nai quản lý nên không phải thực hiện các thủ tục về đất đai.

Căn cứ các yếu tố pháp lý, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành (giai đoạn 2), tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ trực tiếp giao các nhà thầu thực hiện khai thác, vận chuyến đất đắp từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 để phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai theo đúng quy định.

Tỉnh sẽ có trách nhiệm tính toán và thu đầy đủ tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, thuế tài nguyên để nộp vào ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, nhu cầu đất đắp phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần hơn 5 triệu m3. UBND tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý dự án 85 đã quy hoạch một số vị trí để khai thác cung cấp. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép khai thác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; khu vực quy hoạch ở xa công trường dự án; chất lượng đất tại đây cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn làm cao tốc. Trong khi, nguồn đất thương mại rất khan hiếm.

Liên quan đến nội dung này, tại Thông báo số 70/TB- VPCP ngày 28/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm khẩn trương xác định đủ nguồn vật liệu đắp cho các dự án và sớm hoàn thiện thủ tục để giao các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ.

Đối với kiến nghị sử dụng đất tại một phần khu vực quy hoạch nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 2), tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền để kịp thời cung cấp cho Dự án. Đồng thời, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai, kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng, cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Pháp lý xây dựng

Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng rộng 20.000ha

Ngày 4/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, với tổng diện tích 20.000 ha.

Sự hòa nhập bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc

Khai thác các yếu tố bản địa vào quy hoạch và kiến trúc không phải một xu hướng nhất thời, mà là một phần tất yếu trong quá trình tư duy thiết kế; nên thời nào cũng có, chỉ những phương thức biểu đạt, truyền tải là khác nhau do quan niệm, tư tưởng thiết kế từng thời không giống nhau.

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để Quy hoạch vùng Tây Nguyên tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nông thôn ở Bắc Giang - Cở sở vững chắc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề quy hoạch đóng vai trò then chốt, có tác động đến cơ sở vật chất kỹ thuật, diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân địa phương.

Giá trị cảnh quan kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc bộ

Theo ghi chép của chính sử, ngay từ năm 1533, Công giáo đã vào đồng bằng Bắc Bộ và vùng đất Quần Anh (Nam Định) là nơi đầu tiên Công giáo có mặt, rồi từ đó lan tỏa ra nhiều làng quê Việt, kéo theo đó là hàng loạt nhà thờ lần lượt được xây dựng lên. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây thì cũng có nhiều nhà thờ đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Tây (ở lớp vỏ bên ngoài) với phong cách kiến trúc cổ truyền (ở bộ khung gỗ bên trong công trình). Niên đại hiện còn của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền cơ bản là khoảng cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Sự hiện diện của những nhà thờ như vậy cũng đã góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt nói chung, làm phong phú kiến trúc truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi