Điểm tên 11 công trình ấn tượng tại Việt Nam đạt giải kiến trúc thế giới
Architecture MasterPrize (AMP) được biết đến là giải thưởng kiến trúc quốc tế, nằm trong hệ thống các giải thưởng lớn về thiết kế, kiến trúc và nhiếp ảnh trên tòa cầu. AMP được tạo ra để đề cao và quảng bá thiết kế kiến trúc chất lượng trên toàn thế giới. Giải thưởng tôn vinh sự sáng tạo và đổi mới trong kiến trúc, thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan, thiết kế sản phẩm kiến trúc và nhiếp ảnh kiến trúc. Đồng thời, vinh danh những người có tầm nhìn với mong muốn định hình lại thế giới thông qua sự sáng tạo, tính bền vững cũng như các phương pháp thiết kế và kiến trúc đổi mới.
Đến nay giải thưởng đã được triển khai lần thứ 8, thu hút bài dự thi từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kỷ niệm 8 năm thành lập, Giải thưởng AMP 2023 tiếp tục tôn vinh và ghi nhận những dự án đặc biệt không chỉ thể hiện sự xuất sắc về kiến trúc và thiết kế mà còn đóng góp đáng kể cho sự bền vững của môi trường và hạnh phúc của con người. Trong đó các tác phẩm của Việt Nam không chỉ tranh tài mà còn chiến thắng ở nhiều hạng mục, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong lịch sử kiến trúc đất nước.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa của Bát Tràng - làng gốm truyến thống đã tồn tại hơn 5 thế kỷ của Việt Nam, Bát Tràng House của VTN Architects là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa địa phương và cuộc sống hiện đại. Toàn bộ mặt tiền của thiết kế được làm hoàn toàn bằng gạch men. Qua đó, thể hiện văn hóa làm gốm sứ độc đáo của người dân địa phương. Những viên gạch được sắp xếp để tạo ra một mô hình nhịp nhàng, cho phép thông gió tự nhiên và lọc ánh sáng, làm cho tòa nhà thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nhờ kết hợp sử dụng vật liệu tái tạo, tái sử dụng nước mưa và năng lượng mặt trời, công trình cũng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Bát Tràng House là minh chứng cho cam kết của Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đối với cuộc sống bền vững và hòa nhập với thiên nhiên. Thông qua dự án, người cư ngụ sẽ được trải nghiệm sự trong lành của cây xanh và vẻ đẹp của giếng trời trong cuộc sống hàng ngày.
Đạt giải ở hạng mục "kiến trúc nhà ở", công trình The Hien - Winhouse Architecture & Construction tọa lạc tại khu vực ngoại ô mới phát triển của thành phố Đà Nẵng được thiết kế xoay quanh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Lấy cảm hứng từ nghề thủ công truyền thống được truyền lại từ nhiều thế hệ, các kiến trúc sư đã chọn gỗ làm vật liệu chính cho dự án. Ngoài ra, công trình dụng chủ yếu là gỗ tái chế, hạn chế sơn PU hóa học, nên có chi phí thấp, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Các không gian xanh được kết hợp liền mạch với các khu vực sinh sống, tạo nên sự kết nối liền mạch giữa thiên nhiên và hoạt động thường. Bên cạnh đó, để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của miền Trung, mái hiên nhà, cây xanh và vườn rau được bố trí xen kẽ tại công trình. Như vậy, thông qua những lựa chọn thiết kế kỹ càng, các vật liệu thân thiện với môi trường và sự tự hào, tôn trọng đối với nghề chế biến gỗ truyền thống, The Hien - Winhouse Architecture & Construction đã trở thành minh chứng vượt thời gian cho những giá trị gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và truyền cảm hứng cho tương lai.
Nằm ở cuối một con hẻm nhỏ tại thành phố Huế, công trình Labri của nhóm thiết kế tại Nguyễn Khải Architects & Associates đã đạt giải ở hạng mục "kiến trúc nhà ở". Công trình giúp ta liên tưởng đến một không gian ẩn giấu đã bị thất lạc theo thời gian. Ngôi nhà có kết cấu gồm bốn khối, mỗi khối được bao bọc bởi ba lớp gồm: Bê tông, dây leo và kính. Tổ hợp này tạo ra một mặt tiền hoạt động như một nhà kính, những dây leo được bao bọc trong kính và mở ra đón ánh sáng mặt trời. Đây là nơi trú ẩn sống động giúp mời gọi một hệ sinh thái mới gồm các loài chim và bướm, bên cạnh đó, dây leo cũng giúp lọc ánh nắng mặt trời và làm trong lành không khí.
Trung tâm giáo dục đào tạo Viettel
Trung tâm giáo dục đào tạo Viettel - VTN Architects đạt giải trong hạng mục "công trình giáo dục". Công trình nằm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với mục đích tạo ra một không gian yên tĩnh, thanh bình để các học viên tập trung vào việc học, tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thành thị. Được xây dựng từ gạch đỏ có nguồn gốc địa phương, Trung tâm giáo dục đào tạo Viettel thiết kế như một khu rừng giữa đô thị với 12 khối nhà xen kẽ giữa những khu vườn xanh, liên kết bằng hệ thống mái lớn. Những hành lang mở và cây xanh giúp cung cấp nhiều lớp bóng mát, giảm lượng bức xạ mặt trời và tiếng ồn ảnh hưởng đến công trình. Hệ thống nước ở trung tâm còn có khả năng làm mát cho tòa nhà. Sự kết hợp giữa mặt tiền gạch đỏ với không gian xanh này giúp mang đến bầu không khí hài hòa với thiên nhiên.
Đạt giải ở hạng mục "công trình cải tạo", công trình 215D7 - 23o5 Studio tại Thành phố Hồ Chí Minh là ngôi nhà được cải tạo từ biệt thự cũ, sắp xếp lại công năng theo yêu cầu của gia chủ, mở rộng các không gian chung. Việc cải tạo với cấu trúc mới đã giúp căn nhà trở nên gắn kết và liền mạch hơn. Tầng một căn nhà là khu vực sinh hoạt chung, sân vườn, hồ bơi. Tầng hai là các phòng ngủ, tầng ba với không gian rộng rãi dành cho các hoạt động giải trí, thư giãn.
Công trình 140THL - 23o5 Studio đạt giải ở hạng mục "kiến trúc nhà ở". Ngôi nhà nằm ở một con phố sầm uất tại Thành phố Hồ Chí Minh, xung quanh là những dãy nhà nối tiếp nhau. Để tạo cảm giác riêng tư và yên tĩnh, nhóm thiết kế đã bố trí một khu vườn phía trước, kết hợp với các cửa sổ lớn, tạo ra một "bức màn tự nhiên, tràn ngập ánh sáng và cây xanh, khai thác luồng gió và thúc đẩy sự hòa nhập hài hòa với môi trường tự nhiên. Không gian bên trong công trình được ngăn cách với lớp vỏ xốp bên ngoài, tạo ra các vùng bóng mờ gián tiếp điều chỉnh nhiệt độ bên trong không gian, đồng thời đóng vai trò là rào cản chống lại sự xâm nhập của bụi và tiếng ồn bên ngoài vào cấu trúc. Việc sử dụng kính dày, nhiều lớp nhằm mang lại sự ổn định nhiệt và giảm mức độ tiếng ồn đô thị, nâng cao khả năng thư giãn trong một môi trường thanh bình và yên tĩnh.
Grand World Phu Quoc Welcome Center
Là một công trình kiến trúc tre độc đáo thể hiện văn hóa Việt Nam, Grand World Phú Quốc - VTN Architects là công trình được xướng tên ở hạng mục "kiến trúc khách sạn". Đây là công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng và chỉ sử dụng vật liệu bền vững với 42.000 thân cây tre. Trong đó, hoa sen và trống đồng - hai biểu tượng truyền thống của Việt Nam cũng được điêu khắc vào các lớp lưới tre dày đặc này. Phía trên được thiết kế giếng trời để đón ánh sáng tự nhiên vào không gian bên trong. Vì vậy, dù cấu trúc phức tạp với các lớp đan xen dày đặc, nhưng không gian vẫn thông thoáng.
Trường Nà Khoang - 1+1>2 tại Sơn La, hạng mục "công trình giáo dục". Công trình lấy cảm hứng từ điệu múa truyền thống của dân tộc Thái, thể hiện tinh thần đoàn kết và chia sẻ. Ngôi trường được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên: Gạch không nung tận dụng đất tại chỗ, chất thải xây dựng và đá được người dân địa phương thu thập từ các con suối gần đó. Các bức tường được xây dựng từ nhiều vật liệu khác nhau, có màu sắc và hoa văn lấy cảm hứng từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Viettel Offsite Studio
Viettel Offsite Studio - VTN Architects tại Hà Nội, hạng mục "công trình giáo dục". Tòa nhà cao hơn 30 m, làm bằng những bức tường bê tông xếp thành góc chữ V được bố trí tự do theo mặt bằng và được nối với nhau bằng hành lang mở. Những khối nhà này có bề mặt không gian hình tam giác: hai mặt khép kín, mặt còn lại mở hướng ra hồ nước và cây xanh. Một loạt các khu vườn nhỏ trên mái xen kẽ giữa các khối nhà cùng những bức tường bê tông cao, dày 450 mm với khẩu độ hình vuông, tạo nên nét hấp dẫn cho dự án. Sự hùng vĩ của những bức tường cho phép cắt ánh sáng mặt trời mạnh và gay gắt từ phía Đông và phía Tây, đồng thời đảm bảo ánh sáng và thông gió đến mọi góc của công trình. Theo đó, Viettel Offsite Studio được thiết kế mở và chú trọng tính kết nối, giúp không gian làm việc và hội họp trở nên giao hòa, gần gũi thiên nhiên.
Đạt giải ở hạng mục "kiến trúc di sản", công trình The Core - AD+studio tại Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc trong hẻm Hào Sỹ Phường ở quận 5 - một khu phố nhỏ được xây dựng đã 100 năm, vào thời kỳ các thương gia người Hoa thiết lập hàng loạt shophouse ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Kết cấu công trình gồm các khối nhà hai tầng được bố trí xung quanh một sân chung. Ngoài ra, mỗi khối nhà trên - dưới đều có chung một giếng trời. Đây là giải pháp lấy sáng và thông gió tự nhiên cho mặt bằng tầng dài và hẹp của một khu nhà tập thể cũ.
Bảo tàng lịch sử đô thị Sài Gòn Chợ Lớn
Bảo tàng lịch sử đô thị Sài Gòn Chợ Lớn - Đại học HUTECH và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đạt giải ở hạng mục "kiến trúc văn hóa". Công trình tái hiện và lưu giữ lại giá trị lịch sử và văn hóa về đô thị sầm uất bậc nhất tại Việt Nam bằng lối thiết kế độc đáo của "thành phố đôi" - vừa hiện đại với nhiều tiện ích công nghệ, vừa mang dấu ấn hoài cổ về lịch sử. Qua việc tìm kiếm chất liệu sáng tác kiến trúc từ lịch sử văn hoá, Bảo tàng lịch sử đô thị Sài Gòn Chợ Lớn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản truyền thống của Việt Nam.
Có thể nói, những giải thưởng trên không chỉ tôn vinh những công trình kiến trúc của hiện tại mà còn đặt ra nền móng để phát triển kiến trúc tương lai. Theo Ayesha Mumtaz, với mỗi dự án, các kiến trúc sư Việt Nam đang tạo ra một câu chuyện nói lên sự cống hiến của đất nước cho sự phát triển và đổi mới bền vững. Khi những tòa nhà này đứng vững trên trường quốc tế, chúng tượng trưng cho một tương lai nơi kiến trúc không chỉ phục vụ nhu cầu chức năng mà còn giải quyết các mối quan tâm về môi trường và bảo tồn văn hóa, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong cộng đồng kiến trúc toàn cầu.
Ý kiến của bạn