Đô thị Bắc Giang mở rộng là trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô

Đô thị Bắc Giang mở rộng là trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô

(Vietnamarchi) - Đô thị Bắc Giang được xác định là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
08:18, 29/11/2023

Ngày 28/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Ông Đặng Đình Hoan – Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang cùng đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng.

Toàn cảnh hội nghị.

Đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng và liên vùng

Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP. Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (đô thị Bắc Giang).

Cụ thể, phía Đông giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Sông Cầu); phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên.

Diện tích lập quy hoạch khoảng 25.830 ha, trong đó TP. Bắc Giang: 6.656 ha, huyện Yên Dũng: 19.174 ha.Các giai đoạn thực hiện quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

Về tính chất, đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đô thị Bắc Giang là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh) với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghỉ dưỡng, có sức lan tỏa mạnh, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang sẽ có khoảng 472.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 370.000 người, chiếm 78,39% tổng dân số. Đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 596.000 người, chiếm 89,49% tổng dân số.

Đến năm 2030, đất dân dụng có khoảng 4.100 ha, đạt bình quân khoảng 100 m2/người. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 5.960 ha, đạt bình quân khoảng 100 m2/người.

Phát triển theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm

Theo dự thảo, đô thị Bắc Giang phát triển theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm, theo nét đặc trưng riêng của từng khu vực, với nhiều trung tâm khác nhau, có tính chất độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau, mỗi trung tâm đều có tiêu chí của đô thị nén và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng.

Đô thị có tính liên kết giữa không gian TP. Bắc Giang hiện hữu và khu vực huyện Yên Dũng mở rộng, với mục tiêu xây dựng TP. Bắc Giang trở thành đô thị loại I. Mô hình cấu trúc đô thị được phân bố thành 3 trung tâm bao gồm: Khu vực lõi TP. Bắc Giang hiện hữu; khu vực thị trấn Tân An; và khu vực thị trấn Nham Biền.

Không gian đô thị Bắc Giang định hướng phát triển theo mô hình 3 cực phát triển đô thị và các trung tâm kết nối thông qua 3 hành lang giao thông là các tuyến đường vành đai. Các trung tâm đô thị phát triển dựa trên cấu trúc khung tự nhiên với trái tim là núi Nham Biền và dòng sông Thương.

Phát triển đô thị Bắc Giang theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm.

Toàn đô thị Bắc Giang (TP. Bắc Giang, huyện Yên Dũng) có 34 đơn vị hành chính với diện tích 25.830 ha.

Trong đó: Khu vực nội thị hiện trạng có 10 phường. Diện tích: 2.174 ha, chiếm 8,42%. Đến năm 2030, định hướng thêm 14 đơn vị hành chính lên phường nội thị, nâng lên tổng 24 phường nội thị. Diện tích: 14.464,87 ha, chiếm 56%. Đến năm 2045, dự kiến thêm 3 đơn vị hành chính lên phường nội thị, nâng lên tổng 27 phường nội thị. Diện tích: 18.450,62 ha, chiếm 71,43%.

Khu vực ngoại thị: Đến năm 2030, các xã ngoại thị còn 10 đơn vị hành chính. Diện tích: 11.364,96 ha, chiếm 44%. Đến năm 2045, các xã ngoại thị còn 7 đơn vị hành chính. Diện tích: 7.378,72 ha, chiếm 28,57%.

Cần định hình rõ không gian đặc trưng đô thị

Theo ý kiến của Thường trực Hội đồng nghiệm thu, đây là một đồ án quy hoạch được thực hiện công phu, nghiêm túc.

Một số nội dung Hội đồng lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn hoàn thiện, như làm rõ tính kế thừa và tuân thủ các nội dung đã được xác lập ở các đồ án quy hoạch cấp trên, các vấn đề về công nghiệp, du lịch, logistics…; lưu ý vấn đề tăng dân số cơ học trong dự báo và chỉ tiêu dân số; luận cứ tính đặc thù của chỉ tiêu áp dụng về đất dân dụng; đất cây xanh, đất dịch vụ công cộng, đất trường học và đất giao thông đô thị khi dự thảo đưa ra dự báo giảm, cần tính toán lại xem các chỉ tiêu này liệu đã thể hiện được tính chất, quan điểm phát triển của đô thị Bắc Giang trong tương lai hay chưa.

Việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất, Hội đồng đề nghị làm rõ thẩm quyền, quy định về việc chuyển đổi…; các chỉ tiêu áp dụng cho đầu người, như cây xanh, cần phù hợp với quy định; các chỉ tiêu khác liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, cần làm rõ hơn các tiêu chuẩn áp dụng, theo trong nước hay quốc tế.

Bên cạnh đó, vấn đề định hướng kiến trúc liên quan đến không gian đặc trưng đô thị, cần định hình rõ hơn, hài hòa giữa đô thị hiện đại gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ, văn hóa lịch sử, tạo tiền đề xây dựng quy chế quản lý kiến trúc về sau.

Việc chuyển dịch các khu dân cư nông thôn, cần làm rõ việc chuyển dịch đất nông thôn và hình thái nông thôn sang đô thị; bổ sung nội dung định hướng không gian ngầm cho đô thị loại I; cần gợi mở thiết kế đô thị khu vực núi Nham Biền, sông Thương để tạo đặc trưng cho đô thị…

Thành viên Hội đồng cũng đóng góp thêm một số ý kiến để hoàn thiện đồ án, như gợi mở về mô hình phù hợp cho trung tâm trung chuyển tiếp vận (logistics); xây dựng hệ thống đường sắt nội vùng, hướng tuyến giao thông, bãi đỗ xe; bố trí đất nghĩa trang, di dời nghĩa trang ra khỏi khu vực trung tâm, bổ sung cơ sở hoả táng; tính toán cao độ nền và nguồn cấp nước phù hợp; bố trí hành lang xanh dọc hai bên bờ sông Thương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng.

Thay mặt UBND tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Lê Ô Pích và đại diện TP. Bắc Giang đã giải trình cụ thể các nội dung mà Hội đồng thẩm định quan tâm như việc sáp nhập đơn vị hành chính; phân loại đô thị; đất rừng phòng hộ. Theo đó TP. Bắc Giang sẽ sáp nhập 2 đơn vị phường, xuống còn 14 đơn vị hành chính (8 phường và 6 xã), trong đó 6 xã đã thực hiện đánh giá và đủ điều kiện lên phường,…

Đối với huyện Yên Dũng, sau khi thực hiệp sáp nhập hai đơn vị là Lão Hộ và Tân An thành thị trấn Tân An, như vậy đến năm 2024, Yên Dũng sẽ có 2 phường, 15 xã còn lại thì sẽ có 5 xã lên phường, sau khi sáp nhập sẽ có 21 phường trên tổng số 31 đơn vị hành chính, đạt 67,7%.

Đối với phân loại đô thị, hiện trạng TP. Bắc Giang đang thực hiện phân loại đô thị, theo chấm điểm thì TP. Bắc Giang hiện còn thiếu 2 tiêu chí của đô thị loại I là dân số và diện tích, sau khi thực hiện sáp nhập Yên Dũng thì tiệm cận tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang Đặng Đình Hoan giải trình thêm một số nội dung.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao đồ án, khi đã đáp ứng được cả về tiến độ và chất lượng; có nhiều điểm mới, kết hợp lý luận với thực tiễn.

Bên cạnh các mục tiêu là triển khai quy hoạch tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, phấn đấu lên đô thị loại I thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đồ án, theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, là mở rộng không gian phát triển cho đô thị Bắc Giang hiện hữu, do đó cần rà soát và hoàn thiện lại để làm nổi bật nội dung này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý địa phương và tư vấn nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định; rà soát các căn cứ chính trị, pháp lý liên quan; đồng thời thực hiện việc đánh giá lại mối quan hệ với TP. Hà Nội trong mối quan hệ vùng; rà soát, đánh giá thực hiện trên 3 góc độ quy hoạch, dự án, đất đai… Vấn đề dự báo dân số cần đảm bảo tính logic; chỉ tiêu đất dân dụng phải đảm bảo quy chuẩn, các đất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng phải đảm bảo các yêu cầu này; đồng thời rà soát lại tính pháp lý của việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu kết luận hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, việc tính toán phương án mở rộng địa giới hành chính cần đảm bảo các yêu cầu đề ra và đảm bảo tính khả thi; chú ý việc sắp xếp nội thị, ngoại thị; đề xuất được mô hình kiến trúc phù hợp với cảnh quan, đặc thù địa phương; việc phân chia các khu, cần làm nổi bật được từng khu, làm sâu sắc thêm phần nông thôn từ việc phân chia đến các điểm đặc thù…

Về định hướng giao thông, kết cấu hạ tầng, Thứ trưởng lưu ý cần chú ý hệ thống đường bộ, đường sắt, nhất là tăng cường kết nối TP. Bắc Giang hiện hữu với phần mở rộng; và kết nối với Thủ đô Hà Nội. Một số vấn đề khác về hạ tầng, nhất là không gian ngầm cũng cần có đề xuất phù hợp với mô hình đô thị loại I; đồng thời có các giải pháp quy hoạch đảm bảo yêu cầu về môi trường gắn với phát triển các khu công nghiệp, cũng như có lộ trình di dời các khu công nghiệp trong nội thị; cụ thể hoá các nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Pháp lý xây dựng

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để Quy hoạch vùng Tây Nguyên tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nông thôn ở Bắc Giang - Cở sở vững chắc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề quy hoạch đóng vai trò then chốt, có tác động đến cơ sở vật chất kỹ thuật, diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân địa phương.

Giá trị cảnh quan kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc bộ

Theo ghi chép của chính sử, ngay từ năm 1533, Công giáo đã vào đồng bằng Bắc Bộ và vùng đất Quần Anh (Nam Định) là nơi đầu tiên Công giáo có mặt, rồi từ đó lan tỏa ra nhiều làng quê Việt, kéo theo đó là hàng loạt nhà thờ lần lượt được xây dựng lên. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây thì cũng có nhiều nhà thờ đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Tây (ở lớp vỏ bên ngoài) với phong cách kiến trúc cổ truyền (ở bộ khung gỗ bên trong công trình). Niên đại hiện còn của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền cơ bản là khoảng cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Sự hiện diện của những nhà thờ như vậy cũng đã góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt nói chung, làm phong phú kiến trúc truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 28/10/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Hà Nội sẽ có “công trình thế kỷ” chào mừng 80 năm Quốc khánh 2/9

Tập đoàn Vingroup cho biết sẽ hoàn thành Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trong thời gian kỷ lục - chỉ hơn 10 tháng kể từ khi khởi công - để Thủ đô có thêm công trình điểm nhấn tầm vóc quốc tế chào mừng 80 năm Quốc khánh 02/9/2025. Cùng với đó, khu Đông Bắc Hà Nội cũng sẽ đón thêm cú hích “khủng” về hạ tầng khi cầu Tứ Liên vừa được doanh nghiệp này đề xuất tham gia đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi